EU thông qua nghị quyết “cấm vận hoàn toàn và ngay lập tức” với năng lượng của Nga
Trong cuộc bỏ phiếu sáng 7/4/2022, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết “cấm vận hoàn toàn và ngay lập tức” than đá, dầu hỏa, khí đốt và thanh nhiên liệu hạt nhân của Nga với 513 phiếu thuận, 22 phiếu chống và 19 nghị viên vắng mặt.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Roberta Metsola

Đáng tiếc đây chỉ là biện pháp mang tính tượng trưng chứ không có hiệu lực trên thực tế. Mặc dù vậy, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Roberta Metsola nhấn mạnh lập trường của các dân biểu châu Âu rất rõ ràng và đây là một “thông điệp mạnh mẽ gửi đến những người đang trên chiến tuyến” ở Ukraine.

Cuộc bỏ phiếu tách biệt với các cuộc thảo luận diễn ra vào ngày 7/4 giữa các đại sứ của 27 quốc gia EU về việc thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc trừng phạt lĩnh vực than của Nga, bên cạnh các biện pháp thương mại khác.

Một số quốc gia EU muốn tiến xa hơn bằng cách cấm nhập dầu từ Nga, nhưng những quốc gia khác có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga - trong số đó có Đức - đã từ chối.

Ngày 6/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel đã tuyên bố trong phiên họp toàn thể Nghị viện châu Âu ở Strasbourg rằng “sớm hay muộn” châu Âu sẽ phải có các biện pháp trừng phạt dầu và khí đốt Nga vì cuộc chiến của nước này ở Ukraine. Trước đó một ngày, Ủy ban châu Âu đã đề xuất 27 nước thắt chặt các trừng phạt Moscow bằng việc ngừng mua than đá của Nga, hiện chiếm 45% nhập khẩu của EU, và đóng cửa các cảng biển đối với tàu của Nga. Tuy nhiên khả năng cấm vận dầu lửa Nga (chiếm 25% nhập khẩu của EU) và khí đốt (chiếm 45% tỷ trọng nhập khẩu của EU) vẫn là chủ đề gây tranh luận gay gắt giữa các quốc gia thành viên EU. Đặc biệt, Berlin vẫn luôn tỏ rõ thái độ dè dặt. Nước Đức không thể bỏ nhập khí đốt của Nga “trong ngắn hạn” và các trừng phạt Moscow trong lĩnh vực này sẽ khiến EU thiệt hại hơn là Nga, theo nhận định của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Linder ngày 4-4. Với cả EU thì vấn đề không đơn giản.

Theo ông Nicolas Mazzucchi, chuyên gia về năng lượng thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược tại Paris, Pháp, thì “vấn đề với châu Âu luôn là làm sao khiến nước Nga phải khốn đốn mà không làm bị thương chính mình… Nếu đánh vào trung tâm chiến lược của quan hệ đối tác kinh tế giữa châu Âu với Nga, thì không thể nào tránh được hiệu ứng gậy ông đập lưng ông”. Ngoài ra, châu Âu phải coi chừng việc thoát khỏi lệ thuộc khí đốt vào Nga nhưng sẽ lại rơi vào sự lệ thuộc với các nhà cung cấp khác, chuyên gia Mazzucchi cảnh báo. Mỹ đã chấp nhận cung cấp bổ sung cho châu Âu 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng từ nay đến cuối năm và hứa cung ứng 50 tỷ mét khối mỗi năm cho đến năm 2030. Con số này vẫn chỉ chiếm 1/3 lượng khí đốt châu Âu nhập từ Nga. Như vậy EU sẽ còn phải tìm nguồn cung ứng từ những nơi khác. Đúng là khí đốt trên thế giới hiện không hiếm, nhưng vấn đề đặt ra là vận chuyển thế nào đến châu Âu và sẽ phải thay đổi nhiều hệ thống hạ tầng cơ sở để tiếp nhận nguồn khí đốt mới.

Về những thiệt hại kinh tế cụ thể, theo một nghiên cứu của Hội đồng Phân tích Kinh tế (CEA), cơ quan trực thuộc Thủ tướng Pháp, theo đó trong trường hợp ngừng toàn bộ nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga, nền kinh tế của châu Âu sẽ phải đối mặt với một cú sốc mạnh. Các chuyên gia đã tính toán thâm hụt thu nhập quốc dân bình quân theo kịch bản trên là khoảng 100 euro một đầu người dân châu Âu. Đó là cái giá phải trả cho tình liên đới của EU với Ukraine. Tuy nhiên còn một cú sốc khác về mặt xã hội mà các nước châu Âu phải đối mặt khi cấm vận dầu khí của Nga hoặc ngược lại Nga dừng xuất khẩu dầu khí. Khi đó giá năng lượng sẽ tăng chóng mặt, đánh trực tiếp vào đời sống người dân làm bùng lên các phong trào phản kháng chống chính phủ, gây mất ổn định xã hội không thể lường trước được.

Nh.Thạch


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​