Chuyên gia kinh tế: Phải tôn trọng quyền của doanh nghiệp đại diện chủ phần vốn
Ông Nguyễn Đức Kiên - Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu mở rộng phạm vi đấu thầu đến các công ty con có trên 50% vốn Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thì về tinh thần là đi ngược lại với Luật Doanh nghiệp, chồng chéo với Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV, Góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng, điều chỉnh của Luật đối với DNNN, tuy nhiên có đại biểu cho rằng, cần quy định để đảm bảo không thất thoát tiền bạc của Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng cũng cần đảm bảo quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp (DN). Liên quan đến vấn đề này, PetroTimes có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên - Chuyên gia kinh tế, nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Chuyên gia kinh tế: Phải tôn trọng quyền của doanh nghiệp đại diện chủ phần vốn

Ông Nguyễn Đức Kiên - Chuyên gia kinh tế (ảnh: Mạnh Tưởng)

Phóng viên: Tại phiên thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi), có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với DNNN. Có ý kiến đề nghị, nên bỏ áp dụng Luật Đấu thầu đối với các công ty con có trên 30% vốn điều lệ của DNNN (như luật hiện hành), nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần phải áp dụng luật đối với các công ty con có trên 50% vốn điều lệ của DNNN, vậy quan điểm của ông về 2 ý kiến này như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Với tôi, tôi tôn trọng hoàn toàn quy luật của kinh tế thị trường, không phân biệt sở hữu bao nhiêu %, miễn là công ty mẹ có dự án đó thì công ty mẹ giao cho đơn vị nào cũng được chứ không cần đấu thầu. Không nên phân biệt rằng DNNN thì phải đấu thầu còn DN tư nhân (TN) lại không cần. Lấy ví dụ, PTSC (Tổng Công ty CP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) hiện nay đang có 51% vốn của Petrovietnam, Petrovietnam cần làm 1 giàn khoan và về mảng này thì PTSC đang dẫn đầu tại Việt Nam, nếu Petrovietnam đi đấu thầu rồi có 1 đơn vị khác thắng thầu và lại thuê PTSC làm cái giàn đó, vấn đề như thế xảy ra sẽ rất dở. Cho nên, vấn đề ở đây là cần đi từ gốc, xác định được chúng ta đang cần gì, chúng ta cần “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” thì phải giao quyền cho các DN chứ không nên phân biệt DNNN hay DNTN. Quan điểm của cá nhân tôi là bỏ đi những sự rườm rà, những điều gì với DN của các thành phần kinh tế khác không quy định thì với DNNN cũng không nên quy định.

Phóng viên: Thưa ông, nếu không mở rộng phạm vi áp dụng, điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tức là áp dụng theo Tờ trình của Chính phủ là bỏ quy định đấu thầu đối với công ty con có từ 30% vốn điều lệ của DNNN, điều này có lợi như thế nào đối với các công ty con của DNNN?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Nếu bỏ việc áp dụng Luật Đấu thầu đối với các công ty con có trên 30% vốn điều lệ của DNNN đi thực ra cũng không hẳn là có lợi riêng cho các công ty con. Tuy nhiên, về tổng thể thì cả tập đoàn sẽ có lợi. Thứ nhất là nhanh, thứ hai là kiểm soát được dòng vốn, kiếm soát được giá thành và kiểm soát được tiến độ chất lượng. Nếu tập đoàn làm thì tập đoàn sẽ điều chỉnh được lãi từ bên đơn vị này sang bên đơn vị khác.

Ví dụ, với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), việc dẫn khí ngoài khơi vào là của đơn vị A nhưng đơn vị B lại đang có sẵn nhân công, máy móc tại khu vực đó thì đơn vị B sẽ hỗ trợ đơn vị A làm và đơn vị A trả phần tiền vận chuyển nhân công, máy móc cho đơn vị B, 2 đơn vị phải kết hợp với nhau để hoàn thiện công việc nhanh nhất. Chứ nếu phân rõ việc đơn vị nào chỉ đơn vị đó làm, rồi mỗi đơn vị đều phải tính thêm phần vận chuyển máy móc vào dự toán sẽ bị đội chi phí lên cao hơn.

Lấy ví dụ thêm về việc Petrovietnam nhận lại các dự án nhiệt điện từ EVN, nếu giao cho các DN trong Petrovietnam làm tổng thầu thì sau mỗi dự án sẽ có ít nhất 1 DN nữa có kinh nghiệm xây dựng nhà máy nhiệt điện (NMNĐ). Còn nếu theo quy định hiện nay thì chỉ có 1 đơn vị xây lắp điện thực hiện thôi, rồi chính đơn vị đó trong mảng điện còn chưa làm xong lại tiếp tục đấu thầu bên này để giữ việc, như thế tiến độ cũng bị kéo dài hơn. Nếu đấu thầu quốc tế thì Việt Nam sẽ không có được 1 DN trong nước có thể ra đấu thầu quốc tế bởi có thể không đạt được yêu cầu kỹ thuật hoặc yêu cầu nào đó ngoài quốc tế.

Phóng viên: Vậy theo ông, Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này cần thay đổi như thế nào để hợp lý hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, thứ nhất, khi xây dựng luật và khi thảo luận các vấn đề luật quy định thì không cần nêu vấn đề chủ sở hữu ra. Đã là DN thì DNNN hay DNTN đều phải tôn trọng. Thứ hai, phải tôn trọng quyền của DN đại diện chủ phần vốn. DN có 1 dự án thì việc giao cho đơn vị nào thực hiện là quyền của DN đó và Nhà nước không nên can thiệp. Ví dụ Nhà nước giao cho Petrovietnam 1 dự án nhưng lại muốn Petrovietnam tổ chức đấu thầu dự án đó là không nên, đã giao cho Petrovietnam thì việc phân cho đơn vị con nào làm dự án đó nên cho Petrovietnam quyết định. Còn nếu Nhà nước lại muốn đấu thầu thì ngay từ đầu Nhà nước nên tự tổ chức đấu thầu.

Chúng ta nên xác định được đâu là mục tiêu chủ đạo. Trong 2-3 năm qua do dịch Covid-19 nên tốc độ tiêu dùng năng lượng không lên cao và xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu thế giới tăng, do đó tình hình Petrovietnam và EVN khả quan hơn. Còn nếu giá dầu thấp xuống sẽ ảnh hướng lớn đến Petrovietnam. Với trữ lượng thăm dò khai thác hiện nay của Petrovietnam mà nếu theo Luật Đấu thầu này ban hành sẽ phá vỡ hết tất cả quy định về kỹ thuật của các tập đoàn, DN của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hiện nay. Bởi trữ lượng thăm dò khai thác luôn phải gấp 3 lần trữ lượng có thể khai thác được. Như vậy chi phí thăm dò khai thác vô cùng lớn, nếu không để DN tự quyết mà lại đi đấu thầu thì rất dở. Thực tế khoan 10 mũi xuống có thể không chính xác được 1 mũi, chi phí mỗi lần rất lớn mà nếu cứ muốn đấu thầu thì không DN nào dám làm. Hoạt động liên quan đến dầu khí rất nhiều rủi ro và không điều gì có thể chắc chắn 100%.

Phóng viên: Để tránh sự chồng chéo trong quá trình áp dụng pháp luật, đảm bảo tính thực thi và hiệu quả của Luật Dầu khí vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nên chăng trong Luật Đấu thầu phải có quy định về việc áp dụng Luật Dầu khí đối với vấn đề liên quan đến hoạt động dầu khí và đã được quy định trong Luật Dầu khí?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, để tránh chồng chéo trong quá trình áp dụng pháp luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Đấu thầu và Luật Dầu khí trong lĩnh vực dầu khí thì Luật Đấu thầu cần phải thiết kế các quy định phù hợp, thống nhất với Luật Dầu khí hoặc có quy định với những vấn đề liên quan sâu đến chuyên ngành thì sẽ thực hiện theo luật chuyên ngành.

Phóng viên: Theo ông, nếu Luật Đấu thầu mở rộng phạm vi đến các công ty con có trên 50% vốn DNNN thì có chồng chéo với Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi là có. Nếu như thế thì sẽ tạo ra sự phân biệt giữa DNNN và DN của các thành phần kinh tế khác mặc dù DNNN đã bị chi phối bởi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN. Và nếu mở rộng thì sẽ ảnh hướng đến tính tự chủ và độ thông thoáng về mặt hành lang pháp lý với DNNN. Tất nhiên, cũng có ý kiến cho rằng do là DNNN nên cần quản lý chặt hơn, nhưng đó chỉ là dân túy, chỉ nói ra điều mong muốn thôi. Quản lý chặt không có nghĩa mọi điều phải làm theo ý của Nhà nước. Lấy ví dụ, người quản trị DNNN giống người lái xe còn tài sản của Nhà nước là chiếc xe. Luật Đấu thầu hiện nay giống như đã giao xe cho người lái và chỉ ngồi ở ghế sau nhưng lại chỉ đạo người ta lái như thế nào. Làm như thế là không hợp lý.

Nếu hết giờ làm việc, lái xe trả xe cho ông chủ xe, thì người chủ ấy tự lái về nhà thì việc đi như thế nào do toàn quyền của chủ xe. Nhưng nếu trong giờ làm, ông chủ chỉ ngồi ghế sau nhưng lại chỉ đạo người lái phải lái theo ý mình là không nên, ông chủ ngồi sau sẽ không hiểu hết tình hình thực tế trên đường để chỉ đạo. Người lái xe là người hiểu rõ nhất và tự linh hoạt đi với tốc độ hay làn đường nào phù hợp với tình hình. Ông chủ xe càng không thể ngồi sau rồi nói tại sao không lái vượt xe kia, tại sao không đi làn đường nọ. Bởi chỉ lái xe mới nắm rõ đi làn đường nào không xóc, đi tốc độ bao nhiêu là phù hợp.

Quay trở lại, những năm 1998-1999 khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ, yêu cầu các tập đoàn/tổng công ty nếu đặt cơ sở ở đâu phải hỗ trợ các địa phương còn khó khăn ở đó. Ví dụ, ngành Dầu khí có Bình Sơn phải hỗ trợ các huyện nghèo ở Quảng Ngãi. Nhưng DNTN lại không cần làm thế.

Ngoài ra, nếu mở rộng thì về tinh thần nghị quyết là không tuân thủ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, không tuân thủ Nghị quyết 12 của Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới và củng cố DNNN. Về luật, đi ngược lại với Luật DN, chồng chéo với Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Mục tiêu điều chỉnh Luật Đấu thầu (sửa đổi) là góp phần công khai, minh bạch, góp phần giám sát các DNNN là đúng, nhưng phương pháp tổ chức về những quy định như bao nhiêu % vốn DNNN phải đấu thầu là không nên.

Xin cảm ơn ông!

Huy Tùng - Thanh Thùy


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​