Nền Công nghiệp dầu khí Việt Nam: Cần sự bứt phá trong Khoa học - Công nghệ
Đảng và Nhà nước luôn xác định khoa học và công nghệ (KHCN) giữ vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới của nước ta, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì thế đã sớm có nhiều định hướng và nghị quyết quan trọng về vị trí, vai trò của KHCN. Mặc dù có nhiều đóng góp nhất định, nhưng để tạo cú hích cho nền công nghiệp phát triển, KHCN cần những bứt phá, đặc biệt trước cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi sự cạnh tranh về hiệu quả, chất lượng, sức sáng tạo trong nền kinh tế tri thức

 

Lịch sử phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã chứng minh động lực phát triển và kết quả mang lại từ nền công nghiệp dầu khí được dựa trên hiệu quả tiếp thu và ứng dụng sáng tạo những giải pháp và thành quả KHCN tiên tiến thế giới, vì thế trong Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), KHCN được xác định là một trong những động lực then chốt để phát triển.

Nền công nghiệp dầu khí chỉ có bước phát triển tăng vọt khi có sự đột phá trong lĩnh vực KHCN và sự tăng trưởng của nền công nghiệp dầu khí sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của KHCN.

KHCN không có bước đột phá trong sáng tạo là dấu hiệu báo trước sự tụt hậu, mất sức cạnh tranh của nền công nghiệp dầu khí, đặc biệt trước sức ép hội nhập về hiệu quả và năng suất, trước đòi hỏi cạnh tranh về năng lực trí tuệ và sức sáng tạo của cuộc CMCN 4.0, sự biến động của kinh tế dầu khí thế giới theo chiều hướng xấu.

I. lược sử phát triển KHCN của ngành Dầu khí Việt Nam

Kể từ khi thành lập vào năm 1960 đến nay, lịch sử phát triển KHCN dầu khí có thể được thể hiện theo bức tranh hiệu ứng KHCN dạng hình chữ “S”, với những đỉnh bứt phá về tăng trưởng của nền công nghiệp dầu khí Việt Nam, có thể định dạng đã trải qua 3 giai đoạn phát triển, hiện đang ở giai đoạn thứ 4.

Giai đoạn phát triển thứ I - Khẳng định tiềm năng dầu khí Việt Nam.

Từ năm 1960-1975 là thời kỳ sơ khai, đào tạo và tích lũy kiến thức. Hình thành trên cơ sở của đoàn địa chất thăm dò với công nghệ của Liên Xô, chúng ta đã tiến hành tìm kiếm dầu khí trên Đồng bằng Bắc Bộ và vùng Đông Bắc Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, nhưng Đảng, Nhà nước rất quyết tâm dồn sức tìm dầu. Chúng ta đã khoan hàng trăm giếng khoan, trong đó có những giếng khoan sâu trên 3.000m, tiến hành hàng trăm kilômét tuyến địa chấn và trọng lực, nói cách khác đã áp dụng những giải pháp khoa học, công nghệ tiến bộ của Liên Xô thời kỳ đó để tìm dầu. Kết quả đã phát hiện mỏ khí Tiền Hải, mặc dù trữ lượng khiêm tốn.

Ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn đã hợp tác với các công ty nước ngoài triển khai tìm kiếm dầu khí trên thềm lục địa và đã khoan một số giếng phát hiện dầu khí.

Thành quả và là bứt phá của KHCN đầu tiên ở giai đoạn này là sự khẳng định Việt Nam là nước có tiềm năng dầu khí và dầu khí được phát hiện ở thềm lục địa cũng như trên đất liền, ở miền Nam và miền Bắc, khi nhiều tư liệu quốc tế còn nghi ngờ. Qua sự hợp tác, chúng ta đã tiếp cận, tích lũy và ứng dụng những giải pháp KHCN để chứng minh tiềm năng dầu khí Việt Nam. Do điều kiện chiến tranh nên hiệu ứng của KHCN đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước bị hạn chế.
Giai đoạn phát triển thứ II - Phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả tầng dầu trong đá móng granit nứt nẻ, một đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí.

Từ năm 1975-1988 là giai đoạn tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới để thăm dò dầu khí ngoài thềm lục địa.

Đất nước thống nhất và sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước phát triển ngành Dầu khí Việt Nam thành tiềm năng vật chất để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chính sách khơi thông hợp tác quốc tế đa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, dù hiệu ứng có bị hạn chế do cấm vận kéo dài và chiến tranh biên giới.

Chúng ta đã tiến hành hàng nghìn kilômét tuyến địa chấn, ứng dụng các phương pháp xử lý tiên tiến trình độ quốc tế thời bấy giờ, xây dựng mạng tọa độ chính xác qua hệ định vị toàn cầu và khoan hàng chục giếng khoan sâu đến 4.000m bằng các phương tiện

khoan biển hiện đại. Đặc biệt, chúng ta đã có bước phác họa về tiềm năng dầu khí trên toàn thềm lục địa Việt Nam, xây dựng được căn cứ logistics, đặt nền móng cho công nghiệp dịch vụ kỹ thuật cao, lĩnh hội được công nghệ chế tạo các chân đế giàn khoan và lắp ráp các giàn công nghệ khai thác dầu ngoài biển. Chúng ta đã xây dựng được đội ngũ KHCN, bắt đầu phát huy được hiệu quả. Ngày 26-6-1986, Việt Nam bắt đầu khai thác công nghiệp tấn dầu đầu tiên và tham gia thị trường xuất khẩu dầu thô thế giới.


Biểu đồ tăng trưởng ngành Dầu khí Việt Nam theo hiệu ứng KHCN

Đỉnh cao về hiệu ứng KHCN là sự phát hiện tầng dầu phi truyền thống, chưa có tiền lệ trong khoa học dầu khí; bắt đầu xây dựng phương pháp luận và hệ phương pháp để khai thác tầng dầu đặc biệt này - tầng dầu trong đá móng nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với trữ lượng siêu cấp riêng ở tầng móng trên 4 tỉ thùng. Tên mỏ Bạch Hổ với tầng dầu trong đá móng granit nứt nẻ đã đi vào các văn liệu dầu khí thế giới. Công trình này đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2012.

Sự phát hiện tầng dầu trữ lượng lớn và bắt đầu tổ chức khai thác với sản lượng ngày càng gia tăng đã tạo động lực tăng trưởng nền kinh tế khởi đầu thời kỳ đổi mới đất nước, đồng thời đánh dấu sự bứt phá lần II, tạo đà cho KHCN dầu khí bùng nổ ở giai đoạn phát triển thứ III.

Giai đoạn phát triển thứ III - Xây dựng ngành Dầu khí đồng bộ theo chuỗi giá trị, khai thác dầu ở sản lượng đỉnh, hoàn chỉnh cơ chế và khung pháp lý cho hoạt động dầu khí.

Từ năm 1988 đến 2010, được tiếp sức bởi chính sách mở cửa của thời kỳ đổi mới, Luật Dầu khí ra đời tạo khung pháp lý thuận lợi cho hợp tác quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh, toàn diện từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến (lọc - hóa dầu) và dịch vụ kỹ thuật đã định hướng và tạo không gian rộng mở để phát triển nền công nghiệp dầu khí và sự thăng hoa của KHCN dầu khí Việt Nam trong giai đoạn phát triển thứ III.

KHCN dầu khí có xu thế chuyển đổi dần từ nghiên cứu khoa học, điều tra tài nguyên sang các lĩnh vực mới về thiết kế công trình, nghiên cứu ứng dụng…

Những thành tựu KHCN cao, mang tính ứng dụng sáng tạo quan trọng trong giai đoạn này là:

1. Tiến hành khảo sát địa vật lý phủ toàn bộ diện tích thềm lục địa Việt Nam ở các tỷ lệ khác nhau, triển khai khoan tìm kiếm vùng biển nước sâu đến 1.000m, hoàn chỉnh việc đánh giá tiềm năng tài nguyên dầu khí Việt Nam và phân vùng triển vọng ưu tiên tìm kiếm dầu khí, có những đóng góp quan trọng trong việc lập báo cáo xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam một cách khoa học theo Luật Biển 1982.

2. Hoàn thiện lý luận chưa có tiền lệ về tầng chứa đá móng granit nứt nẻ, phương pháp luận, hệ phương pháp và công nghệ để khai thác dầu với nhịp độ cao, hiệu quả lớn, với sản lượng đỉnh ở mức 10,5-11 triệu tấn/năm và kéo dài gần 4 năm ở mỏ Bạch Hổ, với hệ số thu hồi dầu cao, duy trì năng lượng vỉa bằng ép nước có kiểm soát... Xây dựng và hoàn thiện phương pháp luận về cơ chế dòng chảy của dầu trong đường ống và hệ giải pháp khoa học công nghệ để vận chuyển an toàn dầu nhiều parafin có nhiệt độ lắng parafin và đông đặc cao, chiều dài trên 750km kết nối dưới biển để vận chuyển dầu đưa về giàn xử lý trung tâm từ các giếng dầu nhiều khí, giếng dầu có sản lượng và áp suất đầu giếng khác nhau, các giếng dầu lẫn nước và các giếng nước lẫn dầu.

Những giải pháp công nghệ sáng tạo này đã giúp không những vận chuyển dầu trong nội bộ mỏ, mà kết nối cả mỏ nằm xa đến 30-40 km và những mỏ nhỏ cận biên kinh tế nếu khai thác đơn lẻ sẽ không hiệu quả. Hiệu ứng tích hợp các giải pháp KHCN trong giai đoạn này đã đưa việc khai thác riêng về dầu toàn ngành Dầu khí Việt Nam lên mức trần với sản lượng đạt gần 22 triệu tấn/năm. Riêng Vietsovpetro sau 30 năm đã khai thác trong đá móng trên 200 triệu tấn dầu với doanh thu trên 75 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 46 tỉ USD (chưa kể 30 tỉ m3 khí giao cho phía Việt Nam với giá 0 đồng) là một trong các nền tảng quan trọng bảo đảm cho sự thành công của công cuộc đổi mới của nền kinh tế Việt Nam.


Cụm giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hô

Công trình khoa học về các giải pháp công nghệ thu gom, vận chuyển an toàn dầu nhiều parafin có nhiệt độ lắng parafin và đông đặc cao đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

3. Xây dựng và hoàn thiện công nghiệp vận chuyển và chế biến khí.

Yêu cầu phải sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn cháy nổ và bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực, giải quyết bài toán khủng hoảng về điện và phân bón thập niên 90 của thế kỷ trước đòi hỏi tận thu tất cả các khí đồng hành phải đốt bỏ ngoài biển và đưa vào bờ phục vụ nhu cầu sản xuất điện và sản xuất phân bón. Công trình sớm đưa khí đồng hành vào bờ với những giải pháp hoàn thiện dần công nghệ thu gom, xử lý và từng bước nâng công suất đồng bộ với sự gia tăng sản lượng dầu ở mỏ Bạch Hổ là sự sáng tạo của những người làm KHCN dầu khí, đáp ứng được sự tăng trưởng ngành điện và đặt nền móng cho sự phát triển lĩnh vực hóa dầu đầu tiên của Việt Nam.

Sự hình thành Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ với nhu cầu về điện tăng nhanh đòi hỏi sớm khai thác mỏ khí lớn Lan Tây ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam đưa vào bờ. Đường ống dẫn khí Nam Côn sơn đường kính 26 inches (660mm) dài 370km dẫn khí ở trạng thái 2 pha vào bờ, công suất 7 tỉ m3 khí/năm được xem là một trong những công trình lớn bậc nhất thế giới đòi hỏi những giải pháp KHCN bảo đảm tính ổn định, an toàn cao trong vận hành, đánh dấu sự trưởng thành của KHCN dầu khí Việt Nam cuối thế kỷ XX.

Một dấu ấn KHCN quan trọng là sự hình thành ngành công nghiệp điện khí với các nhà máy điện Phú Mỹ và Nhơn Trạch.

Vào đầu thập niên của thế kỷ XXI, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa nông thôn của Đảng, ngành Dầu khí Việt Nam triển khai xây dựng Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau và đường ống dẫn khí dài 327km, đường kính 405mm, công suất 2 tỉ m3 khí/năm từ khu khai thác chung trên thềm lục địa giữa Việt Nam - Malaysia (PM3) về khu công nghiệp Khánh An huyện U Minh - Cà Mau. Việc đưa khí có hàm lượng CO2 cao vào bờ để phát triển điện và đạm một lần nữa ghi nhận thành tựu công nghệ trong lĩnh vực xử lý và vận chuyển khí.


Nhà máy Điện Cà Mau 1 & 2


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​