Cần lấp khoảng trống pháp lý trong lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí
Hiện nay, Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022 (Nghị định) đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành, với mục tiêu có thể ban hành Nghị định và có hiệu lực cùng với thời điểm Luật Dầu khí năm 2022 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định được xác định là rất quan trọng để đảm bảo tính đồng bộ, đầy đủ của hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực dầu khí. Bởi một số điều khoản nếu không được hướng dẫn tại Nghị định sẽ khó đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022 (Phiên bản 1 đã được Bộ Công Thương gửi xin ý kiến rộng rãi tại Công văn số 274/BCT-DKT ngày 18/01/2023) gồm 68 Điều và 01 Phụ lục (Hợp đồng mẫu PSC). Nội dung chính của dự thảo Nghị định chia thành các nhóm vấn đề chính như: Điều tra cơ bản về dầu khí; Quy trình Lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí; Hợp đồng dầu khí; Quy định về ưu đãi cho hoạt động dầu khí; Chính sách khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; Quyết toán chi phí hoạt động dầu khí; Mẫu Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí;…

Với việc soạn thảo dự thảo Nghị định, đa số các ý kiến góp ý bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương về tiến độ hoàn thiện văn bản để có thể ban hành Nghị định và có hiệu lực cùng thời điểm với thời điểm hiệu lực của Luật Dầu khí năm 2022 (ngày 1/7/2023). Các ý kiến cũng đồng tình với quan điểm xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí có thể thay thế đồng thời cả Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 về hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí và Nghị định 33/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 ban hành Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí mẫu. Cách quy định như vậy sẽ có tính tổng thể: Lắp đầy những nội dung Luật Dầu khí chưa có quy định hoặc chưa chi tiết, đồng thời cũng thuận tiện cho người thực hiện dễ tìm hiểu, dễ dẫn chiếu và áp dụng.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến góp ý về nội dung chi tiết của các điều khoản của Nghị định và Phụ lục cần được rà soát và xem xét nhằm bám sát quy định của Luật Dầu khí, đảm bảo tính thống nhất, khả thi và phù hợp với thực trạng của hoạt động dầu khí.


Các giàn khoan của PV Drilling không chỉ thực hiện các chiến dịch khoan trong nước mà còn làm dịch vụ cho nhiều khách hàng ở khu vực và thế giới

Về việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí, Khoản 12 Điều 59 Luật Dầu khí 2022 quy định, “tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với quy định của hợp đồng dầu khí (PSC); báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động Dầu khí”.

Với quy định này, không xác định được cụ thể quy định pháp luật cần tuân thủ khi thực hiện việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí vì PSC mẫu hiện hành chỉ quy định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí tại điều khoản về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu và không cụ thể quy trình, thủ tục mà nhà thầu phải tuân thủ.

Theo đó, giữa Luật Dầu khí và Luật Đấu thầu hiện hành đang có khoảng trống pháp lý. Với việc không có quy định về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí trong Luật Dầu khí thì khi sửa đổi Luật Đấu thầu có thể sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, đặc biệt là với các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước/có nguồn gốc từ vốn nhà nước như Petrovietnam và các đơn vị thành viên. Luật Dầu khí 2022 cũng không quy định Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định về vấn đề này nên Chính phủ không thực hiện hướng dẫn tại Nghị định.

Các ý kiến cho rằng, với khoảng trống pháp lý này, thì sắp tới cần bám sát quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước để đảm bảo giải quyết tối đa các vấn đề chồng chéo giữa Luật Dầu khí và các luật này trong quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa phục vụ hoạt động Dầu khí.


Giàn xử lý trung tâm Sao Vàng do PTSC làm tổng thầu thiết kế, mua sắm, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử

Bên cạnh đó, hiện nay lĩnh vực dịch vụ dầu khí của nước ta phát triển rất mạnh mẽ, vươn tầm quốc tế, có thể làm chủ hoàn toàn cả về nhân lực, thiết bị, công nghệ, tài chính... đủ sức đáp ứng yêu cầu của các nhà thầu trong nước và quốc tế, kể cả với những dự án lớn trong những điều kiện rất khó khăn ở trong nước và ngoài nước. Các doanh nghiệp dịch vụ Dầu khí trong nước cũng mong muốn có chính sách để có thể tối đa sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước, tương tự như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới hầu như đều có biện pháp bảo hộ rất mạnh mẽ các nhà thầu của nước sở tại, nhà thầu nước ngoài khó có thể thắng thầu hoặc phải bỏ ra chi phí cao.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) mong muốn, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí sẽ có chính sách bảo vệ nhà cung cấp dịch vụ dầu khí trong nước với những chính sách khuyến khích và linh hoạt hơn nhằm đảm bảo phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí trong nước, đồng thời giải quyết một số tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động dầu khí. Nhờ vậy, các công ty cung cấp dịch vụ như PV Drilling sẽ có thêm cơ hội việc làm tại thị trường trong nước cũng như cơ hội cống hiến, phát triển ngành khoan dầu khí Việt Nam.

Ông Trần Hồ Bắc – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho biết, trong Luật Dầu khí 1995 có đề cập đến ưu tiên sử dụng dịch vụ của các nhà thầu trong nước. Tuy nhiên, trong Luật Dầu khí 2022 cũng như trong dự thảo Nghị định không đề cập đến vấn đề này. Do đó, rất mong muốn sẽ có quy định bổ sung về ưu tiên sử dụng nguồn lực con người, phương tiện, thiết bị của Việt Nam, điều này cũng phù hợp với sự bảo hộ mạnh mẽ đang diễn ra ở các quốc gia trên thế giới và thúc đẩy phát triển dịch vụ dầu khí, đặc biệt là dịch vụ dầu khí chất lượng cao trong nước.

Mai Phương


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​