Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ dự đoán mức tăng trưởng năm 2024 sẽ thấp hơn so với năm 2023: 2,35 triệu thùng/ngày, tức 2,4%.
Dù vậy, tỷ lệ phần trăm này vẫn cao hơn nhiều so với mức bình quân hàng năm của thập kỷ trước, ngoại trừ những năm bùng dịch COVID-19. Chưa kể, mức này cao hơn cả mức dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trên thực tế, IEA dự đoán mức tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại đáng kể vào năm 2024, và chỉ đạt 860.000 thùng/ngày.
Trong những năm gần đây, OPEC và IEA đã có nhiều mâu thuẫn về tầm nhìn. OPEC đã cáo buộc IEA có những dự báo vô trách nhiệm và yêu cầu IEA điều chỉnh lại.
Tăng trưởng nhu cầu là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh tiềm năng của thị trường và tạo nền tảng cho những quyết định về sau của OPEC và các quốc gia đồng minh. Vào tháng 6, OPEC+ đã gia hạn quyết định cắt giảm nguồn cung cho đến năm 2024 để hỗ trợ thị trường, vì họ lo ngại nhu cầu suy yếu có thể đè nặng lên giá.
Ba nguồn tin của OPEC cho biết, dù tăng trưởng nhu cầu có thể suy yếu, tình hình sẽ không trầm trọng như IEA đã lo ngại.
Một trong những nguồn tin trong nhóm cho biết: “Mức tăng nhu cầu dầu của năm 2024 có thể thấp hơn nhiều so với năm 2023,” với khả năng nằm trong khoảng 1,5 - 1,7 triệu thùng/ngày.
OPEC sẽ công bố dự báo đầu tiên cho năm 2024 trong báo cáo hàng tháng, dự kiến đăng ngày 13/7.
Tại một hội nghị trong tuần này, các quan chức cấp cao từ các nước OPEC, chẳng hạn như ông Amin Nasser - Giám đốc điều hành của Saudi Aramco, đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng nhu cầu, bất chấp những trở ngại đang diễn ra trên trường kinh tế.
"Châu Á đang tăng trưởng. Chỉ riêng ở Trung Quốc, từ năm 2019 đến 2023, mức tăng trưởng sẽ là 3 triệu thùng/ngày và ở Ấn Độ là 1 triệu thùng/ngày," ông nói.
Do triển vọng kinh tế thay đổi và những bất ổn địa chính trị, các nhà dự báo nhu cầu dầu phải thường xuyên điều chỉnh dự báo với thay đổi đáng kể. Chưa kể trong năm nay, dự báo phải tính đến khả năng phục hồi nhu cầu của Trung Quốc và vấn đề nâng lãi suất.