Góp phần thúc đẩy các dự án khâu sau
Giống như hầu hết những cán bộ lãnh đạo cao nhất của ngành, khiêm tốn, sâu sát và quyết liệt, ông Hoàng Xuân Hùng - nguyên Phó Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam (DKVN) và nguyên Phó Chủ tịch Hội DKVN khóa III, luôn để lại dấu ấn về sự tận tâm và trách nhiệm. Ông là người góp phần thúc đẩy các dự án khâu sau về đích và có hiện trạng như ngày hôm nay.

Tôi gặp ông Hoàng Xuân Hùng vào buổi chiều tại thành phố biển Vũng Tàu, khi ông vào tham dự phiên họp Câu lạc bộ (CLB) các doanh nghiệp Dầu khí và tham dự Hội thao ngành Dầu khí khu vực phía Nam năm 2024 do Công đoàn DKVN tổ chức. Trong nụ cười và ánh mắt vui vẻ, tôi được nghe ông chia sẻ những câu chuyện từ ngày đầu gắn bó với ngành Dầu khí.

Cơ duyên đến với ngành Dầu khí

Ông Hoàng Xuân Hùng cho biết, cơ duyên ông đến với ngành Dầu khí là do Nhà nước phân công. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông trong diện được Nhà nước cử đi học tại Liên Xô (hiện nay là Liên bang Nga). Khi đó, ông vừa tốt nghiệp THPT năm 1969. Giai đoạn 1969-1975 khi tới Liên Xô, ông được cử đi học khóa dự bị tiếng Nga ở Bacu (Azerbaijan) 1 năm. Sau đó, ông được chuyển về Moscow học về chuyên ngành “Thiết kế và thi công hệ thống đường ống, bể chứa Dầu khí”. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp về nước, ông nhận quyết định làm việc tại Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (Tổng cục DKVN) từ tháng 1-1976. Năm đó, trong số các học sinh tốt nghiệp ở nước ngoài về ông và 1 sinh viên nữa được vinh dự được điều động về làm tại cơ quan Tổng cục.

Sau khi về nhận nhiệm vụ tại Tổng cục DKVN, ông Hoàng Xuân Hùng được phân công về làm việc tại Vụ Kế hoạch - Lao động - Vật tư, sau đó chuyển sang Cục Kiến thiết cơ bản thuộc Tổng cục DKVN. Năm 1978, ông được điều về phòng Hành chính Tổng hợp thuộc Văn phòng Tổng cục. Năm 1981, sau khi Liên doanh Vietsovpetro được thành lập, ông được cử vào Vũng Tàu làm trợ lý cho ông Nguyễn Hòa (khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục DKVN, kiêm Phó Tổng giám đốc Vietsovpetro), thay mặt phía Việt Nam tham gia trong liên doanh.

Năm 1984, ông được điều động trở về văn phòng Tổng cục tại Hà Nội, tới năm 1992, ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân là Tổng cục DKVN). Năm 1994, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Chế biến dầu khí, khi đó mới được thành lập. Năm 2006, khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được thành lập, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Ủy viên HĐQT. Từ tháng 7-2010, ông Hoàng Xuân Hùng được cử làm Phó Chủ tịch HĐTV Petrovietnam. Từ năm 2008-2012, ông được giao nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch Công đoàn DKVN khóa IV.

Góp phần thúc đẩy các dự án khâu sau 2

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Hùng nhớ lại kỷ niệm, sau khi về làm Chánh văn phòng Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, ông đã sắp xếp, tổ chức lại hoạt động của cơ quan Văn phòng (biên chế khi đó gần 200 người và có các cơ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP HCM và Vũng Tàu). Với kết quả đã đạt được và sự đóng góp hiệu quả vào hoạt động của tổng công ty, năm 1993, Văn phòng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi về hưu, ông Hoàng Xuân Hùng tiếp tục làm việc một thời gian ở văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án trọng điểm dầu khí. Thời gian này, Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm dầu khí đã có rất nhiều quyết định quan trọng giúp cho Petrovietnam hoàn thành các công trình trọng điểm của ngành như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Cà Mau, các dự án đường ống khí, các nhà máy điện và một số công trình khác.

Và hiện nay, ông Hùng là Phó Trưởng ban kiêm Tổng Thư ký Ban Liên lạc Hưu trí Tập đoàn.

Những ngày đầu của chế biến dầu khí

Ông Hoàng Xuân Hùng chia sẻ: “Năm 1994, khi tôi phụ trách Ban Chế biến Dầu khí, các hoạt động khâu sau, trong đó có lĩnh vực chế biến dầu khí, hầu như chưa có gì. Khi đó, tổng công ty mới chỉ có một số đơn vị sản xuất và kinh doanh dầu nhờn trên cơ sở dầu nhờn gốc nhập từ nước ngoài và một số cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng LPG”.

Ông Hùng cho biết, sau khi thành lập, Ban Chế biến Dầu khí đã giúp lãnh đạo Petrovietnam từng bước hình thành và xây dựng nền móng cho các hoạt động khâu sau và ngành công nghiệp lọc hóa dầu. Trong đó, Ban Chế biến Dầu khí tiếp tục triển khai công tác lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 ở Việt Nam, hoạch định chiến lược triển khai các hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm (bao gồm các hệ thống cây xăng, tổng kho - kho trung chuyển xăng dầu, hệ thống vận chuyển xăng dầu bằng đường bộ và đường thủy) và nhập dầu thô cho nhà máy lọc dầu trong tương lai. Cũng trong thời gian này, Ban đã tham gia soạn thảo chiến lược phát triển ngành Dầu khí, tới năm 2025 và định hướng tới năm 2035 (phần về các hoạt động khâu sau và chế biến dầu khí) để Petrovietnam trình các cơ quan Nhà nước và Bộ Chính trị thông qua.

Trong thời gian từ khi thành lập Ban Chế biến Dầu khí tới nay, một loạt các công trình trọng điểm quan trọng của Nhà nước và của Petrovietnam đã được xúc tiến chuẩn bị đầu tư, tổ chức xây dựng và đưa vào hoạt động như: Nhà máy Đạm Phú Mỹ (2004), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (2009), Nhà máy Đạm Cà Mau (2012), Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các công trình khác trong lĩnh vực khâu sau.

Với việc đưa các dự án lớn này vào hoạt động, kinh doanh phân phối sản phẩm và chế biến dầu khí đã trở thành 1 trong 5 lĩnh vực hoạt động quan trọng của Petrovietnam, là một mắt xích quan trọng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh của ngành Dầu khí Việt Nam từ khâu “tìm kiếm thăm dò - khai thác đến chế biến dầu, khí và phân phối sản phẩm”, cùng với các hoạt động trong lĩnh vực khí, điện và dịch vụ dầu khí. Với việc triển khai đồng bộ và hiệu quả 5 lĩnh vực hoạt động, các hoạt động trong lĩnh vực khâu sau, hằng năm đã đóng góp khoảng 20-25% tổng doanh thu cho Tập đoàn, đồng thời các hoạt động này cũng đã đóng góp quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng, an ninh lương thực của đất nước, góp phần tham gia bình ổn thị trường sản phẩm dầu khí trong nước và làm cơ sở cho việc hình thành ngành công nghiệp lọc hóa dầu của đất nước.

Tích cực tham gia hoạt động hội

Sau khi về nghỉ hưu, ông Hoàng Xuân Hùng đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội DKVN với tư cách là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành khóa II và Phó Chủ tịch Hội DKVN khóa III. Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực khâu sau, ông Hùng đã tham gia tư vấn, phản biện cho các đề án lớn của Nhà nước và Tập đoàn, cụ thể là Dự thảo nghị quyết XV của Bộ Chính trị, đánh giá kết quả 3 năm thực hiện nghị quyết XV của Bộ Chính trị, quy hoạch phát triển ngành Dầu khí và Petrovietnam tới năm 2025 và định hướng đến năm 2035, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, quy hoạch phát triển ngành hóa dầu Việt Nam và một số dự án khác của Petrovietnam. Trong thời gian hoạt động tại Hội DKVN, ông Hùng còn được phân công làm Chủ nhiệm CLB các doanh nghiệp Dầu khí và đã tổ chức thành công nhiều phiên họp của CLB tại các địa điểm khác nhau trong thời gian 2017-2022.

Trong thời gian làm việc tại Hội DKVN, ông Hùng đã giúp Hội làm tốt vai trò tập hợp đội ngũ các cán bộ, chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ và quản lý đầu ngành của Tập đoàn để sát cánh cùng Tập đoàn tháo gỡ khó khăn và tiếp tục phát triển. Hội DKVN đã làm tốt các nhiệm vụ về tư vấn, phản biện cho các đề án liên quan đến ngành Dầu khí, tạo sự gắn kết giữa các thế hệ và các đơn vị dầu khí, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, cùng Tập đoàn phát huy truyền thống của “những người đi tìm lửa” và nền văn hóa doanh nghiệp dầu khí.

Theo ông Hoàng Xuân Hùng, trong bối cảnh hiện nay, Petrovietnam đã từng bước chuyển sang lĩnh vực năng lượng và đi sâu vào phát triển các dạng năng lượng mới thân thiện với môi trường, giảm thiểu dần việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống. Các hoạt động khâu sau của Tập đoàn cũng phải có những bước thay đổi, sáng tạo để theo kịp với sự phát triển của Tập đoàn. Đồng thời tiếp tục duy trì việc vận hành ổn định và có hiệu quả các dự án đã đầu tư trong lĩnh vực khâu sau.

Với sự gắn bó và tâm huyết với ngành Dầu khí, trải qua nhiều cương vị công tác, nhận nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng ông Hoàng Xuân Hùng luôn hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt, trong lĩnh vực lọc hóa dầu, ông Hoàng Xuân Hùng đã cùng tập thể HĐTV, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn mang đến những thành công to lớn cho ngành. Những năm công tác trong ngành Dầu khí, ông Hoàng Xuân Hùng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Ba, cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Petrovietnam… và danh hiệu Người tốt việc tốt của TP Hà Nội trong thời kỳ làm Chánh văn phòng Tổng công ty Dầu khí Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, đó sẽ là những kỷ niệm thật đẹp trong cuộc đời ông, sau gần 50 năm gắn bó với ngành Dầu khí Việt Nam.

Hồng Thắm


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​