Phân tích ngày 22/08/2022
Triển vọng đầy hứa hẹn của nguồn khí đốt Nga tại thị trường Trung Á

Trang tin oilcapital.ru mới đây đã có bài viết nhận định rằng, các nước cộng hòa Trung Á đang trở thành thị trường tiêu thụ đầy hứa hẹn đối với khí đốt Nga. Điều này xuất phát từ nguy cơ thiếu hụt khí đốt ở Kazakhstan và tình trạng thiếu nhiên liệu ở Uzbekistan.

Nguy cơ thiếu hụt khí đốt ở Kazakhstan

Vào đầu tháng 8, Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Bolat Akchulakov cho biết, DNNN QazaqGaz đang đàm phán với tập đoàn Gazprom về những điều kiện khí hóa các khu vực phía bắc và phía đông đất nước. Ở giai đoạn đầu, Gazprom dự kiến cung cấp khoảng 4 tỷ m3 và khả năng sẽ tăng lên 7-10 tỷ m3 trong tương lai. Các tuyến đường ống dẫn khí đốt tối ưu nhất đã được xác định là Barnaul-Rubtsovsk-Semey-Ust-Kamenogorsk với một nhánh đến thành phố Pavlodar với tổng chiều dài xấp xỉ 1000 km. Phương án thứ hai là đường ống nối Ishim-Petropavlovsk-Kokshetau-Nursultan với chiều dài xấp xỉ 644 km. 

Thông báo này của lãnh đạo Bộ Năng lượng Kazakhstan gây sự ngạc nhiên vì nước này có trữ lượng dầu khí lớn. Ngoài ra, Kazakhstan vẫn là quốc gia xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Trữ lượng khí được thăm dò ở Kazakhstan lên tới 3800 tỷ m3. Sản lượng khai thác khí hàng năm khá cao. Trong năm 2021, Kazakhstan đã khai thác 53,8 tỷ m3 khí khô. 

Tuy nhiên, những khó khăn lại nằm ở bên trong. Khoảng 70% trữ lượng khí có thể thu hồi là khí đồng hành từ các mỏ dầu và mỏ khí-condensate. Nguồn khí như vậy đòi hỏi quá trình chế biến tốn kém. Đồng thời, hơn 80% sản lượng khí đốt hiện tại của Kazakhstan tập trung ở ba dự án là Karachaganak, Kashagan và Tengiz. Tất cả đều được phát triển chung với các nhà đầu tư nước ngoài (ExxonMobil, Chevron, Agip, Shell, Eni) trên cơ sở hợp đồng phân chia sản phẩm. 

Theo những điều khoản của hợp đồng, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên sản xuất hydrocacbon lỏng. Đồng thời, các công ty phải bán khí đốt trên thị trường Kazakhstan với giá thấp. Do đó, việc tạo ra cơ sở hạ tầng khí đốt là không có lợi cho họ. Do những yếu tố này, 32% lượng khí khô khai thác được bơm ngược trở lại vào vỉa để duy trì áp suất vỉa nhằm tăng sản lượng dầu. Chỉ 48% sản lượng khí được chuyển thành khí thương mại. 

Dự kiến đến năm 2030, sản lượng khí khô của Kazakhstan sẽ đạt 87,1 tỷ m3, trong đó, chỉ 42 tỷ m3 được chế biến thành khí thương mại. Phần khí đốt còn lại sẽ được bơm trở lại vào vỉa và được sử dụng cho nhu cầu của các nhà khai thác mỏ. Ông Akchulakov cho biết, Kazakhstan đang tích cực làm việc để điều chỉnh tính khả thi của việc bơm khối lượng lớn khí trở lại vỉa. Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án Karachaganak, khoảng 8/19 tỷ m3 khí khai thác được bơm ngược trở lại vào vỉa. 

Tại thị trường nội địa Kazakhstan, tiêu thụ khí đốt đang tăng trưởng tích cực. Việc khai thác và chế biến nguyên liệu thô không theo kịp nhu cầu. Ví dụ, để sản xuất khí LPG, khí đốt từ dự án Karachaganak được gửi đến nhà máy hóa khí Orenburg, sau đó được đưa trở lại thị trường trong nước. Nhu cầu gia tăng đối với khí đốt của Kazakhstan xuất phát chủ yếu từ những cam kết khí hậu. Kazakhstan đã ký Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Hậu quả của một chính sách “nóng vội” như vậy đã biến Kazakhstan nhanh chóng chuyển từ một nước xuất khẩu thành nhà nhập khẩu khí đốt. Chủ tịch QazaqGaz Sanjar Zharkeshov cho biết, Kazakhstan sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt thương mại vào năm 2024. Nhu cầu của thị trường nội địa sẽ vượt quá nguồn cung sẵn có khoảng 1,7 tỷ m3. Nguyên nhân của sự thâm hụt này xuất phát từ quá trình khí hóa, điện khí hóa gia tăng khiến sản lượng tiêu thụ khí tăng theo. Năm 1991, sản lượng tiêu thụ khí đốt của Kazakhstan là khoảng 7,5 tỷ m3/năm. Đến năm 2020, mức tiêu thụ đã tăng gấp 2,5 lần. 

Tháng 6/2022, ông Zharkeshov từng đưa ra cảnh báo, ngành khí đốt của Kazakhstan có thể  trán khủng hoảng trong vài năm tới. Sau đó, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã gấp rút yêu cầu chính phủ ưu tiên tuyệt đối cho đáp ứng nhu cầu khí đốt trong nước và cùng với các cổ đông mỏ Tengiz giải quyết vấn đề nguồn cung khí trong tương lai, trong đó chuyển hướng 2 tỷ m3 khí từ xuất khẩu sang thị trường nội địa. Trong năm 2021, xuất khẩu khí đốt của Kazakhstan đạt 7,2 tỷ m3. Bước sang năm 2022, con số này dự kiến chỉ đạt 5 tỷ m3. 

Một yếu tố quan trọng cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp khí Kazhkhstan là giá khí trên thị trường nội địa thấp. Chừng nào giá vẫn dưới mức hòa vốn trong sản xuất, rất khó để gia tăng sản xuất và chế biến khí. Một đề xuất đã được đưa ra tại Quốc hội Kazakhstan về việc tăng giá khí đốt cho người dùng thương mại lên 20-30% và tăng 15% đối với người dùng sinh hoạt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nguồn nhiên liệu giá rẻ đang mang lại lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực khai khoáng và luyện kim của Kazakhstan – hai lĩnh vực cạnh tranh và phát triển năng động nhất của ngành công nghiệp nước này. 
Uzbekistan thiếu hụt khí đốt

Tình hình tương tự cũng diễn ra trong ngành công nghiệp khí đốt của Uzbekistan. Trữ lượng khí đốt thiên nhiên của nước này được ước tính vào khoảng 1860 tỷ m3. Hàng năm, Uzbekistan sản xuất gần 60 tỷ m3. Cho đến gần đây, Uzbekistan đã xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á. Trong năm 2019, sản xuất xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 8 tỷ m3, đến Nga đạt 4,5 tỷ m3, đến các khu vực phía nam Kazakhstan đạt 2,5 tỷ m3 và các nước Trung Á khác là từ 500 - 550 triệu m3. Sang năm 2020, sản lượng khí đốt của Uzbekistan giảm mạnh. Nước này đã phải cắt nguồn cung xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu khí đốt của người dân. Tính đến 01/2022, Uzbekistan đã ngừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt. Rõ ràng, trước tình hình đó, Nga sẽ có nhiều cơ hội lớn trong việc xuất khẩu khí đốt sang các nước Trung Á. 

Cơ hội cho khí đốt Nga

Tuy nhiên, giới chuyên gia dầu khí Nga nhận định rằng, vẫn chưa thể tính toán động lực tăng trưởng tiêu thụ khí đốt ở khu vực Trung Á vì nó còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới. Các chuyên gia tại Viện Năng lượng quốc gia ở Nga cho biết, Kazakhstan là một trong những nền kinh tế lớn nhất trong toàn bộ không gian hậu Xô Viết. Tuy nhiên, các vấn đề cơ sở hạ tầng tại đây không được giải quyết. Trong nửa cuối năm 2021, Kazakhstan đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Theo các chuyên gia, việc thiếu khí đốt là do nước này ít quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng vận chuyển khí, thiếu đồng bộ hóa các dự án sản xuất và vận chuyển khí đốt. Ngoài ra, trong chính quyền Kazakhstan tồn tại tâm lý “ỷ lại” vào nguồn cung khí đốt dồi dào sẵn có của Nga. 

Các chuyên gia Nga lưu ý rằng, mức sản xuất khí đốt năm nay ở Nga sẽ thấp hơn so với trước đây. Do đó, việc xuất khẩu khí đốt cho các nước láng giềng càng được coi trọng. Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga. Ví dụ như trong năm 2009, sản lượng khí đốt Nga đã giảm 88 tỷ m3 so với năm 2008. Sau đó, xuất khẩu khí đốt của nước này cũng sụt giảm đáng kể khi nhu cầu tiêu thụ khí giảm ở các nước ngoài SNG và xuất khẩu khí đốt sang các nước láng giềng của Nga cũng sụt giảm mạnh, nhất là Ukraine đã giảm nhập khẩu khí đốt của Nga 20 tỷ m3. 

Lợi ích cho Nga từ việc xuất khẩu khí đốt bằng đường ống bao gồm ba yếu tố. Thứ nhất là vấn đề tài chính. Thứ hai là hiệu ứng số nhân mà hoạt động xuất khẩu mang lại cho nền kinh tế. Thứ ba là duy trì sản xuất khí đốt trong nước, tức là đảm bảo sản lượng và hiệu quả khai thác của các công ty dầu khí. Trong điều kiện hiện nay, khi một phần sản lượng xuất khẩu giảm mạnh theo hướng châu Âu, việc xuất khẩu sang các nước Trung Á là vô cùng quan trọng. 

Theo các chuyên gia từ Viện năng lượng quốc gia tại Nga, trữ lượng khí đốt của Kazakhstan phân bố không đồng đều. Vì vậy, việc cung cấp khí đốt cho các vùng lãnh thổ phía bắc nước này là thuận lợi cho Nga. Ngoài ra, việc chế biến nguồn khí đồng hành – trữ lượng khí chủ yếu của Kazakhstan lại khó hơn nhiều so với việc bơm trở lại trong các vỉa để duy trì áp suất vỉa. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt sắp xảy ra ở Kazakhstan là do nước này thiếu các mỏ khí đốt lớn đang hoạt động, ngoại trừ mỏ Karachaganak. Tiến độ phát triển các dự án khai thác khí mới chậm chạp và cơ sở hạ tầng vận chuyển khí kém phát triển. Ngay cả các tập đoàn phương Tây cũng gặp phải vấn đề lớn trong việc vận hành các mở ở Kazakhstan. 

Triển vọng

Nhu cầu về khí đốt của khu vực Trung Á sẽ tăng lên khi dân số tăng lên. Kyrgyzstan không có dự trữ khí đốt của riêng mình. Đồng thời, Gazprom đang sở hữu toàn bộ hệ thống đường ống dẫn khí đốt của quốc gia này. Bản thân Uzbekistan đã thiếu khí đốt. Turkmenistan vẫn còn dự trữ khí đốt nhưng nước này gần như xuất khẩu tất cả sản lượng sang Trung Quốc. 

Nhiều nhà kinh tế Nga đặt câu hỏi rằng, Nga sẽ bán khí đốt cho khu vực này với giá bao nhiêu. Một số ý kiến cho rằng, giá khí đốt xuất khẩu của Nga cho Kazakhstan sẽ cao hơn giá khí nội địa, nhưng sẽ thấp hơn thị trường châu Âu và và châu Á. Việc xuất khẩu này sẽ có lợi cho Gazprom vì chính phủ Nga có thể không tính thuế xuất khẩu đối với thị trường Kazakhstan và Uzbekistan. Ngoài ra, giá khí đốt xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng sẽ hấp dẫn hơn khi EAEU lên kế hoạch tạo ra một thị trường năng lượng duy nhất trong liên minh đến năm 2024. 

Một số chuyên gia tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia, Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga cho rằng, sự gia tăng tiêu thụ khí đốt của Kazakhstan là do quốc gia này nỗ lực cải thiện môi trường, cũng như tham gia chương trình nghị sự về khí hậu bằng cách ký kết Thỏa thuận khí hậu Paris. Tuy nhiên, việc hỗ trợ giá khí là có giới hạn. Trong khi giới đầu tư ưu thích rót vốn vào các dự án khai thác dầu hơn ở nước này. Ngoài ra, Kazakhstan đang gặp vấn đề trong việc bán khí đốt. Hiện nước này đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc nhưng luôn chịu áp lực phải bán giá thấp từ các nhà đàm phán Trung Quốc. Vì vậy, ở góc độ xuất khẩu, không có quá nhiều lý do để giới đầu tư quan tâm vào lĩnh vực khí đốt của Kazakhstan. Xuất khẩu khí đốt của Kazakhstan sang Trung Quốc có khả năng ngừng hoàn toàn trong tương lai. Và đây là một yếu tố tích cực đối với Nga. 

Ở góc độ tiêu thụ, Kazakhstan là một thị trường bán hàng tốt của Gazprom với  lượng tiêu thụ khoảng 4 tỷ m3/năm. Đồng thời, cơ sở và nguồn lực của Nga sẽ đủ cung cấp khí cho thị trường này. Nếu Kazakhstan nhập khẩu 10 tỷ m3 thì các mỏ khí ở khu vực Tây Siberia hoàn toàn có thể đáp ứng. Thực tế thì giá trị xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế Kazakhstan phát triển ra sao và liệu nước này có tiếp tục tuân theo quyết định chính trị khi chuyển đổi từ nhiên liệu than sang khí đốt hay không. 

Đối với Nga, Kazakhstan được coi là một trong những tuyến đường vận chuyển khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. Tuy nhiên, lựa chọn ưu tiên trong tương lai sẽ là thông qua Mông Cổ. Vì vậy, để khí hóa miền bắc Kazakhstan, nước này cần phải xây dựng một cơ sở hạ tầng riêng biệt với Nga. Đây sẽ là một dự án hấp dẫn về mặt kinh tế và chiến lược đối với Nga. Nếu phía Kazakhstan có thể cung cấp các thông số hấp dẫn cho quá trình khí hóa thì Gazprom sẽ có cơ hội lớn tham gia quá trình này. Theo số liệu của Bộ Năng lượng Kazakhstan, lượng điện thiếu hụt ở nước này trong năm 2022 có thể lên tới 4,6 tỷ KWh. Do đó, chính quyền Kazakhstan có lý do chính đáng để nhập khẩu khí đốt của Nga cũng như tham gia vào các dự án vận chuyển nguyên liệu thô từ Nga đến các nước cộng hòa Trung Á khác. 

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đến giá dầu thế giới

Theo 1prime, giá dầu thế giới ngày càng phụ thuộc vào tình hình kinh tế của Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Việc nước này công bố dữ liệu chính thức về sản lượng lọc dầu trong tháng 7 sụt giảm đáng kể, khiến giá dầu sụt giảm theo. Hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc cũng chịu tác động tương tự. 

Lọc dầu sụt giảm

Theo Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, hoạt động lọc dầu trong tháng 7 của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã chế biến 53,21 triệu tấn dầu trong tháng 7, thấp hơn 8,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Khối lượng dầu lọc trung bình hàng ngày trong tháng qua đạt 12,53 triệu bpd, thấp hơn đáng kể so với mức 13,37 triệu bpd trong tháng 6 trước đó. Sự sụt giảm sản lượng trong ngành lọc dầu Trung Quốc đã tiếp tục trong nửa cuối năm 2022 do các hạn chế Covid-19 tiếp tục thắt chặt và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của nước này. Tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, khối lượng lọc dầu ở Trung Quốc đạt 380,27 triệu tấn (tương đương 13,1 triệu bpd), thấp hơn 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm sản lượng tinh chế là do hai doanh nghiệp lọc dầu công suất lớn phải ngừng hoạt động để bảo trì kéo dài. Đó là công ty hóa dầu Thượng Hải (đơn vị thành viên của tập đoàn Sinopec), công suất 320.000 bpd và nhà máy lọc dầu Wepec của PetroChina với công suất 200.000 bpd. Theo nguồn tin từ Reuters, tổ hợp hóa dầu ở Thượng Hải đã không hoạt động trở lại vào tuần trước sau thời gian bảo trì và việc khởi động nhà máy Wepec đã bị trì hoãn đến cuối tháng 8. 

Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc cũng đã cắt giảm sản lượng do biên độ lợi nhuận giảm. Hơn nữa, liên quan đến việc điều tra các trường hợp trốn thuế, hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu độc lập có nguy cơ bị giảm hơn nữa. 

Hỗ trợ sản xuất trong nước

Theo Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, sản lượng khai thác dầu của nước này trong tháng 7 vừa qua đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 17,13 triệu tấn (tương đương 4 triệu bpd), nhưng vẫn thấp hơn so với tháng trước đó (sản lượng tháng 6 đạt kỷ lục 4,18 triệu bpd). 

Tính trong 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã sản xuất 120 triệu tấn dầu (tương đương 4,13 triệu bpd). Chính quyền Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách hỗ trợ các công ty sản xuất dầu trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ nước ngoài và cải thiện an ninh năng lượng. Bất chấp các biện pháp hỗ trợ, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu vẫn ở mức cao, khoảng 70%. 

Ưu tiên của Bắc Kinh

Theo giới thương mại, sản lượng sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc cho xuất khẩu dự kiến sẽ tăng trong tháng 8 này do chính quyền Trung Quốc đã nới lỏng xuất khẩu trong tháng 6 và tháng 7 trước đó. Tuy nhiên, do những hạn chế vì Covid-19, xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Trung Quốc năm 2022 dự kiến giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. 

Các nhà chức trách Trung Quốc điều tiết việc xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu vì họ tìm cách đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và kiềm chế lạm phát ngay từ đầu. Việc cung cấp nhiên liệu diesel, xăng và nhiên liệu máy bay cho nước ngoài trong năm 2022 có thể giảm 40% so với năm 2021. Theo Reuters dẫn nguồn từ những nhà quản lý thị trường sản phẩm dầu mỏ Trung Quốc, kiếm được lợi nhuận nhất thời từ xuất khẩu không phải là mục tiêu của chính phủ nước này. Chính quyền đang tìm cách tăng nguồn cung ở thị trường nội địa và ngăn chặn lạm phát gia tăng. Kết quả là tại thị trường nội địa từ tháng 6 đến giữa tháng 8, giá bán lẻ xăng và dầu diesel đã giảm lần thứ 4. 

Kỷ luật xuất khẩu

Theo cơ quan định giá năng lượng Trung Quốc JLC, xuất khẩu nhiên liệu động cơ và nhiên liệu hàng không của Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ trong khoảng từ 23 - 27 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu những nhiên liệu trên đạt khoảng 12 triệu tấn. JLC dự báo, xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc sẽ giảm 74% trong năm nay, xuống còn 4,5 triệu tấn. Xuất khẩu xăng sẽ giảm 40%, xuống còn 9 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn cung nhiên liệu hàng không sẽ tăng 11%, lên 9,5 triệu tấn do chính quyền thắt chặt kiểm dịch qua biên giới. Hạn chế nhập cảnh đã cắt giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ của các hãng hàng không Trung Quốc. 

Những người tham gia thị trường hy vọng rằng, Hàn Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông sẽ tăng sản lượng và bù đắp cho việc giảm nguồn cung nhiên liệu diesel từ Trung Quốc (quốc gia xuất khẩu xăng và dầu diesel hàng đầu trong khu vực châu Á). Các nhà máy lọc dầu bên ngoài Trung Quốc dự kiến có thể tăng sản lượng từ 10 - 15% trong năm nay so với năm 2021. 

Châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ do chính mình gây ra.  KSA hưởng lợi trong quan hệ với Mỹ

Trang tin Forbes (Mỹ) mới đây đã có bài viết phân tích về việc châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng dầu mỏ do chính họ gây ra và KSA, Nga đã tìm cách tận dụng tình hình này. 

Các nhà sản xuất dầu hiện đang thắng thế trên thị trường. Châu Âu ngày càng trở nên “yếu ớt”, không thể cung cấp đủ điện cho người dân của mình. Và Mỹ hiện sản xuất dầu, khí đốt ổn định, đang cố gắng giảm giá xăng dầu tại các trạm xăng của mình. Theo Forbes, có thể nói hai điều về châu Âu lúc này. Thứ nhất là những cuộc biểu tình của nông dân đang diễn ra và liên minh đang “tự bắn vào chân mình” bằng cách kích động một cuộc khủng hoảng năng lượng trong phạm vi biên giới của chính mình. Còn KSA và Nga tiếp tục vui vẻ, hưởng lợi từ giá dầu cao. 

Ví dụ, trong ngày 16/8, tập đoàn dầu khí Saudi Aramco (KSA) thông báo, lợi nhuận ròng trong quý II của hãng đã tăng gần gấp đôi (tăng 90%) so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xảy ra do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận với ngành dầu khí của Nga, gây thiệt hại lớn cho các nhà kinh doanh và bảo hiểm dầu khí – những bên không muốn nộp phạt do vi phạm chế độ trừng phạt. Các quốc gia bị áp lực bởi biến đổi khí hậu như Đức, thậm chí còn cân nhắc quay trở lại sản xuất điện than để duy trì nguồn cung cấp điện. Theo báo DW, chắc chắn Đức đang và sẽ sử dụng than đá thay vì khí đốt để sản xuất điện. 

Quay trở lại với các nhà sản xuất, tập đoàn Saudi Aramco đã kiếm được 48,4 tỷ USD trong quý II vừa qua. Theo Trading Platforms, Saudi Aramco chỉ là một trong danh sách dài những công ty dầu mỏ hàng đầu công bố lợi nhuận kỷ lục trong năm nay. Ví dụ, lợi nhuận quý II của ExxonMobil là 17,6 tỷ USD. Trong khi đó vào ngày 16/8, tập đoàn khí đốt Gazprom cho biết, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng 60% trong tháng 12 tới và vượt mức 4000 USD/1000 m3. Xuất khẩu của tập đoàn này sang châu Âu đã giảm 36% do các lệnh trừng phạt mà Mỹ/phương Tây áp đặt lên các công ty nhà nước của Nga nhằm trừng phạt hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine. 

Một số nhà phân tích trong ngành dự báo, giá khí đốt thiên nhiên sẽ đạt mức cao nhất 10 USD/MMBTU trong những tuần tới vì rõ ràng sẽ có sự thiếu hụt trong mùa đông tới. Lần cuối cùng giá tăng trên 10 USD/MMBTU là vào tháng 7/2008. Đây là một cú sốc rất nghiêm trọng đối với thị trường châu Âu. 

KSA là người chiến thắng cuối cùng

Tổng thống Mỹ Biden đã có thể công bố chiến thắng ngoại giao nhỏ sau khi liên minh OPEC+ (03/08) quyết định tăng sản lượng thêm 100.000 bpd, bắt đầu từ tháng 9 tới. Một mặt, tin tức này xác nhận sự biện minh cho chuyến thăm KSA vào tháng 7 của Tổng thống Biden vì KSA dường như quyết tâm thực hiện lời hứa tăng sản lượng.

Tuy nhiên, có vẻ như giới lãnh đạo KSA đang chiếm ưu thế trước Mỹ. Những gì phía Mỹ phải nhượng bộ làm tổn hại đến lợi ích chiến lược của họ lớn hơn những gì họ nhận được như một chiến lợi. 

Theo quyết định của mình, liên minh OPEC+ đã tăng sản lượng thêm 0,1% nhu cầu dầu toàn cầu. KSA và UAE – hai thành viên OPEC có tiềm năng tăng sản lượng lớn nhất, sẽ chỉ tăng thêm lần lượt 26.000 bpd và 7.000 bpd. Đồng thời, nhà sản xuất Nga đang bị trừng phạt, sẽ tăng sản lượng thêm 26.000 bpd. Các lệnh trừng phạt đối với Nga đã gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế nước này, nhưng doanh thu từ dầu mỏ vẫn tiếp tục bổ sung vào ngân sách nhà nước. Quan hệ giữa Nga và KSA cũng trở nên thân thiết hơn. Chính quyền Mỹ hiểu rằng, KSA đang thân thiết với chính quyền Nga hơn là với mình. 

Khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ đã cố gắng tìm ra bằng chứng cho thấy, Trung Quốc đang thực hiện các giao dịch kinh doanh hấp dẫn với Nga để hỗ trợ thị trường tài chính của nước láng giềng. Ví dụ như hoạt động mua lúa mì và thỏa thuận mua khí đốt đường ống có lẽ đã được lãnh đạo Nga - Trung đàm phán trước khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chính phủ KSA cũng tỏ ra sẵn sàng tiếp tay cho Nga. Nước này đã tăng nhập khẩu gấp đôi lượng dầu mazut chiết khấu từ Nga, vốn được sử dụng để sản xuất điện. Do đó, KSA có thể giải phóng nguồn dự trữ dầu thô của mình để bán với tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các nước châu Âu. 

Saudi Aramco đã chiến thắng trên cả hai mặt trận. Một mặt, KSA xoa dịu chính quyền Mỹ bằng lời hứa tăng sản lượng một chút để Tổng thống Mỹ có thể tuyên bố chiến thắng ngoại giao. Mặt khác, KSA tăng cường mua dầu thô giá rẻ của Nga để củng cố thị trường của chính mình. Mỹ không muốn gây ra quá nhiều sự ồn ào xung quanh vấn đề này. Trong khi đó, châu Âu đang cố gắng hết sức để thuyết phục cả thế giới rằng, họ không cần dầu thô và khí đốt của Nga. Cần lưu ý rằng theo nhiều cách, đó chỉ là màn kịch khi các nước thành viên EU tiếp tục mua khí đốt của Nga. Có lẽ, khối lượng mua đã thấp hơn, nhưng người mua châu Âu đã phải trả giá cao hơn so với một năm trước. 

Mua tên lửa Patriot của Mỹ

Vào tháng 02/2021, sau một tháng cầm quyền của Tổng thống Biden, chính quyền Mỹ đã cấm bán vũ khí tấn công cho KSA. Trước chuyến thăm đến KSA của Tổng thống Mỹ, phía Mỹ cho biết, lệnh hạn chế có thể được dỡ bỏ nếu KSA ngừng chiến tranh với nước láng giềng Yemen. Vào ngày 03/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, một hợp đồng quốc phòng vẫn có thể ký kết giữa Mỹ và KSA. Theo Cơ quan hợp tác quốc phòng và an ninh Mỹ, KSA sẽ mua 300 tên lửa Raytheon Patriot trị giá hơn 3 tỷ USD từ Mỹ. 

Mặc dù Mỹ sẽ không bao giờ thừa nhận sự trao đổi, nhưng có vẻ như KSA đã đồng ý tăng nhẹ sản lượng vì Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận bán tên lửa tấn công. Ít nhất thì thỏa thuận ngừng bắn với Yemen đã được gia hạn và điều đó cho Mỹ cơ hội để khẳng định chiến thắng ngoại giao của mình là: Mỹ có nhiều dầu hơn, Yemen hòa bình và hợp đồng vũ khí trị giá 3 tỷ USD với đối tác KSA. Theo kết quả của thỏa thuận này, giá dầu thế giới đang giảm dần. Các nhà đầu cơ tăng giá vào cuối quý II đã chốt lời. Thị trường dầu đã chững lại ở thời điểm hiện tại. 

Dự báo thị trường dầu mỏ

Những người chơi trên thị trường không chỉ lo lắng thỏa thuận giữa Mỹ và KSA ảnh hưởng đến giá dầu. Thực tế, nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Trung Quốc đang ở thế giảm tăng trưởng. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đã lâm vào suy thoái về mặt kỹ thuật. Nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu đang kìm hãm giá dầu trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng, thời gian trầm lắng của giá dầu sẽ khó kéo dài. 

OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vượt quá mức tăng 1 triệu bpd trong năm 2023. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng theo các ước tính được đưa ra ngay trước khi bắt đầu đại dịch. Tức là, thị trường sẽ chứng kiến đường thẳng nhu cầu hướng lên trên, bất chấp các nước phương Tây, dẫn đầu là châu Âu, đang cố gắng đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030. 

Theo ước tính của OPEC, các nước thành viên của tổ chức sẽ cần cung cấp trung bình 30,1 triệu bpd trong năm 2023 để cân bằng cung và cầu. Mức này cao hơn 1 triệu bpd so với các nước thành viên sản xuất vào tháng 6 năm nay. 

Trước những khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt gây ra, Nga cũng không vội tăng sản lượng. Với việc châu Âu tuyên bố không cần nhiên liệu “bẩn” nữa, phía KSA không vội vàng bán dầu của mình cho EU, đồng thời tăng cường thực hiện các giao dịch với Trung Quốc. Việc châu Âu quyết định ngừng mua dầu từ Nga chỉ đơn giản là dẫn đến sự thay đổi trong các tuyến thương mại. KSA bắt đầu gửi nhiều dầu hơn đến các thị trường thế giới, đồng thời nhập khẩu nguyên liệu thô của Nga để sử dụng trong nước. Nhờ kế hoạch này, nền kinh tế Nga chỉ suy thoái 4% trong quý II, trong khi trước đó bị dự báo là sẽ suy thoái ở mức 2 con số. Hơn nữa, Nga đã vượt KSA trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn nhất của Trung Quốc và Ấn Độ (tăng nhập khẩu dầu thô của Nga từ mức gần như bằng 0 lên hơn 760.000 bpd). 

Khả năng EU và Mỹ có thể thuyết phục KSA rời bỏ Nga là cực kỳ thấp. KSA sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu mazut từ Nga, bán dầu thô của mình cho châu Âu đang có xu hướng phải hạ mình. Ngoài ra, việc cắt đứt quan hệ với Nga sẽ phá hủy cấu trúc của liên minh OPEC+, hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định giá dầu thế giới. Cách hành động không ngoan nhất của Mỹ là sử dụng dầu và khí đốt của chính mình để bổ sung nguồn dự trữ trong nước hơn là bán cho những khách hàng châu Âu. 

Cuối cùng, KSA và các thành viên OPEC khác đã khẳng định rằng, bất kỳ sự gia tăng đáng kể nào về sản lượng dầu đối với phương Tây để bù đắp cho việc giảm nguồn cung từ Nga sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể vào công tác thăm dò, khai thác dầu khí. Không có lý do gì để các nước thành viên trong OPEC làm như vậy. Người dân của họ không phải tiết kiệm năng lượng và không biểu tình vì giá nhiên liệu cao. Đề cập đến chính sách năng lượng không bền vững của EU, giới chức KSA cho biết, sự lựa chọn NLTT thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch là một sai lầm.

Chuyển đổi sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời là một quá trình lâu dài. Đức tỏ ra khôn ngoan khi giữ lại các nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc đang tích cực xây dựng các tổ máy điện hạt nhân mới. Do đó, chỉ khi thay đổi tư duy và chính sách trong phát triển các mỏ dầu và khí đốt, EU mới có thể giảm thiểu những hậu quả kinh tế của chính sách chống Nga mà Mỹ áp lực lên mình. 

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden tới KSA và kết quả cuộc họp tháng 8 của OPEC+ sẽ không cứu được châu Âu. Ngoài ra, vẫn chưa rõ xu hướng giảm giá nhiên liệu tại các trạm xăng của Mỹ sẽ kéo dài được bao lâu. Điều này có thể dẫn đến một cuộc suy thoái toàn diện mà nhiều người chơi trên thị trường đã dự báo. 

Thay vào đó, nếu Mỹ không muốn đối mặt với những thách thức mà châu Âu đang phải đối mặt và nếu chính quyền Mỹ nghiêm túc chấm dứt thói đạo đức giả, thì nước này sẽ phải đưa ra những quyết định cứng rắn hơn và đưa ra những lựa chọn rõ ràng hơn về tương lai năng lượng của mình. Các nhà đầu tư không ngu ngốc. Họ sẽ tìm kiếm một nền kinh tế mà chi phí năng lượng là thấp nhất. Và dòng tiền của các tập đoàn, nhà đầu tư sẽ đổ dồn về đó.



Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​