Dự án Biển Đông 01 từ góc nhìn khoa học công nghệ:
(Kỳ 5) Những thành tựu đáng ghi nhận
09:57 |
03/08/2021
Lượt xem:
5684
Việc phát triển thành công dự án khai thác khí - condensate Hải Thạch - Mộc Tinh không những phù hợp với chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, mà còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng về khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng…
Giàn PQP-HT và giàn WHP-HT1 thuộc Dự án Biển Đông 01
Tiến sĩ Ngô Hữu Hải - Tổng Giám đốc BIENDONG POC khẳng định: Các giải pháp khoa học – công nghệ được nghiên cứu, phát triển và áp dụng thành công đã tiết kiệm chi phí và hiệu quả mang lại hơn 602,3 triệu đô la Mỹ, trong đó tính riêng các giải pháp xây dựng mỏ là 467,9 triệu đô la Mỹ; nghiên cứu, phát triển và áp dụng công nghệ khoan và hoàn thiện giếng ở điều kiện đặc biệt phức tạp đã mang lại hiệu quả hơn 77,73 triệu đô la Mỹ, nhóm giải pháp sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong khâu tổ chức vận hành khai thác đã mang lại hiệu quả hơn 56,4 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần hiệu quả mang lại có thể tính toán được, những phần không thể tính toán được bao gồm các giải pháp sáng tạo nhằm giảm thiểu rủi ro nói chung để đảm bảo dự án phát triển thành công, các giải pháp về phát huy nội lực – tự chủ công nghệ, các giải pháp về khoa học quản lý để đưa dự án về đích đúng tiến độ, chất lượng thì không thể tính toán hiệu quả kinh tế được.
Lượng khí khai thác đã góp phần bổ sung quan trọng cung cấp cho các nhà máy điện - đạm tại khu vực Đông Nam Bộ trong bối cảnh sản lượng khai thác khí bị suy giảm nghiêm trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sản lượng khai thác liên tục trung bình 2 tỷ mét khối và 2,5 triệu thùng condensate mỗi năm từ khi bắt đầu đưa vào khai thác. Sau gần 8 năm khai thác, cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã mang về hơn 14,7 tỷ m3 khí và hơn 23,5 triệu thùng condensate, đem lại doanh thu rất lớn (hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm) đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Về khoa học - công nghệ
Dự án Biển Đông 01 là Dự án trọng điểm Quốc gia, một dự án đặc biệt phức tạp, yêu cầu kỹ thuật khắt khe - công nghệ tiên tiến, vùng mỏ nước sâu - cận sâu, xa bờ, áp suất cao - nhiệt độ cao, điều kiện khí hậu - hải dương rất khắc nghiệt, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Thành công của dự án đã góp phần quan trọng cho khoa học dầu khí phát triển những công nghệ hiện đại, sáng tạo với điều kiện cụ thể của Việt Nam; xây dựng và phát triển các giải pháp khoa học công nghệ về địa chất - công nghệ mỏ, khoan - hoàn thiện giếng, thiết kế - xây dựng mỏ và tổ chức vận hành - khai thác hiệu quả các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp.
Nghiên cứu, phát triển công nghệ trong ngành Dầu khí, với đặc điểm là ngành công nghiệp nặng, nhiều rủi ro, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ kỹ thuật cao, do đó, những thành tựu của Cụm công trình đã nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam. Việc tiếp nhận thành tựu khoa học công nghệ mới, làm chủ và cải tiến công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn trong hoạt động sản xuất đã không ngừng phát triển và nâng cao.
Kết quả của việc nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác hiệu quả các mỏ khí - condensate tại các lô 05-2 và 05-3 còn là tiền đề phát triển các sơ đồ tổng thể kết nối 2 hệ thống đường ống vận chuyển khí vào bờ là hệ thống đường ống Nam Côn Sơn 1 và Nam Côn Sơn 2 tại bể Nam Côn Sơn, tạo cơ hội thăm dò mở rộng - kết nối thêm các mỏ nhỏ, mỏ cận biên, tăng hiệu quả trong việc tận dụng và khai thác tối đa tài nguyên, góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.
Bảo dưỡng chân đế giàn Mộc Tinh
Về công tác quản lý, phát triển và sử dụng nội lực
Dự án được thực hiện trong nước, chủ yếu bởi các đơn vị trong ngành, sử dụng tối đa nội lực, do người Việt Nam trực tiếp quản lý và điều hành, tổng hợp được toàn lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thành công của dự án đã khẳng định sức mạnh nội lực, kỹ năng quản lý, trình độ của những người làm dầu khí Việt Nam hoàn toàn đủ sức chinh phục những mỏ dầu khí có điều kiện đặc biệt phức tạp với trình độ quản lý, sáng tạo trong khoa học, phát triển được công nghệ tiên tiến để chủ động, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Những thành tựu nghiên cứu cũng như kinh nghiệm quý báu trong suốt quá trình thực hiện dự án đã được chia sẻ và áp dụng thành công và rất hiệu quả tại các đơn vị khác trong nước suốt những năm qua như tại công ty Idemitsu Kosan Co., Ltd. (khoan thăm dò/ phát triển các mỏ khí - condensate Sao Vàng - Đại Nguyệt thuộc lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn, nằm tại khu vực có điều kiện tương tự mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, đã đón dòng khí thương mại đầu tiên vào ngày 16/11/2020), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí - PVEP (khoan một số giếng khoan thăm dò ở bể Sông Hồng), Vietgazprom (khoan các giếng khoan ở khu vực nước sâu bể Phú Khánh), Rosneft (khoan thành công các giếng thăm dò lô 05-3/11 và lô 06.1 - ngay cạnh khu vực phát triển của BIENDONG POC).
Về kinh tế - xã hội
Việc phát triển thành công và khai thác hiệu quả hai mỏ khí - condensate Hải Thạch và Mộc Tinh nhờ nghiên cứu và áp dụng những giải pháp khoa học - công nghệ đã và đang đem lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn cho đất nước. Lượng khí khai thác đã góp phần bổ sung quan trọng cung cấp cho các nhà máy điện - đạm tại khu vực Đông Nam Bộ trong bối cảnh sản lượng khai thác khí bị suy giảm nghiêm trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển hệ thống khí - điện/ đạm cho nước nhà.
Với sản lượng khai thác liên tục trung bình 2 tỷ mét khối và 2,5 triệu thùng condensate mỗi năm, sau gần 8 năm khai thác, cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã mang về hơn 14,7 tỷ m3 khí và hơn 23,5 triệu thùng condensate, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, việc phát triển thành công dự án Biển Đông 01 còn tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho hơn 5 nghìn lao động trực tiếp trong quá trình triển khai dự án trên bờ, ngoài biển và hàng vạn lao động trong các ngành sử dụng sản phẩm khí - condensate lâu dài của dự án và hình thành nên các ngành dịch vụ phụ trợ khác.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng kiểm tra mẫu condensate tại giàn khai thác Hải Thạch (Ảnh tư liệu)
Về chính trị - an ninh - quốc phòng
Sự biến đổi khôn lường của tình hình khu vực và trên Biển Đông khiến nhiệm vụ phòng thủ, hiện diện, bảo vệ an ninh trên biển và toàn vẹn lãnh hải trở thành nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức. Cụm công trình dầu khí Dự án Biển Đông 01, được xây lắp ở vùng thềm lục địa xa bờ ở các lô 05-2 và 05-3 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một đóng góp hết sức quan trọng và thiết thực, không ngừng củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ chế độ chính trị - xã hội và lợi ích dân tộc.
Về cơ sở hạ tầng và hiệu ứng lan tỏa
Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác thành công các mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh tạo điều kiện cho việc thẩm lượng và thăm dò các cấu tạo trong khu vực và các lô lân cận, là cơ sở hạ tầng vững chắc để mở rộng phát triển hoạt động dầu khí trong khu vực với chi phí thấp nhất, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ để vươn xa hơn, sâu hơn trong công tác thăm dò dầu khí. Chỉ tính riêng trong các Lô 05-2 và 05-3, hơn 11 cấu tạo tiềm năng khác có trữ lượng tại chỗ ước tính 2 tỷ 345 triệu thùng dầu quy đổi, lớn gấp 5 lần trữ lượng tại chỗ của 2 mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh.
Những thành tựu nghiên cứu cũng như kinh nghiệm quý báu trong suốt quá trình thực hiện dự án đã được chia sẻ và áp dụng thành công và rất hiệu quả tại các đơn vị khác trong nước suốt những năm qua như tại công ty Idemitsu Kosan Co., Ltd. (khoan thăm dò/ phát triển các mỏ khí – condensate Sao Vàng – Đại Nguyệt thuộc lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn, nằm tại khu vực có điều kiện tương tự mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, đã đón dòng khí thương mại đầu tiên vào ngày 16/11/2020), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí – PVEP (khoan một số giếng khoan thăm dò ở bể Sông Hồng), Vietgazprom (khoan các giếng khoan ở khu vực nước sâu bể Phú Khánh), Rosneft (khoan thành công các giếng thăm dò lô 05-3/11 và lô 06.1 – ngay cạnh khu vực phát triển của BIENDONG POC). Hơn nữa, chính nhờ những giải pháp, công nghệ của Cụm công trình này và những cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm tích lũy từ việc thực hiện thành công của dự án Biển Đông 1 là tiền đề để đưa các công ty dịch vụ trong nước lớn mạnh, tăng vượt bậc về khả năng, năng lực cạnh tranh, dẫn đến thành công trong việc đấu thầu quốc tế và triển khai các dự án EPCI ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành Dự án Biển Đông 1, trong những năm vừa qua, Công ty Cơ khí Hàng hải (PTSC-MC) là môt đơn vị của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), đơn vị tổng thầu EPCI của Dự án Biển Đông 1, đã trúng thầu và thực hiện hơn 23 dự án khác ở trong nước và ngoài nước với tổng giá trị hợp đồng hơn 600 triệu đô la Mỹ. Ngày 24/9/2019, Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PVD) đã ký kết hợp đồng cung cấp giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm Semi-TAD 15K PVD-V – giàn khoan được nghiên cứu công nghệ, xây dựng mới đã khoan thành công 16 giếng khai thác với điều kiện đặc biệt phức tạp cho Dự án Biển Đông 1 – với công ty Brunei Shell Petroleum Company Sdn Bhd (BSP), một hợp đồng khoan rất lớn “6+4 năm” hoạt động tại vùng biển Brunei, khẳng định nội lực và khả năng cạnh tranh quốc tế của PVD, và giàn khoan nửa nổi nửa chìm Semi-TAD 15K PVD-V. Tổng Giám đốc BIENDONG POC Ngô Hữu Hải chia sẻ.
(còn tiếp)
Bình luận