Ngô Thường San: Cả cuộc đời vì sự nghiệp Dầu khí
11:25 |
24/11/2024
Lượt xem:
56
Là một trong những nhân chứng lịch sử, cũng là người góp công sức, trí tuệ làm nên lịch sử vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam, cả cuộc đời ông Ngô Thường San là một chuỗi cống hiến không ngừng trên hành trình “tìm lửa và giữ lửa” cho sự phát triển của ngành và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Hiện nay dù đã ở tuổi 86, ông Ngô Thường San vẫn không ngừng “hành trình truyền lửa”, giáo dục truyền thống, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho sự phát triển của ngành Dầu khí
Sinh ra trong một gia đình trí thức ở Sóc Trăng, bố mẹ đều tham gia kháng chiến, năm 15 tuổi, ông Ngô Thường San tập kết ra Bắc theo chương trình của Tỉnh ủy Sóc Trăng chọn con em của những gia đình cách mạng tạo điều kiện cho ra miền Bắc học tập. Năm 1956, khi 18 tuổi, ông được Đảng và Nhà nước cử đi học tập ở Liên Xô để đào tạo đội ngũ trí thức về phục vụ xây dựng đất nước.
Năm 1962, ông Ngô Thường San khi ấy 24 tuổi, tốt nghiệp Đại học Địa chất Moskva, và được phân công về công tác ở Ủy ban Khoa học Nhà nước. Tại đây ông cùng một số anh em là những nghiên cứu sinh đầu tiên về địa chất được cử đi đào tạo chính thức ở Liên Xô về bắt đầu quá trình nghiên cứu khoa học với đề tài nghiên cứu đầu tiên là kiến tạo vùng Đông Bắc, tập trung nghiên cứu những khoáng sản, đặc biệt là dầu khí ở khu vực này.
Sau đó, Ủy ban Khoa học Nhà nước chia tách thành Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học Việt Nam, theo nguyện vọng, ông Ngô Thường San được ông Trần Quỳnh khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước phân công về Viện Khoa học Việt Nam. Khi Tổng cục Địa chất thành lập đoàn nghiên cứu địa chất dầu khí (Đoàn 36), tiến hành nghiên cứu về cấu trúc và tiềm năng dầu khí ở vùng trũng An Châu (Đông Bắc Việt Nam), với chuyên môn cũng như những nghiên cứu trước đó về khu vực này, ông Ngô Thường San được phân công phối hợp với Tổng cục Địa chất để nghiên cứu về An Châu, suốt từ năm 1965 cho đến những năm 1970, 1971.
Sau khi kết thúc nghiên cứu về An Châu, ông Ngô Thường San chuyển sang nghiên cứu ở vùng biển ven bờ Vịnh Bắc Bộ, trong đó có Vịnh Hạ Long. Song song với thời điểm đó, giai đoạn 1973-1974, Ủy ban thống nhất đặt vấn đề với ông Ngô Thường San về việc tham gia nghiên cứu, tập hợp tài liệu về triển vọng dầu khí của thềm lục địa phía Nam, để chuẩn bị phát triển công nghiệp dầu khí sau giải phóng miền Nam.
Bộ trưởng Đinh Đức Thiện phụ trách công tác dầu khí (giữa), Phó chủ nhiệm Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Lê Văn Cự (áo trắng) và Trưởng phòng Kỹ thuật của Công ty Dầu khí miền Nam Ngô Thường San trong chuyến xem xét bờ biển (Hòn Phụ Tử, tỉnh Hà Tiên, tháng 4/1976) - Ảnh tư liệu
Khi đất nước thống nhất, năm 1975, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng có chủ trương chọn những cán bộ miền Nam về xây dựng quê hương. Cùng với một số cán bộ lúc bấy giờ là ông Đào Duy Chữ (cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), ông Vũ Trọng Đức (cán bộ của Tổng cục Hóa chất), ông Hồ Đắc Hoài (cán bộ của Tổng cục Địa chất), ông Ngô Thường San được điều vào miền Nam để thu thập các tài liệu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn về dầu khí và đánh giá tổng hợp về tiềm năng dầu khí thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, nhóm của ông đã hoàn thành nhiệm vụ và khoảng cuối tháng 7/1975, ông Ngô Thường San được giao thay mặt nhóm báo cáo trước Bộ Chính trị về đánh giá tiềm năng, phân chia khu vực triển vọng dầu khí thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Báo cáo của nhóm được đánh giá cao, củng cố lòng tin cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Đây cũng là báo cáo được Trung ương sử dụng và làm cơ sở để có quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, cũng là cơ sở để Bộ Chính trị quyết định về phát triển ngành Dầu khí, như một động lực kinh tế để xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Năm 1976, ông Ngô Thường San được điều chuyển công tác từ Viện Khoa học Việt Nam sang Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, ở phía Nam gọi là Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, phụ trách kỹ thuật của công ty. Sau đó, khi thành lập Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro năm 1980, ông được giao làm Phó Tổng Giám đốc Liên doanh phụ trách địa chất, tìm kiếm, thăm dò, khai thác nói chung.
Tại Vietsovpetro, với vai trò của mình, ông đã có những đóng góp tích cực trong việc tìm kiếm và khai thác dầu trong đá móng granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ, mở ra một trang mới cho ngành công nghiệp dầu khí và nền kinh tế nước ta. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới phát hiện và khai thác dầu trong đá móng granitoit, trước đó các dữ liệu khoa học đều cho thấy, đá granitoit, đá núi lửa thì không có vật chất hữu cơ để sinh dầu. Và qua công trình này, Việt Nam đem đến đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí thế giới khi xây dựng được hệ phương pháp để khai thác hiệu quả, tối ưu nhất tầng dầu trong đá móng nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với trữ lượng siêu cấp, riêng ở tầng móng trên 4 tỷ thùng và khai thác nhịp độ cao với sản lượng đỉnh trên 13 triệu tấn/năm. Kết quả này đã đóng góp quan trọng giải quyết khủng hoảng năng lượng, vực dậy kinh tế đất nước sau chiến tranh, cũng là động lực tăng trưởng kinh tế khởi đầu thời kỳ đổi mới của đất nước và có những đóng góp quan trọng kéo dài cho đến tận ngày nay.
Với những đóng góp tích cực của cụm công trình khoa học “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam, cũng như cho khoa học Dầu khí thế giới, ông San và nhóm tác giả được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho công trình này.
Mỏ Bạch Hổ với trữ lượng siêu cấp vẫn đang đóng góp to lớn cho đất nước đến tận ngày nay.
Khi Liên Xô chuyển giao công tác lãnh đạo Liên doanh Vietsovpetro cho phía Việt Nam, năm 1990 vị trí Tổng Giám đốc Vietsovpetro được chuyển giao cho người Việt Nam và ông Ngô Thường San cũng là người Việt đầu tiên đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Liên doanh.
Đến năm 1993, ông San được giao thêm nhiệm vụ kiêm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Đến năm 1996, ông được điều ra Hà Nội làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 2001. Ở cương vị nào, ông cũng làm việc bằng tinh thần cống hiến hết mình, dám nghĩ, dám làm với cái tâm trong sáng vì đất nước; góp phần vào những thành tựu to lớn của ngành, hình thành hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng Dầu khí đồng bộ, hiện đại với những công trình, dự án quan trọng tạo nguồn lực phát triển bền vững, lâu dài cho ngành Dầu khí, cũng như góp phần hình thành các ngành công nghiệp, vùng kinh tế của đất nước.
Có thể nói, cả cuộc đời ông Ngô Thường San luôn cháy “ngọn lửa nhiệt huyết” cống hiến không ngừng cho ngành Dầu khí và cho sự phát triển đất nước. Từ những bước chân đầu tiên trên “hành trình tìm lửa” đến công cuộc gìn giữ và phát triển ngọn lửa ấy. Cả khi về hưu, hay hiện nay đã ở tuổi 86 ông vẫn miệt mài “hành trình truyền lửa” với khát vọng giữ ngọn lửa dầu khí mãi rực sáng trên Biển Đông và trong trái tim mỗi người dầu khí; góp phần để những thành quả của ngành luôn được giữ gìn và phát huy hơn nữa như mong ước của Bác Hồ; xứng đáng với niềm tin tưởng, sự sát cánh, ủng hộ của Đảng, Chính phủ và nhân dân cho sự phát triển của ngành.
Mai Phương
Bình luận