Luật Điện lực (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi năng lượng bền vững
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tập trung 7 điểm mới đóng vai trò mở ra không gian chuyển đổi năng lượng, xây dựng thị trường điện cạnh tranh, thu hút đầu tư hướng tới bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Luật Điện lực năm 2004 đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành, đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm phát triển điện lực là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.

Dự thảo Luật tại bản cập nhật gần đây nhất (cuối tháng 9/2024) gồm 9 chương, 130 điều với các nội dung bổ sung, sửa đổi tập trung vào 7 vấn đề mới.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (Ảnh minh họa)

7 điểm mới của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Thứ nhất, về Quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong lập, trình phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện; theo dõi tiến độ dự án nguồn điện.

Có cơ chế xử lý các dự án chậm tiến độ, trường hợp đầu tư dự án khẩn cấp nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng; cụ thể hóa các đối tượng khi lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện.

Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện là quy định mới nhằm cụ thể hóa các đối tượng, trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu và không qua đấu thầu trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, PPP, đấu thầu và bổ sung một số trường hợp đặc thù (khẩn cấp, an ninh quốc phòng, thay thế chủ đầu tư dự án điện).

Thứ hai, phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới được xây dựng mới hoàn toàn nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là điện tự sản, tự tiêu, điện gió ngoài khơi.

Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với từng loại hình điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, phù hợp với cam kết về mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam; khuyến khích đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới tham gia thị trường điện; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.

Ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt và điện hải lưu phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống điện với giá thành điện năng hợp lý; khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà và trên mặt nước.

Khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát; tăng cường phát triển các nguồn điện từ chất thải và sinh khối. Phát triển điện từ năng lượng mới phù hợp với điều kiện về tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính.

Luật Điện lực (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi năng lượng bền vững

Mở ra khung pháp lý phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới (Ảnh minh họa)

Thứ ba, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện. Chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí trong nước, phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng.

Chính phủ quy định cơ chế bảo đảm huy động các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu để đảm bảo lợi ích quốc gia; cơ chế bảo đảm các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng được bên mua điện cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đảm bảo thu xếp nguồn cung nhiên liệu dài hạn, với thời gian áp dụng và các chính sách đảm bảo đầu tư khác để thu hồi được chi phí đầu tư.

Thứ tư, hoạt động mua bán điện được bổ sung hợp đồng kỳ hạn điện, mua bán điện trực tiếp, sửa đổi cách tính và điều chỉnh giá bán điện. Cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến người tiêu dùng thông qua hệ thống truyền tải quốc gia (DPPA) được dự thảo Luật quy định chi tiết về Hợp đồng kỳ hạn trong thị trường điện cạnh tranh.

Dự thảo Luật bổ sung quy định về mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện để đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các trường hợp này, gồm: Mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp; mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia; giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Luật Điện lực (sửa đổi) tạo bản lề pháp lý cho chuyển đổi năng lượng bền vững

Thứ năm, các quy định về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia được bổ sung một số điểm mới về nguyên tắc hoạt động, liên kết với lưới điện nước ngoài, quản lý nhu cầu điện.

Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia: Điều độ hệ thống điện quốc gia; đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên, nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp; vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng.

Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Xây dựng chiến lược mua bán điện dài hạn với nước ngoài, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ sáu, chính sách giá điện và các dịch vụ về điện, dự thảo Luật bổ sung nội dung giá điện cần đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; có cơ chế giá điện phù hợp trong việc nhập khẩu điện với nước ngoài.

Sửa đổi các nội dung về thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá (bán lẻ điện), theo đó Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá thay vì Thủ tướng Chính phủ như hiện hành; sửa đổi làm rõ việc Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện bình quân và khung giá bán buôn điện bình quân.

Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi theo hướng Thủ tướng Chính phủ quy định giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm. Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Thứ bảy, tách bạch chức năng sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ với chức năng quản lý Nhà nước. Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực điện lực theo nguyên tắc: Tập trung vào lĩnh vực cốt lõi và có thế mạnh của doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực điện lực; tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực điện lực nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ lưới điện, điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện phải hoạt động độc lập và không chung lợi ích với các bên tham gia thị trường điện nhằm bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong các hoạt động của thị trường điện cạnh tranh.

Ưu tiên các dự án đầu tư công trình điện nguồn

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) ưu tiên đầu tư dự án điện sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư của Nhà nước; dự án điện sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp thành viên của doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư được ưu tiên vay lại vốn và cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Phương Thảo


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​