Vượt mức hầu hết các chỉ tiêu tài chính, PVMR đạt được sự đồng thuận cao từ các cổ đông
Ngày 27/4, tại TP HCM, Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa Công trình Dầu khí (PVMR) đã tổ chức thành công cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

Tham dự Đại hội có đại diện Ban Kinh tế - Đầu tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đại diện các công ty kiểm toán, các nhà đầu tư, các cổ đông cùng Ban lãnh đạo PVMR.

Tại Đại hội, Tổng Giám đốc PVMR Mai Ngọc Khoa đã trình bày chi tiết về tình hình hoạt động SXKD của PVMR và các đơn vị thành viên. Theo đó, năm 2021 là một năm rất khó khăn đối với PVMR do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt trong giai đoạn quý II-III/2021 là cao điểm dịch bệnh tại TP HCM và các tỉnh phía Nam - khu vực hoạt động chính của Tổng công ty, vì vậy, việc không thể cung cấp dịch vụ kịp thời cho khách hàng trong khoảng thời gian gần 3 tháng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là đối với chỉ tiêu doanh thu. Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên của PVMR như PMS, PVPAINT thuộc lĩnh vực cung cấp dịch vụ kỹ thuật nên cũng bị ảnh hưởng nặng nề, không đóng góp nhiều như kỳ vọng.

Toàn cảnh phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên PVMR năm 2022.

Tuy nhiên, nhờ bộ máy được tái cơ cấu theo hướng gọn nhẹ từ những năm trước, PVMR có phần thuận lợi trong việc ứng phó với các biến động bất thường trong năm 2021, đưa ra các giải pháp, sáng kiến mới về quản lý và phát triển SXKD vào thực tế, cũng như triển khai ứng dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động điều hành, tổ chức SXKD... Điều này đã góp phần đáng kể vào các kết quả SXKD năm vừa qua của PVMR: Tổng doanh thu hợp nhất đạt 105% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 197% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt 102% kế hoạch.

Trong đó, dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa cho các dự án, công trình ngoài ngành dầu khí tiếp tục được duy trì, đóng góp 60% tổng doanh thu của công ty mẹ. Riêng lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật công nghệ có sự phát triển tốt trong năm 2021, doanh thu đạt 150% so với năm 2020. Lĩnh vực thanh kiểm tra an toàn tàu (vetting) cũng hoàn thành tốt chỉ tiêu lợi nhuận được giao, góp phần đáng kể vào lợi nhuận của PVMR.

Tổng Giám đốc Mai Ngọc Khoa báo cáo tình hình hoạt động SXKD năm 2021.

Tại Công ty CP Sơn Dầu khí Việt Nam (PVPAINT), đơn vị thành viên của PVMR, tuy là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, nhưng nhờ các giải pháp đã thực hiện từ năm 2020 và triển khai kịp thời, linh hoạt các kịch bản ứng phó nên doanh thu cả năm đạt 125,37 tỷ đồng, tương đương 100% kế hoạch. Bên cạnh đó, nhờ các biện pháp quản lý chi phí hiệu quả và thành quả của việc triển khai các sản phẩm mới cũng như xử lý tốt các công nợ khó đòi trong năm 2021 nên PVPAINT đạt vượt kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận 13%.

Trong phần báo cáo hoạt động của HĐQT, Chủ tịch HĐQT PVMR Hồ Quyết Thắng cho biết, 2021 cũng là năm PVMR quyết liệt thực hiện công tác kiểm soát, tiết giảm chi phí, không thực hiện hạng mục đầu tư mua sắm, chủ yếu sử dụng các dịch vụ thuê ngoài nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh trong từng gói thầu dịch vụ. Công tác thu hồi công nợ tại các đơn vị được giám sát, kiểm tra chặt chẽ, tập trung rà soát để xử lý các khoản nợ quá hạn, khó đòi, tài sản không sinh lời, các khoản đầu tư kém/không hiệu quả để thu hồi vốn phục vụ SXKD cho Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

Chủ tịch HĐQT PVMR Hồ Quyết Thắng báo cáo tại phiên họp.

Năm 2022, dự báo tình hình thị trường các mảng dịch vụ chính của PVMR tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, PVMR đặt mục tiêu kế hoạch khá thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất bằng 77,6%, lợi nhuận sau thuế bằng 66,8% và nộp ngân sách nhà nước bằng 107,8% so với kế hoạch năm 2021.

Một số nhiệm vụ trọng tâm được PVMR đề ra bao gồm: Xây dựng kế hoạch thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh phù hợp chiến lược chuyển trạng thái kinh tế - xã hội của Chính phủ và đặc thù hoạt động của đơn vị; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống ERP, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Tập đoàn; tiếp tục nâng cao năng lực thi công, năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ để đẩy mạnh công tác tiếp thị, đấu thầu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các đơn vị trong và ngoài ngành; Phát huy thế mạnh trong các lĩnh vực SXKD chính là dịch vụ kỹ thuật và công nghệ, thanh kiểm tra an toàn tàu, giám định, kiểm định và tiết kiệm năng lượng nhằm đảm bảo hiệu quả, nâng cao uy tín… PVMR cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện để thoái vốn ngay sau khi Đề án tái cấu trúc tổng thể Tập đoàn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cổ đông đặt câu hỏi cho Ban lãnh đạo PVMR tại phiên họp.

Tại phiên họp, PVMR đã trình ĐHĐCĐ thảo luận và thông qua tất cả các báo cáo, tờ trình liên quan đến hoạt động SXKD, hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS), chi trả thù lao HĐQT/BKS, Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán và phương án phân phối lợi nhuận với số tỷ lệ đồng thuận cao. Ngoài ra, ĐHĐCĐ PVMR cũng thông qua các tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổng công ty, quy chế nội bộ về quản trị công ty, quy chế hoạt động của HĐQT và BKS, cùng các dự thảo đi kèm.

Các cổ đông đều bày tỏ tin tưởng, PVMR với lợi thế luôn nhận được chỉ đạo sát sao, kịp thời từ lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự đồng thuận của ĐHĐCĐ cũng như tinh thần đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh năm 2022, mang lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông./.

Trúc Lâm


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​