Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VIII)
Khí đốt có vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động dầu khí của Tiểu Vương quốc Abu Dhabi. Luật Abu Dhabi năm 1976 về quyền sở hữu khí đốt của Tiểu Vương quốc Abu Dhabi (Luật Khí đốt Abu Dhabi) khẳng định Abu Dhabi sở hữu tất cả nguồn khí đốt được tìm thấy hoặc sẽ được tìm thấy ở Tiểu Vương quốc, có thẩm quyền đối với tất cả các giai đoạn khai thác và phân phối khí đốt. Điều 4 của Luật Khí đốt trao cho ADNOC quyền “khai thác và sử dụng” tất cả khí đốt đó một mình hoặc hợp tác với những công ty khác, với điều kiện ADNOC sở hữu ít nhất 51% trong bất kỳ dự án nào.

Hệ thống đường ống dẫn khí hóa lỏng mới tại mỏ khí đốt Shah. Ảnh: Metenders.com.

Một số quy định về hợp đồng tô nhượng/thỏa thuận hợp tác khí đốt của Abu Dhabi

Trên cơ sở Luật Khí đốt Abu Dhabi, đầu tư nước ngoài vào việc khai thác tài nguyên khí đốt của Abu Dhabi được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận khai thác mỏ với ADNOC, ADNOC duy trì quyền sở hữu đa số và liên doanh được ADNOC trả phí cho khí đốt khai thác được từ liên doanh.

Tương tự như vậy, đầu tư nước ngoài vào chế biến và vận chuyển tài nguyên khí đốt của Abu Dhabi được thực hiện trên cơ sở các liên doanh, với ADNOC duy trì quyền sở hữu đa số và liên doanh được trả phí xử lý và vận chuyển.

Cũng như các hợp đồng tô nhượng khai thác dầu mỏ, các đối tác nước ngoài cam kết ​​sẽ tối đa hóa việc chuyển giao công nghệ cho ADNOC và công ty điều hành theo các thỏa thuận hỗ trợ công nghệ, cung cấp nhân lực và hỗ trợ các tổ chức chuyên ngành khác của Abu Dhabi, như Viện Dầu khí và Viện Masdar, và hỗ trợ đào tạo các công dân UAE.

Việc khai thác, chế biến và vận chuyển tài nguyên khí đốt của Tiểu Vương quốc Abu Dhabi thuộc thẩm quyền của Hội đồng Tối cao (Hội đồng Tối cao Dầu khí trước đây, hiện nay là Hội đồng Tối cao về các vấn đề Tài chính và Kinh tế) và bất kỳ hợp đồng tô nhượng/thỏa thuận khí đốt nào cũng đều cần có sự chấp thuận trước của Hội đồng Tối cao.

Một cơ sở trong tô nhượng mỏ khí đốt phi truyền thống Runwais Diyab Unconventional Gas Concession. Ảnh: ADNOC.

Luật Khí đốt Abu Dhabi (số 4/1976), cho phép các công ty khai thác dầu mỏ ở Abu Dhabi có thể giữ lại và sử dụng khí đốt do họ sản xuất cho các hoạt động khai thác dầu của họ, bao gồm cả việc sản xuất điện, nâng dầu từ các bể chứa, duy trì áp suất bể chứa và một phần của hoạt động thu hồi dầu tăng cường, sau khi thanh toán một khoản phí cho ADNOC.

Tổng quan hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí đốt ở Abu Dhabi

Luật Khí đốt, sửa đổi năm 2014, cho phép ADNOC tính phí các công ty dầu khí sử dụng loại khí đốt đó. Lượng khí đốt còn lại được yêu cầu cung cấp cho ADNOC. Trên thực tế, nguồn khí này được cung cấp cho ADNOC Gas Processing (trước đây là GASCO), một công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác khí thiên nhiên lỏng từ khí đồng hành và khí tự nhiên, trong đó có cổ đông là ADNOC (68%), Royal Dutch Shell plc (15%), Total SA (15%) và Partex Gas Corporation (2%).

ADNOC Sour Gas được thành lập năm 2010 để quản lý, điều hành và phát triển dự án mỏ khí đốt Shah (Shah Gas Field Project), trong đó ADNOC sở hữu 60% vốn, Occidental Petroleum (Oxy) sở hữu 40%. Mỏ khí đốt Shah bắt đầu khai thác khí từ tháng 1/2015. Dự án đã xây dựng một số hệ thống thu giữ khí, các đường ống dẫn khí và khí tự nhiên hóa lỏng. Khí đốt, condensate và khí tự nhiên hóa lỏng được chuyển đến các cơ sở chế biến và phân phối ở Habshan làm nguyên liệu cho nhà máy điện chạy bằng khí đốt, các nhà máy lọc nước, phát triển công nghiệp và duy trì áp suất cho các hoạt động ở mỏ dầu.

Tô nhượng siêu dự án khí đốt Ghasha, dự án phát triển khí chua ngoài khơi lớn nhất thế giới. Ảnh: ADNOC,

Trong tô nhượng Runwais Diyab Unconventional Gas Concession, ADNOC giữ 60%, Total giữ 40% vốn. Tháng 11/2020, ADNOC và Total thông báo đã cung cấp một lượng khí đốt phi truyền thống đầu tiên, đánh một dấu mốc quan trọng cho tương lai phát triển của mỏ khí đốt này và cũng là bước tiến quan trọng để thực hiện mục tiêu của ADNOC 1 tỷ feet khối khí đốt tiêu chuẩn mỗi ngày (bscfd) từ tô nhượng này vào năm 2030, đảm bảo sự tự chủ về khí đốt của UAE.

Trong hợp đồng tô nhượng siêu dự án Ghasha, bao gồm các mỏ khí đốt Hail, Ghasha, Dalma và các mỏ khí khác ngoài khơi như Nasr, Satah al Razboot (SARB) và Mubaraz, các công ty dầu khí nước ngoài tham gia dự án là ENI (25%), Wintershall (10%), Lukoi (5%) vốn và ADNOC nắm giữ 55% vốn còn lại.

Siêu dự án Ghasha là dự án phát triển khí chua ngoài khơi lớn nhất thế giới. Dự án cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng cho việc đáp ứng mục tiêu tự chủ khí đốt của UAE, phù hợp với chiến lược khí đốt tích hợp của ADNOC. Được Hội đồng Tối cao phê duyệt, chiến lược khí đốt tích hợp của ADNOC có mục tiêu khai thác và tối đa hóa giá trị từ trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn của Abu Dhabi. Dự án ước tính có trữ lượng tương đối lớn khí có thể thu hồi. Siêu dự án Ghasha dự kiến ​​sẽ khai thác hơn 1,5 tỷ feet khối tiêu chuẩn (bscfd) khí tự nhiên mỗi ngày, một nguồn khí đốt có thể cung cấp điện cho hơn hai triệu ngôi nhà ở UAE vào năm 2050.

Đầu năm 2020, UAE đã phát hiện nguồn trữ lượng khí đốt 80 nghìn tỷ feet khối tại mỏ Jebel Ali, nằm giữa Tiểu Vương quốc Abu Dhabi và Dubai và hai Tiểu Vương quốc sẽ cùng khai thác mỏ khí này. (Còn tiếp).

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VII)

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VI)

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ V)

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ IV)

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ III) 

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ II)

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ I)

Thanh Bình


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​