Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi):

Chặt chẽ và minh bạch về thẩm quyền, quy trình, thủ tục
Sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành là cần thiết nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Khẳng định điều này, song cho ý kiến về dự án Luật tại Phiên họp thứ Mười, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi Luật phải bảo đảm hoạt động dầu khí được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch hơn.

PVN có thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước nữa không? 

Vị trí, vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được thể hiện tại Điều 8 dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Tuy nhiên, thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cơ quan soạn thảo vẫn cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn về phạm vi quyền gắn liền với giới hạn về nghĩa vụ, trách nhiệm của PVN trong từng vai trò cụ thể: khi là nhà đầu tư dầu khí độc lập ký kết hợp đồng dầu khí; và khi thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm của PVN trong việc ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, một số thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị, đưa quy định PVN khi thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ sang Chương VIII về quản lý nhà nước về dầu khí.

Nhất trí với quan điểm của Ủy ban Kinh tế về việc phải xác định rõ địa vị pháp lý của PVN, tại phiên họp chiều 14.4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề: nếu như trước kia, PVN trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, thì việc trình sửa đổi dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bởi lẽ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm nhận cả hai "vai": "vai" thay mặt Nhà nước để quản lý nhà nước về dầu khí và "vai" doanh nghiệp. Đến bây giờ, vai trò quản lý nhà nước của PVN còn đến đâu? Chúng ta còn có Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì vai trò của PVN như thế nào? Rõ ràng chức năng quản lý nhà nước của PVN chưa đủ rõ. PVN có tham mưu và quản lý nhà nước nữa không?”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật phải thể hiện rõ nội dung này nhằm tránh xung đột về mặt lợi ích. 

Liên quan đến đặc thù vừa tham mưu quản lý nhà nước, vừa đảm nhận vai trò doanh nghiệp, nhà thầu của PVN, Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý việc phân loại, làm rõ phần tham gia của PVN là dự án độc lập hay là một phần trong dự án dầu khí chung theo hợp đồng dầu khí. Vấn đề này chưa có quy định. Khi PVN tham gia với vai trò nhà thầu thì được phê duyệt theo quy định của Luật Dầu khí, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng bước nào, giai đoạn nào tương đương với chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo Luật Đầu tư. Hiện nay, cũng chưa có hướng dẫn chi tiết và cách hiểu thống nhất khi PVN đầu tư dự án thăm dò, khai thác dầu khí. Chưa có quy định rõ nội dung quản lý khi PVN tham gia từng giai đoạn theo hợp đồng dầu khí như ký hợp đồng, chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng, thực hiện quyền ưu tiên của các nước chủ nhà, thực hiện hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phê duyệt…

Với những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo phải rà soát kỹ, đánh giá thật đầy đủ mô hình quản lý hoạt động dầu khí, địa vị pháp lý, vai trò của PVN để quy định minh bạch trong luật. 


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc họp UBTVQH chiều 14.4    

Ảnh: Hồ Long 

Phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát chặt chẽ

Liên quan đến quản lý nhà nước về dầu khí, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đang đưa rất nhiều quyền của Thủ tướng Chính phủ nhưng một số nội dung chưa đủ rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quan điểm chung hiện nay là đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền. Việc gì, vấn đề gì trình Bộ, việc gì, vấn đề gì phải trình Thủ tướng Chính phủ và việc gì, vấn đề gì phải trình Chính phủ phải quy định rất rõ. "Luật đừng sợ viết dài, nếu cần thiết cứ viết kỹ ra. Ban soạn thảo phải rà soát lại, lắng nghe ý kiến của PVN xem từng vấn đề nên quy định như thế nào, quy định như dự thảo Luật thì có bó buộc không hay thuận lợi hơn? Vấn đề này phải rất rành mạch", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Nhấn mạnh quan điểm sửa đổi luật là phải thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quy trình, thủ tục triển khai các hoạt động dầu khí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị, Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính chặt chẽ, rõ ràng trong sửa đổi Luật Dầu khí, tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, hiệu quả để khắc phục cho được những sơ hở, bất cập trong lĩnh vực dầu khí, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhận định hoạt động dầu khí thường gắn với lợi ích rất lớn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng lưu ý, cùng với việc phân cấp, phân quyền. thì phải tăng cường kiểm soát, nhất là vừa qua đã xuất hiện một số vụ án, vụ việc liên quan đến PVN.

Sửa đổi Luật Dầu khí được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu dự thảo Luật phải bảo đảm hoạt động dầu khí được kiểm soát chặt chẽ hơn, minh bạch hơn và góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách.

Theo daibieunhandan.vn


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​