PTSC phải trở thành mắt xích trọng yếu của chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi toàn cầu
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường nhấn mạnh, PTSC đang tập trung đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) với mục tiêu trở thành mắt xích trọng yếu của chuỗi cung ứng NLTTNK toàn cầu.

PV: Thưa ông, quá trình PTSC tham gia vào lĩnh vực NLTTNK gặp những khó khăn, thử thách nào và PTSC đã làm gì để vượt qua?

Ông Lê Mạnh Cường: Trước khi bước vào lĩnh vực này, chúng tôi đã dành nhiều công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, đi nhiều nơi trên thế giới, làm việc với nhiều nhà phát triển, đối tác tiềm năng, tham gia nhiều diễn đàn quốc tế về chuyển dịch năng lượng... Chúng tôi từng bước cảm nhận về bức tranh NLTTNK như thế nào, PTSC đang ở đâu.

NLTTNK rất tương đồng với ngành dầu khí ngoài khơi và có 3 đặc điểm cần lưu ý: Quy mô lớn, sản xuất hàng loạt và năng suất cao. Đa số các mỏ dầu khí ngoài khơi thông thường chỉ có 2-3 giàn với tổng khối lượng thép và thiết bị khoảng hơn 10 nghìn tấn, quá trình phát triển mỏ trải qua nhiều giai đoạn, nhiều năm, số giàn có thể tăng lên. Nhưng một trang trại điện gió ngoài khơi, trung bình công suất lắp đặt

1 GW ở vùng nước sâu khoảng 50m, sẽ gồm khoảng 70 trụ điện gió với tổng khối lượng thép và thiết bị lên tới 220.000-250.000 tấn, quy mô rất lớn. Việc sản xuất các thành phần như chân đế mang tính hàng loạt, bởi các chân đế được thiết kế cơ bản tương đồng nhau, khác với một giàn dầu khí đơn chiếc. Vì thế, năng suất sản xuất cấu kiện điện gió ngoài khơi phải cao, tiến độ phải nhanh, khác biệt so với sản xuất các giàn dầu khí. Ví dụ, để chế tạo 1 chân đế giàn dầu khí có thể mất hàng năm, nhưng 1 chân đế trụ điện gió khối lượng tương tự chỉ tính bằng tuần.

Do đó, khi tham gia vào lĩnh vực NLTTNK, PTSC phải giải quyết bài toán chuyển đổi từ sản xuất đơn chiếc sang hàng loạt; tăng năng lực, năng suất bằng cách nhanh chóng đầu tư bổ sung máy móc, trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết là những người đứng đầu và đội ngũ chủ chốt. Điểm mấu chốt là phải thay đổi tư duy và hành động phù hợp với tình hình mới.

Vì vậy, PTSC đã và đang tiếp tục tìm tòi các phương thức mới, có cả tư vấn định hướng để có cách thức, phương pháp giúp con người thay đổi nhận thức, tư duy. Ngay cả những việc thường làm theo một lộ trình cụ thể, rõ ràng như nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung phương tiện cũng phải “chạy” với tinh thần “tiên phong”, “vừa làm vừa điều chỉnh”, vì thực tế chuỗi cung ứng trong lĩnh vực NLTTNK trên thế giới cũng đang chập chững với những bước đi ban đầu.

PTSC phải trở thành mắt xích trọng yếu của chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi toàn cầu

Điều đáng qua tâm là lĩnh vực NLTTNK đang phát triển mạnh mẽ nhưng chuỗi cung ứng trong còn hạn chế, đứt gãy. Do có nhiều tính tương đồng nên các nhà thầu dịch vụ dầu khí ngoài khơi đang tham gia chuỗi cung ứng NLTTNK để tận dụng các lợi thế sẵn có. Đây cũng chính là cơ hội mà PTSC phải tận dụng, phải làm ngay và luôn, phải nhanh chóng nhập cuộc, tìm vị trí và khẳng định vị thế. Bởi ở giai đoạn này, khi chuỗi cung ứng chưa thực sự hình thành, xác định trở thành một mắt xích tất yếu tức là PTSC đang hướng tới một chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực NLTTNK ở tương lai. Có thể nói rằng, mục tiêu rõ ràng của PTSC là phải trở thành mắt xích có giá trị, khó có thể thay thế của chuỗi cung ứng NLTTNK toàn cầu.

Năm 2022, tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài của PTSC đã đạt trên 44%. Từ chỗ 30 năm trước chỉ đi làm thầu phụ, cung cấp dịch vụ đơn giản, nay PTSC đã trở thành đối thủ cạnh tranh ngang tầm với nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí quốc tế.
 

PV: Việc trúng nhiều gói thầu lĩnh vực NLTTNK ở nước ngoài trong thời gian vừa qua chứng tỏ PTSC phải thật sự có năng lực mạnh, nhiều lợi thế trong lĩnh vực mới mẻ này. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

Ông Lê Mạnh Cường: Đầu tiên, PTSC phải đi tìm hiểu để biết mình là ai, chứ không phải mình có gì, làm được gì, hay thế giới cần cái gì. Có những hạng mục như trạm tăng áp ngoài khơi (OSS) khá tương đồng với giàn khai thác dầu khí, thậm chí đơn giản hơn, cũng sản xuất đơn chiếc, các đơn vị của PTSC như PTSC M&C hoàn toàn có thể sử dụng năng lực hiện hữu để làm tốt, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu trên thế giới và hiện đã trúng thầu nhiều dự án ở Đài Loan (Trung Quốc) hoặc tận Biển Baltic xa xôi.

Tuy nhiên, với những hạng mục cần triển khai ở quy mô lớn, sản xuất hàng loạt như chân đế, cần có cách tiếp cận khác.

Hiện nay, khi chuỗi cung ứng cho NLTTNK chưa hình thành, khách hàng phải “tìm nhà thầu”, chứ không phải “chọn nhà thầu”. Khi tiếp xúc với PTSC, những khách hàng tiềm năng thấy được và đánh giá cao năng lực sẵn có cũng như tiềm năng của PTSC, từ cơ sở hạ tầng gần 200 ha tại Vũng Tàu đang triển khai cùng lúc nhiều dự án dầu khí quốc tế đến các căn cứ cảng tại PTSC Thanh Hóa, PTSC Quảng Ngãi..., đội ngũ kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm, có kỹ năng theo tiêu chuẩn dầu khí quốc tế.

Còn một lợi thế khác của PTSC do chính khách hàng nhìn nhận, đánh giá. Đó chính là nhiệt huyết, khát khao, quyết tâm của đội ngũ PTSC, từ lãnh đạo cấp cao, cán bộ quản lý đến chuyên viên. Chính vì vậy, PTSC đã được khách hàng chọn là nhà thầu đầu tiên tại Đông Nam Á thực hiện dự án chế tạo 33 chân đế điện gió ngoài khơi trong điều kiện PTSC còn thiếu nhiều trang thiết bị, thậm chí có công đoạn PTSC phải đầu tư toàn bộ nhà xưởng và thiết bị từ con số 0...

Đó là sự nỗ lực rất lớn vì sự phát triển của PTSC. Với truyền thống 30 năm, qua biết bao thế hệ, PTSC vẫn giữ được khát vọng làm mới, thay đổi để phát triển. Trong suốt quá trình phát triển vừa qua, PTSC đều chuyển mình từ những sản phẩm, dịch vụ mới. Không phải chỉ có thế hệ hiện tại của PTSC, mà các thế hệ trước của PTSC đều có khát vọng tìm cái mới, làm ra cái mới, có dịch vụ mới, sản phẩm mới, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế.

PV: Chiến lược phát triển NLTTNK của PTSC trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là gì, thưa ông?

Ông Lê Mạnh Cường: Trong xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ và không thể đảo ngược, PTSC cần nhanh chóng nhập cuộc với vai trò kép: Vừa là nhà thầu cung cấp các dịch vụ khảo sát, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng...; đồng thời nhập cuộc lĩnh vực NLTTNK với vai trò nhà đầu tư phát triển dự án.

Với vai trò nhà thầu, PTSC cần tận dụng các năng lực sẵn có, các lợi thế từ sự tương đồng giữa dầu khí ngoài khơi và NLTTNK để trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng NLTTNK toàn cầu.

Trước mắt, PTSC xác định phải tập trung bổ sung năng lực, nâng cấp hạ tầng, trang bị thêm phương tiện, thiết bị máy móc, nâng cấp hệ thống, chuyển đổi phương thức sản xuất từ đơn chiếc sang sản xuất hàng loạt, quy mô lớn và đặc biệt là phải nâng cấp con người, thay đổi tư duy để luôn sẵn sàng với sự thay đổi, biến động. Tất cả những việc đó phải được thực hiện theo chiến lược dài hạn, bài bản.

Bên cạnh đó, PTSC đang quyết tâm trở thành nhà đầu tư phát triển dự án. Tháng 9-2023, PTSC là doanh nghiệp đầu tiên trong nước được cấp phép khảo sát khu vực biển để phát triển điện gió ngoài khơi. Chúng tôi đang hợp tác với đối tác quốc tế tại dự án xuất khẩu NLTTNK từ Việt Nam sang Singapore.

PTSC đang tiếp tục gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi với một số đối tác từ các nước phát triển mạnh về NLTTNK, sẵn sàng hợp tác, liên doanh, liên kết, chuẩn bị cho các bước đầu tư phát triển dự án NLTTNK tại Việt Nam và khu vực.

PTSC phải trở thành mắt xích trọng yếu của chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi toàn cầu

Căn cứ cảng dịch vụ PTSC

PV: Theo ông, việc vươn ra thị trường quốc tế có vai trò thế nào trong sự phát triển của PTSC?

Ông Lê Mạnh Cường: Ngay từ những ngày đầu thành lập, PTSC đã làm việc với khách hàng chủ yếu là các công ty dầu khí đa quốc gia. Khách hàng là công ty đa quốc gia, nên dịch vụ phải theo tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, thị trường quốc tế không hoàn toàn ra khỏi biên giới, hải phận hay lãnh thổ địa lý, mà cũng chính là các khách hàng có yếu tố quốc tế tại Việt Nam.

Việc vươn ra thị trường quốc tế, tăng dần doanh thu từ nước ngoài đã giúp PTSC đứng vững trong nhiều giai đoạn khó khăn, thị trường bất ổn. Cũng từ đây, kinh nghiệm, trình độ quốc tế được cải thiện dần. Khả năng hội nhập quốc tế của PTSC hiện nay rất cao. Quá trình làm dịch vụ cho thị trường quốc tế giúp PTSC học hỏi, va chạm, nâng tầm. Năm 2022, tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài của PTSC đã đạt trên 44%. Từ chỗ 30 năm trước chỉ đi làm thầu phụ, cung cấp dịch vụ đơn giản, nay PTSC đã trở thành đối thủ cạnh tranh ngang tầm với nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí quốc tế.

Năng lực, kinh nghiệm dồi dào từ các dự án dầu khí, lợi thế hội nhập chắc chắn sẽ là điểm cộng khi PTSC tham gia vào các dự án NLTTNK quốc tế.

PV: Khi tập trung nguồn lực để phát triển lĩnh vực NLTTNK, liệu PTSC có xao nhãng các dịch vụ truyền thống, thưa ông?

Ông Lê Mạnh Cường: PTSC nhận thức được lợi thế của mình là đa dịch vụ và quy mô. Các dịch vụ truyền thống vẫn luôn là các mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ của PTSC. Các dịch vụ truyền thống không những tiếp tục được duy trì mà còn có phát triển mạnh mẽ hơn, tối ưu hơn.

Thế giới chắc chắn sẽ còn cần dầu khí rất lâu nữa, không có dầu khí thì xã hội văn minh không thể vận hành bình thường được. Có thể người ta bớt dựa vào nhiên liệu dầu khí, nhưng nguyên liệu dầu khí vẫn còn dùng dài lâu. Vì thế, dầu khí chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục phát triển nhưng dải sản phẩm sẽ thay đổi. Để giải quyết bài toán “zero carbon”, làm dầu khí đến đâu phải chuyển dịch, cân bằng carbon đến đó.

Vì vậy, trong thời gian tới, PTSC vẫn là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí, NLTTNK là một lĩnh vực dịch vụ mới của PTSC.

Khách hàng đánh giá cao năng lực sẵn có cũng như tiềm năng của PTSC, từ cơ sở hạ tầng gần 200 ha tại Vũng Tàu đang triển khai cùng lúc nhiều dự án dầu khí quốc tế đến các căn cứ cảng tại PTSC Thanh Hóa, PTSC Quảng Ngãi..., đội ngũ kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm, có kỹ năng theo tiêu chuẩn dầu khí quốc tế.

PV: Ông đã có 28 năm gắn bó với PTSC ở rất nhiều vị trí công việc khác nhau. Sự thấu hiểu PTSC đến“chân tơ kẽ tóc” hẳn giúp ông rất nhiều trong việc chèo lái con thuyền PTSC vượt

sóng gió, mạnh mẽ vươn ra biển lớn?

Ông Lê Mạnh Cường: Tôi may mắn được làm việc cho PTSC từ lúc ra trường năm 1995 đến nay, chỉ 2 năm sau khi có thương hiệu PTSC.

Có thể nói, 10 năm đầu sau khi thành lập thực sự là “giai đoạn vàng” của PTSC, tạo những tiền đề để phát triển mạnh mẽ sau này. Hàng loạt các dự án, các lĩnh vực dịch vụ mới được triển khai và tôi có cơ hội được tham gia hầu hết các dịch vụ có tính bước ngoặt này ngay từ những giai đoạn đầu hình thành, như dịch vụ vận chuyển lắp đặt (T&I), vận hành bảo dưỡng (O&M), dịch vụ FSO/ FPSO... Cũng như nhiều anh em cùng thời khác, không ngại thử thách, khi các loại hình dịch vụ mới phát triển, khi việc cần người, tôi luôn háo hức nhận nhiệm vụ mới, dự án mới, vị trí mới. Được cấp trên tin tưởng giao làm việc mới, việc khó, được làm việc mình yêu thích, đam mê là “đặc ân” mà tôi có được ở PTSC.

Gần 30 năm qua, tôi đã trải qua nhiều vị trí, môi trường công tác, luân chuyển qua nhiều lĩnh vực dịch vụ, từ ngoài biển đến trên bờ, từ ngoài công trường đến văn phòng, từ các đơn vị trực thuộc đến bộ máy điều hành Tổng công ty, từ kỹ thuật rồi sang làm thương mại, quản lý dự án... Quá trình đó đã tạo cho tôi nhiều cơ hội để phát triển, từng bước trưởng thành. Đó là cơ hội học hỏi từ đồng nghiệp, từ cấp trên, từ hệ thống, từ cả đối tác, khách hàng trong mỗi dự án. Những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy dần qua năm tháng là vốn quý cho công tác quản lý sau này của tôi. Tính đa dịch vụ, tiên phong, năng động của PTSC cũng giúp tôi trưởng thành, linh hoạt, thích nghi, sẵn sàng thay đổi, tiếp cận những điều mới mẻ, tiến bộ.

Đến bây giờ, lãnh đạo PTSC cũng giữ nguyên tắc “đúng người, đúng việc, đúng thu nhập”, ai có năng lực là được tạo cơ hội. Thế hệ mới bây giờ có rất nhiều người giỏi, có khát vọng, có khả năng tiếp nhận cái mới và được lãnh đạo tạo điều kiện phát triển bản thân.

Sự hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm có được từ PTSC giúp ích rất nhiều cho tôi. Tôi quan niệm, bất kỳ cá nhân nào cũng đều phải tích cực nâng cấp, chuyển đổi bản thân và cũng phải biết mình là ai, mình đang đứng ở chỗ nào, mình phải chuẩn bị những gì. May mắn, thành công chỉ đến khi chúng ta đã chuẩn bị kỹ mọi mặt và tận dụng được cơ hội, vốn không phải lúc nào cũng sẵn.

PV: Thông điệp của PTSC là “Tuổi 30 vững vàng, vươn mình đón gió mới”. Ông có thể chia sẻ thêm về thông điệp này?

Ông Lê Mạnh Cường: Năm 2023 kỷ niệm 30 năm thành lập PTSC, cũng là 30 năm thương hiệu PTSC có mặt trên thị trường. Trong cuộc sống của mỗi người, tuổi 30 là tuổi trưởng thành, chín chắn và vững chãi. PTSC cũng vậy, đã trải qua một hành trình dài vượt qua sóng gió, nên dấu mốc 30 năm cũng là dấu mốc rất quan trọng, cũng là tuổi chín chắn, phong độ vững vàng của PTSC.

Bên cạnh đó, PTSC muốn truyền tải tinh thần lạc quan, tiên phong, khát vọng cùng tư duy đổi mới, sáng tạo, từ đó hướng đến tương lai, sẵn sàng cho các dự án mới, dịch vụ mới, thử thách mới và hành trình mới ở một tư thế chủ động “vươn mình”. “Gió mới” cũng sẽ là xu hướng mới, là nguồn năng lượng xanh vô tận cho nhân loại, tượng trưng cho lĩnh vực mới mà PTSC đang theo đuổi, tham gia.

Chính vì vậy, thế hệ cán bộ quản lý PTSC hiện nay cảm thấy rất vinh dự, tự hào và ý thức được trách nhiệm lớn lao khi đồng hành với PTSC trong giai đoạn phát triển mới. Với truyền thống chinh phục những thử thách cùng khát khao vươn lên, tin tưởng rằng bên cạnh lĩnh vực dịch vụ dầu khí truyền thống, mảng NLTTNK sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới cho PTSC theo đúng tinh thần “Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tham gia vào lĩnh vực NLTTNK, PTSC phải chuyển đổi từ sản xuất đơn chiếc sang hàng loạt; tăng năng lực bằng cách nhanh chóng đầu tư bổ sung máy móc, trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... Điểm mấu chốt là phải thay đổi tư duy và hành động phù hợp với tình hình mới.

Lê Trúc


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​