Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhập cuộc "Dòng chảy 4.0"
09:36 |
12/02/2019
Lượt xem:
17326
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Không đứng ngoài “cuộc chơi lớn” này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp thành viên đã chủ động hành động để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra định hướng chung: Lồng ghép, cập nhật kịp thời công nghiệp 4.0 vào các chương trình, kế hoạch đầu tư ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới đã, đang và sẽ triển khai; lựa chọn một hoặc một số dự án trọng tâm áp dụng công nghiệp 4.0, nhằm tận dụng các cơ hội mang lại, theo kịp xu thế phát triển, giảm nguy cơ tụt hậu về công nghệ; áp dụng công nghiệp 4.0 trong chiến lược nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên đang từng bước nỗ lực làm tốt quá trình chuyển đổi “số” để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động. Đây là nền tảng quan trọng để có thể ứng dụng được các thành tựu của CMCN 4.0. Trong đó, toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển tự động vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp như: Triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP); cải tiến nâng cấp các phần mềm, các ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý; triển khai Internet of Things (kết nối vạn vật); nghiên cứu ứng dụng robot trong các hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa và dịch vụ đặc biệt khác có yếu tố nguy hiểm độc hại mà con người gặp khó khăn tiếp cận hoặc hiệu quả thấp…
Đặc biệt quan trọng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quan tâm đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy và kỹ năng số để có thể tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tích cực nhập cuộc CMCN 4.0 không phải chỉ là chuyện lý thuyết mà thực sự đã đi vào cuộc sống bằng những hoạt động sinh động, thiết thực ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên.
Là doanh nghiệp dẫn đầu của ngành Dầu khí, song hành suốt quá trình hoạt động của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) là công tác nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, trở thành một điểm sáng trong phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng chế trong Tập đoàn, không những hỗ trợ đắc lực cho sản xuất kinh doanh của Liên doanh mà còn cung cấp nhiều dịch vụ uy tín, chất lượng ra bên ngoài. Từ đó, Vietsovpetro đã xây dựng được một nền tảng vững vàng để có thể hòa mình vào dòng chảy CMCN 4.0.
PV GAS sở hữu hệ thống công trình khí hiện đại
Vietsovpetro hiện đã ứng dụng hệ thống quản lý hiện đại vận hành trên mạng máy tính, kết nối Internet cho phép kết nối tích hợp thông tin xuyên suốt toàn bộ tổ chức với quy mô toàn bộ doanh nghiệp; ứng dụng ERP; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thiết kế các công trình dầu khí, duy tu bảo dưỡng trên các công trình biển, về địa chất, địa vật lý, khai thác và cơ sở dữ liệu báo cáo sản xuất hằng ngày về các giàn khoan, giếng khoan, tàu khoan, tàu dầu… Đặc biệt, Vietsovpetro đang từng bước áp dụng Hệ thống báo cáo quản trị thông minh BI (Business Inteligence) để tự động chuyển dữ liệu thành các dạng bảng báo cáo, hình ảnh trực quan cho phép người dùng xem và hiểu dữ liệu một cách dễ dàng hơn.
Không riêng Vietsovpetro, các doanh nghiệp khác của ngành Dầu khí đều có những bước đi chủ động và tích cực để theo đuổi CMCN 4.0.
Dẫn đầu ngành công nghiệp khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) luôn chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các nhà máy xử lý, trạm phân phối khí của PV GAS được trang bị hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu, hỗ trợ vận hành giám sát và điều khiển từ xa (SCADA); hệ thống đóng ngắt khẩn cấp/dừng an toàn (SSD) được sử dụng để điều khiển các thiết bị bảo vệ thông qua các công tắc bảo vệ hoặc tín hiệu từ hệ thống phát hiện lửa và khí; sử dụng phần mềm quản lý tính toàn vẹn đường ống (PIMS) để quản lý các thông tin liên quan đến hệ thống đường ống giúp phân tích, đánh giá các kết quả khảo sát bên trong, bên ngoài đường ống, giúp nhận diện hiện trạng của đường ống hiện tại và đánh giá rủi ro, dự báo các nguy cơ cho đường ống trong tương lai…
Người lao động Vietsovpetro trong công tác nghiên cứu khoa học
Trên cơ sở hạ tầng công nghệ sẵn có, PV GAS không ngừng cải tiến, ngày càng tối ưu hóa hạ tầng công nghiệp khí; ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình xây dựng các công trình khí mới hoặc cải hoán, nâng cấp các công trình khí hiện hữu để tăng tính linh hoạt trong vận hành nhằm tăng năng suất và chất lượng của công trình khí; nghiên cứu ứng dụng robot trong các hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực vật liệu mới trong công nghiệp khí…
Trong hành trình chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp ngành dầu khí có sự hỗ trợ đắc lực từ Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), cơ sở nghiên cứu đầu ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. VPI xác định, công tác nghiên cứu và đào tạo phát triển nguồn nhân lực số phải đi trước một bước trong hành trình tham gia CMCN 4.0 nên đã hình thành một nhóm nghiên cứu, với Ban Công nghệ thông tin làm nòng cốt, chuyên theo dõi và cập nhật các cơ hội phát triển và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý và phục vụ sản xuất kinh doanh, để có thể đi trước và có khả năng tư vấn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng thành công thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh...
Có thể khẳng định, trên nền tảng công nghệ hiện có, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đủ năng lực để chinh phục những thành tựu của CMCN 4.0. Bằng sự nỗ lực và những bước đi cụ thể và quyết liệt, công nghiệp 4.0 hứa hẹn sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên đang từng bước nỗ lực làm tốt quá trình chuyển đổi “số” để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động. Đây là nền tảng quan trọng để có thể ứng dụng được các thành tựu của CMCN 4.0.
Phương Mai
Bình luận