Các bể trầm tích liên quan đến tiềm năng dầu khí - Phần 2
Các bể trầm tích Kainozoi của Việt Nam gồm các bể và nhóm bể như: Nam Côn Sơn, Tư Chính - Vũng Mây, Trường Sa, Malay - Thổ Chu...

Bể Nam Côn Sơn

Là bể trầm tích có diện tích khá lớn, có sự liên thông về môi trường trầm tích, về cấu kiến tạo với các bể Đông Natuna và Bắc Sarawak. Về phía Đông và phía Nam không có ranh giới rõ ràng dạng rìa bể.

Lịch sử phát triển địa chất bể Nam Côn Sơn có sự khác biệt giữa hai khu vực Đông và Tây bể. Khu vực Tây bể chỉ có một pha tạo rift trong Oligocen, còn khu vực Đông bể có hai pha tạo rift trong Oligocen và Miocen trung chồng lên nhau do bị ảnh hưởng trực tiếp của tách giãn Biển Đông. Về cấu trúc, khu vực Đông bể lại phân dị ra thành trũng Bắc, nâng Mãng Cầu và trũng Đông Nam tạo ra những không gian trầm tích khá khác nhau. Ở trũng Bắc, nguồn trầm tích lục nguyên khá dồi dào nên có tỷ trọng trầm tích carbonat nhỏ và ít bị ảnh hưởng của pha nén ép cuối Miocen trung. Nâng Mãng Cầu luôn nổi cao nên trầm tích carbonat Miocen trung, muộn rất phát triển. Ở trũng Đông Nam, vào Miocen trung - muộn, nguồn trầm tích lục nguyên chỉ dồi dào về phía Đông và thiếu vắng ở phía Tây nên tạo điều kiện cho trầm tích carbonat phát triển trên những dải nâng. Vào cuối Miocen trung, cả trũng Đông Nam bị nén ép nhẹ và sau đó lún chìm dần và được phủ lên trên một tập trầm tích sét Miocen muộn, tướng biển sâu, đóng vai trò tầng chắn khu vực. Từ Miocen muộn đến nay, trầm tích lục nguyên phát triển từ Tây sang Đông dưới dạng nêm lấn tạo ra thềm lục địa ở phía Tây, sườn và biển thẳm ở phía Đông với tốc độ trầm tích cao ở khu vực thềm và sườn thềm, tốc độ trầm tích thấp ở khu vực biển thẳm. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra đới áp suất cao ở dưới thềm và đới áp suất bình thường ở khu vực biển thẳm.

Hình 2.11 - Bể trầm tích Nam Côn Sơn - a. Sơ đồ vị trí bể Nam Côn Sơn; b. Lát cắt địa chấn cắt qua bể Cửu Long, khối nâng Côn Sơn và bể Nam Côn Sơn; c. Lát cắt địa chất liên kết khu vực tương ứng

Về hệ thống dầu khí ở Bể Nam Côn Sơn các đới cấu trúc có sự phân dị khác nhau và nguyên nhân chính tạo ra sự khác biệt là đá mẹ và chế độ áp suất khác nhau. Bể Nam Côn Sơn có thể coi là một tập hợp các trũng nhỏ nên đá mẹ có tính địa phương cao, rất khó nhận dạng được quy luật phân bố đá mẹ đầm hồ hay đá mẹ paralic, tuy nhiên đối với chế độ áp suất có tính quy luật cao là trong vùng dị thường áp suất cao pha của hidrocacbua là khí và condensate, còn dầu thường phân bố xung quanh đới áp suất cao và trong khu vực có áp suất bình thường.

Trên hình 2.11 là sơ đồ vị trí bể Nam Côn Sơn, lát cắt địa chấn cắt qua bể Cửu Long, khối nâng Côn Sơn, bể Nam Côn Sơn và lát cắt địa chất liên kết khu vực.

Nhóm bể Tư Chính - Vũng Mây

Là một diện tích thuộc lãnh hải Việt Nam nằm giữa bể Nam Côn Sơn và quần đảo Trường Sa, hoàn toàn nằm trong vùng nước sâu.

Các bể trầm tích liên quan đến tiềm năng dầu khí - Phần 2

Hình 2.12 - Nhóm bể Tư Chính - Vũng Mây - a. Bình đồ cấu trúc khu vực; b. Các yếu tố cấu trúc bãi Tư Chính; c. Lát cắt địa chấn ở khu vực Đông Bắc; d. Lát cắt địa chấn ở khu vực Tây Nam bể Tư Chính - Vũng Mây

Về cấu trúc địa chất, khu vực Tư Chính - Vũng Mây bao gồm một dải nâng ở phía Bắc (gọi là nâng Tư Chính - Phúc Nguyên và nâng Đá Lát - Đá Tây), ôm quanh đầu mũi của tách giãn Biển Đông và một đới trũng ở phía Nam gọi là trũng Vũng Mây.

Khu vực này phần lớn nằm trên vỏ chuyển tiếp và phát triển như dạng bể rìa thụ động, vì thế hoạt động núi lửa xảy ra rất mạnh mẽ, đặc biệt trên các dải nâng, còn diện tích trũng Vũng Mây nằm trên vỏ chuyển tiếp và vỏ lục địa. Trũng Vũng Mây có lịch sử phát triển địa chất cùng với Bể Nam Côn Sơn, tuy nhiên trũng Vũng Mây có kiểu bể dạng rìa thụ động, còn Bể Nam Côn Sơn có kiểu bể dạng rift. Ngoài ra, trũng Vũng Mây có thêm nguồn trầm tích từ phía Nam và bị ảnh hưởng của pha nén ép cuối Miocen trung đầu Miocen muộn, tạo ra các cấu trúc nén ép rất rõ.

Trên hình 2.12 là sơ đồ vị trí bể Tư Chính - Vũng Mây, lát cắt địa chấn thể hiện quạt đáy bể, dòng chảy rối và lát cắt địa chất thể hiện carbonat trong Miocen muộn (Nguyễn Hiệp, 2007).

Nhóm bể Trường Sa

Là diện tích khu vực quần đảo Trường Sa, bao gồm hai dải nâng ở hai rìa Đông (nâng Nam Yết - Sơn Ca) và Tây (nâng Vành Khăn - Bình Nguyên) và một đới trũng ở giữa (Trũng Nam Sinh Tồn - Bình Nguyên). Đây là phần lục địa sót trước giãn đáy Biển Đông và nằm kề áp vào giãn đáy Biển Đông trong đới rìa thụ động, có móng là các trầm tích lục địa tuổi Creta và bị dập vỡ tạo các bán địa hào vào Paleocen - Eocen và mở rộng giai đoạn syn - rift đến cuối Oligocen. Cuối và sau Oligocen, cả khu vực gần như cố kết thành một khối, lún chìm dưới mực nước biển và có mặt cả hai loại trầm tích carbonat trên các đới nâng và lục nguyên tướng biển trong các trũng nhỏ hẹp. Trên hình 2.13 là hình ảnh một số lát cắt địa chấn vùng nhóm bể Trường Sa. Hình 2.14 lát cắt địa chấn khu vực Reed Bank.

Các bể trầm tích liên quan đến tiềm năng dầu khí   Phần 2

Hình 2.13 - Một số lát cắt địa chấn ở nhóm bể Trường Sa

Các bể trầm tích liên quan đến tiềm năng dầu khí   Phần 2

Hình 2.14 - Lát cắt địa chấn và địa chất khu vực Reed Bank bể Trường Sa

Bể Malay - Thổ Chu

Là diện tích trầm tích thuộc vịnh Thái Lan nằm trong lãnh hải Việt Nam, bao gồm phần Nam của trũng Pattani và rìa Đông Bắc của bể Malay. Phần Nam của trũng Pattani được gọi là đới phân dị Thổ Chu, còn rìa Đông Bắc của bể Malay được gọi là đơn nghiêng Đông Nam. Cả hai đơn vị cấu trúc trên đều có pha tách giãn trong Oligocen và kéo dài đến Miocen sớm nhưng có trục tách giãn khác nhau.

Đới phân dị Thổ Chu có trục tách giãn á Bắc - Nam, còn đơn nghiêng Đông Nam (thuộc bể Malay) có trục tách giãn TB-ĐN. Ảnh hưởng của biển bắt đầu từ Miocen sớm bắt đầu từ phía Nam, biển tiến mạnh từ Miocen trung và lùi dần từ Miocen muộn đến ngày nay. Trong hai đơn vị cấu trúc, do không gian trầm tích có quy mô và khoảng cách đến nguồn trầm tích khác nhau nên trong Oligocen bể Malay có môi trường đầm hồ, còn trong đới phân dị Thổ Chu có môi trường alluvi và sông ngòi. Vào Miocen, các đơn vị cấu trúc riêng trong Oligocen hợp lại với nhau thành một bể trầm tích lớn, cùng chia sẻ chế độ kiến tạo và môi trường trầm tích.

Trên hình 2.15 là sơ đồ vị trí bể Malay - Thổ Chu, thí dụ lát cắt địa chấn và lát cắt địa chất tương ứng thể hiện trầm tích Paleozoi, Mezozoi (Nguyễn Hiệp, 2007).

Các bể trầm tích liên quan đến tiềm năng dầu khí - Phần 2

Hình 2.15 - Bể Malay - Thổ Chu - a. Sơ đồ vị trí bể Malay - Thổ Chu; b. Thí dụ lát cắt địa chấn thể hiện các đứt gãy; c. Lát cắt địa chất tương ứng thể hiện trầm tích Paleozoi, Mezozoi

Nói tóm lại khu vực Biển Đông của Việt Nam có cấu trúc địa chất rất đa dạng và nguồn tài nguyên rất phong phú. Các bể trầm tích không chỉ có ở thềm lục địa mà cả khu vực biển sâu, không chỉ bể trầm tích biển mà có cả thời kỳ mang đặc tính bể hồ. Sự tồn tại của dầu khí không chỉ trong các bẫy cấu tạo thông thường mà cả trong các bẫy phi cấu tạo như bẫy địa tầng, nứt nẻ trong móng... Ngoài dầu khí, sự tồn tại của khí hydrat ở các vùng nước sâu có điều kiện nhiệt độ và áp suất thích hợp của Biển Đông đang là đối tượng tìm kiếm thăm dò quan trọng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực dầu khí từ tìm kiếm thăm dò đến khai thác, vận chuyển và chế biển…, ngành công nghiệp dầu khí đang và sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Tài liệu tham khảo: Nguyễn Hiệp (Chủ biên) và nnk, 2007, Địa chất và Tài nguyên Dầu khí Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 549 tr

Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí

Hệ thống dầu khí - Đá sinh dầu, đá chứa và đá chắn
Các loại bẫy dầu khí, chuyển dịch và nạp bẫy
Các giai đoạn thăm dò dầu khí
Quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Việt Nam
Đặc điểm địa chất liên quan đến tiềm năng dầu khí ở Việt Nam
Các bể trầm tích liên quan đến tiềm năng dầu khí - Phần 1


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​