Để thực thi hiệu quả hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí
Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022 là cần thiết và cấp thiết để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và các hoạt động dầu khí được liên tục, ổn định.

Hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Đây là hoạt động rất quan trọng, do nhà nước thống nhất quản lý. Điều tra cơ bản về dầu khí là bước đi đầu tiên để làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành dầu khí, định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí nhất là tại các khu vực tiềm năng, các khu vực nước sâu, xa bờ; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển.

Điểm mới về chính sách đối với hoạt động điều tra cơ bản

Khai thác dầu khí trên vùng mỏ Bạch Hổ (Ảnh: Trần Thịnh)

Tại tọa đàm trực tuyến chủ đề "Luật Dầu khí sửa đổi - tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư", ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết: Trước đây, hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí được điều chỉnh bởi Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí (Nghị định số 95/20215/NĐ-CP). Về phía Petrovietnam cũng được hình thành và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí (Quỹ TKTD), phục vụ tìm kiếm thăm dò dầu khí và điều tra cơ bản về dầu khí. Tuy nhiên pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp không cho phép lập Quỹ TKTD. Vì vậy, việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn của các tổ chức cá nhân là cần thiết, đồng bộ với quy định của pháp luật.

Để thực thi hiệu quả hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí

 

Ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam

 

Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 đã bổ sung một chương, quy định rõ về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 10); Nội dung điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 11); Điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 12); Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 13); Quản lý, khai thác, sử dụng mẫu vật, tài liệu từ hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí.

Trong đó, để phù hợp với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, tại khoản 3, Điều 12 có quy định đối với “cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí” với điều kiện phải liên danh với tổ chức có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của Chính phủ. Chính sách đối với tổ chức ngoài cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, được đề xuất thu hồi chi phí khi tham gia đấu thầu, ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí trong khu vực đã thực hiện hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí.

Việc cập nhật, bổ sung các nội dung về điều tra cơ bản về dầu khí nói trên vào Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 chính là cơ sở thực hiện việc đánh giá tổng quan tiềm năng dầu khí, cũng như làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, được xây dựng trên cơ sở tham khảo Luật Khoáng sản và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Điều này không những góp phần cho phát triển hoạt động dầu khí, mà còn đóng góp vào quá trình phát triển chung của ngành kinh tế biển.

Để thực thi hiệu quả hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí

Giàn nén khí trung tâm mỏ Bạch Hổ

Tuy nhiên, điều tra cơ bản về dầu khí cũng như các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí… đều mang tính đặc thù và rủi ro cao, cả về địa chất, an toàn môi trường, biến động thị trường, công nghệ, địa chính trị… Đặc biệt với các dự án công trình dầu khí ngoài biển độc lập, xa bờ, công việc còn phụ thuộc vào điều kiện môi trường thời tiết biển khắc nghiệt, có nhiều yếu tố ngẫu nhiên nguy hiểm như sóng, gió bão, dòng chảy, thủy triều… Bên cạnh đó, giá dầu thô phụ thuộc vào thị trường thế giới, có những biến động bất thường nằm ngoài dự báo của các tổ chức, tư vấn quốc tế.

Do đó, tại Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022, Bộ Công Thương khẳng định: Việc ban hành Nghị định là thực sự cần thiết và cấp thiết để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí, nâng cao tính thực tiễn, khả thi của pháp luật về dầu khí, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí được liên tục, ổn định.

Quy định cụ thể để thực thi Luật có hiệu quả

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc bổ sung một chương về điều tra cơ bản trong Luật Dầu khí 2022 nhằm đánh giá, tìm kiếm dầu khí, xác định rõ thẩm quyền, kinh phí, hình thức về điều tra cơ bản, thông qua thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), sẽ tạo cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, cạnh tranh với các nước trong khu vực, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động dầu khí.

Để thực thi hiệu quả hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí

 

ĐBQH Phan Đức Hiếu chia sẻ với PV bên hành lang Quốc hội

 

Để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, phản ảnh đúng tinh thần của Luật Dầu khí 2022, theo ông Phan Đức Hiếu, việc thực thi phải đảm bảo được tính kịp thời, khẩn trương. Những điểm mới này đặt ra kỳ vọng giúp bao quát đồng bộ, chặt chẽ hơn, hiện thực hóa công tác triển khai, tăng độ linh hoạt, thuận lợi, tương thích với luật quốc tế. Quan trọng nhất là tăng tổng vốn đầu tư, khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai trong bối cảnh các mỏ hiện nay đang có sự cạn kiệt.

 

Để thực thi hiệu quả hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí

 

TS Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam

TS Phan Ngọc Trung - Trưởng ban Tư vấn và Phản biện, Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, Nghị định là công cụ rất thiết thực để đảm bảo tính đồng nhất, thực thi của Luật Dầu khí. Góp ý đối với vấn đề điều tra cơ bản về dầu khí, TS Phan Ngọc Trung cho rằng hoạt động này chủ yếu xuất phát từ nguồn vốn nhà nước nhưng thủ tục rất nhiều. Việc quản lý điều tra cơ bản cần phải quy về cho một đầu mối, cụ thể ở đây là Bộ Tài nguyên - Môi trường. Đồng thời, cần có quy định chi tiết hơn đối với từng mỏ vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thanh, quyết toán các lô.

Về phía các nhà điều hành dầu khí như Cửu Long JOC, Hoàng Long - Hoàn Vũ JOC, Thăng Long JOC, JVPC, ExonMobile, Rosneft…, nhiều ý kiến góp ý cho rằng cần làm rõ thêm về thẩm quyền Petrovietnam trong sử dụng vốn, trình tự thủ tục Thủ tướng phê duyệt việc phối hợp của các bên trong thực hiện điều tra cơ bản. Các quy định tại một số điểm trong Nghị định cần có hướng dẫn cụ thể hơn như các quy định về mỏ dầu khí cận biên, tiêu chí xem xét mỏ cận biên, quỹ thu dọn mỏ các quy định về cơ chế tài chính, cách tính phí, xác nhận của cơ quan thuế trong hồ sơ gửi cấp thẩm quyền…

Bộ Công Thương cũng nêu rõ quan điểm xây dựng Nghị định cần bảo đảm mục tiêu thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; tạo điều kiện cho phát triển ngành Dầu khí gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên biển phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí thế giới, đồng thời góp phần duy trì môi trường hòa bình và ổn định trên biển để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các quy định còn phải nhằm đảm bảo an toàn cho con người và tài sản, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, đem lại hiệu quả, quyền lợi của quốc gia cũng như các nhà đầu tư trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, còn phải tạo được sự minh bạch, cụ thể, rõ ràng trong các hồ sơ, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc do sự không rõ ràng, chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật; kế thừa, phát huy những ưu điểm, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế (nếu có) của pháp luật hiện hành.


Tr.L


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​