Bài 1. Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2: Nếu chần chừ, thiệt hại sẽ nặng hơn - “Vừa làm, vừa mong đợi”
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang đứng trước bước ngoặt lớn khi ngày 25.3 vừa qua, Chính phủ đã chính thức nhất trí phương án sử dụng vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để tiếp tục hoàn thành dự án. Xét trên mọi góc độ - hiệu quả kinh tế, an ninh năng lượng, trật tự xã hội - các chuyên gia cho rằng việc tiếp tục hoàn thành dự án là rất cần thiết và không thể chậm trễ hơn nữa vì đây chính là lợi ích của quốc gia. Tới đây, nếu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các bộ, ngành liên quan không cùng PVN vào cuộc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ với tinh thần chạy đua với thời gian thì dự án không thể về đích đúng hẹn và nền kinh tế sẽ “lĩnh đủ”.

Bài 2: Hoàn thành dự án là vì lợi ích quốc gia

Cuối tháng 3, trong tâm bão Covid, hơn 150 cán bộ, công nhân vẫn có mặt trên công trường dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Cả 3 yếu tố quan trọng của dự án - thời gian, chi phí và nhân lực – đều đang dần hết. “Dù vậy chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành các phần việc phục vụ mốc đốt dầu, đốt than, tiến tới hòa đồng bộ và đang mong đợi Chính phủ sớm cho phép PVN sử dụng vốn chủ sở hữu giải ngân cho dự án để bám sát tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng”, ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nói.

Với công suất 1.200 MW, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (đặt tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là dự án điện cấp bách trong giai đoạn 2013 – 2020, “gánh” 3 trọng trách lớn. Một là, cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm an toàn cấp điện cho hệ thống. Hai là, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhanh của khu vực phía Bắc và toàn hệ thống điện Việt Nam từ năm 2021 trở đi; đồng thời cung cấp nguồn điện đáng kể cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và khu vực lân cận, giảm tổn thất truyền tải và nâng cấp chất lượng điện năng cho toàn hệ thống. Ba là, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng.

Khởi công từ năm 2011, Nhiệt điện Thái Bình 2 – với tổng mức đầu tư là 41.799 tỷ đồng - lẽ ra đã phải được đưa vào vận hành từ năm 2017 - 2018. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó đáng kể nhất là năng lực của Tổng thầu EPC - Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) ngày càng suy yếu sau khi nhiều lãnh đạo của PVC bị khởi tố vào năm 2016 - 2017 vì đã có sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng nguồn tiền cấp cho dự án vào mục đích khác, công trình trọng điểm này hầu như rơi vào tình trạng tê liệt do mọi nguồn cung cấp tín dụng cho dự án bị gián đoạn và tiến độ dự án bị chậm trễ.

 

Tiến độ tổng thể của dự án Nhiệt điệt Thái Bình 2 hiện đạt trên 85%

“Dừng lại thì đau xót vô cùng”

“Thực trạng dự án khiến các tổ chức tín dụng quan ngại và dừng giải ngân khoản vốn vay đã ký, việc vay thương mại từ các ngân hàng trong nước không triển khai được, cộng thêm việc sử dụng vượt vốn chủ sở hữu chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận đã đẩy dự án vào tình trạng cực kỳ khó khăn về nguồn vốn”, ông Nguyễn Huy Vượng, Trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo của PVN cho biết. Cụ thể, các công việc đã hoàn thành tính đến nay (khối lượng dở dang) nhưng chưa có nguồn tiền để thanh toán khoảng 2.117 tỷ đồng, trong khi các công việc còn lại theo Hợp đồng EPC tương đương khoảng 130 triệu USD và 3.700 tỷ đồng.

Trên thực tế, vào thời điểm tháng 8.2018, khi các tổ chức tín dụng dừng giải ngân khoản vốn vay, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành trên 80% tổng khối lượng. “Hơn 32.000 tỷ đồng đã rót vào dự án, nếu dừng lại thì đau xót vô cùng”, như Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN đã từng phát biểu. Dù vậy, không thể quyết định số phận dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 bằng cảm tính, PVN đã ký Hợp đồng với Viện Dầu khí Việt Nam để thu thập số liệu, tính toán cụ thể và so sánh hiệu quả của 2 phương án: dừng và tiếp tục triển khai dự án.

Theo ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên PVN, đồng thời là người chỉ đạo thực hiện Báo cáo đánh giá hiệu quả việc tiếp tục triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, “đây là dự án rất khó khăn, đã có những sai phạm trong quá khứ và bị chậm tiến độ nên tại thời điểm này không thể đánh giá hiệu quả theo những tiêu chí của dự án thông thường. Trên quan điểm tiếp cận để xử lý thấu đáo dự án này, cần phải đặt việc đánh giá theo lợi ích tổng thể của nền kinh tế kết hợp với an ninh năng lượng, an ninh trật tự xã hội, và hiệu quả kinh tế phải được tính theo hiệu quả tương đối so với việc dừng dự án”.

Ngoài ra, ông Sơn đặc biệt nhấn mạnh: sau khi tòa án tuyên xử vụ án liên quan tới sai phạm tại dự án, cần nhìn nhận việc cứu dự án này là nhiệm vụ đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành và Ban lãnh đạo PVN. Cần phải có cách làm đặc biệt để cứu dự án, trong đó phải bảo đảm an toàn cho người tham gia giải cứu dự án vì lợi ích chung và hiệu quả kinh tế đơn thuần không phải là vấn đề duy nhất để quyết định.

Trên tinh thần đó, kết quả tính toán cho thấy, so với việc dừng dự án thì phương án tiếp tục triển khai để hoàn thành Nhà máy “mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cho chủ đầu tư”, còn đối với nền kinh tế, chỉ cần “tiếp tục giải ngân khoảng trên 9 nghìn tỷ đồng trong tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì hệ thống điện quốc gia sẽ được bổ sung 1.200MW”. Với nguy cơ thiếu điện trầm trọng đang hiển hiện trước mắt, việc bổ sung nguồn điện hơn 7 tỷ kWh/năm của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thực sự là “cứu cánh” cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.

 

Những phần việc còn lại phục vụ mốc đốt than, đốt dầu... lần đầu đang được triển khai

“Chúng tôi có lúc nản lòng”

Suốt 3 năm qua, Lãnh đạo PVN dồn sức tháo gỡ khó khăn cho dự án. Đối với điểm nghẽn lớn nhất là tài chính, PVN đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cho phép Tập đoàn sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu giải ngân cho dự án, với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Để làm được việc này, cần thay đổi cơ cấu huy động vốn dự án từ 30/70 trước đây sang chủ yếu dùng vốn chủ sở hữu, tỷ lệ khoảng 66/34. Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), con số này đã phản ánh đúng thực trạng hiện nay của Dự án. Trong các báo cáo gửi cấp có thẩm quyền, PVN cũng đã khẳng định trường hợp sử dụng vượt vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 66/34 để giải ngân cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thì PVN vẫn đủ khả năng cân đối dòng tiền cho các dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh khác đến năm 2025. Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN thậm chí cam kết chịu trách nhiệm chính trị về đề xuất của Tập đoàn: “Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng nguồn tiền này nhưng hãy bật đèn xanh cho chúng tôi đi. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Bộ Công thương về mặt kỹ thuật, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Quản lý vốn nhà nước về nguồn vốn sử dụng nhưng hãy cho chúng tôi cơ chế để làm”. Người đứng đầu PVN nói vậy trong một cuộc họp với Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và UBND tỉnh Thái Bình hồi tháng 7.2019.

Nguồn tiền đã có nhưng đề xuất của PVN chưa được cấp có thẩm quyền thông qua nên đến nay PVN vẫn chưa thể tiếp tục giải ngân, thanh toán cho các hạng mục của dự án. Trong khi đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất nóng ruột đã quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu phải vận hành tổ máy số 1 vào tháng 12.2020 và tổ máy số 2 vào quý 1.2021.

“Phải thừa nhận là cũng có lúc chúng tôi nản lòng”, ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên PVN nói. Mặc dầu vậy, niềm tin và quyết tâm của Lãnh đạo PVN vẫn lớn hơn. Một mặt, lãnh đạo PVN tiếp tục chạy đôn chạy đáo thuyết phục Chính phủ cho phép sử dụng vốn chủ sở hữu để cứu dự án; mặt khác, chỉ đạo sát sao thúc đẩy các phần việc ở công trường dự án để khi cơ chế đặc thù được phê duyệt là có thể tăng tốc triển khai, hoàn thành Nhà máy trong thời gian nhanh nhất. 

“Hiện tại, tiến độ tổng thể của dự án đạt trên 85%”, ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng Ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết. Trong đó, tiến độ thiết kế đạt 99,63%; ký các hợp đồng mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,8%; thi công đạt 82,78%; chạy thử đạt 11,25%. “Trên cơ sở khối lượng công việc còn lại, tổng thầu PVC đang tiếp tục rà soát, cập nhật lại tình hình thực tế hiện nay, bảo đảm bám sát nhất tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng”. Ông Hưởng mong muốn Chính phủ sớm có chỉ đạo về việc cho phép PVN sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân, vì “áp lực dư luận, yêu cầu tiến độ, chi phí phát sinh, rủi ro chất lượng thiết bị của dự án đang gia tăng theo từng ngày”.


T.Phong - Đ.Thanh. Ảnh: Võ Nam (http://daibieunhandan.vn/)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​