Chính phủ yêu cầu tiếp tục tiếp thu, lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Dầu khí
Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến tham vấn các cơ quan liên quan, xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, hoàn thiện Dự án Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.

Ngày 28/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2022.


Ảnh minh hoạ

Tại Nghị quyết, Chính phủ hoan nghênh các Bộ chủ trì xây dựng, thẩm định các dự án luật trình Chính phủ thời gian qua. Các dự án đã cơ bản tập trung cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư... bám sát thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như xử lý các vấn đề mới phát sinh. Tiến độ soạn thảo các dự án được đẩy nhanh hơn, chất lượng từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống và công tác chỉ đạo, điều hành cho thấy còn nhiều vấn đề, nút thắt của các quy định pháp luật đang đặt ra, như vấn đề liên quan tới việc quản lý tài nguyên, khoáng sản, các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô... Đặc biệt, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện các Chương trình có hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Năm 2022, Chính phủ tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm với một trong ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01/2022; tiếp tục tập trung, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý; phát hiện các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi để phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng mong muốn của Nhân dân, tăng khả thi của pháp luật. Trong quá trình soạn thảo các dự án luật cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan; lấy ý kiến đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để truyền thông kịp thời, tăng cường sự phản biện trong xã hội, tạo đồng thuận trong quá trình xây dựng, trình, ban hành văn bản pháp luật.

Tại Nghị quyết, Chính phủ quyết nghị một số nội dung về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); đề nghị xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); về đề nghị xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) …

Đáng chú ý, về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất quan điểm về các vấn đề lớn của dự án Luật; giao Bộ Công Thương tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến tham vấn các cơ quan liên quan, xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, hoàn thiện Dự án Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ hoàn thiện Dự án Luật theo hướng:

Hoàn thiện quy định nguyên tắc các vấn đề tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong dự thảo Luật nhằm minh bạch cơ chế tài chính đặc thù của PVN, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật ngân sách nhà nước, kế toán, kiểm toán và bảo đảm lợi ích Nhà nước.

Hoàn thiện quy định phân cấp cho Hội đồng Thành viên PVN quyết định, chịu trách nhiệm việc góp vốn tham gia các hợp đồng dầu khí gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo thẩm quyền của Bộ Công Thương, các Bộ liên quan và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên PVN trong việc phê duyệt các vấn đề liên quan đến sử dụng vốn nhà nước của PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN khi thực hiện hoạt động dầu khí, nhằm khắc phục vướng mắc về quy trình, thủ tục góp vốn, đầu tư, xây dựng trên đất liền, trên biển, kiểm soát rủi ro của PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN phù hợp với nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn nhà nước, quyền đầu tư kinh doanh, trách nhiệm của doanh nghiệp, trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương, các Bộ và quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp bảo đảm phân định, lý giải rõ căn cứ áp dụng quy định chung và quy định đặc thù áp dụng Luật này trong quá trình sửa đổi Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, pháp luật thuế... bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng dự án Luật theo yêu cầu của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

Hải Anh


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​