Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí
Ngày 26/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức Hội thảo “Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí”.

Tham dự Hội thảo có TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; cùng các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực dầu khí, khoa học quản lý. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí và được bổ sung, sửa đổi vào năm 2000 và năm 2008 để từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh với Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật; quy định chưa phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác.

Bộ Công Thương nêu rõ, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng; chưa khắc phục những bất cập, chồng chéo với các quy định pháp luật có liên quan; bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế.

Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phát biểu tại Hội thảo

Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) là điều hết sức cần thiết. TS. Võ Trí Thành mong muốn thông qua hội thảo hôm nay, các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm nhằm trao đổi để tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, qua đó, thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và tổng thể nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã nhiều lần điều chỉnh, trong 6 nhóm chính sách, đã phần nào đáp ứng được mục tiêu ưu đãi, thu hút, loại bỏ nhiều rào cản thu hút đầu tư; về những chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, Dự thảo luật mới cũng cần phải cân nhắc, xem xét bổ sung về chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí như cần phải bổ sung thêm điều kiện ưu đãi. Trong Luật Dầu khí này cần phải đề cập đến việc có đặc thù riêng cho việc lựa chon nhà thầu cung cấp dịch vụ cho hoạt động dầu khí bởi vì việc áp dụng Luật Đấu thầu trong hoạt động dầu khí cần được linh hoạt, mở rông, phải có những ứng xử cho phù hợp: Hầu hết các dự án tìm kiếm thăm dò không sử dụng vốn trong nước, một số hoạt động nằm trong vùng nhạy cảm chính trị (không đấu thầu quốc tế rộng rãi, chỉ đấu thầu trong nước), các hoạt động dầu khí chủ yếu nằm trong khu vực xa bờ, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trong một tổ hợp cần phải có sự dung hoà. Bên cạnh đó, trong Dự thảo Luật cần có định nghĩa về khai thác tận thu trong hoạt động dầu khí; cần phải thực hiện theo nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và nước chủ nhà…

Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí

Ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhấn mạnh: Với chỉ đạo “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, nhằm tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông đề xuất làm rõ, bổ sung vào trong Luật Dầu khí đó là: Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải: Xây dựng, trình cơ quan quản lý thẩm định phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp các sự cố môi trường; triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường sau khi được phê duyệt.

Ông Phạm Văn Sơn cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm kiểm tra trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí; phải thực hành, diễn tập kiểm tra đánh giá thực tế trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường; cần phải kiểm tra thực tế việc triển khai kế hoạch của tổ chức, cá nhân sau khi thẩm định phê duyệt.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam - Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng, nên quy định cụ thể trong luật vấn đề liên quan tới sự cố môi trường; đồng thời, cần chú trọng việc xây dựng đi vào thực thi, giám sát.

Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí

TS. Đoàn Văn Thuần - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam

TS. Đoàn Văn Thuần - Viện Dầu khí Việt Nam đã đề cập tới vấn đề phát thải CO2 liên quan tới chống biến đổi khí hậu theo cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Trong đó, có giải pháp trọng tâm đó là giảm phát thải CO2; cần có chính sách để thực hiện các giải pháp giảm phát thải CO2. Đặc biệt, trong việc thu và sử dụng CO2 là phát triển theo hướng trung tâm, phối kết hợp với các giải pháp giảm nhẹ phát thải khác như sản xuất nang lượng xanh, sản xuất, tiêu thụ hydro, vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự điều tiết của Chính phủ. TS. Đoàn Văn Thuần cho biết, trước mắt Luật Dầu khí đang sửa đổi nên có điều khoản khuyến khích các nhà đầu tư giảm thải phát thải khí nhà kính, trong đó có thu và lưu giữ CO2.

Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong

Chia sẻ thêm về vai trò của Ngành Dầu khí trong việc đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế và an ninh năng lượng, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay, việc hoàn thiện Luật Dầu khí cần thiết kế theo tư duy tăng thu hút đầu tư, nhà đầu tư trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Đồng thời, cần làm rõ các khái niệm về áp dụng chính sách ưu đãi trong hoạt động xuất - nhập dầu khí. Mặt khác, dự thảo luật cũng nên thiết kế bổ sung quy định về tước bỏ ưu đãi với nhà đầu tư trong trường hợp nào, phòng trường hợp bị lạm dụng ưu đãi. Ưu đãi phải có nguyên tắc, có quy định việc thu hồi ưu đãi nếu sai phạm, không tuân thủ các quy định. Đồng thời, phải đặc biệt chú ý tới vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nguyễn Hoan


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​