Quy định về cơ chế tài chính để điều hành hoạt động dầu khí trong khi chờ ký hợp đồng mới
09:07 |
08/08/2023
Lượt xem:
2332
Ngày 1/7/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022. Trong đó, Điều 37 (Chương IV) quy định về cơ chế tài chính để điều hành hoạt động dầu khí trong giai đoạn từ khi tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí đến khi hợp đồng dầu khí mới được ký kết.
Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ
Theo hướng dẫn của Nghị định 45/2023/NĐ-CP, cơ chế tài chính điều hành hoạt động dầu khí trong giai đoạn từ khi tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí đến khi hợp đồng dầu khí mới được ký kết theo quy định được thực hiện như sau: chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện hoạt động dầu khí (bao gồm cả khoản trích nộp quy bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho hoạt động thu dọn công trình dầu khí, nếu cần thiết) được nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.
Chi phí thực hiện hoạt động dầu khí trong trường hợp này là các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật về dầu khí, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cơ chế tài chính điều hành hoạt động dầu khí trong khi chờ hợp đồng dầu khí mới được ký kết bao gồm 3 nội dung chính.
Thứ nhất, doanh thu bán dầu khí từ hoạt động dầu khí và các doanh thu khác (nếu có) được sử dụng cho các mục đích sau: Thanh toán và hoàn trả toàn bộ các chi phí hợp lý, hợp lệ đã thực hiện trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo chương trình hoạt động và ngân sách được phê duyệt; Tạm ứng các chi phí ước tính sẽ phát sinh cho kỳ tiếp theo phù hợp với chương trình hoạt động và ngân sách đã được phê duyệt; Trang trải chi phí đã thực hiện đầu tư bổ sung nhằm gia tăng trữ lượng, duy trì sản lượng khai thác dầu khí; giá trị trích lập quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí đối với các hạng mục công trình đầu tư bổ sung (nếu có).
Thứ hai, thực hiện nộp ngân sách nhà nước hằng năm đối với các khoản tiền sau: Toàn bộ doanh thu sau khi đã sử dụng cho các mục đích nêu trên; Phần ngân sách dư còn lại (nếu có) trong trường hợp chi phí thực hiện cuối kỳ ít hơn ngân sách thực tế đã được phê duyệt; Các khoản lãi phát sinh (nếu có) tính trên số dư các khoản dự phòng được phép để lại khi kết thúc năm tài chính; Giá trị còn lại (nếu có) của quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí sau khi hoàn thành thu dọn công trình dầu khí, được xác định trên cơ sở kết quả kiểm toán theo quy định; Giá trị chênh lệch (nếu có) giữa doanh thu có được từ việc thanh lý tài sản không còn cần dùng cho hoạt động dầu khí; các thiết bị, phương tiện, vật tư và phế thải thu gom được trong quá trình thu dọn công trình dầu khí; chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ tương ứng trong từng trường hợp.
Nghị định 45 cũng nêu rõ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và phê duyệt chương trình hoạt động và ngân sách hằng năm; Xây dựng và phê duyệt quy trình lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa trong hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí phù hợp với quy định của Luật Dầu khí và nguyên tắc áp dụng đối với hợp đồng dầu khí; Định kỳ hằng quý báo cáo Bộ Công Thương tình hình thực hiện hoạt động dầu khí; Đề xuất phương án xử lý tiếp theo phù hợp với quy định của Luật Dầu khí (Không tiếp tục khai thác mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí hoặc khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí).
Thủ tục thẩm định và phê duyệt kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khi hết hạn hợp đồng
H.T
Bình luận