Vì sao cần sớm có luật Năng lượng tái tạo?

Bài 4: Phát triển Năng lượng tái tạo: Cần pháp lý minh bạch, ổn định
Trao đổi với PV, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, chuyển đổi năng lượng là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, tuy nhiên việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện nay lại đang gặp nhiều bất cập, vướng mắc nên cần thiết phải xây dựng và ban hành luật riêng về lĩnh vực này.


TS. Mai Duy Thiện

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

TS. Mai Duy Thiện: Với những ưu thế về địa lý, khí hậu, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Đối với năng lượng gió có điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi:

Về điện gió trên bờ, theo thống kê, tổng tiềm năng điện gió trên bờ khá lớn 221.000 MW, tuy nhiên chủ yếu là tiềm năng gió thấp (4,5-5,5 m/s) - khoảng 163.000 MW. Mặc dù chi phí đầu tư nguồn điện gió sẽ giảm trong tương lai, nhưng trong giai đoạn đến 2045, chỉ các khu vực gió cao (trên 6 m/s) và trung bình (5,5-6 m/s) mới có thể khả thi về mặt kinh tế. Tổng tiềm năng của khu vực gió cao khoảng 30.000 MW và gió trung bình là 30.000 MW. Tiềm năng này chủ yếu tập trung tại Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đặc biệt ở khu vực Tây Nam Bộ, quy mô đăng ký các dự án điện gió ngoài khơi rất lớn, tổng công suất lên tới khoảng 20.000 MW. Các dự án này nằm ở khu vực có độ sâu đáy biển không lớn (nhỏ hơn 20 m), có tốc độ gió khoảng 6,5 m/s, chi phí đầu tư nằm giữa gió trên bờ và gió ngoài khơi, nên được coi là điện gió gần bờ.

Về điện gió ngoài khơi (offshore), khu vực có độ sâu đáy biển trên 20m: Tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật của điện gió ngoài khơi khoảng 165.000 MW, khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế tốt nằm ở Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) với tổng tiềm năng khoảng 80.000 MW (tốc độ gió trên 7-9 m/s), các khu vực còn lại ở Trà Vinh, Hà Tĩnh và Quảng Ninh có tốc độ gió thấp hơn (chỉ 6-7m/s).

Đối với năng điện mặt trời: Tổng tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời rất lớn lên tới 914.000 MW (837.000 MW là tiềm năng mặt đất và 770.00 MW là tiềm năng mặt nước), tuy nhiên nếu xét thêm về điều kiện khả năng xây dựng và tiềm năng kinh tế theo từng tỉnh thì tổng quy mô tiềm năng có thể phát triển của điện mặt trời quy mô lớn toàn quốc khoảng 386.000 MW, tập trung chủ yếu tại miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng tiềm năng điện mặt trời mái nhà toàn quốc lên tới 48.000 MW, trong đó chủ yếu nằm ở khu vực miền Nam là khoảng 22.000 MW.

Đối với thủy điện: Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện vừa và lớn tại Việt Nam khoảng 75-80 tỷ kWh, tương đương khoảng 23.000-25.000 MW công suất đặt. Về cơ bản tiềm năng nguồn thủy điện vừa và lớn đã được khai thác gần hết. Tổng công suất thủy điện vừa và lớn có thể đưa vào tiềm năng phát triển tăng thêm (kể cả các nhà máy mở rộng) là khoảng 55.00 MW. Về các nguồn thủy điện nhỏ tổng công suất có tiềm năng phát triển tăng thêm là khoảng 11.400 MW.

Ngoài ra còn có nguồn sinh khối và NLTT khác: Hiện tại điện sinh khối có khoảng 378 MW, điện bã mía đang hoạt động cấp điện đồng phát cho các nhà máy đường đồng thời phát điện lên lưới, khoảng 100 MW điện trấu và khoảng 70 MW điện gỗ đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Quy mô tiềm năng phát triển của điện sinh khối khoảng 5.000 – 6.000 MW, nguồn rác thải khoảng 1.700 MW, nguồn địa nhiệt 460 MW. Các loại hình năng lượng tái tạo còn lại như khí sinh học, sóng biển, thủy triều, hải lưu… hiện nay đều trong giai đoạn nghiên cứu.

PV: Vậy thực trạng phát triển năng lượng tái tạo tại việt Nam hiện nay thế nào, thưa ông?

TS. Mai Duy Thiện: Để thực hiện hóa chiến lược phát triển phát triển nặng lượng sạch, thời gian qua Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Đặc biệt 5 năm gần đây đầu tư cho năng lượng tái tạo trong đó điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam phát triển vượt bậc, tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện tái tạo và thủy điện đạt gần 45.000 MW, chiếm 55,6% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam (79.000MW), trong đó điện gió là 4.864MW, điện mặt trời mái nhà khoảng 8.600MW, điện mặt trời trang trại trên 9.000MW, thủy điện trên 22.000MW, điện sinh khối 385MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất trên thế giới.

Giai đoạn đến 2045, hệ thống năng lượng/hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam bao gồm: điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ NLTT.

Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn NLTT trong đó năng lượng gió, mặt trời trong nhiều năm tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng/ hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thời gian qua, việc huy động nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển NLTT đã đạt được những kết quả vượt bậc, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.


Nhiều dự án năng lượng tái tạo đang gặp nhiều khó khăn, bất cập (Ảnh minh họa)

PV: Theo ông, để phát triển NLTT tại Việt Nam cần phải có cơ chế chính sách như thế nào?

TS. Mai Duy Thiện: Phát triển NLTT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu phát triển NLTT trong Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có xét đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số: 2068/QĐTTg, ngày 25/11/2015 và mới đây nhất tại Quyết định số 500/QĐTTg ngày 15/5/2023, Thủ Tướng đã Quyết định phê duyệt Tổng sơ đồ phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2023 đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Tổng sơ đồ điện lực VIII) và trước đó tại Hội nghị COP26, COP27 diễn ra tại Vương quốc Anh và Ai Cập, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định và cam kết rất mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi năng lượng. Đây là những định hướng rất quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp,tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới và thực sự là thách thức to lớn đối với ngành năng lượng Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trên, việc chuyển đổi cơ cấu nguồn điện và phát triển NLTT là hết sức quan trọng và bức thiết.

Do vậy, ngoài những chủ trương, định hướng của Đảng, các quyết định mang tầm vĩ mô của Thủ tướng Chính phủ, để phát triển NLTT, cần phải có những cơ chế chính sách cụ thể phù hợp, chặt chẽ, hợp lý, bền vững như: Đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án NLTT, giúp tăng cường sự đầu tư của doanh nghiệp; Ưu tiên cung cấp tín dụng miễn phí, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…; Hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới: Cung cấp nguồn tài chính cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực NLTT; Khuyến khích hợp tác công tư: Tạo cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và triển khai công nghệ.

PV: Theo ông, các dự án NLTT đã và đang triển khai đang gặp phải những rào cản nào? Việc này ảnh hưởng như thế nào đến các nhà đầu tư?

TS. Mai Duy Thiện: Thực tế thời gian qua đã cho thấy do chính sách chưa ổn định, đồng bộ nên đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai phát triển NLTT làm thiệt hại tài chính cho nhiều nhà đầu tư có thể kể ra đây 1 số trường hợp như:

Đầu tư xong nhà máy NLTT nhưng không đấu được vào lưới điện quốc gia đành phải đắp chiếu dự án để chờ đấu nối vì chưa có lưới truyền tải.

Nhiều nhà máy điện tái tạo ở một số địa phương đã đưa vào vận hành nhưng chỉ được phát 40, 50% tổng công suất nhà máy do hệ thống truyền tải bị nghẽn mạch không giải tỏa được công suất.

Gần một trăm dự án điện tái tạo với công suất lên đến nhiều nghìn MW không ký được hợp đồng mua bán điện vì trượt giá FIT, không được phát điện hơn hai năm để chờ chính sách (những dự án chuyển tiếp)…

Những dự án nằm trong các trường hợp nêu ở trên đã gây lãng phí cho việc sử dụng nguồn NLTT, gây bất ổn cho an ninh năng lượng, gây thiệt hại lớn về tài chính cho nhà đầu tư… trong khi đó đất nước đang cần có đủ nguồn điện để phát triển kinh tế và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.

PV: Trong thời gian vừa qua, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để khuyến khích đầu tư NLTT, song trên thực tế khi triển khai các dự án lại gặp nhiều rào cản liên quan đến pháp lý, vậy theo ông có cần thiết phải xây dựng luật NLTT riêng không?

TS. Mai Duy Thiện: Trong những năm vừa qua Nhà nước ta đã có nhiều văn bản hướng dẫn khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực phát triển NLTT, chuyển đổi cơ cấu nguồn điện và đã đạt được những kết quả rất ngưỡng mộ, nhưng cũng cho chúng ta thấy những bất cập trong công tác xây dựng và ban hành chính sách chưa đồng bộ, nhiều chính sách, cơ chế chỉ có hiệu lực thực hiện trong thời gian ngắn hạn, không liên tục lâu dài…

Những năm tới với mục tiêu đưa phát thải dòng về 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, triển khai thực hiện Tổng sơ đồ điện lực quốc gia VIII, mục tiêu chuyển đổi năng lượng là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng đó, tiến đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững …

Để đạt được những mục tiêu trên rất cần có môi trường pháp lý đủ mạnh, ổn định, công bằng và minh bạch, vì vậy nhất thiết cần phải xây dựng và ban hành luật về phát triển năng lượng sạch của Việt Nam trên cơ sở định hướng của Bộ Chính Trị đã ban hành tại Quyết định 55-NQ/TW.

Bài 1: Nhận diện vai trò của Năng lượng tái tạo

Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ Quy hoạch điện 8

Bài 3: Cần nhanh chóng hoàn thiện khung chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo

Huy Tùng


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​