Nhiều năm qua Đạm Hà Bắc kinh doanh thua lỗ, một phần do chịu tác động của Luật thuế 71.
Doanh nghiệp than trời
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân urê lớn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, với sản lượng cung ứng ra thị trường hàng năm khoảng trên 300 nghìn tấn.
Theo lãnh đạo công ty kể từ khi thực hiện Luật thuế 71 đến nay doanh nghiệp không được khấu trừ gần 1000 tỷ đồng tiền thuế nguyên vật liệu dùng cho sản xuất. Hệ quả là giá thành sản phẩm của doanh nghiệp tăng lên từ 500.000 đến 700.000 đồng mỗi tấn. Điều này khiến doanh nghiệp khó thu được lợi nhuận nên ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư công nghệ sản xuất.
“Nếu muốn có công nghệ sản xuất hiện đại thì mức đầu tư sẽ phải tăng lên. Nhưng cũng theo đó mà giá thành cao hơn, khiến cho đầu ra khó khăn. Điều này khiến cho gần như tất cả các doanh nghiệp hầu như không mặn mà với việc đầu tư công nghệ mới” - Lãnh đạo công ty Đạm Ninh Bình bày tỏ.
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Luật thuế số 71 được áp dụng từ năm 2015, sau khi áp dụng chúng ta nghĩ rằng sẽ hỗ trợ cho bà con nông dân. Nhưng thực tế thì ngược lại! Đơn cử như Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, vì không được khấu trừ thuế đầu vào, Công ty bị thiệt hại trung bình trên dưới 100 tỷ đồng/năm. Con số này đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng trong gần 10 năm qua. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6-7% và bắt buộc phải tính vào giá bán, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân.
Chung quan điểm ông Vũ Việt Tiến, Tổng giám đốc Công ty DAP2 - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam chia sẻ: “Tôi ước tính là nhà máy sản xuất từ khi đi vào sản xuất đến nay được khoảng 1,4 triệu tấn ure. Số tiền mà giả thiết là chúng tôi được hoàn thuế - nếu như không áp dụng luật 71 (hoặc là sửa đổi) là khoảng 820 tỷ đồng”.
Việc không được khấu trừ gần 2000 tỷ đồng tiền thuế trong nhiều năm đã tạo áp lực lớn lên giá bán sản phẩm của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí
Đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền cho hay, hàng năm Công ty đều phải nhập khẩu những thiết bị và công nghệ mới để đảm bảo hoạt động. Chi phí đầu tư cho các thiết bị này rất lớn. Song các máy móc, nhà xưởng đang chịu thuế khoảng 10%, nếu đầu tư vài ngàn tỷ thì mất vài trăm tỷ do không được khấu trừ thuế. Điều này khiến doanh nghiệp mất đi năng lực cạnh tranh.
Tương tự do không được khấu trừ đầu vào nên mỗi năm Công ty Cổ phần DAP 1 – Vinachem thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Với Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc con số này cũng dao động khoảng trên 140 tỷ đồng mỗi năm; Công ty CP Lân Ninh Bình, Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển, Công ty CP Phân bón miền Nam cũng dao động từ 3 đến 50 tỷ đồng.
Tình cảnh các công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng không khác là bao. Đại diện Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, mỗi năm Phân bón Cà Mau không được khấu trừ gần 350 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải đưa vào giá bán.
Với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Phân bón Phú Mỹ) cũng vậy, từ năm 2015 đến nay, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, Phân bón Phú Mỹ không được khấu trừ lên đến gần 2000 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải tăng giá bán, khiến khách hàng - người nông dân chịu thiệt.
Doanh nghiệp phân bón nội lâm vào nguy cơ "thua ngay trên sân nhà" do Luật thuế 71.
Doanh nghiệp ngoại “mở cờ"
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật 71 thì giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6,1%.
Cũng ngay sau khi Luật 71 có hiệu lực thì năm 2015 sản lượng phân bón tồn kho cuối tăng mạnh so với cùng kỳ, tồn kho phân đạm ure tăng 2,4 lần, tồn kho phân DAP tăng xấp xỉ 2 lần (trong đó tồn kho của hai doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng 23 lần).
Được biết, phân bón nhập khẩu từ các nước như Indonesia, Malaysia, Philipines, Nga, Trung Đông và đặc biệt là Trung Quốc phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0% và hầu hết các nước này có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Do đó mà phân bón ngoại được dịp “tung hoành" khắp mọi nơi, ép giá khiến phân bón nội “ngộp thở".
Còn theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là urê, đã tăng khoảng 3-5 lần và liên tục tăng trong những năm qua. Một phần nguyên nhân là do phân bón ngoại nhập được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa. Thực tế thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, khiến doanh nghiệp trong nước lao đao vì sức ép cạnh tranh...
Bên cạnh đó kể từ tháng 9/2022, thuế tự vệ đối với DAP nhập khẩu không còn hiệu lực. Theo thống kê, chỉ trong 4 tháng sau đó, lượng phân bón DAP nhập khẩu vào nước ta đã gấp đôi so với 8 tháng đầu năm 2022. Điều này cũng tạo nên áp lực cạnh tranh rất lớn đối với ngành phân bón trong nước, khiến phân bón DAP tồn kho tăng lên rất nhiều. Do đó, các doanh nghiệp đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục áp dụng thuế tự vệ đối với DAP nhập khẩu.
Và trên hết, các doanh nghiệp đều có mong muốn mặt hàng phân bón được đưa trở lại danh sách chịu thuế GTGT. Có như vậy thì doanh nghiệp mới có thể hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, có thể đầu tư dây chuyền công nghệ mới, giúp nhà nông tăng năng suất cây trồng…
Kỳ I: Bất cập của Luật thuế 71
Kỳ II: Nông dân “điêu đứng” vì Luật thuế 71
Kỳ III: Vấn nạn phân bón giả
Minh Khang