Bác Hồ với ngành Dầu khí: Tầm nhìn chiến lược thiên tài
Sau 60 năm hình thành và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước. Đó là thành quả của tầm nhìn vĩ đại, thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là trí tuệ và quyết tâm, sự chỉ đạo sáng suốt kịp thời của Bộ Chính trị, Chính phủ, là kết quả của lao động sáng tạo, kiên trì, lòng kính yêu đối với Bác Hồ của lớp lớp thế hệ người dầu khí.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu dầu khí Bacu, năm 1959.

Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, thực hiện công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nghĩ đến việc xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí hùng mạnh, mặc dù, lúc này chưa có những khảo sát một cách toàn diện và chuyên sâu về dầu mỏ ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Đông Âu năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm giàn khoan dầu của Rumani và nhà máy lọc dầu ở Bulgari. Đặc biệt, trong chuyến thăm Liên Xô, ngày 23/7/1959, khi tới thăm khu công nghiệp dầu khí ở Bacu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Azerbaijan rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu"… Lời của Bác cũng chính là những dòng chữ vàng đầu tiên của lịch sử ngành Dầu khí nước nhà, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là “kim chỉ nam” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí hơn 60 năm qua.

Từ cuối những năm 1950, để chuẩn bị cán bộ cho phát triển ngành Dầu khí, Nhà nước ta đã cử nhiều học sinh đi du học về dầu khí tại Liên Xô, Pháp, Rumani, Hungary, Albani, Tiệp Khắc, Ba Lan, Trung Quốc..., đồng thời, mời nhiều chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam khảo sát, nghiên cứu, đánh giá triển vọng dầu khí ở miền Bắc. Trong hai năm 1960 và 1961, các chuyên gia hai nước đã hoàn thành báo cáo tổng hợp đầu tiên ở nước ta “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, cùng với kết luận ban đầu tại báo cáo địa chất dầu khí nói trên, ngày 9/10/1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Địa chất, trong đó đã xác định rõ có tổ chức Đoàn thăm dò Dầu lửa. Ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất có Quyết định số 271-ĐC thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36 (tên quen gọi là Đoàn 36 và từ năm 1969 là Liên đoàn địa chất 36). Đây cũng chính là tổ chức Việt Nam đầu tiên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam, tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ngày nay.

Sự ra đời của Đoàn Dầu lửa 36 khi đất nước đang dốc toàn sức cho cuộc kháng chiến gian khổ và phải triển khai tìm kiếm dầu khí dưới bom đạn của đế quốc Mỹ đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ thực hiện ý nguyện của Bác Hồ.

Dù với bao khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh ác liệt kéo dài, công tác tìm kiếm và khoan thăm dò dầu khí vẫn liên tục được duy trì ở Đồng bằng Bắc Bộ. Phải sau 15 năm, chúng ta mới phát hiện được dòng khí thiên nhiên và condensate có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải - Thái Bình vào ngày 18/3/1975 và những mét khối khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải được khai thác dẫn đến trạm turbine khí phát điện vào ngày 19/4/1981.

Từ tầm nhìn chiến lược của Bác, sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III cùng với những kết quả hoạt động và kinh nghiệm của quá trình khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc đã tạo cơ sở ban đầu vững chắc cho sự phát triển của ngành Dầu khí sau này.

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, chúng ta đã bắt tay ngay vào việc khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh nhằm xây dựng cuộc sống mới. Lúc này là thời kỳ đất nước ta phải đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Với mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững, Đảng và Chính phủ ta đã đề ra phương hướng, chỉ đạo các bước đi cụ thể để phát triển lĩnh vực dầu khí Việt Nam. Tháng 7/1975, đoàn công tác của Việt Nam đã sang thăm Mexico và sau đó là sang Pháp để đàm phán hợp tác về dầu khí. Ngày 6/8/1975, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời sẵn sàng thảo luận với các chính phủ và các công ty nước ngoài muốn tham gia. Nhiều hợp đồng dầu khí được ký kết để tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam với kỳ vọng nguồn dầu khai thác sẽ là động lực vực nền kinh tế đất nước đi lên sau chiến tranh. Nhưng do cấm vận và đặc biệt cuộc chiến tranh biên giới đã làm gián đoạn tiến trình đó, các công ty tư bản đã ra đi, chấm dứt các hợp đồng thăm dò dầu khí năm 1979.

Kỳ vọng về nguồn dầu khai thác từ thềm lục địa Việt Nam tưởng chừng sụp đổ, nhưng với quyết tâm kiên trì xây dựng ngành Dầu khí làm động lực phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã quyết định ký Hiệp định Hợp tác chiến lược với Liên Xô, trong đó có việc thành lập liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên một số lô ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Bước đi quan trọng này đã tạo bước ngoặt lịch sử, làm tiền đề để xây dựng nền công nghiệp Dầu khí ngày nay.

Năm 1981, Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (nay là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro) tại Vũng Tàu được ký kết theo Hiệp định Hợp tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô. Ngày 26/6/1986, Vietsovpetro khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, ghi tên Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô trên thế giới. Và rồi, kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới (1986) đến nay, Việt Nam đã mở rộng hợp tác quốc tế thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, nâng tầm và mở rộng quy mô, trình độ phát triển; nhiều mỏ dầu, khí đã được phát hiện và đưa vào khai thác, thu được những thành tựu rất lớn cả về góc độ khoa học và kinh tế.


"Thành phố dầu" trên mỏ Bạch Hổ

Có thể nói, bằng linh cảm thiên tài và tầm nhìn chiến lược, mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi đất nước vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đó đến nay, công nghiệp dầu khí nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, từ không đến có, từ ít đến nhiều và đã trở thành ngành công nghiệp hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối. Với ý chí quyết tâm chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, đi lên từ hai bàn tay trắng, nhờ sự lao động sáng tạo, miệt mài, chăm chỉ, hy sinh vì Tổ quốc của những người làm dầu khí Việt Nam, chúng ta đã tạo dựng nên cơ ngơi dầu khí tầm cỡ trong khu vực, đưa Việt Nam vào bản đồ các quốc gia sản xuất dầu mỏ trên thế giới. Đây là thành tựu mà người Việt Nam nói chung, những người làm dầu khí nói riêng, hết sức tự hào.

Năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), khi vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh Covid-19, vừa phải ứng phó với sự suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí. Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng, văn hóa Petrovietnam được kết tinh qua nhiều thế hệ, Petrovietnam đã vượt qua khủng hoảng kép, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch, về đích sớm nhiều chỉ tiêu quan trọng: Sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch năm trước 26 ngày; cả năm đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8,0% kế hoạch. Sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỉ m3. Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch năm trước 1 tháng 17 ngày; cả năm đạt 1,80 triệu tấn, vượt 15,0% kế hoạch. Sản xuất xăng dầu đạt 11,87 triệu tấn, vượt 0,5% kế hoạch năm. Sản xuất điện đạt 19,17 tỉ kWh... Với giá dầu thô trung bình năm 2020 chỉ có 43,8 USD/thùng, bằng 73% so với mức giá kế hoạch Quốc hội thông qua (60 USD/thùng), Petrovietnam vẫn đạt tổng doanh thu 566 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 83 nghìn tỉ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17,5 nghìn tỉ đồng...

4 tháng đầu năm 2021, Petrovietnam tiếp tục hoàn thành vượt mức cao so với kế hoạch ở hầu hết các chỉ tiêu được giao: Doanh thu hợp nhất ước đạt 124,42 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch 4 tháng và bằng 35% kế hoạch năm, tăng 47% so với cùng kỳ. Tổng số nộp ngân sách của toàn Tập đoàn 4 tháng 2021 ước đạt 27,5 nghìn tỷ, vượt cao so với kế hoạch 4 tháng cũng như cùng kỳ. Đặc biệt, chỉ tiêu lợi nhuận của Petrovietnam vượt rất cao so với kế hoạch và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 4 tháng ước đạt 15,42 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch 4 tháng và bằng 94% kế hoạch năm, gấp 2,46 lần so với cùng kỳ, vượt hơn nhiều so với mức tăng của giá dầu.


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​