Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Đây là nhận định của Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than - Bộ Công thương Nguyễn Việt Sơn tại Tọa đàm “Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành Dầu khí phát triển” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 13.6.

Dầu khí có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu

Ngành Dầu khí vẫn là ngành mũi nhọn của hầu hết các quốc gia, cung cấp nguồn năng lượng và nguyên liệu quan trọng bậc nhất phục vụ sản xuất điện, nhiên liệu cho giao thông vận tải và các ngành kinh tế, cung cấp đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: hóa chất, phân bón…

Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Việt Sơn, vai trò của ngành Dầu khí càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Với những đóng góp thời gian qua, có thể nói ngành Dầu khí chính là ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm tăng trưởng kinh tế của đất nước nhanh và bền vững, cũng như bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có những đóng góp quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển... Cụ thể là:

Thứ nhất, ngành dầu khí đã khai thác được khoảng 420 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 170 tỷ m3 khí, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Trong giai đoạn 2006-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Doanh nghiệp nòng cốt của ngành Dầu khí đóng góp trung bình 20-25% tổng thu NSNN, 18-25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lượng và mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, PVN vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu NSNN (trong đó từ dầu thô là 5-6%), 10-13% GDP cả nước. Bên cạnh đó, chúng ta đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, đồng thời đào tạo được đội ngũ cán bộ, người lao động ngành Dầu khí hùng hậu có trình độ cao.

Thứ hai, với hơn 100 hợp đồng dầu khí đã được ký kết từ năm 1981 đến nay (trong đó đến hiện còn 51 hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực), hoạt động dầu khí đã bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than - Bộ Công thương Nguyễn Việt Sơn chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Đòn bẩy cho ngành Dầu khí phát triển

Về vai trò và sự phát triển của ngành Dầu khí trong thời gian tới, tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23.7.2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Chính trị đã khẳng định: “Phát triển ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược năng lượng quốc gia, chiến lược biển Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa diễn ra vào ngày 5.6.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, định hướng phát triển của Việt Nam là phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới. Theo ông Nguyễn Việt Sơn, để có thể phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, chúng ta phải có sự tự chủ về năng lượng. Mặc dù, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng, song việc bảo đảm tự chủ phần lớn nguồn cung năng lượng cho đất nước, trong đó có dầu khí là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng và giá năng lượng tăng cao.

Theo đánh giá, đến nay, tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện trên thềm lục địa Việt Nam vào khoảng trên 1,5 tỷ m3 quy dầu. Trữ lượng dầu khí có thể thu hồi còn lại khoảng 800 triệu m3 quy dầu (trong đó khoảng 300 triệu m3 dầu và 500 triệu m3 khí), tuy nhiên việc khai thác nguồn tài nguyên này ngày càng khó khăn do các mỏ nằm ở vùng nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp.

Ông Nguyễn Việt Sơn khẳng định, với nguồn lực lớn đã được đầu tư thời gian qua (về vốn, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị công nghệ, con người, trình độ quản lý,...) và tiềm năng dầu khí đã phát hiện nêu trên, ngành Dầu khí là còn nhiều dư địa phát triển để có thể đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp vào nguồn thu NSNN. Song để phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành dầu khí trong tình hình mới thì việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, trước mắt là sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) là đòn bẩy cho ngành Dầu khí phát triển.

Theo daibieunhandan.vn


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​