"Bội thu" xuất khẩu dầu khí, Nga có thặng dư tài khoản vãng lai tăng gấp 3
Từ tháng 1 đến tháng 7/2022, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga tăng vọt lên 167 tỷ USD, so với mức chỉ 50 tỷ USD cùng kỳ năm 2021 và 138,5 tỷ USD của 6 tháng đầu năm nay...

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty Image

7 tháng đầu năm 2022, thặng dư tài khoản vãng lai - một thước đo dòng chảy thương mại và đầu tư - của Nga đã tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ doanh thu xuất khẩu năng lượng tăng mạnh.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 7/2022, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga tăng vọt lên 167 tỷ USD, so với chỉ 50 tỷ USD cùng kỳ năm 2021 và 138,5 tỷ USD của 6 tháng đầu năm nay, theo báo cáo sơ bộ được Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) công bố ngày 9/8.

Chính phủ Nga chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng – mặt hàng tăng giá mạnh sau khi Moscow phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine và hứng chịu một loạt biện pháp từng phạt từ nhiều quốc gia phương Tây.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế nguồn thu của Moscow và ngăn chặn nước này thực hiện các giao dịch trên toàn cầu, Nga vẫn đạt mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục trong quý 2.

Ngoài doanh thu xuất khẩu tăng mạnh, một phần nguyên nhân của thặng dư tài khoản vãng lai không lồ là nhập khẩu giảm mạnh do các biện pháp trừng phạt và trả đũa.

Theo nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, ông Paul Krugman, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga thay vì hạn chế xuất khẩu thì lại đang khiến quốc gia này gặp khó khăn khi nhập khẩu hàng hóa.

"Dù các quốc gia phương Tây chủ yếu trừng phạt nhằm ngăn Nga xuất khẩu hàng hóa, những hạn chế liên quan tới nhập khẩu đã và đang tàn phá nền kinh tế nước này", ông Krugman nói.

Các lệnh cấm bán hàng hóa cho Nga đã làm giảm khoảng 60% kim ngạch thương mại của nước này với các quốc gia áp đặt trừng phạt và khoảng 40% với các quốc gia không trừng phạt. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động sản xuất công nghiệp của Nga và ảnh hưởng tới GDP của nước này. Dữ liệu từ Viện Kinh tế Peterson cho thấy sản lượng sản xuất của Nga đã giảm 50% với các mặt hàng từ nhựa, than đá cho tới thiết bị gia dụng.

Tuy nhiên, nhập khẩu của Nga từ Trung Quốc – nước đồng minh lớn đã từ chối tham gia trừng phạt Moscow liên quan cuộc chiến ở Ukraine – gần đây tăng mạnh về gần mức trước chiến tranh. Nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Nga tăng 20% lên 6,7 tỷ USD trong tháng 7. Mối quan hệ ngày càng được củng cố của hai quốc gia này cũng là nhân tố đẩy lượng giao dịch đồng Nhân dân tệ và đồng Rúp lên mức kỷ lục.

Theo vneconomy.vn


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​