“Tôi đặt niềm tin mãnh liệt ở thế hệ cán bộ Công đoàn Dầu khí Việt Nam hôm nay”
03:31 |
15/09/2023
Lượt xem:
566
Trong không khí chào mừng Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028, ông Nguyễn Đức Tuấn - nguyên Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam lâm thời, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam các khóa I, II không khỏi xúc động, bồi hồi.
Những năm 90 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Đức Tuấn - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức nhân sự, đào tạo của Bộ Công nghiệp nặng, được phân công theo dõi hoạt động của ngành Dầu khí. Nhiệm vụ của ông khi ấy là tham mưu cho Bộ Công nghiệp nặng sắp xếp lại toàn bộ Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và các cơ quan, đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả của bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Trong quá trình sắp xếp, hoạt động của hai tổ chức quan trọng là Đảng và Công đoàn sẽ phát triển như thế nào để tạo nên sức mạnh nội tại, giúp Tổng công ty phát triển, khiến ông trăn trở. Thời điểm đó, ông là người xây dựng Đề án thành lập Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) và xác định đường đi cho những năm tiếp theo của tổ chức Công đoàn trong một doanh nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế.
Lãnh đạo Tập đoàn, CĐ DKVN tặng hoa tri ân các đồng chí nguyên Chủ tịch CĐ DKVN
“Khi được thành lập, Công đoàn làm gì là câu hỏi tôi thường xuyên đặt ra. Phải tìm được đường đi, nước bước, hoạt động của Công đoàn. Khi tìm ra được việc phải làm thì suy nghĩ làm thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ? Rồi chọn ai là người làm Công đoàn? Tiền đâu để làm? Đó là những câu hỏi lớn ở thời điểm đó đối với Đề án thành lập CĐ DKVN. Thành lập để Công đoàn hoạt động thực sự hiệu quả chứ không phải là “vẽ ra” cho đủ thành phần. Chỉ tính riêng việc chọn cán bộ làm công tác Công đoàn cũng phải mất gần 4 tháng trời mới quyết định được” - ông Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ.
Sau khi hoàn thành đề án, ông Tuấn thực hiện thủ tục giới thiệu nhân sự CĐ DKVN lâm thời với lãnh đạo Tổng công ty và Bộ Công nghiệp nặng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn mới xuất hiện đó là mãi không tìm được ai phù hợp để đảm đương trọng trách. Thời điểm CĐ DKVN phải thành lập và ra mắt đã đến rất gần. Cuối cùng, lãnh đạo Bộ Công nghiệp nặng giao cho ông Tuấn kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch CĐ DKVN lâm thời. Khi CĐ DKVN được thành lập, ngành Dầu khí được chia tách về Tổng công ty Dầu khí Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Tuấn được phân công về Tổng công ty theo bộ máy, kiêm nhiệm vị trí Trưởng Ban Tổ chức nhân sự đào tạo và Chủ tịch Công đoàn lâm thời. Rồi cơ duyên, ông Tuấn được người lao động tín nhiệm bầu làm Chủ tịch CĐ DKVN khóa I, rồi khóa II.
Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời CĐ DKVN. Ảnh tư liệu
Vạn sự khởi đầu nan, kinh nghiệm hoạt động công đoàn còn non trẻ, ông Tuấn cùng các thành viên Ban Chấp hành không ngừng học hỏi kinh nghiệm của các Công đoàn bạn, bàn bạc phương hướng xây dựng tổ chức CĐ DKVN sao cho phù hợp với thực tế của ngành. Điều đầu tiên là cùng nhau xây dựng Điều lệ, tổ chức hoạt động, xây dựng quan hệ phối hợp giữa Công đoàn với lãnh đạo Tổng công ty trong đó phân công trách nhiệm rõ ràng; thành lập bộ máy, xây dựng chương trình hành động. Đối với cơ cấu bộ máy cơ quan CĐ DKVN thì thành lập bao nhiêu ban là vừa, nhiệm vụ của mỗi ban phải rõ ràng, giao trách nhiệm chuyên môn cho từng cá nhân và thường xuyên kiểm tra. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn lúc đó vô cùng quan trọng, phải là người tâm huyết, có năng lực công tác tốt mới đủ sức làm công đoàn và phải có sự đào tạo thế hệ kế cận để tiếp bước được thế hệ đi trước. Với những định hướng rõ ràng ngay từ đầu, CĐ DKVN đã hình thành đường đi của mình ngày càng rõ nét, hướng tới mục tiêu thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ngày ấy, nhiệm vụ đầu tiên của ông Tuấn và CĐ DKVN là phải tham gia ổn định tổ chức và chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành, từ người đang làm việc đến số cán bộ về hưu, chuyển vùng, những người bị tác động bởi quá trình sắp xếp. Phải sắp xếp nhân sự như thế nào cho bộ máy của Tổng công ty vận hành ổn định, rồi mới đi vào việc cụ thể gồm giải quyết công ăn việc làm, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên. Thời điểm đó, ông Tuấn vừa là cán bộ phụ trách công tác tổ chức, nhân sự, đào tạo nên vừa giữ “hai vai” trong giải quyết bài toán nhân sự do khu vực phía Bắc khả năng dầu khí ít Tổng công ty phải chuyển hướng hoạt động về phía Nam. Ngày ấy, ngoài số anh em phải chuyển vùng còn có người không di chuyển vào Nam vì ngành Dầu khí không có gì hấp dẫn.
Sau khi đã ổn định bộ máy, việc làm, chăm lo đời sống cho người đang làm việc, Công đoàn quan tâm chăm lo đến những cán bộ đã nghỉ hưu. Số anh em về hưu khi đó có cả quá trình hàng chục năm vất vả, đóng góp cho Tổng công ty. Nhưng khi ngành Dầu khí còn đang mong mỏi những giọt dầu đầu tiên thì họ đã về hưu. Đời sống của họ rất khó khăn. Do vậy, ông Tuấn và Ban Chấp hành CĐ DKVN lâm thời chủ trương thành lập Ban liên lạc Dầu khí là nơi tập hợp cán bộ từng đóng góp xây dựng ngành. Để có kinh phí hoạt động cho Ban liên lạc, CĐ DKVN thành lập Quỹ tương trợ Dầu khí do các anh chị em đang làm việc đóng góp một ngày lương để chăm lo cho cán bộ về hưu, người có hoàn cảnh thực sự khó khăn ngay cả khi đang làm việc hay nghỉ hưu. Với những cách nghĩ, cách làm từ ngày đầu thành lập như thế, hoạt động CĐ DKVN dần được lãnh đạo Tổng công ty ghi nhận.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn - nguyên Chủ tịch CĐ DKVN lâm thời, khóa I và II chia sẻ tại buổi gặp mặt cán bộ CĐ DKVN các thời kỳ
Nhìn lại hành trình 32 năm hình thành và phát triển của CĐ DKVN, điều ông Tuấn hạnh phúc nhất là nhận thấy các thế hệ cán bộ công đoàn ngày càng vững vàng hơn, những định hướng từ ngày đầu thành lập đến nay được giữ vững, kế thừa và không ngừng phát triển. “Trải qua 6 kỳ đại hội, tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển vững chắc hơn. Thời kỳ của chúng tôi là mới hình thành, chập chững bước đi và bước đi đúng hướng để các thế hệ sau cũng đi đúng hướng, đúng con đường và tiến lên. Tôi chưa nhìn thấy cán bộ công đoàn nào đi chệch định hướng phát triển của Công đoàn và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tôi đặt niềm tin mãnh liệt ở thế hệ cán bộ CĐ DKVN hôm nay” - ông Tuấn chia sẻ.
Bình luận