Dấu ấn Khai thác Dầu khí - Sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2021
Ngày 31/12, Bộ Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật trong năm 2021. Trong đó, khai thác dầu khí hoàn thành chỉ tiêu 7,99 triệu tấn dầu, về đích trước kế hoạch 42 ngày, là một dấu ấn đáng tự hào của ngành Dầu khí nói riêng, ngành Công Thương nói chung.

 

Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức bởi đại dịch Covid 19, dẫn đến phải thực hiện giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi cung cấp vật tư, thiết bị, nhưng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã cố gắng vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về đích sớm kế hoạch sản lượng khai thác dầu trong nước là nỗ lực rất lớn của toàn ngành trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và trong bối cảnh đầu tư phát triển các mỏ mới gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch HĐTV PVEP Trần Hồng Nam báo cáo với Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng hoạt động khai thác dầu khí mỏ Đại Hùng

Sớm dự báo được các khó khăn cả về dịch bệnh, kỹ thuật và thị trường bất ổn, tiếp nối việc xây dựng, triển khai ứng phó các tác động của khủng hoảng trong năm 2020, ngay từ Quý IV/2020, Petrovietnam đã tổ chức làm việc với từng người điều hành tại các lô mỏ khai thác để đánh giá, phân tích các rủi ro, tìm kiếm cơ hội, chắt chiu tận dụng từng giải pháp gia tăng sản lượng khai thác và tổng hợp thành kế hoạch quản trị hoàn chỉnh, khả thi để thực hiện.

Cùng với sự hợp tác, đồng hành của các nhà thầu dầu khí, bản lĩnh kiên định vượt khó, năng lực quản trị biến động được trui rèn thường xuyên và nhanh nhạy trong tận dụng thời điểm giá dầu đạt đỉnh, cộng với việc tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, các giải pháp nâng cao thu hồi dầu, sản lượng khai thác dầu khí của Petrovietnam đã đạt tối đa trong điều kiện an toàn kỹ thuật cho phép, đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước, với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã về đích sớm 39 ngày chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu cả năm là 9,72 triệu tấn, cả năm đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn (≈ vượt 13%) kế hoạch năm. Trong đó, khai thác dầu ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm trước 42 ngày, cả năm 2021 đạt 9,10 triệu tấn, vượt 1,11 (Petrovietnam) tấn (≈ vượt 14%) kế hoạch năm. Khai thác dầu ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm trước 28 ngày, năm 2021 đạt 1,87 triệu tấn, vượt 140 nghìn tấn (≈ vượt 8,0%) kế hoạch năm.

Người lao động Vietsovpetro thi công lắp đặt công trình trên biển

Sản xuất phân bón hoàn thành kế hoạch cả năm trước 14 ngày, năm 2021 đạt 1,91 triệu tấn, vượt 286 nghìn tấn (≈ vượt 18%) kế hoạch năm, tăng 6,0% so với năm 2020. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn đạt 6,37 triệu tấn, vượt 0,1% kế hoạch năm 2021, tăng 9,5% so với năm 2020.

Với các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 14 - 42 ngày, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 - 3 tháng và tăng trưởng cao so với năm 2020. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng, năm 2021 đạt 620,2 nghìn tỷ đồng, vượt 26,4% kế hoạch năm, tăng 28% so với năm 2020; Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 45,0 nghìn tỷ đồng, vượt 2,6 lần kế hoạch năm, tăng 2,2 lần so với năm 2020; Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 3 tháng, năm 2021 đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020.

Lắp đặp thành công giàn BK-19

Bên cạnh dấu ấn của ngành Dầu khí, các sự kiện nổi bật khác mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2021 bao gồm:

Sản xuất công nghiệp góp phần thúc đẩy xuất khẩu năm 2021 vượt đích ngoạn mục

Năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt tăng 4,82% so với năm 2020

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có bởi dịch bệnh Covid-19, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng trưởng của năm trước; quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV/2021 khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 63,8% tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước

Trước bối cảnh dịch Covid lần thứ 4 bùng phát với tốc độ lây lan chưa từng có, ngành Công Thương đã cùng các Bộ, ngành, địa phương cơ bản cung ứng kịp thời, khá đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân, ổn định giá cả hàng hóa; khai thác các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân trong hoàn cảnh giãn cách xã hội; giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh; đề xuất tiêu chí, điều kiện và quy trình mở lại các cơ sở sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong điều kiện bình thường mới…
Với việc phát huy hiệu quả, rõ rét các giải pháp nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giúp cho chuỗi cung ứng hàng hóa và sản xuất công nghiệp vẫn vững vàng trước sóng gió Covid-19.

Thương mại điện tử phát huy vai trò đột phá

 

Phân loại hàng hóa của hãng thương mại điện tử

Lần đầu tiên, mua sắm hàng hoá qua thương mại điện tử (TMĐT) trở thành một phương thức phân phối chủ yếu, an toàn, phát huy hiệu quả ngay lập tức trong bối cảnh dịch bệnh, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông, bảo đảm nguồn cung ứng hàng hoá cho các chợ đầu mối, siêu thị, phục vụ cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm của người dân trên cả nước. Hàng nghìn tấn nông sản, đặc sản trái cây vùng miền được tổ chức phân phối trên TMĐT thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và qua các sàn TMĐT, góp phần làm vơi bớt khó khăn của người nông dân các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

“Gian hàng Quốc gia Việt Nam” lần đầu được tổ chức, xây dựng trên sàn thương mại điện tử JD.com - nền tảng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung. Chương trình do Cơ quan phía Việt Nam (Bộ Công Thương) chủ trì triển khai qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới, đã mở ra thêm hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và hướng tới các thị trường khác trên thế giới.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số

Trong gần hai năm dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức xúc tiến thương mại trên môi trường số. Đã có trên 1.000 hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa được tổ chức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước; hàng trăm khoá tập huấn nghiệp vụ xúc tiến thương mại trên môi trường số và xuất khẩu trực tiếp trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế được triển khai cho các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

Việc đẩy mạnh các hoạt động XTTM trên môi trường số (trực tuyến) đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước trong 2 năm qua.
Gần 17.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng sử dụng điện

 

EVN hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện trong 5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng)

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng cho các đối tượng là: khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú và cơ sở cách ly y tế; các nhà máy, cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất tại thời điểm ngày 25/8/2021 thuộc các Doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; các doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả và doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 01 tỷ đô la Mỹ.

Xuất nhập khẩu vượt kỷ lục, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid 19.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hoá như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc… Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã thể hiện rõ nét hơn, giúp cho hoạt động xuất, nhập khẩu không những không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua, mà còn là cú hích rất lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Phát huy hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do

 

Lễ ký Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)

Tính đến tháng 11/2021, ta đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng hơn 9 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên hơn 53 tỷ USD trong năm 2020. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của ta sang các thị trường đối tác FTA của ASEAN cũng đạt được những bước tăng trưởng đáng kể so với thời điểm trước khi thực hiện FTA.

Đối với Hiệp định EVFTA, sau một năm thực thi đã đem lại những kết quả rất khả quan, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trao đổi thương mại hai chiều đạt 54,6 tỷ USD, tăng trưởng 11,9%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3% còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,71 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của Liên minh châu Âu theo EVFTA.

Hiệp định UKVFTA trải qua gần một năm thực thi cũng đã đạt được với nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh COVID-19 phức tạp. Trong 10 tháng của năm 2021, thương mại 2 chiều đạt gần 5,5 tỷ USD và giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số, theo đó xuất khẩu hàng hóa sang Anh đạt 4,735 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Anh đạt 706 triệu USD, tăng 25,3%.

Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược tổng thể cho phát triển thị trường nội địa. Chiến lược phát triển thương mại trong nước được xây dựng nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế trong thời kỳ mới.

Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật

Trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã có tác động tích cực đến một số ngành đóng vai trò quan trọng như mía đường, sorbitol..., giúp bảo vệ việc làm cho nông dân, người lao động.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước ứng phó với 208 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu./.


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​