Hành trình 90 ngày tái thiết thôn Kho Vàng:
Bài 2: Những ngôi nhà hiện đại, song vẫn giữ truyền thống
09:02 |
20/12/2024
Lượt xem:
92
Ánh nắng ban mai nhẹ nhàng trải dài trên ngọn đồi khu tái định cư thôn Kho Vàng, nơi mà hơn 90 ngày trước chỉ là quả đồi hoang vu, phủ đầy cây quế và sỏi đá. Giờ đây, đứng từ trên cao, người ta có thể nhìn thấy một thôn bản nhỏ xinh với những con đường uốn lượn, như một bức tranh hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Nhưng ít ai biết, để có được sự hồi sinh này là những nỗ lực phi thường và những quyết định táo bạo.
Bản làng người Mông thường ở trên núi cao.
Tháng 9/2024, cơn bão số 3 đổ bộ, để lại những tổn thất nặng nề cho người dân thôn Kho Vàng. Nhiều hộ gia đình bỗng chốc mất đi mái ấm, sống trong cảnh hoang mang khi nguy cơ sạt lở và lũ quét đe dọa bất cứ lúc nào. Đứng trước thách thức lớn, chính quyền và người dân đã cùng nhau đi đến một quyết định lịch sử: Tái định cư trên lưng chừng quả đồi - nơi trước kia chỉ được dùng để trồng quế. Nhưng lựa chọn này không phải là ngẫu nhiên.
Theo anh Ma Seo Chứ, trưởng thôn Kho Vàng, người Mông thường dựng nhà trên các triền đồi, sườn núi, tránh nơi dễ bị sạt lở, ngập úng hoặc chịu ảnh hưởng của gió mạnh.
Thay vì nhà trình tường bằng đất nện như truyền thống, hiện tại nhiều gia đình đã chuyển sang sử dụng gạch, bê tông và xi măng để xây nhà, đảm bảo độ bền chắc và khả năng chịu lực tốt hơn.
Mái nhà thường được lợp bằng tôn hoặc ngói, thay thế cho cỏ tranh hoặc gỗ trước đây, giúp tăng khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là mưa lũ.
Những căn nhà được thiết kế theo lối “giật cấp”.
Nói về lý do chọn quả đồi hiện tại để làm nơi tái định cư mới cho người dân thôn Kho Vàng, ông Vương Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu chia sẻ: "Việc lựa chọn địa điểm xây dựng khu tái định cư mới cho 35 hộ dân thôn Kho Vàng đã được các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện và xã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Ban đầu, có 3-4 phương án được đề xuất, nhưng sau quá trình phân tích và tham vấn, chỉ một phương án được chốt: xây dựng các căn nhà theo lối “giật cấp” thoai thoải trên các sườn đồi. Đây là một vị trí được đánh giá là ổn định và an toàn, bởi xung quanh không có bất kỳ quả đồi trọc nào có nguy cơ nứt hoặc sụp đổ".
Đặc biệt, phương án này còn phù hợp với phong tục lâu đời của người Mông và người Dao, những dân tộc vốn quen sinh sống trên cao. “Ngàn đời nay, người Mông luôn chọn những nơi cheo leo gần đỉnh núi để định cư. Vì vậy, khu tái định cư mới cũng phải đảm bảo giữ được nét đặc trưng này”, đại diện địa phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tham khảo ý kiến từ nhiều chuyên gia địa chất và các nhà khoa học. Tất cả đều đồng tình rằng, để đảm bảo an toàn, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như xây dựng vách đá kiên cố “ốp” vào thân đồi, gia cố chân nhà bằng bê tông hoặc rọ đá, và thiết kế hệ thống thoát nước khoa học để nước mưa thoát nhanh chóng. Với những giải pháp này, bà con có thể hoàn toàn yên tâm sinh sống, xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất tái định cư.
Việc xây dựng khu tái định cư theo đúng phong tục của đồng bào dân tộc Mông, Dao - trên các ngọn đồi, sườn núi cao...
Bắt tay vào công việc, các kỹ sư và công nhân phải đối mặt với quả đồi dốc đứng, đầy sỏi đá và rễ cây quế chằng chịt. Các ngôi nhà được thiết kế và xây dựng theo lối “giật cấp” tận dụng địa hình tự nhiên để đảm bảo sự vững chãi. Bên cạnh đó, để đối phó với nguy cơ xói mòn, hai khe thoát nước tự nhiên được xây dựng, bảo vệ đất nền khỏi mưa lũ.
Nhưng không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo an toàn, mỗi ngôi nhà ở đây còn là sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Những ngôi nhà thấp tầng với mái dốc được thiết kế theo đúng phong tục của người Mông và người Dao. Bên trong, không gian sinh hoạt được mở rộng, bố trí hợp lý để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Điện và nước sạch được đưa vào từng hộ gia đình, tạo điều kiện sống tốt hơn, nhưng vẫn giữ nguyên vẻ mộc mạc, hài hòa.
Hình ảnh từng ngôi nhà trải trên lưng đồi tạo nên một tổng thể đặc biệt, vừa mang dáng vẻ hùng vĩ của núi rừng, vừa gần gũi như những “ruộng bậc thang” - nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc vùng cao.
Những căn nhà trải trên lưng đồi tạo nên một tổng thể đặc biệt.
Không chỉ là nơi sinh hoạt, khu tái định cư mới còn mở ra một tương lai đầy hứa hẹn. Với hệ thống giao thông nội thôn và con đường bê tông dẫn vào thôn, Kho Vàng có tiềm năng hứa hẹn trở thành một địa điểm du lịch khám phá. Từ trên đỉnh đồi, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan núi rừng bao la, tham gia trải nghiệm văn hóa đặc sắc của người dân địa phương.
Chỉ trong vòng 90 ngày, thôn Kho Vàng từ một vùng đất hoang vu đã biến thành một ngôi làng mới đầy sức sống. Đây không chỉ là hành trình xây dựng nhà cửa, mà còn là sự tái sinh của hy vọng, của niềm tin vào sự đoàn kết giữa chính quyền và người dân.
Những nếp nhà trên lưng đồi không chỉ là nơi định cư tránh bão, mà còn là biểu tượng của ý chí vượt khó, của lòng quyết tâm giữ gìn văn hóa và phát triển bền vững...
(Còn nữa)
Bài 1: Thi công với thời gian "kỷ lục"
Minh Tiến
Bình luận