Tự hào 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước:

Ý chí, khát vọng từ Biển Đông
12 năm về trước, có một dự án ra đời thách thức trí tuệ, sức lao động, thách thức cả sức chịu đựng và niềm tin của người làm Dầu khí Việt Nam. Đó là Dự án Biển Đông 01 với cụm giàn khai thác Hải Thạch - Mộc Tinh, một trong những công trình dầu khí xa bờ nhất, lớn nhất thời điểm đó do người Việt Nam thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành.

Biển Đông 01 là dự án trọng điểm quốc gia của ngành Dầu khí Việt Nam, được phát triển trên đề án khai thác 2 mỏ khí - condensate Hải Thạch và Mộc Tinh với thời gian dự kiến là 25 năm, công suất khai thác 25.000 thùng condensate và 8,5 triệu m3 khí/ngày.

Điểm đặc biệt của dự án này là toàn bộ công tác quản lý thiết kế, gia công, chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành đều do các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện.

Dự án cũng đạt kỷ lục về khối lượng, độ sâu nước biển và quy mô dự án.

Cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh nằm trong 2 lô dầu khí 05-2 và 05-3, cách bờ biển Vũng Tàu 320 km về phía Đông Nam. Hoạt động thăm dò, tìm kiếm tại mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh được thực hiện từ năm 1992, giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) và tổ hợp các nhà đầu tư nước ngoài; Công ty BP của Anh là nhà điều hành việc thăm dò 2 lô này. Trong suốt nhiều năm, hãng dầu khí nổi tiếng top 5 thế giới đã tiến hành thăm dò, thẩm lượng, thậm chí là chuẩn bị kế hoạch khai thác trong 15 năm. Tuy nhiên, đến năm 2008, khi cân nhắc lợi ích trong chiến lược đầu tư quốc tế, BP đã tuyên bố rút hoàn toàn khỏi Việt Nam.


Giàn PQP-HT và giàn WHP-HT1, Dự án Biển Đông 01

Ông Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) kể lại: "Công ty BP từ bỏ dự án và họ rút luôn. Khi đó Chính phủ cũng như Tập đoàn đã tiếp tục nghiên cứu và quyết tâm thực hiện những công việc mà BP đã triển khai, quyết tâm đưa dự án vào khai thác. Vì vậy, đầu năm 2009, Tập đoàn đã thành lập Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông. Hồi đó chúng tôi có 4 người: anh Nguyễn Quỳnh Lâm làm Tổng Giám đốc, 2 Phó Giám đốc trong đó có tôi, và một kế toán trưởng. Trong suốt 3 tháng trời, anh em ngồi nghe, học tập kinh nghiệm cũng như trao đổi với các chuyên gia BP. Mặc dù Công ty BP rút đi nhưng họ thực sự rất tận tình, chia sẻ cho mình tất cả những gì mà họ biết".

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm - Tổng Giám đốc Vietsovpetro, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) cũng khẳng định: "Đối với người trong ngành và dư luận xã hội, đây là điều mang tính phiêu lưu. Tuy nhiên, các lãnh đạo khi đưa ra quyết định, cũng như bản thân tôi, hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở thời điểm đó. Tất nhiên có sự mạo hiểm, nhưng sau khi cân nhắc, đánh giá cho thấy rằng chúng ta có thể thành công".

Ngày 13/1/2009, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông được thành lập, đại diện cho Tập đoàn nghiên cứu và hoàn thiện kế hoạch phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Kế hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 956/QĐ-Ttg ngày 24/6/2010.

Biển Đông 01 là dự án đầu tiên được triển khai ở vùng nước sâu tới 135 m nước. Điều kiện địa chất ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, nơi cho những dòng khí dẫn lên giàn xử lý trung tâm PQP, không những phức tạp nhất ở Việt Nam mà còn là vào loại ít có trên thế giới. Từ trong lòng đất dưới đáy biển, với độ sâu hơn 4 nghìn mét, dòng khí phun lên với áp suất rất cao, 890 atm, và nhiệt độ cao vượt ngưỡng 190ºC. Cấu tạo địa chất cực kỳ phức tạp này đòi hỏi những người trực tiếp tham gia phải nghiên cứu, phát triển những công nghệ mới, đồng thời tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, thuộc tất cả các lĩnh vực về địa chất, công nghệ mỏ, thiết kế, xây lắp, khoan, hoàn thiện giếng, cuối cùng là vận hành khai thác hiệu quả dự án trong điều kiện áp suất cao, nhiệt độ cao, khu vực nước sâu xa bờ, khí hậu hải dương khắc nghiệt.

Tiếp tục câu chuyện, ông Trần Hồng Nam chia sẻ: "Với quyết tâm cực kỳ lớn, chúng tôi đã cố gắng tiếp quản triệt để những gì mà BP chuyển giao. Nhiều cán bộ của BP, kể cả chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam cũng đã đồng ý sang BIENDONG POC làm việc với mức thu nhập thấp hơn nhiều để tiếp tục thực hiện dự án. Nhờ hai yếu tố đó, chúng tôi đã vượt qua được những chuỗi ngày khó khăn đầu tiên. Cuối cùng, tiến độ dự án đã theo đúng kế hoạch đề ra là cuối 2012 và giữa 2013 có dòng khí đầu tiên. Tiến độ này nhanh hơn cả tiến độ BP trước đây đặt ra là 1 năm, 1 năm rưỡi thôi, nhưng các chuyên gia nói, thực sự là lúc đặt ra kế hoạch như vậy, họ đã cho rằng là không tưởng...".

Tháng 6/2010, lễ cắt tấm thép đầu tiên khởi công chế tạo các giàn đầu giếng đã diễn ra tại công trường Vietsovpetro và Tổng công ty CP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Ngày 12/7/2010, bắt đầu khởi công chế tạo giàn xử lý trung tâm HT-PQP tại cảng hạ lưu PTSC. Dồn dập trong một thời gian ngắn, các hợp đồng dịch vụ được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc chế tạo giàn Mộc Tinh được giao cho Vietsovpetro, còn PTSC M&C đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ nhất là chế tạo giàn đầu giếng Hải Thạch và giàn xử lý trung tâm HT-PQP.


Hạ thủy chân đế giàn PQP-HT.

Ông Đồng Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) nhớ lại: "Năm 2012 là năm lắp đặt dự án ngoài khơi. Thời tiết vô cùng xấu. Có đến hàng chục cơn bão, bão chồng bão. Việc lắp đặt đường ống, rồi lắp đặt đường ống nội mỏ khác, rồi lắp đặt cấu kiện gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết. Thế nên, đến khâu lắp đặt khối thượng tầng CPP nặng 13 ngàn tấn thì lại phải cân nhắc xem có làm vào cuối năm 2012 được không, hay phải dời sang năm 2013. Bởi vì thời tiết quá xấu, mọi người quan ngại không lắp được, sợ rủi ro. Chúng tôi họp đi họp lại, phần lớn ý kiến đưa ra là không nên mạo hiểm, bởi theo tính toán thì cuối năm "cửa sổ thời tiết" cho phép rất hẹp. Khi đó, cũng rất là dũng cảm và cả bồng bột, bản thân tôi khẳng định với Tập đoàn là lắp được, và phải lắp trong năm 2012".

Chế tạo trên bờ đã là một bài toán khó, nhưng hạ thủy để mang ra biển hàng trăm cây số, lắp vào chân đế quả thực là thách thức không dễ vượt qua. Có lẽ thiên nhiên luôn thử thách con người, và con người muốn sinh tồn thì phải tìm cách vươn lên đồng thời ứng xử hòa thuận với thiên nhiên. Chính vì lẽ ấy mà câu chuyện lắp đặt chân đế và giàn của dự án Biển Đông 01 đã để lại dấu ấn không thể nào quên đối với bất cứ ai từng tham gia.

Những cơn bão nối tiếp nhau như thách thức sự kiên trì và lòng dũng cảm của người thợ dầu khí Việt Nam. Ông Trần Hồng Nam kể: "Lúc kéo giàn ra biển, chúng tôi cũng đã nắm được thông tin dự báo thời tiết là có bão rồi. Thế nhưng sau đó có đến 3 cơn bão khác kéo đến hoàn toàn bất ngờ, vượt ngoài tính toán của các nhà dự báo quốc tế. Trên đường đi gặp bão. Ra đến nơi, khi cẩu giàn lên cũng lại gặp bão, phải dừng lại, sau đó mới cẩu tiếp. Cả cái flare boom rồi khối nhà ở cũng vậy. Trải qua bao nhiêu cơn bão như thế, rồi cuối cùng cũng lắp đặt được giàn thành công. Giờ phút khi mà giàn được lắp vào chân đế rồi hoàn thiện, đối với BIENDONG POC cũng chính là một mốc son lịch sử".

Những người thợ Dầu khí chẳng có khát vọng nào lớn hơn việc tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc. Chính những khát vọng ấy đã trở thành động lực để họ có thể vượt qua biết bao khó khăn, thách thức. Chỉ trong một thời gian ngắn, với xuất phát điểm là 4 nhân sự, Dự án Biển Đông 01 đã quy tụ được rất nhiều chuyên gia và những người thợ giỏi về giúp sức. Sức mạnh của con người đã làm nên những điều phi thường. Trong câu chuyện của Hải Thạch - Mộc Tinh, đó chính là sức mạnh nội lực, thể hiện ý chí và bản lĩnh của người Việt Nam trong một dự án tầm cỡ thế giới.


Người lao động Dầu khí chào cờ Tổ quốc trên giàn Hải Thạch - PQP

Tổ quốc nơi đây là ý chí niềm tin

Của lịch sử 4.000 năm tụ lại

Của dân tộc không bao giờ chiến bại

Quyết giữ biển trời sông núi Việt Nam

Những chòm sao nằm sâu trong lòng đại dương như Hải Thạch, Mộc Tinh đã thực sự được đánh thức bằng ý chí, khát vọng và sức lao động của "đội quân dầu khí" như thế. Đó còn là câu chuyện khi người Việt đã trực tiếp thiết kế và chế tạo những giàn khoan, những khối thượng tầng hay những chân đế khổng lồ nơi những vùng nước sâu của thềm lục địa...

Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

"Cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh sừng sững giữa Biển Đông chính là điểm tiền tiêu khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước. Chúng ta thấy rõ vai trò của đội ngũ lao động Dầu khí trên các giàn khoan như giàn Hải Thạch - Mộc Tinh, không chỉ mang lại những thùng dầu, những mét khối khí cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, tôi cho rằng, quan trọng đặc biệt ở đây là sự khẳng định chủ quyền biển đảo, an ninh quốc gia ở Biển Đông".

Ông Trần Hồng Nam: "Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng trong tâm thức của bất kỳ người dầu khí nào. BP rút đi vì tác động của những yếu tố vĩ mô và yếu tố nước ngoài. Người Việt chúng ta rất mong muốn đạt được mốc chủ quyền ngoài khơi đó, và quan trọng hơn cả là khai thác được nguồn tài nguyên còn đang nằm sâu trong lòng đất. Nguồn tài nguyên nằm đó thì mãi cũng chỉ là tài nguyên, chỉ có khai thác được lên thì nó mới trở thành của cải vật chất cho đất nước mình".

Ông Ngô Hữu Hải - Tổng Giám đốc BIENDONG POC:

"Đất nước chúng ta có hơn 3.000 km bờ biển, nếu được Chính phủ và nhân dân ủng hộ để dầu khí phát triển ra ngoài khơi, thì cứ mỗi giàn khoan được dựng nên đều sẽ trở thành một ngọn hải đăng cho bà con ngư dân bám biển, đánh cá, thu nguồn lợi hải sản trong vùng đặc quyền của chúng ta. Không những vậy, đó còn là những cột mốc vững chắc, đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của đất nước chúng ta trên biển".

 Lâm Anh (t/h)
(Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự Hành trình Người đi tìm lửa)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​