Ngành Công Thương: Nhiều công trình khoa học có giá trị thực tiễn
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội đồng cấp Bộ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) đợt 6 cho 8 cụm công trình tiêu biểu đến từ các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và tập đoàn của ngành Công Thương.

Các cụm công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là những công trình tiêu biểu đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao, tính mới, sáng tạo và đã giành nhiều giải thưởng, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích…; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng lớn, lâu dài trong đời sống, là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.


Buổi làm việc của Hội đồng cấp Bộ Công Thương về xét tặng giải thưởng đợt 6

Trên cơ sở kết quả làm việc của Hội đồng cấp Bộ Công Thương, có 3 công trình được đề xuất Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 5 công trình được đề xuất xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

Cụ thể, các công trình đề xuất xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam, do Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện; hệ thống trạm đo Carota tổng hợp xách tay TBM-02 và Bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý Loginter 2.0, do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện; nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam, do Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện.

5 công trình đề xuất xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN gồm: Cụm công trình KH&CN về các kết quả nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững, do Viện Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp thực hiện; nghiên cứu, thiết kế công nghệ chế tạo và ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể và vật liệu nano trong lĩnh vực lọc dầu sinh học, tiết kiệm năng lượng hóa thạch và sản xuất năng lượng mới, vì sự phát triển bền vững, do Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu - Bộ Công Thương thực hiện; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận (phần ngoài khơi), do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện; nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di dộng phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng, do Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện; các giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của nhà máy lọc dầu dung quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR, do Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện.

8 cụm công trình được đề xuất xét tặng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như dầu khí, hóa học, cơ khí... song đều được Hội đồng đánh giá cao về giá trị thực tiễn, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KH&CN cũng như kinh tế - xã hội của ngành Công Thương nói riêng và đất nước nói chung.

Theo Báo Công thương


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​