Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, Tập đoàn kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển. Do đó, để làm tốt công tác quản trị, Petrovietnam dành sự quan tâm lớn tới thông tin vĩ mô, dài hạn làm căn cứ, từ đó khả thi hóa mục tiêu của Tập đoàn trong năm tới và chuẩn bị cho dài hạn.

Ngày 10/10, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Tọa đàm “Dự báo kinh tế vĩ mô cuối năm 2024 và cả năm 2025: Nhận diện cơ hội, thách thức cho Petrovietnam" do Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì.

Các chuyên gia kinh tế tham dự đã thảo luận về các thông tin vĩ mô trong nước và quốc tế, phân tích biến động của kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam và đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp.

Chuyển đổi năng lượng là chìa khóa quan trọng

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới phục hồi chậm nhưng có nhiều điểm tích cực. Nền kinh tế các quốc gia/khu vực có tăng trưởng không đồng đều, trong đó Mỹ, Trung Quốc cho thấy sự chậm lại.

TS. Võ Trí Thành: Petrovietnam cần “vừa làm vừa chạy”, cập nhật các xu hướng mới, quản trị rủi ro và phòng thủ.

Lạm phát thế giới đạt đỉnh vào tháng 9/2022 sau đó giảm khá nhanh. Trong giá hàng hóa cơ bản, giá dầu từ nay đến năm 2025 dự báo sẽ ở mức 80 USD/thùng. Dự báo này được nhìn nhận liên quan đến cuộc chiến ở Trung Đông.

Nhìn về dài hạn, bối cảnh chung có nhiều rủi ro, bất định, nguyên nhân do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Trung Đông, cạnh tranh địa chính trị leo thang và tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Từ tình hình đó, TS. Võ Trí Thành nhận diện 3 thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Thứ nhất, cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đòi hỏi cần có tư duy mới về phát triển (công nghệ, phương thức sản xuất kinh doanh, lối sống, thể chế). Thứ hai, tái cấu trúc kinh tế gắn với sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra thách thức thay đổi, tối ưu hóa sản xuất để nắm bắt cơ hội. Thứ ba, thay đổi cấu trúc dân số gây ra nguy cơ già hóa ảnh hưởng tới thị trường lao động, đặc biệt là gen Z.

Trong chỉ số kinh tế 9 tháng đầu năm, ông Thành nhắc đến một số yếu tố đáng chú ý là số doanh nghiệp gia nhập thị trường đã cao hơn số rút lui. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, phản ánh sự phục hồi của doanh nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số tiêu dùng mức dương giảm dần, gần như đi ngang so với năm 2023, chỉ tăng 5,8%.

Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì tọa đàm về thông tin vĩ mô, làm căn cứ khả thi hóa mục tiêu của Petrovietnam.

Về tình hình đầu tư, đầu tư tư nhân tăng trưởng tốt hơn năm 2023, tăng khoảng 7,1%; đầu tư nước ngoài thực hiện tăng 9% so với cùng kỳ; đầu tư công mới thực hiện được 47% kế hoạch, giảm 51% so với cùng kỳ 2023.

Sau bão Yagi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 7%, thậm chí cao hơn. Mục tiêu kế hoạch năm 2025 có 2 phương án GDP đạt 6,5-7% hoặc 7-7,5%.

“Dù năm nay có đạt được GDP 7% thì mục tiêu 9% vào năm 2025 vẫn là một thách thức. Khát vọng của chúng ta là rất lớn, song thách thức cũng rất nhiều. Kỳ vọng động lực lớn nhất đến từ niềm tin của các doanh nghiệp Việt và giải ngân đầu tư công”, TS. Thành nhận định.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thành, đây là một tiến trình đầy khó khăn với chi phí chuyển đổi không nhỏ. Nghiên cứu của World Bank cho thấy GDP của Việt Nam cộng dồn đến 2050 sẽ mất 13-19% do biến đổi khí hậu và xuất khẩu sang các nước OECD sẽ giảm tới 30% so với mức hiện tại. Để loại bỏ nguy cơ này, TS. Võ Trí Thành cho rằng chuyển đổi về năng lượng chính là chìa khóa quan trọng.

Thông tin về các chính sách tiền tệ, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam đưa ra nhiều nhận định đáng lưu ý. Ông Phước nhìn nhận, thế giới đã qua giai đoạn đỉnh điểm của lạm phát, chính sách tiền tệ bắt đầu chu kỳ nới lỏng.

Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển

TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam phân tích về chính sách tiền tệ tại tọa đàm

Với Việt Nam, lãi suất VND duy trì ở mức thấp, tỷ giá USD/VND dự báo năm 2024 tăng tối đa 2,5-3%; năm 2025 tăng tối đa 2-2,5%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng các loại “vắc-xin” để điều tiết mang lại hiệu quả lớn, mục tiêu cuối cùng là ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội.

Xu hướng tỷ giá thời gian tới được ông Phước nhận định chịu sự ảnh hưởng của cung cầu thị trường, chênh lệch từ xu hướng lãi suất VND liên ngân hàng, xu hướng lãi suất USD và chênh lệch USD/VND.

“Xu hướng tỷ giá USD thị trường quốc tế được dự báo giảm, bởi lãi suất là linh hồn của tỷ giá, đến cuối năm 2025 dự báo lãi suất chỉ ở mức 3-3,25%; cuối năm 2026 từ 2,75-3%. Nhưng lại có yếu tố tăng giá USD do xung đột địa chính trị, nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ, lạm phát nhiều quốc gia tăng”, ông Phước dự báo.

Từ nghiên cứu cá nhân, TS. Trương Văn Phước cho rằng xu hướng lạm phát toàn cầu sẽ giảm dần từ nay đến năm 2028 và tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc.

Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển

Các đơn vị thành viên của Petrovietnam tham dự trực tuyến đặt câu hỏi tới hai vị chuyên gia

Căn cứ thông tin vĩ mô, khả thi hóa mục tiêu

Trước xu hướng biến động, bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, các đơn vị thành viên Petrovietnam đã đặt các câu hỏi tới hai vị chuyên gia về giải pháp quản trị rủi ro, phương án đầu tư phù hợp với xu hướng, diễn biến giá dầu…

Giải đáp vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh của Petrovietnam trong câu chuyện giá dầu, hai vị chuyên gia cho rằng cần xác định yếu tố từ cung - cầu và tốc độ tăng trưởng các nền kinh trên thế giới; đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, tình hình địa chính trị.

Về chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo đang dần chiếm tỷ trọng lớn thay cho nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, các cú sốc từ chiến tranh, thiên tai cũng được tính đến. Do đó, hai vị chuyên gia khuyến nghị Petrovietnam cần chuẩn bị các kịch bản đối phó với tình hình mới.

Để đáp ứng xu hướng của thế giới, TS. Võ Trí Thành cho rằng Petrovietnam cần trở thành tập đoàn năng lượng quốc gia, đi đầu trong chuyển dịch năng lượng. Theo ông Thành, trong khi thể chế đang hoàn thiện, Petrovietnam cần “vừa làm vừa chạy” với các cơ chế thí điểm, cập nhật các xu hướng mới đi cùng quản trị rủi ro và phòng thủ.

“Khuyến nghị này là hết sức khó khăn, nhưng doanh nghiệp nên giữ lạc quan, quản trị rủi ro, phòng thủ chắc chắn để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, bắt nhịp xu thế”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Tập đoàn kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển".

Sau khi nghe phân tích từ các chuyên gia, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhìn nhận môi trường kinh doanh ngày càng có những diễn biến bất thường, chứa đựng nhiều yếu tố khó đoán định, nằm ngoài quy luật.

“Petrovietnam hiểu rằng cần có cái nhìn đa chiều để tận dụng cơ hội. Tập đoàn kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển. Do đó, để làm tốt công tác quản trị, Petrovietnam dành sự quan tâm lớn tới thông tin vĩ mô, dài hạn làm căn cứ, từ đó khả thi hóa mục tiêu của Tập đoàn trong năm tới và chuẩn bị cho dài hạn. Petrovietnam nêu quyết tâm chính trị lớn chuyển đổi thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia để nắm bắt xu thế, thích nghi với những khó khăn và tận dụng cơ hội”, Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng khẳng định.

PT-MT


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​