Quyết định của OPEC+ từ bỏ dữ liệu dầu của IEA phản ánh những mâu thuẫn tích tụ
Reuters ngày 12/4/2022 đưa các nguồn tin thân cận cho biết quyết định của Ả Rập Xê-út cho rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) nên ngừng sử dụng dữ liệu dầu từ cơ quan giám sát năng lượng của phương Tây, với lo ngại tác động của Mỹ đối với các số liệu này, đã làm gia tăng thêm căng thẳng cho mối quan hệ giữa Riyadh và Washington.

Ả Rập Xê-út dẫn dắt OPEC quyết định từ bỏ dữ liệu của IEA khi quan hệ với Mỹ căng thẳng.Ảnh:EnergyIntel/Tư liệu.

OPEC+ đã bỏ qua lời kêu gọi của phương Tây về việc tăng sản lượng dầu để cố gắng hạ giá dầu dưới mức 100 USD/thùng. Vấn đề trở nên rất tế nhị khi giá năng lượng đắt đỏ gây ra lạm phát và Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với áp lực giảm giá xăng đang ở mức cao kỷ lục ở Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Thái độ sẵn sàng giúp Mỹ của Riyadh và các đồng minh Vùng Vịnh đã bị xói mòn khi Washington không giải quyết những lo ngại của các nước Vùng Vịnh liên quan đến Iran tại các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna. Một phát ngôn viên của Nhà Trắng từ chối bình luận.

Trong bối cảnh đó, trong tháng Ba, một cuộc thảo luận kỹ thuật của OPEC+ kéo dài hơn sáu giờ đã kết thúc với quyết định nhất trí loại bỏ các dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khi đánh giá tình trạng thị trường dầu mỏ. Các nguồn tin cho biết cuộc họp này do Ả Rập Xê-út và Nga đồng chủ trì, với sự tham dự của Algeria, Iraq, Kazakhstan, Kuwait, Nigeria, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Venezuela.

Quyết định này phần lớn mang tính biểu tượng vì OPEC+ luôn có thể lựa chọn những dữ liệu mà tổ chức này sử dụng từ sáu nguồn ngoài OPEC khi hình thành quan điểm của mình về sự cân bằng cung và cầu trên thị trường dầu mỏ.

Các nguồn tin cho biết việc OPEC+ chính thức loại bỏ dữ liệu của IEA phản ánh sự thất vọng tích tụ về những gì OPEC+ coi là sự thiên vị của IEA đối với Mỹ, thành viên lớn nhất của IEA. Một trong những nguồn tin liên quan trực tiếp đến quyết định trên nói với Reuters rằng IEA có vấn đề về tính độc lập và việc này đang tác động đến vấn đề đánh giá kỹ thuật. Các nguồn tin giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề. Bộ Năng lượng của Ả Rập Xê-út và UAE không trả lời yêu cầu bình luận.

Trả lời câu hỏi của Reuters, IEA nói rằng phân tích dữ liệu của họ là trung lập về mặt chính trị. "IEA cố gắng cung cấp một cái nhìn khách quan và độc lập về các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ và các cân nhắc chính trị chưa bao giờ là một yếu tố trong cách cơ quan này đánh giá triển vọng thị trường". “Báo cáo thị trường dầu bao gồm dữ liệu cung, cầu và tồn kho từ các nguồn chính thức, được bổ sung bởi các ước tính ở những nơi không có sẵn dữ liệu”.

Ra đời từ khủng hoảng dầu mỏ và tích tụ mâu thuẫn mới

IEA được thành lập vào năm 1974 để giúp các quốc gia công nghiệp đối phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ sau khi lệnh cấm vận của Ả Rập đã siết chặt nguồn cung và khiến giá cả tăng vọt. Cơ quan này, tập hợp 31 quốc gia công nghiệp phát triển, tư vấn cho các chính phủ phương Tây về chính sách năng lượng và coi Mỹ là nhà tài chính hàng đầu của mình. Từ khi thành lập, IEA đã chứng kiến ​​thị trường năng lượng thay đổi và mối quan hệ với OPEC đã ổn định và trôi chảy.

Tuy nhiên, báo cáo của IEA trước các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow vào cuối năm 2021 đã tạo điểm mâu thuẫn với Ả Rập Xê-út và UAE. IEA kết luận rằng nếu thế giới nghiêm túc về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, thì không nên đầu tư vào các dự án hydrocacbon mới. Các nguồn tin cho biết, kết luận đó của IEA đã làm trầm trọng thêm lo ngại của OPEC+ cho rằng IEA đã bỏ qua quy mô của nhu cầu tiếp diễn trong trung hạn và trói buộc OPEC+ với yêu cầu về việc giảm thêm giá dầu cho phù hợp với phương Tây.

Quyết định của OPEC+ từ bỏ dữ liệu dầu của IEA phản ánh những mâu thuẫn tích tụ

Tổ hợp mỏ dầu Shaybah của Ả Rập Xê-út tại Sa mạc Rub' al-Khali, Ả Rập Xê-út.Ảnh: Reuters/Tư liệu.

Một số thành viên OPEC đã công khai chỉ trích quan điểm của IEA. Phát biểu tại một hội nghị ngành dầu khí cuối tháng Ba, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei đã yêu cầu IEA phải "thực tế hơn" và không đưa ra thông tin sai lệch.

Các nguồn tin cho biết các dự đoán của IEA về tác động của cấm vận đối với sản xuất dầu của Nga cũng thu hút sự chỉ trích bên trong OPEC vì được cho là thiết kế để thúc đẩy yêu cầu tăng sản lượng của OPEC. IEA cho rằng sản lượng dầu của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ ngày từ tháng Tư, trong khi các công ty kinh doanh như Vitol và Trafigura cho rằng xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm 2-3 triệu thùng/ngày. Theo ước tính của các nhà phân tích và dữ liệu của Nga, sản lượng dầu của Nga giảm dưới 1 triệu thùng/ngày vào đầu tháng Tư.

Cho đến nay OPEC+ vẫn chống lại kêu gọi của Mỹ và IEA về việc bơm thêm dầu để hạ nhiệt giá dầu thô đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm sau các biện pháp cấm vận của phương Tây đối với Nga. Ả Rập Xê-út và UAE nắm giữ phần lớn công suất dự phòng trong OPEC, đều cho biết OPEC+ nên đứng ngoài chính trị và tại cuộc họp cuối tháng 3, OPEC+ đã nhất trí với mức tăng hàng tháng khiêm tốn được lên kế hoạch từ trước.

Tổng thống Mỹ Biden và các đồng minh cho rằng cần phải cung nhiều dầu hơn nữa để hạ giá. Mỹ thông báo về đợt giải phóng kỷ lục lên tới 180 triệu thùng dầu từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR). Tuần trước, IEA cho biết có kế hoạch xuất kho 120 triệu thùng dầu dự trữ trong vòng 6 tháng./.

Thanh Bình


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​