Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ II)
Căn cứ vào Điều 23 của Hiến pháp Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), tài nguyên thiên nhiên ở mỗi Tiểu vương quốc là tài sản công của Tiểu vương quốc đó. Bộ Năng lượng Liên bang UAE phát triển chính sách chung nhưng không có Luật Dầu khí Liên bang thống nhất và mỗi Tiểu vương quốc có quyền tự trị trong việc xác định khuôn khổ quy định cho hoạt động dầu khí của riêng Tiểu vương quốc của mình. Các Tiểu vương quốc không có luật toàn diện, tổng thể về dầu khí và thay vào đó, các luật liên quan được hình thành trên cơ sở tập hợp của các luật và quy định hiện hành khác nhau.

The Umm Lulu Gas Treatment Platform (ULGTP) của ADNOC là một trong những giàn khoan lớn nhất trên thế giới. Ảnh: Shutterstock.

Hội đồng Tối cao:

Mỗi Tiểu vương quốc Abu Dhabi, Dubai và Sharjah, là những Tiểu vương quốc có mỏ dầu và khí, đều có một Hội đồng Tối cao có thẩm quyền đối với lĩnh vực dầu khí trong Tiểu vương quốc của mình.

Hội đồng Tối cao Dầu khí của Abu Dhabi đề ra và quản lý chính sách và các quy định, đồng thời thiết lập khuôn khổ tài chính cho ngành công nghiệp dầu khí. Hội đồng Tối cao Dầu khí cũng thực hiện tất cả các chức năng của Hội đồng quản trị Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) và ADNOC tham gia với tư cách nhân danh sự nhượng quyền của Chính quyền Abu Dhabi. Hội đồng Tối cao Dầu khí do Người cai trị (Tiểu vương) Abu Dhabi làm Chủ tịch và có 9 thành viên khác, trong đó có Bộ trưởng Năng lượng UAE và Giám đốc điều hành ADNOC.

Năm 2020, theo Luật số 24, Hội đồng Tối cao Dầu khí của Tiểu vương quốc Abu Dhabi đã được đổi tên thành Hội đồng Tối cao Các vấn đề Tài chính và Kinh tế, có trách nhiệm đề ra đường lối chính sách tổng thể cho ngành công nghiệp dầu khí cũng như quản lý ADNOC, thuộc sở hữu của chính quyền Abu Dhabi. ADNOC chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động hằng ngày và thực hiện các chỉ thị của Hội đồng Tối cao Các vấn đề Tài chính và Kinh tế. Các công ty con của ADNOC hoạt động trong các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, dịch vụ hỗ trợ, lọc dầu và chế biến khí đốt, hóa chất và hóa dầu, vận tải biển, các sản phẩm tinh chế và phân phối.

Mỏ dầu Umm Shaif của ADNOC ngoài khơi Vịnh Péc-xích. Ảnh:Bayut.com

Hội đồng Tối cao Dầu mỏ của Sharjah đề ra và quản lý chính sách dầu khí ở Tiểu vương quốc Sharjah. Công ty Dầu khí Quốc gia Sharjah (SNOC) thay mặt Chính quyền Sharjah tham gia vào các hợp đồng tô nhượng, là chủ sở hữu và nhà điều hành tài sản của mỏ Sajaa, trước kia đã từng trao cho Công ty Dầu khí Amoco theo thỏa thuận tô nhượng vào năm 1978.

Hội đồng Tối cao về Năng lượng của Dubai có nhiệm vụ cung cấp các nguồn năng lượng sơ cấp, thiết lập thuế quan và quản lý tác động môi trường ở Tiểu vương quốc Dubai. Cơ quan Các vấn đề Dầu mỏ (Department of Oil Affairs) cấp giấy phép tiến hành các hoạt động liên quan đến dầu mỏ. Công ty Dầu khí Dubai (Dubai Petroleum Establishment-DPE), thuộc sở hữu hoàn toàn của Chính quyền Dubai, là pháp nhân chịu trách nhiệm quản lý tài sản dầu khí ngoài khơi của Dubai và năm 2007 đã tiếp nhận lại tô nhượng của ConocoPhillips, trong đó có mỏ ngoài khơi Fateh khổng lồ. (Còn tiếp)

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ I)

Thanh Bình


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​