Thị trường ngày 20/02/2023
Shell trong báo cáo mới nhất LNG Outlook 2023 nhận định thị trường khí hóa lỏng thế giới sẽ tiếp tục duy trì tình trạng khan hiếm nguồn cung tối thiểu thêm 15 năm (nếu không có đầu tư mới). Đến năm 2040, nhu cầu LNG có thể đạt mốc 650-700 triệu tấn/năm tăng từ 397 triệu tấn cuối năm 2022 (+16% yoy), chủ yếu bởi nhu cầu tiêu thụ Trung Quốc phục hồi sau Covid-19, cũng như sự phụ thuộc EU vào LNG gia tăng. Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt đường ống Gazprom sụt giảm mạnh mẽ, châu Âu sẽ còn phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung LNG, ít nhất đến hết năm 2025. Nhập khẩu LNG EU năm 2022 đã tăng đột biến (+60%) lên 121 triệu tấn, dự báo tiếp tục tăng lên 140 triệu tấn đến năm 2030.

Theo Shell, trong vòng 2 năm tới, khi nguồn cung LNG mới sẽ hạn chế hơn, việc EU tăng cường nhập khẩu sẽ không chỉ cạnh tranh với Trung Quốc, mà còn cả với Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan (phụ thuộc nhiều vào thị trường spot), khiến các quốc gia này phải chuyển sang sử dụng than đá, mazut thay thế. Theo Global Energy Monitor, công suất phát điện than đưa vào vận hành năm 2022 tăng 45,5 GW, gấp đôi công suất dừng hoạt động – 26 GW. Đáng chú ý, phần lớn công suất đưa vào vận hành nằm tại châu Á, bao gồm Trung Quốc – 30,3 GW, Nhật Bản – 3 GW, Pakistan – 2,6 GW, Bangladesh – 1 GW và Indonesia – 1,2 GW. Các quốc gia đóng cửa các nhà máy điện than bao gồm Mỹ – 13,5 GW (chuyển đổi sang đốt khí), UAE – 1,2 GW, Anh – 1,1 GW, Úc – 0,7 GW, Chile – 0,6 GW, Pháp – 0,6 GW, Đức – 0,55 GW và Canada – 0,43 GW.
Trong top 5 quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, LB Nga giữ vững vị trí thứ 4 sau Úc, Qatar và Mỹ với khối lượng 34 triệu tấn/năm mục tiêu tăng lên 50-53 triệu tấn trong 3 năm tới.

Mỹ kết hợp cùng EU dự kiến áp gói lệnh trừng phạt quy mô mới chống lại LB Nga, chủ yếu ngăn chặn chuyển giao/cung cấp thiết bị, công nghệ vào ngày 24/02 tới. Song song, G7/Mỹ/EU đang tích cực thảo luận về khối tài sản LB Nga bị Phương tây phong tỏa theo hướng sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine. Bộ Ngoại giao LB Nga đã phát đi tín hiệu nước này sẽ có biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp trong trường hợp tài sản bị tịch biên. Liên quan đến gói trừng phạt thứ 10 EU đang soạn thảo, Pháp, Hungary và Bỉ đồng loạt phủ quyết trừng phạt Rosatom (điện hạt nhân) và Alrosa (kim cương).

Bộ Ngoại giao LB Nga tuyên bố vệ, tinh phi quân sự NATO và các đồng minh sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine có thể trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp từ phía nước này. Trước đó, bộ trưởng quốc phòng 16 quốc gia thành viên NATO (bao gồm cả chưa chính thức – Thụy Điển và Phần Lan) đã ký thỏa thuận thành lập hệ thống vệ tinh tình báo chung gọi tắt là Allied Persistent Surveillance from Space Initiative – APSS, kết nối vào hệ thống chung các vệ tinh quốc gia và vệ tinh thương mại, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2025. SpaceX của E.Musk trước đó đã hạn chế cung cấp dịch vụ internet vệ tinh tại Ukraine, được quân đội nước này sử dụng điều khiển máy bay không người lái (UAV).

NATO kêu gọi các thành viên chuẩn bị tinh thần đối đầu quân sự với LB Nga trong thời gian dài, đồng thời tăng mức chi tiêu quốc phòng lên tối thiểu 2% GDP (hiện nay đây là mức trần). Ngoài ra, nền kinh tế cần tập trung vào sản xuất khí tài nhằm đáp ứng nhu cầu tiền tuyến trong bối cảnh Ukraine tiêu hao hơn 210.000 quả đạn pháo/tháng (chưa kể đạn súng, mìn, lựu đạn và các loại khí tài đạn dược khác), khả năng sản xuất châu Âu chỉ khoảng 25.000/tháng, và các kho vũ khí dự trữ NATO đang cạn kiệt.

Trung Quốc đã áp lệnh trừng phạt cấm hoạt động XNK với tổ chức/cá nhân nước này đối với 2 nhà sản xuất vũ khí Mỹ – công ty Lockheed Martin và Raytheon do cung cấp vũ khí sang Đài Loan.

Ngày 21/02 Tổng thống Mỹ J. Biden sẽ thăm Ba Lan (đầu tàu NATO mới) và dự kiến sẽ có bài phát biểu về tình hình Ukraine đi kèm thông điệp đến người dân và các nhà lãnh đạo LB Nga. Cùng ngày, Tổng thống LB Nga V. Putin cũng sẽ đọc thông điệp Liên bang, dự báo bao gồm những tuyên bố/hành động cứng rắn đáp trả Phương Tây.

Trong tuần qua, hàng loạt các động thái chuẩn bị đã diễn ra trước thềm sự kiện quan trọng cho ngày 21/02 sắp tới: Tổng thống Iran thăm chính thức Trung Quốc (lần đầu tiên kể từ 2003), Tổng thống Belarus đến Moscow đàm phán, Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Nghị đến Moscow ngay sau hội nghị An ninh Munich, chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của TBT Tập Cận Bình vào tháng 03/23 tới. Những diễn biến trên cho thấy sự hình thành và đối đầu giữa hai cực quyền lực thế giới đã rõ ràng, một bên là G7/NATO/EU/Israel, một bên là trục LB Nga/Iran/Trung Quốc (RIC).

Tại hội nghị Munich, Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc về hậu quả trong quan hệ 2 nước có thể xảy ra, nếu nước này quyết định hỗ trợ quân sự LB Nga. Một khi liên minh RIC + Triều Tiên được chính thức hình thành, ưu thế về tiềm lực kinh tế/quân sự cùng với những lệnh trừng phạt, cấm vận Phương Tây sẽ trở nên gần như vô nghĩa. Trong điều kiện này, vai trò Ấn Độ trở nên vô cùng quan trọng, phụ thuộc vào việc quốc gia này nghiêng về cực nào. Hiện Ấn Độ đang được hưởng lợi từ nhập khẩu dầu mỏ LB Nga giá rẻ, xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ sang châu Âu, đồng thời hợp tác kỹ thuật quân sự với cả LB Nga lẫn Phương Tây.

DẦU THÔ

Sản lượng khai thác dầu thô OPEC+ thực tế tháng 01/23 tiếp tục sụt giảm 160.000 bpd so với tháng 12/2022 xuống mức bình quân 38,18 triệu bpd, thấp hơn so với hạn ngạch cho phép 1,93 triệu bpd. Đáng chú ý, hạn ngạch này có thể được OPEC+ giữ nguyên đến cuối năm 2023 và hiện đang thấp hơn 2 triệu bpd so với tháng 10/22.

Trung Quốc trong năm 2022 đã chính thức vượt Mỹ về công suất lọc dầu. Theo số liệu IEA, thời điểm cuối tháng 12/22, Trung Quốc sở hữu công suất 18,4 triệu bpd so với 17,6 triệu bpd tại Mỹ. Tuy nhiên, về sản lượng sản phẩm dầu mỏ Trung Quốc vẫn chưa bằng Mỹ do tỷ suất hoạt động các nhà máy lọc dầu trong năm 2022 vừa qua ở mức thấp do chính sách Covid Zero, nhưng chỉ số này đang phục hồi nhanh chóng sau mở cửa kinh tế. Nhập khẩu dầu thô Trung Quốc năm 2023 dự báo có thể tăng thêm 0,5-1 triệu bpd lên mức cao kỷ lục – 11,8 triệu bpd (Wood Mackenzie, FGE, Energy Aspects và S&P). Ngoài yếu tố nhu cầu đi lại gia tăng, công suất lọc dầu mới được đưa vào hoạt động chủ yếu hướng tới sản phẩm hóa dầu.

KHÍ ĐỐT & LNG

Tiêu thụ khí đốt châu Âu tháng 01/23 giảm -19% (yoy) xuống còn 40 tỷ m3, một phần do thời tiết ấm, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tiêu thụ công nghiệp giảm (sản xuất công nghiệp EU tháng 12/22 sụt giảm 1,7% so với cùng kỳ 2021, trong đó, Đức giảm 2,9%), nhu cầu khí đốt Đức giảm 17% xuống còn 9,3 tỷ m3, Ý giảm 22% còn 7,6 tỷ m3, Pháp – 4,8 tỷ m3 (-17%), Tây Ban Nha - 2,7 tỷ m3 (-29%), Anh – 7,4 tỷ m3 (-16%). Cùng kỳ, nhập khẩu khí đốt đường ống chỉ đạt 12,7 tỷ m3 (-35% yoy), bao gồm từ Gazprom – 2 tỷ m3, Na Uy – 8 tỷ m3, Algeria – 2 tỷ m3, ngược lại, nhập khẩu LNG tăng lên 12,15 triệu tấn, chủ yếu từ Mỹ, châu Phi, Trung Đông và LB Nga. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), khối này đã cắt giảm 100% nhập khẩu than đá và 90% dầu mỏ LB Nga, tuy nhiên, do nguồn cung hạn chế, EU vẫn phải tiếp tục nhập khẩu LNG từ LB Nga.

Liên minh khí đốt LB Nga – Trung Á – Iran bất ngờ có sự chuyển biến mới. Công ty Phát triển và kỹ thuật khí đốt Iran (IGEDC) thuộc Tập đoàn khí đốt quốc gia Iran (NIGC) vừa có đề xuất với Gazprom và Turkmengaz về việc nước này sẵn sàng hoán đổi (swap) khí đốt LB Nga, Turkmenistan cung cấp sang khu vực phía bắc nước này đổi lấy nguồn cung từ phía nam sang các thị trường châu Á, bao gồm cả Pakistan. Hiện Iran đang xây dựng đường ống đến biên giới Pakistan với công suất 36,5 tỷ m3/năm.

Song song với đề xuất này, LB Nga tuyên bố tạm thời đóng băng dự án xây dựng đường ống dẫn khí đi qua lãnh thổ Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI, công suất 33 tỷ m3/năm) bởi không có bảo đảm an ninh từ phía chính quyền Afghanistan, đồng thời xem xét tái khởi động xây dựng đường ống dẫn khí Iran - Pakistan - Ấn Độ (IPI) công suất 55 tỷ m3/năm, bao gồm Ấn Độ – 33 tỷ m3/năm, Pakistan – 22 tỷ m3/năm. Ấn Độ có lộ trình đến năm 2030 tăng tỷ trọng khí đốt trong cán cân năng lượng đất nước lên 15%, khi nhu cầu khí đốt dự báo tăng gấp 5 lần lên 310-320 tỷ m3/năm (bao gồm khoảng 200 tỷ m3 LNG), nước này hiện mới chỉ nhập khẩu khí đốt dưới dạng LNG.

XĂNG & ĐIỆN

Chính phủ Ấn Độ cắt giảm mạnh thuế xuất khẩu diesel (từ 7,5 xuống 2,5 RUPEE/lít) và nhiên liệu hàng không (từ 6 xuống 1,5 RUPEE/lít) nhằm khuyến khích chiếm lĩnh thị phần EU. Ngoài ra, thuế dự phòng dầu thô cũng giảm từ 5.050 RUPEE/tấn xuống 4.350 RUPEE/tấn (52,6 USD). Hồi tháng 07/22 Ấn Độ đã buộc phải áp thuế dự phòng đối với dầu thô và tăng thuế xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ nhằm đảm bảo nguồn cung thị trường nội địa. Với việc các lệnh cấm vận dầu mỏ LB Nga đi vào hoạt động đầy đủ, Ấn Độ trở thành trung tâm chế biến dầu thô Urals, đồng thời cung cấp sản phẩm dầu mỏ cho châu Âu.

Nhật Bản là thành viên G7 tham gia đầy đủ các lệnh trừng phạt kinh tế LB Nga, bao gồm cả năng lượng hóa thạch. Việc nước này cố gắng cắt giảm phụ thuộc vào nhập khẩu LNG Nga và tái thiết lại sản xuất điện hạt nhân được cho là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, lại phát sinh sự phụ thuộc mới vào nguyên liệu hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ hạn chế xây mới các lò phản ứng hạt nhân thế hệ 4 (sử dụng kim loại natri lỏng trong vai trò trao đổi nhiệt, đồng thời thanh nhiên liệu HALEU - uranium 235 độ sạch cao, tỷ lệ làm giàu 5-20%) thay thế cho các lò phản ứng thế hệ 3 (sử dụng nước trao đổi nhiệt và thanh nhiên liệu U-235 tỷ lệ 3-5%). Sau thảm họa Fukushima-1, nước này đã phải dừng hoạt động 43/60 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 35 GW, giảm tỷ trọng phát điện từ 26% năm 2010 xuống còn 6% vào năm 2021. Rosatom (LB Nga) hiện nay là nhà sản xuất nhiên liệu HALEU duy nhất trên thế giới, do vậy, tái khởi động chương trình điện hạt nhân nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn LNG có thể buộc Nhật Bản gia tăng nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ LB Nga.

Không chỉ riêng Nhật Bản có thể bị phụ thuộc vào Rosatom, mà hiện nay, Mỹ cũng nhập khẩu tới 20% nhu cầu nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng của mình từ LB Nga. Rosatom đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Ai Cập, cung cấp công nghệ, nhiên liệu hạt nhân cho Iran, Trung Quốc và Ấn Độ với doanh thu vượt 200 triệu USD trong những tháng cuối năm 2022.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng công suất phát điện Trung Quốc đã vượt 2.560 GW, trong đó, sản xuất điện từ các nguồn năng lượng phi hóa thạch chiếm tới 49,6% (+13,8% yoy) – 1.270 GW, chủ yếu do tăng trưởng công suất lắp đặt phát điện mặt trời – 84,7 GW trong năm 2022 nhờ có năng lực sản xuất trên 75% tấm pin mặt trời cả thế giới.

Chính phủ Na Uy có thể áp thuế xuất khẩu điện để đảm bảo nguồn cung nội địa, đồng thời xem xét tách bạch thị trường trong nước với thị trường ngoài nước, cũng như áp dụng hạn ngạch bán điện bắt buộc tối thiểu cho thị trường nội địa. Nhờ có nguồn thu dồi dào từ xuất khẩu khí đốt, chính phủ Na Uy sẽ tiếp tục chương trình hỗ trợ giá điện cho người dân đến năm 2024.

LB NGA

Sản lượng khai thác dầu thô LB Nga trong nửa đầu tháng 02/2023 tiếp tục tăng 1% (mom) lên bình quân 1,5 triệu tấn/ngày (xấp xỉ 11 triệu bpd) bất chấp tuyên bố cắt giảm tự nguyện -0,5 triệu bpd bắt đầu từ tháng 3. Sản lượng tăng mạnh nhất tại dự án Sakhalin-1, hiện đạt 170.000 bpd gần bằng công suất thiết kế. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu dầu thô đường biển LB Nga cũng đã có những thay đổi cơ cấu nhất định và mở rộng đáng kể, tăng lên 3,5 triệu bpd trong tháng 01/2023 (+800.000 bpd so với tháng 11/2022), trong đó, thị trường Ấn Độ vươn lên dẫn đầu với khối lượng 1,3 triệu bpd (+200.000 bpd), Trung Quốc – 1,1 triệu bpd (+200.000 bpd), EU – 600.000 bpd (-400.000 bpd), Thổ Nhĩ Kỳ - 160.000 bpd (+84.000 bpd). Xuất hiện các thị trường xuất khẩu mới như Ghana – 20.000 bpd, Indonesia – 25.000 bpd.

Liên quan đến xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ, thị trường EU truyền thống trong tháng 01/23 đã cắt giảm nhập khẩu từ 1,2 triệu bpd xuống còn 740.000 bpd, bao gồm 470.000 bpd diesel giảm từ 750.000 bpd. Bù lại, Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 3 lần nhập khẩu lên 265.000 bpd (yoy), UAE tăng gấp 5 lần lên hơn 200.000 bpd, đồng thời các thị trường mới nổi gia nhập danh sách top 20 bao gồm: Morocco – 93.000 bpd, Ai Cập – 84.000 bpd, Malaysia – 78.000 bpd, Ghana – 58.000 bpd, Senegal – 56.000 bpd và Tunisia – 50.000 bpd, cho phép duy trì tổng khối lượng xuất khẩu ở mức 2,68 triệu bpd (+40.000 so với tháng 12/22). Sau lệnh cấm vận sản phẩm dầu mỏ EU có hiệu lực, LB Nga mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực Mỹ Latinh (bao gồm cả Brazil) và Bắc Phi (Morocco, Tunisia và Algeria).

Theo Bloomberg, Platts, xuất khẩu diesel LB Nga trong năm 2023 dự báo thậm chí còn tăng 200.000 bpd, khối lượng trước đây EU mua sẽ được phân bổ sang các thị trường mới, cụ thể:

Khu vực / bpd

2022

2023

Bắc Phi

30.000

100.000

Trung Đông

15.000

60.000

Đông Á (bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ)

110.000

210.000

Châu Á

15.000

80.000

Tây Phi/Nam Phi

30.000

150.000

Mỹ Latinh

-

100.000

EU

650.000

-

Tăng / giảm xuất khẩu diesel

-

200.000

Ba công ty dầu mỏ lớn LB Nga kỳ vọng, xuất khẩu dầu thô sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác -500.000 bpd từ tháng 03/23 tới, thay vào đó, khối lượng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu trong nước hiện đang ở mức 5,6 triệu bpd sẽ được điều chỉnh. Động thái này hoàn toàn không ảnh hưởng đến đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa, hiện đang trong trạng thái dư thừa, tuy nhiên, do chính sách thuế thay đổi (Quốc hội đã thông qua sửa đổi luật – cho phép áp dụng mức chiết khấu tối đa Urals so với tiêu chuẩn Brent làm cơ sở tính thuế khai thác tài nguyên NDPI bắt đầu từ 01/04/23), giá bán lẻ xăng nội địa và diesel có thể tăng 3,0-5,5% trong năm 2023 lên 0,77 USD/lít và 0,73 USD/lít tương ứng.

Bloomberg nhận định, để duy trì được khối lượng xuất khẩu dầu mỏ, LB Nga vẫn cần sử dụng đến dịch vụ các hãng vận tải Phương Tây, bởi đội tanker hoạt động phi chính chưa đủ khả năng đảm nhận toàn bộ khối lượng khi khoảng cách đột ngột tăng gấp 3 lần lên 9.000 dặm/chiều. Theo Bloomberg, nếu trong tháng 12/22 (sau lệnh cấm vận có hiệu lực) đội tàu phi chính thức đảm nhận 60% khối lượng vận chuyển, thì đến tháng 01/23 chỉ còn 44% bởi hầu hết các tàu rời cảng tháng 12/22 đang trên đường quay về sau khi giao hàng. Do vậy, LB Nga sẽ cố gắng tìm mua thêm tanker cũ hoặc phải giảm giá hơn nữa giá bán so với mức chiết khấu khá cao (30-35 USD/thùng) hiện nay.

Thống kê cho thấy, thời gian bơi 1 vòng từ cảng Baltic đến Sơn Đông (Trung Quốc) kéo dài tới 123 ngày, từ Baltic đến bờ tây Ấn Độ - 66 ngày, bờ đông Ấn Độ - 74 ngày, nhanh nhất từ cảng Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ - 12 ngày. Nếu như trước đây dầu thô LB Nga chủ yếu xuất khẩu đường biển sang Đức/Hà Lan với tần suất 15-20 chuyến/năm, thì giờ đây cũng khối lượng như vậy sang Ấn Độ/Trung Quốc cần gấp 3-7 lần số lượng tanker.

Thời gian 1 vòng từ / đến

cảng Baltic

cảng Biển Đen

Ấn Độ (bờ Tây)

66

55

Ấn Độ (bờ Đông)

74

63

Trung Quốc

123

-

Thổ Nhĩ Kỳ

41

12

Bulgaria

-

12

Đức

18

-

Hà Lan

24

-

Bộ Tài chính LB Nga dự kiến thu về ngân sách khoảng 300 tỷ RUB (4 tỷ USD) từ khoản các doanh nghiệp lớn (được hưởng lợi trong năm 2022) đóng góp tự nguyện một lần - windfall tax, ngoại trừ lĩnh vực dầu khí. Như vậy, với việc thay đổi cơ chế tính giá dầu Urals xuất khẩu (hạn chế chiết khấu so với Brent) và áp thuế windfall tax, chính phủ LB Nga kỳ vọng thu bổ sung xấp xỉ 1.000 tỷ RUB (13,5 tỷ USD), đủ bù đắp 1/4 thâm hụt ngân sách đã được phê duyệt trong năm nay. Trước đó, Bộ Tài chính LB Nga cho biết, lạm chi ngân sách riêng trong tháng 01/2023 đã chiếm tới trên 60% thâm hụt ngân sách của cả năm 2023.

PHÁT TRIỂN

Indonesia đề xuất thành lập liên minh các nhà sản xuất (cartel) nickel tương tự OPEC. HHiện Indonesia là quốc gia dẫn đầu thế giới về thị phần nickel thành phẩm cũng như sở hữu khoảng 25% trữ lượng kim loại màu này. Cả thế giới mỗi năm sản xuất được khoảng 2,7 triệu tấn nickel.




Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​