Ảnh minh họa
Minh giải địa chấn địa tầng
Minh giải địa chấn địa tầng là quá trình minh giải trường sóng địa chấn để xác định đặc điểm địa tầng như tính phẫn lớp, điều kiện lắng đọng trầm tích, biến đổi tướng... nhằm giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu địa tầng trầm tích, lịch sử phát triển địa chất đặc biệt là trong lĩnh vực địa tầng phân tập.
Để giải quyết các nhiệm vụ trong lĩnh vực địa tầng cần sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, tuy nhiên phương pháp địa chấn cho phép liên kết tài liệu trên phạm vi rộng và là cơ sở để phát triển các quan điểm về địa tầng phân tập. Chính vì vai trò của địa chấn trong địa tầng phân tập nên hiện nay xuất hiện thuật ngữ “Địa chấn - địa tầng - phân tập" (Seismic Sequence Stratigraphy). Để nâng cao hiệu quả minh giải địa chấn địa tầng cần phải có sự kiểm định, đối sánh với tài liệu địa chất, đặc biệt là tài liệu giếng khoan (phân tích mẫu lõi, hóa thạch cổ sinh, địa vật lý giếng khoan...).
Với những đòi hỏi ngày càng cao trong lĩnh vực dầu khí như thăm dò tỉ mỉ các vùng có triển vọng, tìm kiếm các loại bẫy phi truyền thống, phát các bẫy vùng biển nước sâu, xác định định lượng đặc điểm các vỉa chứa... việc áp dụng có hiệu quả địa chấn địa tầng để giải quyết các nhiệm vụ địa tầng phân tập là rất cần thiết...
Địa tầng phân tập
Địa tầng phân tập (Sequence Stratigraphy) cho phép nghiên cứu địa tầng trong tiến trình phát triển địa chất theo thời gian, xác định mối quan hệ giữa chu kỳ trầm tích với các yếu tố tác động khách quan như nguồn vật liệu, sự thay đổi khí hậu, mực nước biển, các hoạt động kiến tạo.
Các yếu tố của địa tầng phân tập thể hiện qua quá trình nâng hạ mực nước biển. Tập trầm tích (Sequences) liên quan đến một chu kỳ đầy đủ quá trình biển tiến và biển lùi. Hệ thống trầm tích (System tracts) liên quan đến các giai đoạn biển tiến, biển lùi trong một tập. Phân tập (Para sequences) liên quan đến các nhịp trong mỗi miền hệ thống. Các mặt ranh giới chính trong địa tầng phân tập gồm mặt bất chỉnh hợp gián đoạn trầm tích và chỉnh hợp liên kết, mặt ngập lụt cực đại, mặt biển tiến... Các mặt ranh giới này được xác định qua phân tích địa chấn địa tầng và địa vật lý giếng khoan. Khi thành lập mặt cắt thời địa tầng không chỉ xác định được thời gian gián đoạn trầm tích, vị trí và đặc điểm trầm tích mà còn có thể đối sánh với đường cong thay đổi mực nước biển để dự báo tuổi.
Trên hình 10.1 thể hiện sự so sánh phân chia các phân vị địa tầng theo thạch địa tầng và địa tầng phân tập. Với thạch địa tầng, cần phân chia các thành hệ A, B, C hoặc các tập B1, B2 theo thạch học (cát hoặc sét...). Với địa tầng phân tập, cần phân chia tập và hệ thống trầm tích theo các mặt ranh giới bất chỉnh hợp, mặt biển tiến hoặc mặt ngật lụt cực đại. Sơ đồ thể hiện quá trình phân tích địa tầng phân tập trong thăm dò dầu khí được thể hiện trên hình 10.2.
Hình 10.1 - So sánh phân chia các phân vị địa tầng theo thạch địa tầng và địa tầng phân tập
Hình 10.2 - Sơ đồ quá trình minh giải địa tầng phân tập trong thăm dò dầu khí
Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí