Gazprom giải thích nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng năng lượng thế giới hiện nay
Phó Giám đốc Gazprom Oleg Aksyutin. Ảnh TASS
"Sự kiện chính trong những năm gần đây là cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đi kèm với giá năng lượng tăng kỷ lục, lạm phát gia tăng, tiêu thụ khí đốt và mức sống giảm ở một số khu vực, cũng như việc quay trở lại sử dụng năng lượng truyền thống trong bối cảnh không thể đạt được kế hoạch an ninh năng lượng bằng cách chuyển đổi sang năng lượng tái tạo", ông nói thêm.
Ông Aksyutin xác định 3 nhóm yếu tố góp phần gây ra khủng hoảng: sai lầm trong việc ưu tiên các định hướng phát triển chiến lược của một số quốc gia và tập đoàn lớn trong ngành dầu khí, căng thẳng địa chính trị gia tăng và cạnh tranh thị trường bán hàng.
Nhóm yếu tố đầu tiên bao gồm sự phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo (RES) mà không quan tâm đến các vấn đề an ninh năng lượng, đầu tư dưới mức cần thiết vào ngành dầu khí, hủy bỏ hợp đồng dài hạn và chuyển sang định giá giao ngay trên thị trường khí đốt.
"Nguyên nhân thứ hai bao gồm việc áp đặt nhiều hạn chế khác nhau đối với các nhà xuất khẩu lớn, phá hoại các dự án cơ sở hạ tầng và mối quan hệ thương mại với các nước không thân thiện. Nhóm yếu tố thứ ba bao gồm hành động của nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, Mỹ, quốc gia đã không ngừng thúc đẩy các điều kiện để thay thế khí đốt qua đường ống của Nga ở châu Âu bằng nguồn cung LNG từ các cơ sở của mình", ông viết trong bài báo.
Mục tiêu phát triển của Gazprom
Gazprom đang mở rộng hoạt động kinh doanh của mình bằng cách "tập trung vào những thay đổi mang tính kiến tạo trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu, thay vì những thay đổi thoáng qua ở từng thị trường riêng lẻ", ông Aksyutin nói.
Các lĩnh vực tăng trưởng chính của tập đoàn bao gồm thị trường nội địa (khí hóa các khu vực của Nga, phát triển năng lượng và công nghiệp, sử dụng nhiên liệu động cơ khí), phát triển quá trình xử lý khí và hóa học khí, xuất khẩu khí đốt cho người tiêu dùng ở một số quốc gia và phát triển ngành LNG. Như vậy, do kế hoạch tăng cường khí hóa, nhu cầu thị trường trong nước có thể tăng thêm khoảng 20 tỷ mét khối đến năm 2030, trong khi tiêu thụ nhiên liệu động cơ khí về lâu dài có thể tăng thêm 10 tỷ mét khối.
Anh Thư