Kỷ niệm 49 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (3/9/1975-3/9/2024):

Ngô Thường San – “Hành trình tìm lửa và giữ lửa” Dầu khí (Kỳ 3)
Là một trong những nhân chứng lịch sử, cũng là người góp công sức, trí tuệ làm nên lịch sử vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam, cả cuộc đời ông Ngô Thường San là một chuỗi cống hiến không ngừng trên hành trình “tìm lửa và giữ lửa” cho sự phát triển của ngành và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Tất cả vì sự phát triển của ngành Dầu khí, vì lợi ích quốc gia

Ông Ngô Thường San khẳng định, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của các thế hệ “những người đi tìm lửa”, thành công của ngành Dầu khí luôn gắn với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ. Tất cả vì mục tiêu đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

 

Ông Ngô Thường San

Năm 1988, sau 8 năm thành lập Liên doanh Vietsovpetro cũng là lúc chuyển giao thế hệ, chuyển giao công việc lãnh đạo trước đó chủ yếu là người Nga đảm nhiệm các vị trí trưởng bộ phận, phía Việt Nam làm phó, đặt ra yêu cầu đến 1990, Liên Xô bàn giao công tác lãnh đạo cho phía Việt Nam. Đầu tiên thử nghiệm vị trí giàn trưởng người Việt Nam. Lúc đó nhiều anh em cũng lo lắng, bảo ông San rằng “Anh quyết định như thế, sau này có sự cố ngoài biển anh sẽ phải chịu trách nhiệm đấy”. Nhưng với niềm tin tưởng mạnh mẽ và nhận thấy anh em có đủ kiến thức, năng lực, trách nhiệm; tin vào một tương lai gần các nhân sự người Việt có thể thay thế hoàn toàn các chuyên gia nước ngoài để quản lý, vận hành hoạt động nên ông không ngại ủng hộ quyết định giao một số trọng trách. Sau đó là tiếp tục chuyển giao lãnh đạo là người Việt tại một số đơn vị trong liên doanh. Đến năm 1990 vị trí Tổng Giám đốc Vietsovpetro được chuyển giao cho người Việt Nam và ông Ngô Thường San cũng là người Việt đầu tiên đảm nhận vị trí này. Kể từ đó đến nay, Tổng Giám đốc Liên doanh do người Việt đảm nhận và duy trì sự hoạt động ổn định, hiệu quả và phát triển vững mạnh của Liên doanh cho đến ngày nay.

Năm 1993, ông San được giao thêm nhiệm vụ kiêm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Đến năm 1996, ông được điều ra Hà Nội làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 2001. Ở cương vị nào, ông cũng làm việc bằng tinh thần cống hiến hết mình, dám nghĩ, dám làm với cái tâm trong sáng vì đất nước. Trong đó, đặc biệt là những quyết định đầu tư quan trọng mà sau này đã tạo nguồn lực phát triển bền vững, lâu dài cho ngành Dầu khí, cũng như góp phần hình thành các ngành công nghiệp, vùng kinh tế của đất nước.


Nhà máy Đạm Phú Mỹ hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng cho đất nước trong 20 năm qua

Ông San kể lại, lúc đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ, ban đầu Petrovietnam chỉ tham gia 5% vào liên doanh và là đơn vị đảm bảo nguồn cung khí nguyên liệu cho nhà máy. Tuy nhiên, dự án mãi không thể triển khai vì không đạt được thỏa thuận giữa các nhà đầu tư tham gia dự án. Trong đó, các nhà đầu tư chi phối đưa ra những yêu cầu vô lý, đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi với yêu cầu khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ đưa vào xem như đóng góp của Petrovietnam cho liên doanh, có nghĩa là không tính tiền mua khí và khi bán sản phẩm phân bón thì toàn bộ khí nguyên liệu đó cũng không tính vào giá thành. Đấu tranh mãi, liên doanh đồng ý Petrovietnam bán khí cho nhà máy với giá 11 cents/1 triệu Btu, trong khi đó giá khí Bạch Hổ bán cho điện lúc đó là 23 cents/1 triệu Btu, nghĩa là thấp hơn một nửa. Không chỉ vậy, sau này nếu bán đạm không có lãi Petrovietnam phải tiếp tục hạ giá khí để bù lỗ cho liên doanh.

Bức xúc với những đòi hỏi, điều kiện vô lý từ các bên tham gia đầu tư đưa ra, trong khi đó, Petrovietnam chỉ góp vốn 5% nên việc tham gia vào công tác quản lý, quyết định cũng sẽ hạn chế; nhân dịp gặp và báo cáo với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, lúc đó đang giữ vai trò là cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông San trình bày về những tắc nghẽn, bất hợp lý trong các yêu cầu của liên doanh đầu tư dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ và khẳng định Petrovietnam có thể đứng ra đầu tư dự án này. Đồng thời, ông cũng trình bày trăn trở nếu dự án cứ mãi tắc nghẽn, nông nghiệp không được “công nghiệp hóa” sẽ không thoát nghèo được, không thể rút ngắn chênh lệnh giữa thành thị và nông thôn theo chủ trương của Đảng và đặc biệt là phải đốt bỏ khí dư thừa khi mỏ Bạch Hổ đạt sản lượng đỉnh.

Nghe nói đúng và là người rất ủng hộ phát huy nội lực, ông Đỗ Mười suy nghĩ và nói rằng “Thế tại sao không giao cho Dầu khí đầu tư mua thiết kế, thuê nước ngoài quản lý, tự đầu tư lấy?”. Ông Đỗ Mười sau đó hỏi lại ông San “Cậu có dám làm không?”. Ông San trả lời: “Nói dám hay không cũng rất khó với anh nhưng vì trách nhiệm chung thì làm, em cố gắng làm hết khả năng của mình với sự giúp đỡ của Chính phủ”. Ông Đỗ Mười sau đó gọi điện cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (cố vấn Chính phủ) đang công tác tại Cà Mau và nói “Cậu San trình bày như thế…, anh xem xét cho cậu ấy”.

Ông San nhớ hôm đó là Thứ 7, trở về ông thông báo lại cho ông Nguyễn Xuân Nhậm, khi đó là Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam và yêu cầu ông Nhậm chuẩn bị bộ tài liệu FDP của dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ, đồng thời có một báo cáo ngắn tóm tắt về vấn đề hiện trạng triển khai nhà máy để hôm sau báo cáo nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Khoảng 7 giớ sáng Thứ 2 tuần tiếp theo, điện thoại từ đường dây nóng của Chính phủ với Petrovietnam reng lên, đầu dây bên kia, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi bảo ông lên báo cáo những vướng mắc của dự án. Đến nơi, ông trình tập hồ sơ FDP Nhà máy Đạm Phú Mỹ và bản báo cáo tóm tắt của Petrovietnam; đọc xong, ông Võ Văn Kiệt hỏi lại, “Bây giờ anh trình bày mong muốn như thế nào?”. Ông San báo cáo, “Dự án đang tắc như thế, nếu cứ dùng dằng mãi thì không bao giờ có đạm cả và phải đốt khí dư trên bờ, nếu bây giờ để Tổng công ty tự đầu tư, dự án sẽ chuyển động và nếu có gì rủi ro về giá cả kiến nghị nhà nước bù lỗ, hỗ trợ giai đoạn đầu”…

Nghe xong trình bày của ông San, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý sẽ hỗ trợ Petrovietnam trong báo cáo và kiến nghị với Chính phủ về dự án này. Sau một quá trình làm việc và xem xét, ngày 27/12/2000, Chính phủ đã ra quyết định giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân đạm tại khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi có quyết định đó, ông San ký quyết định thành lập Ban Quản lý xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ và triển khai thành công dự án. Tháng 12/2004, Nhà máy Đạm Phú Mỹ chính thức được khánh thành.


Khánh thành Nhà máy Đạm Phú Mỹ - Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, phải nói rằng, giai đoạn đó, quyết định đầu tư dự án là quyết định hết sức khó khăn, một quyết tâm rất lớn, bởi đầu tư dự án có rất nhiều rủi ro. Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư nhà máy đạm là lãng phí tài nguyên, tiền bạc và không có ý nghĩa, vì lúc đó giá đạm thấp, trong khi đó bán khí sẽ thu được lợi ngay. Nhưng đến nay, những kết quả đạt được đã cho thấy, đó là quyết định hết sức sáng suốt, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Sản phẩm đạm Phú Mỹ xuất hiện trên thị trường đã làm thay đổi căn bản tình hình cung cầu và thị trường phân bón, góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường. Thêm vào đó, giá lương thực, phân bón trên thế giới liên tục tăng cao, vừa giúp dự án nhanh chóng thu hồi vốn (chỉ sau 5 năm đi vào hoạt động), vừa đóng góp quan trọng cho kinh tế và nông nghiệp của đất nước mà đến nay Petrovietnam có thể đáp ứng được hơn 70% lượng phân bón cho nhu cầu trong nước và còn xuất khẩu.

Đường ống khí Nam Côn Sơn

Hay như với Dự án khí Nam Côn Sơn, là dự án phát triển Cụm các mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ thuộc lô 06 thềm lục địa Việt Nam, được Tổ hợp Nhà thầu Hợp đồng phân chia Sản phẩm (PSC) gồm Tập đoàn BP (Vương quốc Anh), STATOIL (Vương quốc Na Uy) và ONGC (Cộng hòa Ấn Độ) phát hiện năm 1993. Giai đoạn đó, Petrovietnam bán khí cho EVN với giá 23 cents/1 triệu Btu, nhưng Tập đoàn BP đề nghị giá bán khí cho phía Việt Nam khởi điểm là 29 cents cộng với tariff vận chuyển là 3,2 cents, mỗi năm tăng 2%. Đặt ra bài toán, giá bán khí cho EVN là 23 cents trong khi đó mua khí của BP với giá 29 cents, rõ ràng là lỗ và như thế nhiều ý kiến đưa ra là Petrovietnam sẽ không tham gia.

Nhưng lúc đó Thủ tướng Phan Văn Khải và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Xuân Giá nhấn mạnh rằng, bây giờ phải tham gia vì điện không thể không có khí mà Dự án khí Nam Côn Sơn khi đó quyết định hợp tác của ta với Anh. Do đó, phải chấp nhận rủi ro. Ông Trần Xuân Giá bảo với ông San, “Bây giờ phải chịu rủi ro, tớ chịu rủi ro với cậu”. Sau đó, để ký hợp đồng mua khí, BP yêu cầu phải ký với Nhà nước nhưng theo quy định, Nhà nước không ký với doanh nghiệp, do đó Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo Petrovietnam đứng ra thay mặt Chính phủ ký và chịu trách nhiệm thanh toán tiền mua khí cho BP. Mãi sau này mới thuyết phục được BP đồng ý cho Petrovietnam đứng ra ký. Theo tính toán ban đầu, ngay cả đối với những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến những lợi ích và đóng góp to lớn dự án mang lại cho đất nước như hôm nay. Từ khi đi vào hoạt động, dự án luôn được đánh giá là một điển hình hiệu quả trên nhiều mặt, không chỉ đóng góp cho ngân sách nhà nước mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành công nghiệp khí và điện khí non trẻ của Việt Nam, phát huy hiệu quả việc sử dụng nguồn tài nguyên khí thiên nhiên quý giá của đất nước vào phát triển kinh tế, góp phần hình thành đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có trình độ và tay nghề cao, chuẩn quốc tế cho ngành Dầu khí. Đây cũng là Dự án then chốt của chương trình trọng điểm Nhà nước về Khí - Điện - Đạm Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông San đúc rút rằng, có những dự án đầu tư, bên cạnh sự quyết tâm, phải chấp nhận rủi ro, đòi hỏi sự quyết đoán, tầm nhìn xa và trên hết tất cả vì mục tiêu chung đặt lợi ích quốc gia, sự phát triển của đất nước lên hàng đầu. Ông cũng khẳng định, những quyết định, tầm nhìn ấy bản thân ông và lãnh đạo Petrovietnam sẽ không quyết nổi nếu không có Chính phủ ở phía sau chỉ đạo, ủng hộ tối đa, mà Chính phủ ở phía sau đó là những người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những thành công trong các dự án lớn của Petrovietnam đều có dấu ấn, sự ủng hộ, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, tài tình, sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đó là những quyết định chiến lược cho sự phát triển của ngành, xây dựng và hình thành nên những công trình trọng điểm, làm động lực phát triển cho ngành Dầu khí sau này, cũng như tạo nên sự “đổi đời” cho nhiều vùng đất, hình thành nên các vùng kinh tế, đóng góp quan trọng cho đất nước.


Lãnh đạo Petrovietnam, Hội Dầu khí Việt Nam và Tạp chí Năng lượng Mới tri ân những đóng góp của ông Ngô Thường San

Có thể nói, cả cuộc đời ông Ngô Thường San luôn cháy “ngọn lửa nhiệt huyết” cống hiến không ngừng cho ngành Dầu khí và cho sự phát triển đất nước. Từ những bước chân đầu tiên trên “hành trình tìm lửa” đến công cuộc gìn giữ và phát triển ngọn lửa ấy. Cả khi về hưu, hay hiện nay đã ở tuổi 86 ông vẫn miệt mài “hành trình truyền lửa” với khát vọng giữ ngọn lửa dầu khí mãi rực sáng trên Biển Đông và trong trái tim mỗi người dầu khí; góp phần để những thành quả của ngành luôn được giữ gìn và phát huy hơn nữa như mong ước của Bác Hồ; xứng đáng với niềm tin tưởng, sự sát cánh, ủng hộ của Đảng, Chính phủ và nhân dân cho sự phát triển của ngành.

Mai Phương

Ngô Thường San – “Hành trình tìm lửa và giữ lửa” Dầu khí (Kỳ 2)

Ngô Thường San - Hành trình “tìm lửa và giữ lửa” Dầu khí (Kỳ 1)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​