Phân tích ngày 08/09/2022
Các nước G7 lên kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô Nga Trang tin The Economist (Anh) mới đây đã có bài viết phân tích về vấn đề này với nhận định, các nước G7 muốn áp đặt giá trần với dầu thô Nga và đây là sự thừa nhận rằng, các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga đã không còn tác dụng. Ngoài ra, việc thiết lập một mức giá trần sẽ khó khăn hơn tưởng tượng.

Ngày 02/09, các nước G7 đã thực hiện một nỗ lực mới nhằm khôi phục lợi thế của phương Tây trong cuộc đối đầu năng lượng với Nga. Nhóm này quyết định áp dụng mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Biện pháp này có thể có hiệu lực từ ngày 05/12 tới. Theo đó, khách hàng có thể tiếp tục mua dầu Nga và phân phối ra thị trường toàn cầu, nhưng doanh thu từ dầu mỏ của Nga sẽ bị cắt giảm, do đó làm suy yếu nền kinh tế và quân đội Nga. Trước động thái này, tập đoàn dầu khí Gazprom đã đáp trả ngay lập tức. Hãng thông báo rằng, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 đến châu Âu (hiện đang hoạt động thấp hơn so với công suất thiết kế) sẽ bị đóng cửa vô thời hạn liên quan đến các vấn đề về dịch vụ kỹ thuật. Xung đột năng lượng giữa Nga - EU trở nên căng thẳng hơn trong khi mùa đông đang đến gần. 

Theo The Economist, quyết định của G7 là sự thừa nhận rằng, các lệnh trừng phạt năng lượng trước đó nhằm vào Nga đã thất bại. Các biện pháp được thực hiện đã cấm hầu hết công ty, nhà thầu và ngân hàng phương Tây mua, bán dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Mỹ đã ngừng mua nhiên liệu của Nga và EU sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu Nga từ ngày 05/12 và các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 05/02/2023. 

Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt dầu mỏ Nga chưa đạt được mục tiêu mà Mỹ/phương Tây đề ra. Theo IEA, xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm nhẹ, từ 8 triệu bpd (tháng 01/2022) xuống còn 7,4 triệu bpd trong tháng 7. Sản lượng xuất khẩu dầu thô Nga tới Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm 2,2 triệu bpd, nhưng 2/3 khối lượng này đã được chuyển sang các thị trường khác. Trong số những người mua lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, hiện đang được giảm giá từ 20-30 USD/thùng so với giá dầu thế giới. IEA đánh giá, khi lệnh cấm của châu Âu có hiệu lực, xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ giảm thêm 1,3 triệu bpd. Đây là một đòn giáng tiếp theo, nhưng không phải là đòn chí mạng. Trong bối cảnh giá dầu cao, Nga vẫn thu được lợi nhuận vững chắc từ xuất khẩu dầu. Theo dự báo, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga sẽ đạt 265 tỷ USD trong năm nay. 

Các nước G7 đã thảo luận về ý tưởng áp giá trần đối với dầu mỏ Nga trong những tháng gần đây. Lệnh cấm đối với dầu thô Nga ở phương Tây có thể vẫn tồn tại một phần hay toàn phần trong thời gian tới. Nhưng những khách hàng sẽ có thể mua dầu Nga theo mức giá trần mà G7 đặt ra. Giá trần sẽ được cố định, chỉ cao hơn chi phí sản xuất. Chính sách này của G7 sẽ mở rộng đối với các công ty vận tải biển, bảo hiểm và thương mại phương Tây – những doanh nghiệp vẫn đang thống trị ngành kinh doanh dầu mỏ toàn cầu. 

Về mặt lý thuyết, chính sách giá trần sẽ đạt được một số mục tiêu. Thứ nhất, nguồn cung dầu của Nga sẽ tiếp tục được duy trì và điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu trên thế giới. Thứ hai, người mua sẽ phải trả ít hơn và điều này sẽ giảm bớt các cú sốc năng lượng toàn cầu. Các quốc gia không bị trừng phạt sẽ có động lực để tận dụng lợi thế từ kế hoạch này nếu giá trần mà G7 đưa ra thấp hơn khoảng giá 63-73 USD/thùng mà họ hiện đang phải trả. Nga sẽ vẫn có động lực để tiếp tục khai thác dầu vì giá vẫn sẽ cao hơn chi phí sản xuất của nước này, nhưng doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ giảm đáng kể. 

Tuy nhiên, kế hoạch của G7 bị đánh giá là tồn tại 2 lỗ hổng. Thứ nhất là Nga có thể bác bỏ kế hoạch này bằng cách nỗ lực xuất khẩu dầu thông qua mạng lưới các thương nhân, các công ty vận tải biển và giới tài chính khác (không phải phương Tây). Những mạng lưới này nhỏ hơn nhiều so với các mạng lưới do phương Tây điều hành, nhưng chúng đang thích nghi và phát triển để đối phó với chế độ trừng phạt hiện hành. Thứ hai là G7 chỉ chiếm khoảng 45% GDP toàn cầu, tức là thấp hơn 25% so với mức 70% vào thời điểm những năm 1990. Nhiều nước lớn, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia không muốn dính líu đến chính sách đối ngoại, các biện pháp trừng phạt và cấm vận của phương Tây. 

Ví dụ, Trung Quốc không muốn duy trì một hệ thống kiểm soát mà một ngày nào đó có thể được sử dụng để chống lại chính nước này. Ấn Độ thì đang phụ thuộc vào Nga – quốc gia cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự với số lượng lớn. Indonesia thì đang bày tỏ quan điểm trung lập. Trước khi G7 công bố kế hoạch giá trần, đã có nguồn tin rằng, Nga đang cố gắng thu hút người mua châu Á bằng những hứa hẹn giảm giá dài hạn. Các nước phương Tây có thể đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc và các quốc gia khác vì từ chối tham gia kế hoạch của G7, nhưng điều này sẽ gây ra phản ứng dữ dội. 

Một trong những kết quả của kế hoạch G7 có thể là việc chia thị trường dầu toàn cầu thành ba phần. Khoảng 90% sản lượng dầu toàn cầu (không bao gồm nguyên liệu thô của Nga) sẽ được mua và bán với giá hiện hành. Phần dầu thô của Nga không thể xuất khẩu nếu không có cơ sở hạ tầng, tàu chở dầu và bảo hiểm của phương Tây, sẽ được bán theo kế hoạch G7. Phần này được dự báo sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ khi Nga bắt đầu tìm kiếm những cơ hội xuất khẩu mới. 

Phần dầu thô còn lại của Nga sẽ được xuất khẩu mà không sử dụng cơ sở hạ tầng của phương Tây với mức giá sẽ nằm ở khoảng giữa giá dầu thế giới và giá trần. Doanh thu của Nga từ dầu mỏ sẽ giảm, nhưng không đủ để cản trở nghiêm trọng các hoạt động quân sự của nước này. Trong khi đó, Nga sẽ tiếp tục cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, khiến một mùa đông khó khăn càng thêm vất vả. Kế hoạch của G7 sẽ gây khó khăn cho kinh tế Nga, nhưng nó sẽ khó trở thành một đòn tàn phá. 

OPEC+ giảm hạn ngạch sản xuất dầu lần đầu tiên kể từ năm 2020

Tại cuộc họp cấp bộ trường trong OPEC+, các bên tham gia thỏa thuận đã thống nhất giảm 100.000 bpd hạn ngạch sản xuất dầu trong tháng 10/2022. Điều này có nghĩa rằng, các quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ quay trở lại mức sản xuất được thiết lập cho tháng 8/2022. Hạn ngạch của Nga sẽ giảm 26.000 bpd, về mức của tháng 8. 

Việc OPEC+ lần đầu tiên giảm hạn ngạch khai thác kể từ khi ký kết thỏa thuận mới vào tháng 4/2020 đã được Bộ trưởng Năng lượng KSA Abdulaziz bin Salman công bố với Bloomberg vào ngày 22/08. Ông Abdulaziz bin Salman cho biết, sự biến động cực độ và thiếu thanh khoản trên thị trường dầu mỏ là những lý do cho quyết định này. 

Thỏa thuận OPEC+ hiện tại đã được ký kết vào mùa xuân năm 2020 sau sự sụp đổ của thỏa thuận trước đó và sự sụp đổ của giá dầu (dầu Brent giảm từ 60 USD/thùng xuống còn 23 USD/thùng). Do đó, các nước đã khẩn trương ký kết một thỏa thuận mới và giảm sản lượng 9,7 triệu bpd kể từ ngày 01/5/2020, sau đó tăng dần hạn ngạch cho đến tháng 9/2022. 

Trong cuộc họp cấp bộ trưởng ngày 05/09, đại diện các nước tham gia OPEC+ đã xác nhận sự biến động và thiếu thanh khoản trên thị trường dầu toàn cầu. Trong điều kiện hiện tại, OPEC+ cần duy trì sự ổn định của thị trường và hiệu quả hoạt động của liên minh. Các đại diện tham gia cuộc họp lưu ý rằng, do sự biến động giá dầu cao và sự không chắc chắn ngày càng tăng, cần phải liên tục đánh giá các điều kiện thị trường và nếu cần, liên minh sẽ ngay lập tức điều chỉnh sản xuất theo nhiều hình thức khác nhau. Cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+ tiếp theo dự kiến vào ngày 05/10. Trước đó vào đầu tháng 8/2022, các nước OPEC+ đã tăng hạn ngạch sản xuất dầu trong tháng 9 thêm 100.000 bpd. 

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và Anh đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nguồn cung dầu từ Nga. Trong tháng 6, Anh đã ngừng hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga, bao gồm cả dầu thô và khí đốt. Cùng lúc đó, EU đã thông qua một lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm dầu mỏ Nga bằng đường biển. Lệnh cấm nhập khẩu dầu thô sẽ có hiệu lực từ ngày 05/12 tới và cấm các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 05/02/2023. Một ngoại lệ đối với lệnh cấm vận chỉ được thực hiện đối với nguồn cung dầu qua đường ống Druzhba. EU cũng cấm nhập khẩu dầu thô của Nga trộn với nhiên liệu từ các nước khác. Trước đó, Shell đã sử dụng cách này để lách lệnh trừng phạt. 

Do bị Mỹ và EU áp đặt trừng phạt, Nga đã phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng của mình và chuyển hướng các lô hàng sang thị trường châu Á, chủ yếu là đến Trung Quốc và Ấn Độ. Đồng thời, mức chiết khấu đối với dầu Urals của Nga đã lên tới 40 USD/thùng (tháng 3) và hiện trong khoảng 20 - 25 USD/thùng. 

Giá dầu thế giới đã bật tăng trở lại sau khi nổ ra xung đột quân sự Nga - Ukraine. Đỉnh cao được quan sát vào ngày 08/03 khi giá dầu Brent tiếp cận mức 128 USD/thùng. Sau đó, giá dầu điều chỉnh giảm và trong tháng 8 ổn định ở mức dưới 100 USD/thùng. Tính đến ngày 05/09, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 11/2022 là 96,33 USD/thùng và giá WTI giao kỳ hạn tháng 10 đạt 89,86 USD/thùng. 

Sự không chắc chắn trên thị trường nảy sinh từ quyết định của các nước G7. Trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+, Phó Thủ tướng Nga A.Novak đã gọi quyết định của G7 là hoàn toàn vô lý và sự can thiệp vào cơ chế thị trường có thể dẫn đến sự bất ổn của ngành dầu mỏ. Ông Novak tuyên bố rằng, Nga sẽ không cung cấp dầu cho các nước tham gia kế hoạch của G7. Điều này cũng đã được thư ký báo chí của Tổng thống Nga D. Peshkov xác nhận vào ngày 05/09. Ông Novak cũng cho biết thêm, đến cuối năm 2022, Nga có thể giảm 0,2-0,7% sản lượng khai thác dầu, đồng thời kỳ vọng sản lượng năm 2022 sẽ đạt từ 520 - 525 triệu tấn. 

Theo các nhà phân tích của ngân hàng Alfa-Bank (Nga), quyết định của OPEC+ là một tín hiệu cho G7 thấy rằng, liên minh không ủng hộ sự can thiệp sâu vào thị trường tự do và sẽ không tuân theo yêu cầu của G7 để tăng sản lượng. Đây là lập trường của liên minh, đi ngược lại với kế hoạch của G7 về việc làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay với cái giá của Nga. Trong trường hợp này, OPEC+ vẫn thống nhất đứng ở vị trí của mình. 

Theo các chuyên gia tại công ty chứng khoán BCS World of Investments (Nga), nếu G7 thiết lập mức giá trần với giá dầu của Nga và tất cả các bên, bao gồm cả Nga giữ nguyên vị trí hiện tại của họ, giá dầu thế giới có thể sẽ tăng đáng kể. Dầu thô của Nga sẽ tìm được người mua, nhưng chuỗi cung ứng sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Quyết định giảm hạn ngạch trong tháng 10 của OPEC+ sẽ là một yếu tố giúp ổn định thị trường. Theo ý kiến các chuyên gia, OPEC một lần nữa bắt đầu hoạt động như một cơ quan quản lý chủ động, điều chỉnh các thay đổi để đáp ứng với điều kiện thị trường. 

Các chuyên gia tại Viện phát triển công nghệ tổ hợp nhiên liệu - năng lượng (IRTTEK) cho rằng, việc giảm hạn ngạch được OPEC+ đưa ra để hỗ trợ giá dầu khi đối mặt với chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), vốn đã nâng lãi suất cơ bản từ 1% (tháng 6) lên 2,5% trong tháng 7. Việc cắt giảm hạn ngạch cũng sẽ giúp đưa sản lượng thực tế và sản lượng mục tiêu xích gần nhau hơn. Về tổng thể, sản lượng hiện tại ở các nước OPEC đang thấp hơn 1,5 triệu bpd so với mức đề ra và các lệnh trừng phạt mới của phương Tây có thể khiến nguồn cung dầu của Nga ra thị trường thế giới giảm. Các chuyên gia dự báo, OPEC+ sẽ tiếp tục giảm hoặc tăng nhẹ hạn ngạch sản xuất dầu trong những tháng tới. 

Thực tế cho thấy, hiện nay không có nhiều sản lượng tự do trên thị trường, không chỉ từ OPEC mà còn từ các quốc gia khác. Trong khi đó, thỏa thuận hạt nhân Iran đang bị hoãn lại, cùng với đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và tái gia nhập thị trường dầu của nước này chưa được xác định. Ngoài ra, việc phục hồi sản xuất dầu tại Mỹ cũng đang chậm lại. Điều này cho thấy tiềm năng tăng xuất khẩu dầu khí sang châu Âu cũng đã cạn kiệt. Trong tương lai, Mỹ, Venezuela và Iran sẽ có thể cung cấp nhiều dầu hơn cho thị trường thế giới, nhưng điều này sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư vốn lớn. 

Kỷ nguyên bá chủ của đồng USD sắp kết thúc?

Trang tin JB Press (Nhật Bản) mới đây đã có bài viết nhận định rằng, thời đại bá chủ của đồng USD sắp kết thúc. Các quốc gia như Nga và Trung Quốc đang tăng cường thanh toán bằng đồng tiền quốc gia. 

Nga nhanh chóng khôi phục nhập khẩu từ Trung Quốc

Nhập khẩu của Nga từ Trung Quốc đã giảm đáng kể từ tháng 3 năm nay, nhưng trong tháng 7 đã tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng nhập khẩu có sản lượng tăng là nhóm sản phẩm kỹ thuật tổng hợp (chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga) và nhóm phương tiện và thiết bị. 

Xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Trung Quốc cũng gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào nhóm tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Đây là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Nga, vốn đang chịu sức ép lạm phát, gây ra bởi việc giảm nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa Trung Quốc từ đầu năm nay. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Nga trong tháng 7 lại tăng mạnh như vậy?

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc chuyển sang CNY

Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, một phần đáng kể các khoản thanh toán xuất khẩu hàng hóa Nga sang Trung Quốc đã chuyển sang CNY. Nhưng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã không vội đón đầu xu hướng này và thực hiện các giao dịch với người mua hàng Nga trên cơ sở USD theo cách thức cũ. Kết quả là xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga bị sụt giảm do chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây. Tuy nhiên, các điều kiện gần đây đã bắt đầu hình thành, cho phép các tổ chức và công ty xuất khẩu của Trung Quốc chuyển các khoản thanh toán của họ sang đồng CNY. Điều này đã có tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga. 

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế của Chính phủ Trung Quốc – CIPS bắt đầu hoạt động từ năm 2015, đóng một vai trò quan trọng trong việc này. Tính đến tháng 6/2022, đã có 1341 ngân hàng tham gia vào CIPS, bao gồm các ngân hàng lớn của phương Tây như Megabanks (Nhật Bản), Deutsche Bank và JPMorgan Chase. 

Các ngân hàng Nga đã bị loại khỏi SWIFT (một hệ thống viễn thông liên ngân hàng quốc tế phục vụ mạng lưới thanh toán quốc tế giữa các ngân hàng) đã tham gia CIPS, khiến các công ty xuất khẩu của Trung Quốc chuyển đổi các khoản thanh toán của họ sang đồng CNY. Vì vậy mà hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga tăng nhanh chóng và phục hồi như cũ.  Tính đến giữa tháng 7/2022 đã có 23 ngân hàng Nga được kết nối với CIPS. Ngân hàng Gazprombank (đơn vị thành viên của Gazprom) cũng đang chuẩn bị kết nối với hệ thống này. 

Theo một cuộc khảo sát của SWIFT, thị phần thanh toán bằng CNY bên ngoài Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở mức 0,6% tại Nga (tháng 4/2022), song đã tăng lên 3,9% vào tháng 7 vừa qua. Trong bảng xếp hạng thế giới, Nga đứng thứ ba về thanh toán với Trung Quốc bằng CNY, sau Hồng Kông (71%) và Anh (6%). 

Sự hiện diện ngày càng tăng của đồng CNY trong tương lai

Ở Nga, việc quản lý tài sản bằng đồng CNY cũng đang trở nên phổ biến. Sở giao dịch chứng khoán Moscow đã bắt đầu giao dịch chứng khoán bằng đồng CNY từ đầu tháng 8. Trái phiếu bằng đồng CNY có thể giao dịch đầu tiên là trái phiếu của tập đoàn nhôm Rusal, đáo hạn vào năm 2027. Hai gói trái phiếu trị giá 2 tỷ CNY/gói (tương đương 296,22 triệu USD/gói) đã được các nhà đầu tư trong nước Nga mua. Do hạn chế tiếp cận thị trường USD và EUR ở Nga, nhiều công ty Nga dự kiến sẽ tiếp tục vay thêm bằng CNY. CNY đang gia tăng sự hiện diện liên quan đến các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng, không nên đánh giá quá cao đồng tiền này. 

Theo SWIFT, tỷ trọng thanh toán quốc tế của CNY ở mức 2,2% vào tháng 6 năm nay, đứng thứ 5 trên thế giới. Sự khác biệt giữa đồng USD (41,2%) và đồng Euro ở vị trí thứ hai (35,6%) là rất lớn. Đồng CNY, với các giao dịch vốn được nhà nước quản lý, vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của một loại tiền tệ “cứng”. Mặc dù trong điều kiện hiện tại, đồng tiền quốc gia của Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục tăng dần thị phần của mình trên thị trường quốc tế. 

Những nỗ lực của Nga và Ấn Độ để sử dụng đồng nội tệ làm thanh toán

Song song với thanh toán bằng đồng CNY với Trung Quốc, Nga cũng đã bắt đầu cố gắng sử dụng RUB làm đồng tiền thanh toán quốc tế. Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã ra mắt một hệ thống thông tin liên ngân hàng riêng, được gọi là Hệ thống Thông điệp Tài chính – SPFS, hiện đang được sử dụng ngày càng nhiều giữa Nga và các ngân hàng trong Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Dữ liệu thống kê cho thấy rằng, hệ thống này hiện đang trở nên phổ biến hơn. 

Ngoài ra, trong điều kiện khủng hoảng Ukraine, Nga sẽ tăng cường các hành động để buộc “các nước không thân thiện” phải thanh toán tiền khí đốt bằng RUB. Có lẽ vì vậy mà tỷ giá RUB/USD, vốn đã sụp đổ ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, nay thậm chí còn cao hơn trước thời điểm chiến sự. 
Nga cũng đang nghiên cứu thiết lập hệ thống thanh toán song phương với Iran. Vào tháng 7/2022, Sở giao dịch tiền tệ Iran đã đăng ký cặp tiền tệ RUB-IRR, cho phép cả hai quốc gia thanh toán một phần giao dịch của họ bằng đồng nội tệ. Do đó, Nga và Iran đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương từ 4 tỷ USD (2021) lên 8 tỷ USD càng sớm càng tốt. Trong khi bị quốc tế cô lập do các lệnh trừng phạt của phương Tây, Iran đang tìm cách mở rộng sáng kiến này sang các đồng tiền khác như TRY (Lira, Thổ Nhĩ Kỳ), INR (Ấn Độ) và AED (Dirham, UAE). 

Thời gian gần đây, Ấn Độ đang nhanh chóng tăng cường sự hiện diện của mình trên các thị trường quốc tế, bao gồm cả thị trường năng lượng. Tháng 7/2022, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (NHTW) đã phê duyệt hệ thống thanh toán thương mại bằng INR với các quốc gia khác. Khi sử dụng hệ thống thanh toán bằng INR, các ngân hàng thương mại phải được sự chấp thuận trước của Ngân hàng trung ương và mở một tài khoản đặc biệt (tài khoản thanh toán và tiền mặt cho các giao dịch liên ngân hàng). Sau đó, các ngân hàng Ấn Độ có cơ hội thực hiện các giao dịch bằng INR với các quốc gia mà vì lý do nào đó không thể sử dụng USD để thanh toán (ví dụ như với Nga hoặc Sri Lanka). 

Chính phủ Ấn Độ cũng đang cố gắng tạo động lực để khuyến khích các nhà xuất khẩu thanh toán bằng INR. Đặc biệt, nước này có kế hoạch bổ sung INR vào chương trình tạo thuận lợi thương mại hiện hành, áp dụng cho các loại tiền tệ và có thể chuyển đổi hoàn toàn như USD và EUR, nơi các nhà xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế và hoàn thuế từ chính phủ. Đây có thể là động lực đáng kể cho các tổ chức xuất khẩu của Ấn Độ tìm kiếm cơ hội hợp đồng xuất khẩu bằng INR. 

Ảnh hưởng của phương Tây trong cộng đồng quốc tế đang ở mức thấp nhất mọi thời đại

Xu hướng tạo ra những đồng tiền thanh toán và hệ thống thanh toán mới thay thế SWIFT đang dần được kích hoạt trên phạm vi toàn cầu. Các giải pháp thay thế khả thi như vậy vẫn có những hạn chế đáng kể. Chúng có tốc độ xử lý tin nhắn tài chính chậm, chi phí cao và dễ xảy ra lỗi. Vì vậy, không có nghĩa là dễ dàng thay thế SWIFT trong một sớm một chiều. 

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, sự lên xuống của các đồng tiền quốc tế diễn ra khá liên tục và chịu ảnh hưởng của các sự kiện lớn như chiến tranh và khủng hoảng. Rất khó để dự đoán tình hình xung quanh khủng hoảng Ukraine lúc này. Nhưng có một sự thật vẫn khá rõ ràng là trong vòng 6 tháng qua, ảnh hưởng của các nước phương Tây đối với cộng đồng quốc tế đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy. 

Điều này dễ nhận thấy nhất ở châu Phi, nơi nhiều quốc gia từng là thuộc địa cũ của phương Tây. Thực tế là hầu hết các nước châu Phi không những không áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, mà còn không tuân thủ những biện pháp mà Mỹ và phương Tây áp đặt đối với Nga. Và họ thực hiện điều đó khá nhất quán. 

Được coi là lục địa đen của nhân loại và dự kiến sẽ có dân số 2,5 tỷ người vào năm 2050, châu Phi là một thị trường cực kỳ hứa hẹn đối với Nga và Trung Quốc. Xét về tổng khối lượng thương mại với châu Phi thì Trung Quốc hiện đang dẫn đầu. Trong khi đó, Nga cung cấp vũ khí và lương thực hàng đầu cho châu Phi. Cuộc khủng hoảng Ukraine càng kéo dài, trọng tâm của các lợi ích và lợi ích đối với châu Phi có thể chuyển từ phương Tây sang Nga và Trung Quốc. 

Cho đến nay, USD và EUR có một vị trí độc quyền như là tiền thanh toán ở châu Phi. Nhưng kể từ khi Trung Quốc và Nga bắt đầu tạo ra các hệ thống thanh toán quốc tế thay thế, có khả năng “bản đồ tiền tệ quốc tế”, ít nhất là ở lục địa này, có thể thay đổi đáng kể trong tương lai. 

Ngay cả khi các loại tiền tệ thanh toán trên thế giới hiện đang được đa dạng hóa thì sự bá chủ của USD chắc chắn sẽ không kết thúc trong tương lai gần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu đang ở ngã ba đường. Và bây giờ, điều quan trọng là tất cả các công ty toàn cầu phải theo dõi chặt chẽ các xu hướng đang phát triển và suy nghĩ về sự chuyển đổi của những hệ thống này trong vòng 10-20 năm tới. 


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​