Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh tiếp tục ghi nhận góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương, 69 điều; đã được góp ý bổ sung, chỉnh lý nhiều lần và đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới. Trong hai ngày 26-27/9, một số Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành đã tiếp tục tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), góp ý về một số vấn đề còn chưa thống nhất cũng như tính khả thi của Dự thảo Luật sau khi có hiệu lực.

Tại Hội thảo do Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 27/9, các đại biểu đã tập trung góp ý vào Dự thảo Luật một số vấn đề còn vướng mắc, đặc biệt liên quan đến quy định về “Hợp đồng dầu khí” trong chương IV và yêu cầu tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Thành ủy TP HCM)

Đại diện Sở Công Thương TP HCM nêu ý kiến: Tại khoản 2, điều 24 Dự thảo quy định Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí”; trong khi đó Luật Đấu thầu đã được Quốc hội thông qua và áp dụng, Chính phủ đã ra các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật. Do đó cần xem lại các quy định tại chương IV cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, theo đại diện Sở Công Thương TP HCM, cần hạn chế tối đa việc quy định trong luật nội dung “để Thủ tướng Chính phủ quy định”; đồng thời, cần xem xét, nghiên cứu thông lệ quốc tế về nội dung vấn đề được Thủ tướng phê duyệt trong quy định về phê duyệt hợp đồng dầu khí để đảm bảo tính hiệu lực của pháp luật, giúp quá trình thực thi pháp luật trong thực tiễn.

Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho rằng, hoạt động trong lĩnh vực dầu khí mang tính đặc thù, khác với các ngành nghề truyền thống, có tính rủi ro cao. Theo như nội dung báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phân tích và đề xuất, quy định về thực hiện lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí sẽ được thể hiện trong Luật Dầu khí (không thực hiện theo Luật Đấu thầu) do những đặc thù riêng của ngành dầu khí.

Tuy nhiên, thực tế quy định về đấu thầu rất phức tạp, đa dạng về các hình thức tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như tình huống về đấu thầu. Do đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá và có báo cáo đối chiếu giữa việc quy định lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo Luật Dầu khí hay Luật Đấu thầu, từ đó đưa ra phương án khả thi, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Về cách tiếp cận hoạt động đầu tư dầu khí, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho rằng nội dung giải trình có phân tích, đối chiếu theo quy định của Luật Đầu tư nhưng chưa xét đến quy định của Luật Đầu tư công. Đề nghị cần có nội dung phân tích, làm rõ, đảm bảo việc tiếp cận hoạt động đầu tư dầu khí phù hợp theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (nếu có quy định liên quan).

Góp ý tại Hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM quan tâm đến vấn đề đa dạng hợp đồng dầu khí. Dự thảo Luật quy định hợp đồng dầu khí gồm hai loại hợp đồng chia sản phẩm dầu khí, hợp đồng dầu khai khác (Điều 29) và nội dung chính của hợp đồng dầu khí (Điều 30) - với vai trò như một hợp đồng mẫu. Tuy nhiên, qua thực tế ở một số quốc gia, hợp đồng dầu khí rất đa dạng, được ban hành dựa trên đặc điểm của các mỏ dầu, khu vực khai thác dầu, cơ chế phân chia và các yếu tố khác.

Do đó, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng việc áp dụng linh hoạt các loại hợp đồng dầu khí là rất cần thiết, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cho từng giai đoạn khác nhau. Cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các quốc gia khác để bổ sung các loại hợp đồng dầu khí khác (về các điều khoản mẫu) nhằm góp phần thu hút nhà đầu tư, kịp thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này trong thời gian tới.

Đánh giá bối cảnh chuyển dịch năng lượng sẽ là mục tiêu lâu dài không chỉ trong nước mà cả quốc tế vì các nguồn dầu khí truyền thống là có giới hạn, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đề xuất Dự thảo Luật cần bổ sung các chính sách ưu đãi cụ thể về thăm dò, khai thác cũng như hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài đối với các loại dầu khí phi truyền thống, cũng như rà soát, đối chiếu với pháp luật về đầu tư, thuế và pháp luật khác liên quan để có những quy định ưu đãi hấp dẫn nhà đầu tư.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức vào chiều cùng ngày, các đại biểu nhất trí quan điểm việc sửa đổi Luật Dầu khí là cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí; đồng thời, cơ bản đồng ý với dự thảo của Luật Dầu khí sửa đổi.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đóng góp thêm một số ý kiến về dự thảo luật liên quan đến một số nội dung như: thời gian gia hạn hợp đồng dầu khí; chính sách khuyến khích các nhà thầu trong nước thực hiện các dự án dầu khí; có quy định đánh giá rõ tác động khi phát triển các mỏ dầu khí đến các công trình dầu khí xung quanh, hiện hữu…

Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh tiếp tục ghi nhận góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Đại diện Công ty TNHH MTV Cơ khí dịch vụ hàng hải PTCS (PTSC M&C) đề nghị cần có thêm các cơ chế khuyến khích nhà thầu trong nước thực hiện các dự án dầu khí.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT Huỳnh Thị Phúc ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để góp ý tại kỳ họp Quốc hội và với cơ quan chủ trì soạn thảo để xem xét điều chỉnh phù hợp, góp phần cho Luật Dầu khí hoàn chỉnh và đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn.

Trước đó, vào ngày 26/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến tích cực tại hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, các đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần đánh giá lại quy định về việc sử dụng thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra dầu khí, phải xem đây là tài nguyên quốc gia và phải được quy định cụ thể và có cơ chế, điều kiện bảo quản, sử dụng phù hợp. Ngoài ra, Ban soạn thảo xem xét các quy định tại Điều 44 đến Điều 48 và Điều 61.

Theo đó, đại biểu đề nghị cần phải quy định rõ vai trò của Chính phủ trong việc phê duyệt các kế hoạch, chương trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí, bởi lẽ đây là những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa lớn trong phát kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời xem xét, cân đối lại các quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đảm bảo tách bạch giữa vai trò của quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang chủ trì Hội nghị.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình cho rằng, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) còn nhiều nội dung chưa được quy định trong luật, cần cụ thể hóa để đưa vào nhằm đảm bảo tính chặt chẽ. Đặc biệt, trong bố cục dự thảo Luật chưa có nội dung thanh tra, kiểm tra, đề xuất ban soạn thảo nên xem xét bổ sung chương về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý để tăng cường tính minh bạch, răn đe của Luật, qua đó làm cơ sở để ban hành các nghị định kèm theo.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long đề nghị, tại Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, cần bổ sung cấm làm giả hồ sơ, tài liệu liên quan tới hoạt động đấu thầu, khai thác dầu khí; tại Điều 22 về tiêu chí lựa chọn nhà thầu cần bổ sung thành “Năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà thầu” để cụ thể và phù hợp với khoản 2 Điều 16 của dự thảo Luật, đồng thời bổ sung tiêu chí về việc lựa chọn nhà thầu phải có áp dụng những công nghệ tiên tiến vào quá trình khai thác dầu khí.

Ngoài ra, có đại biểu cho rằng cần phải xem xét lại tên Luật và đề xuất lấy tên Luật Khai thác Dầu khí vì nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật hiện tại chủ yếu liên quan đến hoạt động khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất phần giải thích từ ngữ phải được chọn lọc, chỉ giải thích những từ chuyên môn, những từ phổ biến thì nên hạn chế; đề xuất Luật cần bổ sung thêm chương quy định về vấn đề bảo vệ môi trường trong thực hiện hoạt động khai thác dầu khí…

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trao đổi với cơ quan chủ trì soạn thảo để xem xét điều chỉnh phù hợp, góp phần cho dự thảo luật được hoàn chỉnh và đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn./.

Lâm Anh (tổng hợp)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​