Thị trường ngày 01/08/2022
IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ than đá thế giới năm 2022 tăng 0,7% lên mức cao kỷ lục từ năm 2013 – 8 tỷ tấn, chỉ thấp hơn một chút so với dự báo đầu năm 8,022 tỷ tấn, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, đặc biệt tại Trung Quốc, nơi nhu cầu sụt giảm nhẹ xuống 4,23 tỷ tấn. Trung Quốc đang được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tái phân phối luồng xuất khẩu năng lượng thế giới đến 2 trung tâm tăng trưởng tiêu thụ than mạnh mẽ nhất hiện nay là EU và Ấn Độ. Tiêu thụ than Ấn độ nửa đầu năm 2022 đã tăng 9%, và có thể tăng thêm 7% đến cuối năm nay. Liên quan đến EU, khối này gần như xóa bỏ nỗ lực thay thế than đá suốt 2 thập kỷ qua bằng NLTT và khí đốt. Nỗi lo thiếu hụt năng lượng (khí đốt) mùa đông trước mắt buộc EU phải gạt bỏ chương trình nghị sự xanh và đưa các nhà máy điện than đã đóng cửa hoạt động trở lại.

IEA cảnh báo, tăng trưởng tiêu thụ than đá trên thế giới trong những năm tới, đi kèm với sụt giảm khối lượng xuất khẩu sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm, và nếu Ấn Độ, Trung Quốc không đạt được tốc độ tăng trưởng khai thác nội địa ở mức 2 con số, khủng hoảng nguồn cung có thể bắt đầu ngay từ tháng 10 tới, khi thời tiết trở lạnh.


Chỉ số lạm phát (CPI) Eurozone tháng 7 tăng lên kỷ lục mới – 8,9%/năm (+0,3% so với tháng 6), chủ yếu do giá năng lượng tăng 39,7%, thực phẩm tăng 9,8%. Đáng chú ý, CPI tại một số quốc gia thành viên như Estonia, Latvia và Litva đều vượt 20%/năm, Bỉ, Hà Lan và Slovenia vượt 10%/năm. Đây sẽ là cơ sở để ECB điều chỉnh chính sách tiền tệ thích hợp – tăng LSCB mạnh mẽ hơn nữa.


Đằng sau cam kết chính trị bảo vệ chủ quyền dân chủ, củng cố an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và hứa hẹn cho phép Ukraine gia nhập NATO là bảo vệ lợi ích kinh tế các tập đoàn xuyên quốc gia của Phương Tây. Ngoài tài nguyên dầu khí, tài nguyên đất nông nghiệp màu mỡ và nguồn cung thực phẩm (lúa mì, hướng dương) là những lợi ích kinh tế cốt lõi Phương Tây tại Ukraine. Ba quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, quản lý danh mục tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ USD, bao gồm Vanguard, Blackrock và Blackstone đã thu mua được hơn 51% đất nông nghiệp Ukraine, tương đương 17 triệu hecta (lớn hơn diện tích đất nông nghiệp cả nước Ý). Quỹ Vanguard thuộc sở hữu nhóm cổ đông lớn như Bank of America, JP Morgan, Citigroup, Goldman Sachs và Morgan Stanley. Hai quỹ đầu tư quốc tế lớn khác Blackrock và Blackstone đều do các cổ đông – tổ chức tài chính, quỹ hưu trí Mỹ, Anh, EU lớn nắm giữ.

Bên cạnh đó, các quốc gia láng giềng Ukraine như Ba Lan, Hungary, Romania và Moldova đều có những lợi ích cục bộ đối với lãnh thổ nước này, đặc biệt Ba Lan. Nước này đã ép được Quốc hội Ukraine thông qua dự luật trao quyền công dân cho người Ba Lan ngang hàng với người bản địa. Moldova kết hợp với Romania để xâu xé một phần lãnh thổ giáp biên giới Ukraine. Tổng thống Moldova M. Sandu đã có đề nghị chính thức Romania hỗ trợ trong trường hợp LB Nga đe dọa tấn công nước này. Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia, nguyên Tổng thống LB Nga D. Medvedev đã công bố bản đồ lãnh thổ Ukraine tương lai trong con mắt các nhà hoạch định chiến lược Phương Tây, theo đó, lãnh thổ Ukraine thực tế chỉ còn lại một vùng duy nhất – thủ đô Kiev.

DẦU THÔ

PTT phụ trách năng lượng LB Nga A. Novak đã có cuộc gặp với bộ trưởng Năng lượng KSA Hoàng tử A. bin Salman. Hai bên đều cam kết kiên định mục tiêu duy trì thị trường dầu thế giới ổn định, cũng như cân đối cung cầu theo thỏa thuận OPEC+, đặc biệt trong điều kiện Mỹ đang cân nhắc sớm áp lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ, hy vọng sẽ giúp bình ổn giá xăng dầu nội địa. Hiện Mỹ là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ số 1 thế giới với thị phần 12,1%. Nếu nguồn cung này bị gián đoạn, các nhà nhập khẩu sẽ phải thay thế bằng dầu mỏ LB Nga (9,9% thị phần), KSA, Iran và cả Venezuela. Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo lĩnh vực Năng lượng LB Nga và KSA được cho là bước chuẩn bị quan trọng trước thềm kỳ họp (cuối cùng) OPEC+ về cắt giảm tự nguyện vào ngày 03/08. Sau tháng 9, nếu không có sự đồng thuận mới, các thành viên có thể tự ý tăng sản lượng khai thác. 

Thực tế cho thấy, OPEC+ đang khai thác thấp hơn hạn ngạch cho phép khoảng -2,84 triệu bpd (Nigeria -470.000 bpd, Angola -260.000 bpd, Iraq -129.000 bpd, KSA -113.000 bpd, LB Nga -913.000 bpd, Kazakhstan -435.000 bpd, Malaysia -177.000 bpd và Azerbaijan -116.000 bpd), và nhiều quốc gia không thể tăng sản lượng, do vậy, không được hưởng lợi khi các thành viên khác tăng, ngoại trừ KSA (sở hữu công suất dự phòng lớn nhất). Có thể vì lý do chính trị (sau chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ J. Biden) KSA tuyên bố tăng sản lượng, nhưng khối lượng thực tế nhiều khả năng không đáng kể, nhất là khi nước này có kế hoạch tăng giá bán (OSP) tháng 9 thêm +1,5 USD/thùng dầu Arab light. 

Các nước G7 dự kiến ​​sẽ áp trần giá dầu thô LB Nga vào đầu tháng 12/22 ở mức trên chi phí sản xuất, nhưng thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay khi lệnh cấm vận dầu mỏ EU có hiệu lực. Trước đó, LB Nga đã tuyên bố từ chối xuất khẩu dầu mỏ sang các nước tham gia áp trần giá. Được biết, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc không thảo luận về vấn đề giá dầu thô LB Nga trong cuộc điện đàm kéo dài 2 tiếng ngày 28/07 vừa qua.

Bộ Dầu mỏ Iran cho biết, sản lượng khai thác dầu thô nước này trong giai đoạn từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2022 đã tăng 30% lên xấp xỉ 4 triệu bpd.

ADNOC đã ký hợp đồng phát triển 2 mỏ dầu khí (Hail và Ghasha, UAE) với hàm lượng lưu huỳnh cao nhất thềm lục địa nước này trị giá 2,7 tỷ USD với công ty con ADNOC Drilling và ADNOC Logistics & Services cung cấp dịch vụ/thiết bị khoan, cũng như các dịch vụ hậu cần hàng hải khác trong đến năm 2030. Cụ thể, ký với ADNOC Drilling hợp đồng khoan phức hợp tổng giá trị 1,3 tỷ USD, hợp đồng cung cấp 4 giàn khoan trị giá 711 triệu USD, với ADNOC Logistics & Services hợp đồng dịch vụ 681 triệu USD. ADNOC dự kiến bắt đầu khai thác thương mại mỏ Ghasha từ năm 2025, sản lượng có thể đạt 1,5 tỷ bcmf/ngày.

TotalEnergies kết thúc quý II/2022 đã ghi nhận khoản lỗ 3,5 tỷ USD liên quan đến tài sản của ty tại LB Nga do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt, bao gồm 19,4% cổ phần công ty Novatek, 20% cổ phần nhà máy Yamal LNG, 10% cổ phần dự án Arctic LNG 2 và 49% liên doanh Terneftegaz. Công ty vừa hoàn tất thủ tục bàn giao trắng 20% cổ phần PSA Khoragyia (0 USD) cho Zarubezhneft. Mặc dù vậy, nhờ giá năng lượng thế giới cao, TotalEnergies vẫn có thể đạt lợi nhuận nửa năm 2022 ở mức 10,9 tỷ USD (+90% so với cùng kỳ năm 2021), doanh thu tăng gần 60% lên 143,4 tỷ USD. 

Shell công bố KQKD quý II/2022, ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 lên 25,5 tỷ USD, doanh thu tăng hơn 53% lên 186,3 tỷ USD nhờ giá năng lượng thế giới và biên độ lợi nhuận tinh chế cao kỷ lục. Lãnh đạo công ty nhận định, giá dầu thế giới vẫn còn tiềm năng tăng cao hơn nữa bởi nhu cầu tiêu thụ chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt tại Trung Quốc do lockdown, trong khi nguồn cung dầu mỏ hạn chế, ngay cả OPEC còn lại rất ít công suất khai thác dự phòng. 

Không chỉ riêng TotalEnergies và Shell, các công ty dầu khí quốc tế lớn khác như ExxonMobil, Chevron đều ghi nhận lợi nhuận nửa đầu năm 2022 tăng vọt, cụ thể ExxonMobil – 24,3 tỷ USD (+320%), Chevron – 18 tỷ USD (+400%).
Chính phủ Hungary đã tạm thời loại bỏ các phương tiện giao thông thuộc sở hữu pháp nhân quyền được mua xăng với giá ưu đãi 1,21 USD/lít. Nguyên nhân chính do nhà máy lọc dầu tập đoàn MOL nước này chuẩn bị đóng cửa bảo trì định kỳ. Bên cạnh đó, lãnh đạo MOL cảnh báo, ngay cả trong điều kiện bình thường, nhà máy không thể sản xuất đủ diesel đáp ứng nhu cầu hiện nay và Hungary cần tăng cường nhập khẩu nhiên liệu.

KHÍ ĐỐT & LNG

Chiến dịch Ukraine đã thay đổi hoàn toàn thị trường khí đốt châu  u. Nếu như trước đây, thị phần khí đốt LB Nga (Gazprom + LNG) chiếm tới 36,7%, thì hiện giảm xuống còn trung bình 21,4%. Sau khi cắt giảm 80% công suất Nord Stream 1, thị phần tụt xuống còn 12,2%, bù lại, giá khí đốt châu  u tăng gấp hơn 3 lần. Ngoài ra, lần đầu tiên nhập khẩu LNG Mỹ đã vượt khí đốt đường ống Gazprom về khối lượng vào tháng 6/2022. Nhờ LNG Mỹ và các nguồn khác từ Na Uy, Algeria, Azerbaijan, EU không những không bị thiếu hụt khí đốt, thậm chí tăng khối lượng nhập khẩu thêm 5 tỷ m3 so với nửa đầu năm 2021 lên tổng cộng 247,8 tỷ m3. Cụ thể, Gazprom giảm 36 tỷ m3/6 tháng, nhập khẩu LNG tăng 33 tỷ m3, trong đó, trên 80% thuộc về Mỹ, nâng tổng nhập khẩu LNG châu lục lên gần 90 tỷ m3 (gần đạt công suất thiết kế tối đa hệ thống terminal LNG), các nguồn khí đường ống khác tăng 8 tỷ m3.

Thu gom LNG cạnh tranh giá với thị trường châu Á, EU đã có thể tăng được dự trữ khí đốt trong hệ thống kho ngầm (UGS) lên gần 71 tỷ m3 (+14 tỷ m3 so với cùng kỳ 2021), tuy nhiên, cần hiểu rằng, đây là khả năng nhập khẩu, cũng như cung cấp tối đa của các đối tác ngoài LB Nga. Và ngay cả khi dự trữ đủ 90-100 tỷ m3 UGS, không có khí đốt Gazprom, châu  u chỉ đủ hoạt động bình thường 10-12 tuần. Do vậy, bất chấp các tuyên bố chính trị về cấm vận khí đốt LB Nga, EU vẫn buộc phải phụ thuộc vào Gazprom, đồng thời thực hiện chính sách cắt giảm tiêu thụ. Việc Gazprom buộc phải cắt giảm 80% công suất Nord Stream 1 vì thiếu tuabin do lệnh trừng phạt từ phía Canada đã đẩy giá khí đốt châu  u tăng mạnh (có thời điểm vượt 2.500 USD/1000m3), khiến giá khí tại Mỹ, châu Á cũng tăng theo, sàn Henry Hub vượt 9,1 USD/MMBTu – cao nhất kể từ năm 2008, châu Á – vượt 40 USD/MMBTu.


Ngoài ra, thiếu hụt năng lượng và giá tăng cao khiến EU đứng trước nguy cơ chia rẽ nội bộ, mất dần sự thống nhất trong chiến dịch trừng phạt kinh tế LB Nga, cũng như ảnh hưởng nặng nề đến lợi thế cạnh tranh sản xuất công nghiệp. Tập đoàn hóa chất BASF có thể buộc phải cắt giảm sản xuất amoniac do không còn đem lại hiệu quả kinh tế, tình trạng khan hiếm một số mặt hàng liên quan đến giấy, mất nước nóng, sưởi công cộng có thể trở nên phổ biến ở Đức. Phương Tây nhận định, Gazprom sẽ không cắt hẳn nguồn cung khí đốt sang EU, mà tiếp tục duy trì ở mức cần thiết đủ để giữ giá và gây ảnh hưởng chính trị. 

Equinor cho biết sẽ cố gắng duy trì sản lượng khai thác dầu khí ở mức tối đa có thể, ưu tiên khí đốt, tuy nhiên, còn phụ thuộc vào tình hình thị trường cụ thể. Khai thác khí đốt quý II/2022 thực tế đã tăng 6% so với cùng kỳ 2021 lên 1,01 triệu boe/d trong tổng sản lượng khai thác trên thềm lục địa Na Uy cùng kỳ 1,3 triệu boe/d (+3,1%). Equinor trong 6 tháng đầu năm 2022 đã xuất khẩu ra thị trường EU 27,8 tỷ m3 khí đốt (+6%), khối lượng quý II/2022 giảm nhẹ -1,1 tỷ m3 so với quý I/2022. Cùng kỳ, công ty ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 3 lần lên xấp xỉ 11,5 tỷ USD.

TRADING & LOGISTICS

Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu số 1 dầu thô đường biển LB Nga trong tháng 7 này, hơn thế nữa, cạnh tranh mua cả dầu nhẹ ESPO. Theo số liệu Vortexa, Ấn Độ trong 26 ngày đầu tháng 7 đã tăng khối lượng nhập khẩu lên trung bình 1,1 triệu bpd (cao hơn một chút so với Trung Quốc), bao gồm 950.000 bpd Urals và 150.000 bpd ESPO, trong khi Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí nhà nhập khẩu dầu thô LB Nga lớn nhất nhờ một phần nhập qua đường ống. Tuy nhiên, tình hình có thể sớm thay đổi, khi Ấn Độ có kế hoạch mở rộng kênh nhập khẩu dầu thô LB Nga qua sử dụng dịch vụ các công ty thương mại nước ngoài cỡ nhỏ.


LB Nga đang cố gắng chấm dứt nhận thanh toán xuất khẩu dầu mỏ bằng USD sớm nhất có thể, thay vào đó là CNY hoặc AED (Dirham UAE). Hiện LB Nga dư thừa quá nhiều USD không sử dụng để nhập khẩu hàng hóa được, thặng dư tài khoản vãng lai quý II/2022 tăng lên mức kỷ lục 70 tỷ USD. Các công ty xuất khẩu dầu thô đã yêu cầu đối tác Ấn Độ thanh toán giá trị hàng hóa tương đương USD bằng AED.

Bangladesh đang buộc phải áp dụng chế độ cắt điện luân phiên do giá năng lượng thế giới tăng cao trong điều kiện dự trữ ngoại hối chỉ còn lại 40 tỷ USD và khai thác nội địa sụt giảm. Kể từ năm 2018, quốc gia này bắt đầu nhập khẩu LNG bù đắp thiếu hụt khí đốt, hiện khoảng 52% sản lượng điện Bangladesh được sản xuất bằng khí đốt (6 GW), và khoảng 42% LNG nhập khẩu qua thị trường spot, do vậy, biến động giá ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí. Để tiết kiệm ngoại tệ, bước đầu, chính phủ quyết định cho dừng hoạt động các nhà máy điện diesel công suất 1 GW.

Tập đoàn sản xuất thép Nippon (Nhật Bản) đã ký hợp đồng mua than nhiệt với giá đắt đỏ nhất trong lịch sử công ty – 375 USD/tấn, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng 7 vừa qua, công ty có ký hợp đồng mua LNG với một mức giá kỷ lục khác. Nippon sử dụng than đá và LNG để phát điện phục vụ sản xuất thép, cũng như bán ra thị trường.

LB NGA

Rosneft cho biết, công ty có thể sớm nhận được tài sản (cổ phần) của BP và những đối tác Phương Tây khác tuyên bố rời LB Nga theo nguyên tắc như Total và Equinor từng bàn giao lại cổ phần PSA Khoryaga cho Zarubezhneft. Liên quan đến dự án Vostok Oil, Rosneft tiếp tục triển khai theo đúng tiến độ, mới đây công ty đã bắt đầu khoan khai thác tại mỏ Payakhskoye và xây dựng cảng xuất dầu Bukhta Sever. Dầu Vostok Oil là dầu thô nhẹ, hàm lượng lưu huỳnh thấp – 0,09%, chỉ bằng ½ dầu loại Super light Saudi Aramco. Năm 2022, Rosneft dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch khai thác 200 triệu tấn dầu thô (cột xanh lam), 100 tỷ m3 khí đốt (cột đỏ) và chế biến trên 110 triệu tấn dầu thô (cột xanh lá). Khi Vostok Oil đi vào hoạt động (năm 2024-2025), sản lượng dầu thô khai thác sẽ cán mốc 300 triệu tấn vào năm 2030.


Gazprom ngày 29/07 tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt sang Latvia với lý do vi phạm điều kiện hợp đồng. Latvia là một trong những quốc gia tích vận động EU dừng cấp thị thực du lịch cho người dân LB Nga.

Nhà điều hành dự án khí đốt Sakhalin 2 công ty Sakhalin Energy Investment vừa có thư yêu cầu khách hàng thanh toán LNG qua hệ thống ngân hàng LB Nga, giữ nguyên các điều khoản hợp đồng khác. Nhật Bản vừa là cổ đông lớn (có kế hoạch giữ lại cổ phần sau khi nhà điều hành Sakhalin 2 đăng ký lại tại LB Nga) và vừa là khách hàng tiêu thụ 60% LNG của dự án này. Shell vẫn đang tiến hành làm các thủ tục rút vốn khỏi dự án Sakhalin 2, sau khi đã bán lại bộ phận kinh doanh bán lẻ (lỗ 83 triệu USD). Shell có kế hoạch chấm dứt giao dịch dầu mỏ LB Nga vào cuối năm 2023.

Novatek sẽ thay thế 2 nhà thầu Phương Tây (Technip và Saipem) đã ngừng công việc xây dựng giàn trọng lực nhà máy Artic LNG 2 bằng nhà thầu trong nước Nova Energy (thuộc viện NIPIGAZ) và công ty Green Energy Solutions (UAE).

Công ty tư nhân Gazprom Shelfproekt sẽ trở thành nhà thầu khoan ngoài khơi chính của Gazprom tại thềm lục địa Bắc Cực và tiếp quản lại đội tàu dịch vụ/giàn khoan nổi từ công ty cháu Gazprom Flot. Công ty Gazprom Shelfproekt trước đây mang tên Avrora, sở hữu thực tế bởi ông A. Patrushev (từng làm PTGD thứ nhất VSP), doanh thu năm 2021 đạt 11 tỷ RUB (gần 200 triệu USD). Hiện công ty đang thuê 3 giàn khoan nổi (Polyarnaya Zvezda, Severnoye Siyanie và Arkticheskaya) của Gazprom Flot. Theo kế hoạch, Gazprom dự định khoan 3 giếng tại khu vực Bắc Cực, bao gồm 1 giếng thăm dò lô cấp phép Leningradsky, 1 giếng khảo sát, thẩm định lô cấp phép Rusanovsky – biển Kara, và 1 giếng thăm dò tại mỏ Ledovoye, biển Barents. 


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​