PTSC: Trọn giải pháp, vẹn niềm tin, vươn tầm quốc tế
Là một trong số những đơn vị trụ cột của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), thời gian qua, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nổi bật lên bởi tính tiên phong của một đơn vị anh hùng. Thương hiệu PTSC rạng danh không chỉ ở thị trường trong nước mà còn khẳng định được uy tín trên thị trường quốc tế, được biết đến với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Tiên phong trong dịch vụ kỹ thuật dầu khí

Năm 1993, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được thành lập, dựa trên cơ sở sáp nhập Công ty Dịch vụ Dầu khí (PSC) và Công ty Địa vật lý và Dịch vụ Dầu khí (GPTS), là doanh nghiệp Nhà nước duy nhất cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí với lĩnh vực hoạt động chính ban đầu là cung cấp tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí, căn cứ cảng dịch vụ dầu khí và cung cấp lao động kỹ thuật cho các nhà thầu dầu khí.

Giai đoạn 1994 – 2005, một số bộ phận của PTSC được tách ra để làm nòng cốt thành lập các đơn vị dịch vụ chuyên ngành mới của ngành Dầu khí. PTSC bắt đầu đầu tư phát triển đội tàu dịch vụ chuyên dụng hiện đại và mở rộng xây dựng căn cứ cảng dịch vụ dầu khí PTSC Vũng Tàu trở thành căn cứ dịch vụ đa năng. Năm 1999, PTSC đã đạt được thành tựu đầu tiên khi hoàn thành khối nhà ở trên biển LQ-CPC 99 cho Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ cơ khí dầu khí Việt Nam. Kể từ năm 2002, PTSC bắt đầu thử sức với dịch vụ vận hành bảo dưỡng (O&M) thông qua thực hiện hợp đồng O&M cho Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, đường ống dẫn khí 2 phase dài 370 km và Giàn công nghệ Lan Tây, đặt nền móng cho sự ra đời và làm chủ loại hình dịch vụ O&M. PTSC cũng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh FPSO Ruby Princess với PVI và PVFC, đánh dấu sự ra đời một lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cao đầy tiềm năng - dịch vụ FSO/FPSO.


Dịch vụ khảo sát công trình ngầm của PTSC.

Năm 2006, PTSC bắt đầu thực hiện quá trình cổ phần hóa, chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Ngày 01/01/2007, PTSC chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tạo ra bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển của PTSC với sức mạnh mới. Hơn 9 tháng sau, cổ phiếu của PTSC chính thức niêm yết trên sàn HNX với mã cổ phiếu PVS. Năm 2010, PTSC thành lập mới Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khảo sát và Công trình ngầm (PTSC G&S), hoàn thành đầu tư tàu khảo sát địa chấn 2D, ROV, tàu khảo sát địa vật lý, nâng cao năng lực lĩnh vực khảo sát địa chấn, địa chất và khảo sát công trình ngầm lên một tầm cao mới. Thời điểm này, một sự kiện quan trọng khác của PTSC là tham gia đầu tư kho nổi FSO Orkid và FPSO Ruby II, nâng cao năng lực trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ FSO/FPSO. Năm 2010 cũng là đánh dấu một mốc son rực rỡ của PTSC khi thực hiện thành công tổng thầu EPC cho Dự án Biển Đông 1 của Petrovietnam – công trình với tổng khối lượng thi công chế tạo trên 30.000 tấn và giá trị trên 1 tỷ USD – cũng là dự án thi công chế tạo các cấu kiện dầu khí lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.


PTSC thực hiện tổng thầu EPC Dự án Biển Đông 1.

Từng bước khẳng định vị thế ở thị trường khu vực

Từ năm 2011 đến 2015, PTSC tiếp tục thực hiện đầu tư sở hữu 51% hai kho nổi FSO PTSC Bien Dong 01 và FPSO Lam Son, làm chủ hoàn toàn công nghệ đóng và vận hành FSO/FPSO, trở thành đơn vị hàng đầu trong nước và khẳng định vị thế trong khu vực đối với lĩnh vực cung cấp, vận hành và khai thác FSO/FPSO. Năng lực triển khai các dự án EPCI và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực cơ khí dầu khí của PTSC càng được nâng cao bằng việc thắng thầu quốc tế và thực hiện thành công các dự án: Khối thượng tầng giàn công nghệ HRD cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) và Dự án EPCC Maharaja Lela South tại Brunei cho khách hàng Total E&P.

Bắt đầu từ giai đoạn này, PTSC đã khẳng định vai trò là nhà cung cấp số một tại Việt Nam và khu vực tại 06 lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cao: Dịch vụ tàu chuyên dụng, Dịch vụ căn cứ cảng dầu khí, Dịch vụ khai thác bao gồm các dịch vụ tàu FPSO/FSO, Dịch vụ cơ khí hàng hải, Dịch vụ vận hành và bảo dưỡng (O&M), Dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất và khảo sát công trình ngầm.


Hạ thủy Khối thượng tầng giàn công nghệ HRD.

Giai đoạn 2016 – 2019, PTSC đối mặt với nhiều khó khăn khi giá dầu thô bắt đầu sụt giảm sâu từ cuối năm 2014 và liên tục duy trì ở mức thấp trong nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề tới ngành công nghiệp dầu khí. Ban lãnh đạo Tổng công ty đã nỗ lực triển khai áp dụng hàng loạt những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ và đồng bộ để đẩy mạnh công tác phát triển kinh doanh, cắt giảm chi phí, thực hành tiết kiệm, nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh… PTSC tiếp tục đạt được nhiều mốc thắng lợi mới khi thắng thầu EPC và thực hiện thành công các dự án công trình Nhà máy Phân bón NPK, Nhà máy sản xuất Amoniac NH3 cho Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo); Nhà máy Xử lý khí Cà Mau của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS); Dự án kho chứa LNG Thị Vải và Dự án EPC đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt của PV GAS; Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam - Gói A1 (LSP - A1) của Liên danh tổng thầu TPSK (Ý - Hàn Quốc). Phạm vi hoạt động của PTSC đã vươn tới nhiều thị trường, như Ấn Độ, Myanmar, Malaysia, Singapore, Nga, Cuba và Venezuela…


PTSC thực hiện tổng thầu EPC Dự án nhà máy NPK Phú Mỹ.

Tận dụng triệt để tất cả các cơ hội để tăng cường chào thầu, đấu thầu cho các dự án tư nhân và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, kể cả các lĩnh vực công nghiệp ngoài ngành dầu khí để mở rộng thị trường, tăng hiệu quả hoạt động, PTSC tiếp tục gặt hái thành công khi thắng thầu và triển khai thực hiện các dự án cho các khách hàng ngoài ngành như Nhà máy kho cảng Hải Phòng, Mở rộng nhà máy Gò Dầu cho Top Solvent (Thái Lan) và Mở rộng kho cảng Vopak (Hà Lan) giai đoạn III, Dự án “Kho cảng Nhiên liệu Hàng không Nam Đình Vũ của Công ty CP Kho cảng Nhiên liệu Hàng không Nam Đình Vũ (NDV Seaport); Dự án gia công chế tạo, lắp đặt hệ đường ống công nghệ ISBL và lắp đặt thiết bị - Nhà máy sản xuất polypropylene của Hyosung Vietnam.

Điểm nhấn của PTSC vào năm 2018 là thắng thầu EPCI và triển khai Dự án Gallaf (Al Shaheen) cho North Oil Company (NOC) tại Qatar với tổng giá trị hợp đồng tổng giá trị hơn 320 triệu USD; đồng thời hoàn thành đóng mới, hạ thủy, bàn giao và đưa vào vận hành, khai thác thành công và an toàn đội tàu 8 tàu cho khách hàng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP). Đến tháng 10/2019, Chân đế giàn Công nghệ Trung tâm Sao Vàng nặng 12.500 tấn thuộc Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt, đã được lắp đặt và bàn giao thành công cho Chủ đầu tư IGP, tiếp tục khẳng định năng lực tổng thầu EPCI của PTSC. Cũng trong năm 2019, PTSC về đích trước kế hoạch, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch tài chính và bước qua thời kỳ khó khăn nhất.

Vượt khó ngoạn mục, vươn tầm quốc tế

Năm 2020, nhiều công ty dầu khí thế giới chao đảo trước “khủng hoảng kép” do tác động của Dịch COVID-19 và giá dầu lao dốc, hàng loạt các dự án, công việc, chiến dịch khoan thăm dò, khai thác dầu khí phải giãn, dừng triển khai… Tuy nhiên, tập thể lao động PTSC với sự nỗ lực cao nhất đã đoàn kết đồng lòng, quyết liệt, chủ động và sáng tạo trong việc triển khai áp dụng hàng loạt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, đẩy mạnh phát triển kinh doanh, phát triển dịch vụ, tìm kiếm cơ hội tiềm năng tại các dự án ngoài nước, ngoài ngành, các dự án công nghiệp trên bờ, liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả SXKD, đảm bảo việc làm cho NLĐ… Một số dự án do Công ty Mẹ PTSC trực tiếp thực hiện mang về những kết quả khả quan như Dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt, Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam - Gói A1, Dự án LNG Thị Vải… với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng trong năm 2020.


Kho nổi FSO Golden Star lắp đặt tại mỏ Sao Vàng đón dòng condensate đầu tiên (16/11/2020)

Một số dự án cơ khí lớn khác của PTSC ghi dấu ấn quan trọng trong năm 2020 như giàn Sao Vàng CPP hoàn thành công tác chế tạo, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử và bắt đầu vận chuyển khí về bờ từ ngày 16/11/2020. Giàn Đại Nguyệt WHP cũng đang được khẩn trương hoàn thành. Ngoài ra, Dự án Gallaf (Al Shaheen) tại Qatar - dự án do PTSC thắng thầu quốc tế EPCI với khối lượng lớn và tổng giá trị trên 320 triệu USD đã được thực hiện thành công công tác Thiết kế, Mua sắm, Chế tạo tại Việt Nam và Vận chuyển, Lắp đặt, Chạy thử 3 giàn khai thác Dự án Gallaf 1 với hơn 800 NLĐ PTSC làm việc tại Qatar trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Kết quả trong năm 2020, PTSC đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Kế hoạch SXKD với doanh thu hợp nhất đạt 21.313 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.025 tỷ đồng, lần lượt vượt 42% và 28% so với kế hoạch đề ra; nộp Ngân sách Nhà nước 953 tỷ đồng…

Năm 2021, khi thế giới vẫn đang đối mặt với khủng hoảng, đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, chắc chắn những khó khăn vẫn tiếp nối những khó khăn. Với những “bài toán” hóc búa trước mắt về hoàn thành các chỉ tiêu SXKD, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, giữ vững thị trường, ổn định và phát triển bền vững, Ban Điều hành PTSC hiểu rõ những thử thách mới, cơ hội mới sẽ đón đợi trước mắt và sẵn sàng đối mặt với thách thức để nắm bắt, có các giải pháp phù hợp để biến các cơ hội thành kết quả. Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định vị thế tại chuỗi giá trị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như với các đối tác trong nước, trong ngành, PTSC sẽ tiếp tục phát huy các lợi thế sẵn có, đẩy mạnh việc phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường ra nước ngoài. Khó khăn, thách thức luôn gắn liền với cơ hội, PTSC sẽ tiếp tục chủ động và sẵn sàng đón đầu những dự án dầu khí quy mô lớn cũng như sẵn sàng tiếp cận các lĩnh vực dịch vụ mới, khi các “vận hạn” của thế giới qua đi. Với chủ trương nhất quán cùng đội ngũ lao động chuyên nghiệp, sáng tạo, giàu kinh nghiệm quốc tế, tin rằng PTSC sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn lực, tiếp tục khẳng định và tăng cường vị thế là thương hiệu quốc tế uy tín - nhà cung cấp giải pháp trọn gói hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và trong khu vực./.


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​