Bên cạnh các giá trị “vật chất” nhìn thấy được, biển đảo và vùng ven biển nước ta còn chứa đựng các giá trị tài nguyên phi vật thể, phi vật chất, không nhìn thấy được mà đến nay ít được chú ý, chưa được nhận thức đầy đủ và chưa được khai thác tương xứng tiềm năng. Trong đó có các giá trị dịch vụ, giá trị chức năng của các hệ sinh thái; các giá trị không gian, lợi thế địa lý, vị thế địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa… của các vùng biển, ven biển và đảo.
Tuy đa dạng và phong phú về kiểu loại, nhưng nhìn chung các dạng tài nguyên biển nước ta không có quy mô và trữ lượng quá lớn, thường ở mức trung bình và nhỏ. Đặc trưng này đòi hỏi phương thức khai thác thận trọng, tiết kiệm, không khai thác “quá nóng” dẫn đến mức tiêu hao nhanh, vượt ngưỡng tái tạo và thiếu bền vững.
Hiện tượng khai thác quá mức, quá nóng, thiếu bền vững biểu hiện ở chừng mực khác nhau trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực khai thác hải sản. Các ngành, lĩnh vực kinh tế biển mới, theo yêu cầu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, còn chậm đi vào hoạt động theo đúng nghĩa của nó, như: kinh tế bảo tồn biển, nghề cá biển giải trí, du lịch học hỏi dựa vào cộng đồng, dược liệu biển, năng lượng tái tạo, đô thị biển… Ngoài ra, các tác động của biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, hành vi ứng xử thiếu thân thiện của con người trong khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo, vùng ven biển đang là những thách thức lớn cả trong ngắn và dài hạn trong bối cảnh phức tạp, khó lường ở Biển Đông.
PV: Để khai thác bền vững tài nguyên biển Việt Nam, cần phải quy hoạch không gian biển như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Tài nguyên biển thuộc dạng “tài nguyên chia sẻ”, phân bố theo không gian ba chiều (trên bề mặt biển, trong khối nước biển, trên mặt đáy biển, trong lòng đất dưới đáy biển), là tiền đề cho phát triển đa ngành, đa mục tiêu. Nên, việc khai thác, sử dụng tài nguyên trong cùng một vùng biển thường xảy ra cạnh tranh lợi ích, xung đột không gian biển giữa các ngành/người sử dụng, đòi hỏi phải có giải pháp giảm thiểu và hài hòa lợi ích.
Và, quy hoạch không gian biển được xem là giải pháp then chốt, được áp dụng rộng rãi trên thế giới và Việt Nam đưa vào Luật Quy hoạch (năm 2017) với tư cách một quy hoạch cấp quốc gia. Sau đó, nó được đề cập với tư cách là một trong những giải pháp của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện quy hoạch không gian biển đang trong quá trình xây dựng để trình Quốc hội nước ta thông qua.
Về bản chất, quy hoạch không gian biển là việc lựa chọn phương án tổ chức không gian phát triển và kinh tế - xã hội cho thời kỳ dài hạn trên vùng biển xác định. Nó được thực hiện ở giai đoạn sớm của quá trình phát triển, đi trước một bước so với các hành động phát triển (đầu tư, sản xuất, khai thác, sử dụng, phân phối sản phẩm...). Vì thế, quy hoạch không gian biển trở thành công cụ hữu hiệu trong kiểm soát phát triển, hướng các hoạt động phát triển trên các vùng biển đi đúng “quỹ đạo”, đạt hiệu quả cao và bền vững.
Quy hoạch không gian biển phức tạp hơn so với những quy định đơn giản của quy hoạch sử dụng đất bởi lẽ nó ưu tiên giải quyết các mâu thuẫn và xung đột giữa các chính sách ngành theo không gian 3 chiều. Cho nên, quy hoạch không gian biển cũng được xem là công cụ hỗ trợ quản lý biển tổng hợp và thống nhất về mặt nhà nước dựa theo cách tiếp cận không gian, đặc biệt đối với các vùng biển và ven biển, đảo được khai thác, sử dụng ở quy mô lớn, cũng như đối với các ngành kinh tế biển mới nổi. Nó cung cấp cho quốc gia một phương thức để duy trì các giá trị đa dạng sinh học biển trong khi vẫn cho phép khai thác bền vững tiềm năng kinh tế biển, từ đó cân bằng nhu cầu phát triển và bảo tồn các hệ sinh thái biển, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.
Người lao động dầu khí bảo dưỡng chân đế giàn khoan
PV: Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của ngành Dầu khí và Petrovietnam trong Chiến lược kinh tế biển của đất nước trong giai đoạn tới?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Dầu khí là dạng tài nguyên phi sinh vật, không tái tạo. Dầu khí đóng vai trò chiến lược trong bảo đảm an ninh năng lượng và trong thị phần xuất khẩu của đất nước ta.
Dầu khí là ngành kinh tế biển then chốt, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư và phát triển từ rất sớm so với các ngành, lĩnh vực kinh tế biển khác. Thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù, ngành này đã thay đổi đột phá về mặt công nghệ, phát huy hiệu quả từ công tác hợp tác quốc tế. Bởi thế, ngành Dầu khí, cùng với ngành thủy sản là những ngọn cờ tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế, chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu, đóng góp quan trọng ngay từ khi kinh tế đất nước còn muôn vàn khó khăn, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước trên Biển Đông.
Petrovietnam ra đời và trưởng thành gắn liền với lịch sử phát triển ngành Dầu khí - những trang sử hào hùng, khẳng định tên thương hiệu Petrovietnam không chỉ trong thương trường mà còn được nhân dân và Tổ quốc ghi nhận. Petrovietnam cùng ngành Dầu khí vượt qua những “cơn phong ba, bão táp” để đưa những con tàu và những mũi khoan dầu khí ra xa hơn, xuống sâu hơn trong các vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Petrovietnam cũng luôn giữ vững và phát huy truyền thống hợp tác hữu nghị trong lĩnh vực dầu khí với Liên Xô cũ và ngày nay là Liên bang Nga, đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia và tập đoàn dầu khí khác phù hợp với đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, Petrovietnam tiếp tục thúc đẩy từ chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến sang đổi mới sáng tạo, vươn lên tự khẳng định trình độ công nghệ dầu khí Việt Nam.
Một số xuất bản phẩm của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
Bên cạnh đó, Petrovietnam đã chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ dầu khí trẻ có kiến thức, kỹ năng tốt; kế thừa và phát huy truyền thống của ngành và thế hệ cán bộ cha anh đi trước. Những năm gần đây, Petrovietnam và ngành Dầu khí không chỉ mở rộng sản xuất dầu khí trong nước, mà còn đầu tư ra một số nước trên thế giới, khẳng định “tầm vóc Việt” trong lĩnh vực dầu khí.
Với vai trò và những đóng góp quan trọng như vậy, ngành Dầu khí và Petrovietnam luôn được ghi nhận là ngành kinh tế biển then chốt trong nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngành Dầu khí và Petrovietnam chắc chắn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công “Khát vọng Việt Nam” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
PV: Petrovietnam đang trong quá trình “chuyển đổi xanh”, phát triển các loại năng lượng tái tạo. Theo ông để làm tốt được quá trình này thì cần những gì, khi hướng ra biển?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Mặc dù có tiềm năng và có nhiều nỗ lực trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biển và thương mại dầu khí, nhưng ngành Dầu khí cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó có “chuyển đổi xanh”. Cho nên, bên cạnh đẩy mạnh công tác dầu khí “truyền thống”, Petrovietnam đã xây dựng được một chuỗi giá trị khép kín với 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh ở nước ta chịu tác động mạnh mẽ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Trong xu hướng này, Petrovietnam đang chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng hàng loạt dự án nhà máy điện chạy bằng LNG và cả những dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) ở nước ngoài.
Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh, tái tạo vẫn cần cách tiếp cận từng bước, triển khai theo lộ trình, cẩn trọng vừa làm, vừa điều chỉnh. Theo đó, công tác dầu khí truyền thống vẫn phải duy trì, cần “vươn ra xa hơn, xuống sâu hơn” để tìm kiếm mỏ mới, mở rộng trữ lượng. Bên cạnh đó, tiếp tục giảm xuất khẩu dầu thô để chế biến sâu dầu khí nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Giảm “khai thác nóng” để bảo đảm “lượng dầu tồn dư” trong mỏ sau khai thác ở mức thấp nhất, góp phần tiết kiệm tài nguyên. Phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu; bảo đảm thu gom 100% sản lượng khí của các lô/mỏ mà Petrovietnam và các nhà thầu dầu khí khai thác tại Việt Nam. Phát huy năng lực và kinh nghiệm của Petrovietnam trong tổ chức triển khai các dự án ĐGNK đang làm ở nước ngoài; tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực, tận dụng hạ tầng cơ sở: bến, bãi, phương tiện vận chuyển, kỹ thuật công trình biển… của ngành để sớm tự lực thực hiện các dự án ĐGNK, năng lượng biển tái tạo.
Dầu khí là ngành kinh tế biển then chốt
Ngoài các vấn đề nội ngành trên, để cụ thể hóa, hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII liên quan tới phát triển ĐGNK vẫn cần giải quyết một số vấn đề, như: Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các dự án ĐGNK; Nhà nước phải xây dựng và ban hành hướng dẫn đánh giá môi trường riêng, phù hợp với đặc thù của các dự án ĐGNK; Nên giao Petrovietnam khảo sát, lựa chọn địa điểm tập kết ở ven biển các trang thiết bị “siêu trọng” và cảng chuyển tải ra biển ở khu vực quy hoạch xây dựng trại ĐGNK; Chuẩn bị phương án “bảo đảm an toàn, an ninh” trước các tác động tiềm ẩn của thiên tai và nhân tai đối với các trại ĐGNK trong quá trình thi công và vận hành.
PV: Ông có đánh giá gì về việc phát triển các công trình của ngành Dầu khí trên biển gắn với an ninh, quốc phòng?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Biển Đông được xác định là “không gian sinh tồn” (phát triển và an ninh) cho các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam. Lịch sử nước ta cho thấy biển luôn gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Tình hình Biển Đông vẫn “yên” nhưng chưa “ổn”. Cho nên, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển là hai mặt của một vấn đề, vừa mang tính chiến lược, vừa xuất phát từ thực tiễn phức tạp, khó lường ở Biển Đông. Bảo vệ biển thông qua việc thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông phải dựa trên nền tảng của các hoạt động kinh tế - xã hội biển, đảo. Kinh tế biển hiệu quả, bền vững sẽ bảo đảm vững chắc các quyền và lợi ích của nước ta trên Biển Đông.
Trong đó, hoạt động dầu khí và các công trình dầu khí trên biển, ở chừng mực nào đó, đều gắn với quốc phòng, an ninh. Các hoạt động điều tra, tìm kiếm, thăm dò dầu khí là các bằng chứng về hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam ở các vùng biển nước ta tuyên bố có các quyền và lợi ích, phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế. Các giàn khoan cố định không chỉ là các cột mốc chủ quyền trên biển của Việt Nam, mà còn là những căn cứ phòng thủ, đài quan sát, “tai mắt” trên biển. Các giàn khoan nổi di động hạ đặt ở đâu sẽ khẳng định các quyền và lợi ích của Việt Nam ở đó. Và với không gian rộng lớn, các giàn khoan di động có thể trở thành các căn cứ quốc phòng nổi trên biển. Các con tàu, trực thăng, các trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại trên tàu, trên giàn khoan… có thể hỗ trợ cho công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển khi được huy động phối hợp. Các giàn khoan cố định cũng là chỗ dựa của bà con ngư dân khi có nhu cầu tránh trú bão, hoặc các trường hợp khẩn cấp khác. Ngược lại, do tầm vóc và giá trị của các công trình dầu khí trên biển, nên các hoạt động dầu khí này luôn nhận được sự bảo vệ của các lực lượng bền quốc phòng, an ninh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi là Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Ông là nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chuyên gia tư vấn độc lập; Ủy viên Hội đồng trung ương của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); Ủy viên thường trực Hội Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), kiêm Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường biển (VAMEN) trực thuộc VACNE.
Minh Tiến