Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản và tiếp nhận quyền lợi khi nhà thầu rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt
08:29 |
09/08/2023
Lượt xem:
1048
Ngày 1/7/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022. Trong đó, Điều 38 (Chương IV) quy định về cơ chế quản lý, hạch toán, sử dụng tài sản và tiếp nhận toàn bộ quyền lợi tham gia từ nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Người lao động dầu khí trên giàn PQP-HT (giàn xử lý trung tâm tại mỏ Hải Thạch)
Theo hướng dẫn của Nghị định 45/2023/NĐ-CP, trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận toàn bộ quyền lợi tham gia của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí và tiếp nhận nguyên trạng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác (nếu có) theo thỏa thuận ký với nhà thầu.
Giá trị tài sản nhà nước do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận và quản lý theo quy định nêu trên là giá trị được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt Nhà nước thanh toán cho nhà thầu từ nguồn ngân sách nhà nước theo thỏa thuận ký giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức quản lý và lập báo cáo riêng để theo dõi quyền lợi tham gia tiếp nhận từ nhà thầu và thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác (nếu có) theo quy định nêu trên và được quy định cụ thể tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận toàn bộ quyền lợi tham gia từ nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, không phản ánh vào vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và báo cáo tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Cũng theo Nghị định 45/2023/NĐ-CP, hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng kế hoạch chi phí quản lý, theo dõi tài sản và chi phí cho các vấn đề phát sinh có liên quan để duy trì hợp đồng dầu khí, được xử lý theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 64 Luật Dầu khí và kết quả kiểm toán được Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng dẫn, giám sát việc quản lý tài sản quy định nêu trên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Khoản 2 Điều 39 Luật Dầu khí
Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam được nhận chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia,
các dữ liệu, công trình dầu khí hiện hữu của nhà thầu trong trường hợp
nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt được Thủ
tướng Chính phủ chấp thuận.
Điểm d khoản 4 Điều 64 Luật Dầu khí
Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam được sử dụng tiền từ việc bán phần sản phẩm dầu,
khí lãi của nước chủ nhà từ các hợp đồng dầu khí trước khi xác định lãi
được chia cho nước chủ nhà nộp ngân sách nhà nước để thanh toán chi phí
duy trì hợp đồng dầu khí trong trường hợp tiếp nhận quyền lợi tham gia
từ nhà thầu vì lý do đặc biệt hoặc thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng
Chính phủ giao liên quan đến hoạt động dầu khí.
|
Quy định về cơ chế tài chính để điều hành hoạt động dầu khí trong khi chờ ký hợp đồng mới
H.T
Bình luận