Cần có cơ chế đặc thù cho thí điểm điện gió ngoài khơi
Các chuyên gia kiến nghị, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần xây dựng theo hướng quy định các nguyên tắc và giao Chính phủ ban hành các cơ chế đặc thù, để tháo gỡ vướng mắc hiện nay về cơ chế thí điểm triển khai điện gió ngoài khơi (ĐGNK).

Cần có cơ chế đặc thù cho thí điểm điện gió ngoài khơi

Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Nhận định khó khăn của dự án năng lượng tái tạo nói chung đang còn nhiều, TS. Hà Huy Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế vùng và địa phương của Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, với ĐGNK, Việt Nam chưa có cơ chế giá và quy hoạch cụ thể, nên các nhà đầu tư không thể chờ lâu, nản lòng.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đến khảo sát, nghiên cứu rồi rời đi. Việt Nam hiện mới có cơ chế thí điểm ĐGNK giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện ở trên các khu khoan dầu của Tập đoàn, quy mô nhỏ.

Để xây dựng, đưa vào vận hành các dự án ĐGNK, nhà đầu tư phải bỏ ra vốn lớn đầu tư trụ gió, hạ tầng truyền tải điện trên biển, thi công vốn rất tốn kém và phức tạp, chi phí cao hơn nhiều so với điện mặt trời và điện gió ven bờ. Do đó, để khuyến khích nhà đầu tư, cần có cơ chế thí điểm, cơ chế giá và các cơ chế đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để đầu tư một dự án điện lớn, doanh nghiệp cần có tiềm lực về tài chính, tài sản đảm bảo đủ lớn. Quy định chung của ngân hàng là muốn vay vốn phải có tài sản đảm bảo, tài sản cố định.

Vấn đề giao đất, giao khu vực biển, quy hoạch, cơ chế giá điện, tiêu chuẩn kỹ thuật và các cơ chế liên quan đến khảo sát, xây dựng dự án ĐGNK là những nội dung liên quan đến chế định mới. Đây là những vấn đề chưa từng có và còn đang lúng túng trong triển khai thực tế, từ lập quy hoạch đến đảm bảo mặt bằng, khu vực mặt nước biển, không gian biển, quy hoạch phát triển khu vực ven biển, quy chế thẩm định dự án.

Tháo gỡ vướng mắc cho điện gió ngoài khơi tại Luật Điện lực (sửa đổi)

Để tháo gỡ những bất cập trên, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần xây dựng theo hướng quy định các nguyên tắc và giao Chính phủ triển khai chi tiết phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó, cần thiết đưa vào dự thảo Luật nội dung giao Chính phủ ban hành các quy định, chính sách đặc thù về các nội dung cụ thể để đảm bảo đủ điều kiện triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế và hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển các dự án ĐGNK về sau.

Với những nội dung mới mẻ và tiếp tục phát triển chưa được định hình cố định, chúng ta mới hình dung triển khai thí điểm trên một vài khu vực, chưa phải bao quát toàn bộ cho các dự án, mà các quy định hiện hành chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, ông Lĩnh cho biết, theo nguyên tắc, Luật không thể chế định chi tiết các nội dung liên quan ngay được vì đang trong quá trình phát triển.

Cần có cơ chế đặc thù cho thí điểm điện gió ngoài khơi
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

“Quan điểm xây dựng luật đối với những hiện tượng, vấn đề mới, dự thảo Luật phải đưa ra các quy định đảm bảo tính mở, nếu không sẽ bị trói buộc trong khi thực tiễn đang diễn ra và có thể sẽ vượt xa các quy định cụ thể được xây dựng ở thời điểm hiện tại. Đối với các vướng mắc hiện nay về cơ chế thí điểm cho điện gió ngoài khơi, cần có các nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước đó để khát quát điều nào là căn cơ cần đưa vào Luật, không thể quy định cụ thể tất cả các nội dung”, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh.

Do đó, ông Lĩnh cho rằng, cần xây dựng dự thảo Luật theo hướng quy định về mặt nguyên tắc và giao cho Chính phủ chi tiết nội dung trong các văn bản dưới Luật và nghị định, thông tư. Như vậy, những nội dung về phát triển ĐGNK, cơ chế đặc thù và đặc biệt các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp có thể được giải quyết tại các văn bản dưới Luật do Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng, trong dự thảo Luật nên có thêm nội dung: “Các cơ chế thí điểm cho phát triển ĐGNK được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Luật và các quy định của Chính phủ kèm theo dự thảo Luật về chi tiết các nội dung đó. Như vậy, dự thảo Luật sẽ tạo ra một ‘điểm tỳ pháp lý’ vững chắc cho các văn bản, nghị định sau này được Chính phủ ban hành theo điều kiện, giai đoạn thực tiễn thực hiện dự án”.

Bởi các quy định của pháp luật không chỉ là được ghi tại Luật mà còn tại các văn bản quy phạm dưới Luật (thông tư, nghị định) đều có hiệu lực về mặt pháp lý, miễn là các văn bản do Chính phủ ban hành sau này không xung đột với Luật được thông qua trước đó.

Tạo cơ chế để các doanh nghiệp nội địa then chốt phát huy tiềm lực

TS. Hà Huy Ngọc cho rằng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là những doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có tiềm lực thực hiện các dự án năng lượng tái tạo nói chung và ĐGNK nói riêng với sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua nguồn tín dụng đủ lớn, cơ chế mua bán điện ưu đãi và thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài.

Cần có cơ chế đặc thù cho thí điểm điện gió ngoài khơi
TS. Hà Huy Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế vùng và địa phương của Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Nhìn từ kinh nghiệm chính sách hỗ trợ của các nước trên thế giới có thể thấy, các nước phát triển ĐGNK mạnh như Trung Quốc, Na Uy hỗ trợ lớn về giá điện và tín dụng. Các dự án đầu tư vào điện tái tạo quy mô lớn sẽ được họ ưu đãi tín dụng riêng, với các gói tín dụng xanh, thủ tục hỗ trợ dễ dàng. Ở Việt Nam, ngoài tín dụng, doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về cơ chế mua bán điện và quy hoạch.

Còn theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và những doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư cho ĐGNK đều đang gặp nhiều lúng túng về các cơ chế, quy định pháp lý. Nếu Luật Điện lực (sửa đổi) giao Chính phủ quyết định cơ chế đặc thù, thí điểm sẽ là hướng tháo gỡ cho các dự án.

“Tôi hiểu hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn có chế định cụ thể tại Luật để có thể yên tâm thực hiện dự án, tuy nhiên ĐGNK là lĩnh vực mới và còn đang trong quá trình định hình ở Việt Nam, nên nếu có nội dung ‘thực hiện theo các quy định của Chính phủ’ là hướng mở, linh hoạt, dễ dàng xử lý các vấn đề phát sinh do thực tiễn đặt ra nhưng chưa có điều kiện chín muồi để quy định vào Luật”, ông Lĩnh phân tích.

Ngược lại, nếu không quy định nội dung này trong dự thảo Luật, sau này khi thực tiễn các dự án phát triển sẽ gặp vướng mắc, điều hành của Chính phủ cũng gặp khó khăn, muốn tháo gỡ buộc phải chờ sửa Luật. Điều này dẫn đến các hệ lụy khôn lường, chậm tiến độ dự án và kéo lùi quá trình phát triển ĐGNK ở Việt Nam.

Ngoài ra, theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, để chặt chẽ hơn có thể thêm cả nội dung “thực hiện các cơ chế thí điểm dự án ĐGNK theo quy định của pháp luật”, bởi điều này còn có ý bao hàm các Luật liên quan như môi trường, biển đảo, đầu tư... tránh xung đột với các Luật khác. Điều đó đảm bảo sự thống nhất xuyên suốt và luôn đúng về mặt nguyên tắc đã được quy định tại Luật.

Phương Thảo


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​