PVTrans: Tự tin vượt sóng, mở rộng quy mô
Trong chiến lược trung và dài hạn, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán: PVT) vẫn duy trì hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và tham gia chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Với vị thế là một doanh nghiệp vận tải hàng đầu Việt Nam, có năng lực tài chính mạnh, nền tảng vững vàng, PVTrans tự tin có thể vượt qua sóng gió, chớp cơ hội phát triển để mở rộng quy mô.

Trẻ hóa đội tàu - động lực tăng trưởng trong trung hạn

PVTrans hiện là doanh nghiệp vận tải hàng lỏng số 1 Việt Nam, với tổng trọng tải đội tàu hơn 1 triệu DWT, chiếm lĩnh 100% thị phần vận chuyển dầu thô, 30% thị phần vận chuyển dầu sản phẩm và 100% thị trường vận chuyển LPG tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, hiện nay, 80% đội tàu PVTrans hoạt động tại thị trường quốc tế với hình thức khai thác đa dạng giúp PVTrans xây dựng được thương hiệu quốc tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường nội địa. Nhờ vậy, thương hiệu PVTrans đang dần được biết đến trên trường quốc tế. Ngoài Tổng công ty PVTrans, các đơn vị thành viên gồm PVTrans Pacific, Gas Shipping và Nhật Việt Trans luôn được các tổ chức có uy tín bình chọn nằm trong nhóm các doanh nghiệp vận tải và logistics tốt nhất Việt Nam.

PVTrans đã và đang cho thấy bước phát triển nhanh, vững chắc với việc duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận liên tục trong suốt 9 năm liền từ năm 2011 - 2020 với tỷ lệ tăng trưởng bình quân khoảng 18%/năm. Năm 2020, Công ty mẹ PVTrans cũng đã phát hành thành công 42.211.084 cổ phiếu, nâng số vốn điều lệ từ 2.814 tỷ đồng lên 3.237 tỷ đồng, tăng cường sức mạnh tài chính, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Các đơn vị thành viên của PVTrans đã tự chủ về nhiều mặt như tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thu xếp vốn và đầu tư, mang lại hiệu quả cho toàn Tổng công ty.


Tàu NV Aquamarine - tàu chở khí hóa lỏng loại VLGC đầu tiên của PVTrans vừa được đầu tư vào tháng 7/2021

Trong định hướng phát triển, PVTrans sẽ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, phát triển bền vững với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Lãnh đạo PVTrans cho biết, đầu tư trẻ hóa đội tàu là chiến lược nhất quán của PVTrans trong tái cơ cấu. Việc này đã và đang được PVTrans triển khai rất mạnh mẽ. Đây cũng được đánh giá là động lực tăng trưởng của PVTrans trong trung hạn.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng PVTrans đã thành công đầu tư 3 tàu mới: Tàu PVT AZURA (tàu dầu/hóa chất) có tải trọng 19.945 DWT, đầu tư vào đầu tháng 2; 1 tháng sau đó tiếp nhận tàu PVT DAWN (tàu dầu/hóa chất) với trọng tải toàn phần là 13.094 MT. Đặc biệt, đầu tháng 7 vừa qua, PVTrans tiếp nhận tàu NV Aquamarine, loại VLGC (fully refrigerated VLGC - Very Large Gas Carrier) đầu tiên, thuộc nhóm tàu chở khí hóa lỏng lạnh lớn nhất thế giới, với dung tích chở hàng 81.605 CBM. Chủ trương đầu tư và nâng cao năng lực đội tàu chở LPG với các tàu VLGC size lớn là một trong những hướng đi mà PVTrans đã ấp ủ từ lâu, nhằm phục vụ cho phân khúc khách hàng cao cấp hơn và phù hợp với xu thế của thị trường vận tải biển của thế giới.

Trong kế hoạch trẻ hóa đội tàu, PVTrans cho biết, dự kiến sẽ đầu tư khoảng 15 tàu với tổng tổng mức đầu tư khoảng 7.621 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu cần có là 2.761 tỷ, vốn vay và các nguồn vốn khác khoảng 4.859 tỷ. Bên cạnh 3 tàu trên, PVTrans cũng đang tận dụng điều kiện thị trường, thu xếp vốn để tiếp tục đầu tư thêm tàu mới.


PVTrans và các đơn vị thành viên đang đầu tư mạnh mẽ trẻ hóa đội tàu

Công ty Cổ phần Vận tải Sản phẩm khí Quốc tế (Gas Shipping, mã chứng khoán: GSP), đơn vị thành viên của PVTrans vừa qua đã thông báo về việc chào bán 20 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu, nhằm thu về 200 tỷ đồng để tăng vốn đối ứng mua 2 tàu mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Gas Shipping, công ty dự kiến sẽ đầu tư Tàu chờ dầu/hóa chất số 1 có trọng tải khoảng 20.000 DWT và Tàu chở dầu/hóa chất số 2 có trọng tải khoảng 20.000 DWT.

Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific, mã chứng khoán: PVP) năm 2021 đặt kế hoạch đầu tư 3 tàu gồm: 1 tàu chở dầu thô loại VLCC (dự án chuyển tiếp), tổng mức đầu tư 41,7 triệu USD; 1 tàu chở dầu thô loại Aframax (tàu Aframax số 2 - dự án đầu tư chuyển tiếp) có tổng mức đầu tư 26,52 triệu USD; 1 tàu chở dầu thô loại Aframax (tàu Aframax số 3 - đầu tư mới) có tổng mức đầu tư 26,52 triệu USD.

Đa dạng hóa loại hình vận tải, mở rộng quy mô

Theo chiến lược phát triển tổng thể, bên cạnh giữ vững thị phần vận tải nội địa, trong thời gian tới PVTrans sẽ tiếp tục mở rộng ra thị trường quốc tế với nhiều phân khúc tàu: Từ tàu dầu thô VLCC, Aframax, tàu vận chuyển hóa chất, xăng dầu, tàu vận chuyển VLGC, LNG, đến các tàu vận chuyển hàng rời cỡ Supramax, Panamax… tiếp tục khẳng định là thương hiệu số 1 về vận tải biển tại Việt Nam, có uy tín quốc tế, phát triển bền vững.

Trước đây, mảng vận tải chính của PVTrans là mảng vận tải dầu thô. Hiện nay, tỷ trọng các mảng dịch vụ trong lĩnh vực vận tải của PVTrans đã thay đổi rất nhiều, mảng vận tải dầu thô tuy chiếm tỷ trọng lớn, quan trọng nhưng giảm dần so với trước đây. Định hướng phát triển đội tàu của PVTrans trong thời gian tới là sẽ tăng đội tàu hóa chất với mục tiêu, đội tàu hóa chất sẽ chiếm số lượng tàu nhiều nhất (40-50%), tiếp đến đội tàu dầu thô và LPG sẽ đều chiếm từ 20-30% có cấu đội tàu; và 10 - 20% là đội tàu hàng rời;... Định hướng đa dạng hóa nhiều loại hình vận tải sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của PVTrans vì thị trường vận tải thường không lên, xuống đồng thời. Vì vậy việc đa dạng hóa sẽ giảm thiểu rủi ro cho hoạt động chung của PVTrans.


Người lao động PVTrans thực hiện công tác bảo dưỡng sửa chữa tàu (Hình tư liệu)

Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, năng lượng hóa thạch vẫn là thành phần chủ đạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và nhu cầu vận chuyển năng lượng hóa thạch vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển. Trong chiến lược trung và dài hạn, PVTrans vẫn duy trì hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và tham gia chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Ngoài ra, nhiệt điện khí quốc tế và trong nước đều được dự báo sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong các năm tới. PVTrans sẽ tận dụng xu hướng này bằng việc đầu tư phát triển đội tàu chuyên chở khí, đồng thời xem xét việc tham gia đầu tư chuỗi cung ứng khí gồm kho-cảng-đường ống như là công cụ thúc đẩy lĩnh vực vận tải khí. Theo đó, PVTrans phấn đấu xây dựng phát triển đội tàu chở dầu thô, dầu sản phẩm/hóa chất, vận tải khí (LPG, LNG), hàng rời, sà lan và tham gia vận chuyển hàng lỏng trên bờ bằng đường ống, tham gia đầu tư khai thác kho chứa, trạm, cảng hậu cần nếu có cơ hội và phát triển các dịch vụ vận tải tại thị trường quốc tế.

PVTrans vừa tổng kết sơ bộ tình hình kinh doanh 8 tháng đầu năm 2021 với doanh thu ước đạt 4.930 tỷ đồng, tăng 103% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 621 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2021. Được biết, thời gian qua giá cước vận tải có chiều hướng biến động tốt, đơn vị có bổ sung thêm lợi nhuận từ các tàu đầu tư mới đã thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Trong đó năm 2021, PVTrans đặt mục tiêu đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 404 tỷ đồng. Như vậy kết thúc 8 tháng đầu năm PVTrans đã vượt đến 24% mục tiêu về lợi nhuận của năm 2021.

Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​