Bloomberg: Chương tiếp theo của khủng hoảng dầu là đóng cửa toàn ngành?
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu/ngày nhưng con số hiện nay chỉ còn khoảng 65-70 triệu thùng/ngày. Bởi vậy trong kịch bản tệ nhất, khoảng 1/3 nguồn cung toàn cầu hiện nay sẽ bị buộc phải đóng cửa.

Giá dầu WTI xuống mức âm, những tàu chở dầu vô định trên biển vì không có người mua, các nhà môi giới dầu mỏ bi quan về thị trường cũng như không tìm được nơi trữ dầu…hàng loạt tin xấu đang đến với ngành dầu mỏ. Tuy nhiên đây chưa phải điều bi quan nhất.

 

Theo hãng tin Bloomberg, chương tiếp theo của ngành dầu mỏ, đặc biệt là ngành dầu mỏ Mỹ đã gần như chắc chắn: Đóng cửa hàng loạt.

Tác động của dịch Covid-19 đến ngành dầu mỏ thế giới là vô cùng to lớn theo nhiều giai đoạn. Đầu tiên, dịch bệnh khiến nhu cầu giảm do lệnh cách ly, nhà máy đóng cửa còn các tái xế bị buộc phải ngồi nhà. Cầu giảm khiến lượng dưa thừa dầu ngày một tăng, nhất là khi các nhà đầu cơ muốn trữ dầu hơn là bán ra trong thời điểm hiện tại với giá bèo.

Trớ trêu thay, khi các bể chứa dầu hết chỗ, giá vận chuyển dầu cũng như trữ dầu cũng tăng theo, buộc các nhà đầu cơ phải đưa ra lựa chọn: bán tháo hoặc tiếp tục chịu khoản chi phí đắt đỏ chờ giá dầu tăng trở lại.

 

Giá dầu WTI đã có lúc xuống mức dưới 0 USD/thùng

Rõ ràng, các nhà đầu tư quyết định bán tháo và đây là nguyên nhân chính khiến giá dầu WTI giao tháng 5/2020 trên thị trường kỳ hạn New York giảm xuống dưới 0 USD/thùng.

Trong khi nhiều người chờ đợi giá dầu sẽ tăng trở lại thì các chuyên gia cho rằng một cuộc khủng hoảng toàn diện trong ngành dầu mỏ đang diễn ra. Giá dầu giảm sâu sẽ khiến hàng loạt mỏ khai thác dầu phải ngừng hoạt động, kéo theo đó là mất việc làm, phá sản cũng như kéo cả nền kinh tế địa phương quanh vùng đi xuống.

 Mặc dù nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đã cắt giảm sản lượng nhưng với việc giá dầu âm diễn ra trong tuần trước, việc buộc phải đóng cửa đã là điều không thể tránh khỏi.

"Chúng ta đang bước vào giai đoạn kết thúc cuộc chơi (End Game). Đỉnh điểm của sự khủng hoảng sớm nhất sẽ diễn ra vào giữa tháng 5/2020. Chúng ta chỉ còn cách cuộc khủng hoảng này vài tuần chứ chẳng phải vài tháng nữa đâu", Giám đốc bộ phận giao dịch hàng hóa Torbjorn Tornqvist của Gunvor Group cảnh báo.

Cơn địa chấn sắp tới

Theo lý thuyết, đợt cắt giảm sản lượng đầu tiên sẽ đến từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và những đồng mình, vốn đã được ký kết từ đầu tháng 4 nhằm bắt đầu hạ sản lượng từ 1/5/2020. Tuy nhiên, đợt giảm giá sâu tuần trước lại đến từ thị trường dầu kỳ hạn WTI, vốn là địa bàn của các hãng dầu đá phiến Mỹ.

Trong kịch bản khả quan nhất về thị trường dầu mỏ Mỹ, các hãng dầu sẽ buộc phải giảm sản lượng khi giá dầu hạ. Tuần trước, số giàn khoan còn hoạt động tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, các công ty dầu mỏ Mỹ có khoảng 650 giàn khoan đang khai thác thì đến ngày 24/4/2020, con số này đã giảm hơn 40% xuống chỉ còn 378 giàn khoan.

 

Hoạt động khai thác dầu của Mỹ giảm gần 50% kể từ tháng 1/2020

Một trong những hãng xuất khẩu dầu thô lớn nhất tại Mỹ là Trafigura nhận định rằng các mỏ khai thác tại Texas, New Mexico, Bắc Dakota cùng nhiều bang khác sẽ phải giảm sản lượng nhiều hơn dự đoán do ảnh hưởng từ giá dầu âm tuần trước.

Trước đó, các chuyên gia dự đoán ngành dầu đá phiến Mỹ sẽ phải giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2020 nhưng với những gì diễn ra hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng chúng sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2020.

Những hãng dầu lớn như South Texas Sour hay Eastern Kansas Common đã phải thanh toán hơn 50 USD/thùng cho các nhà khai thác để buộc họ giảm sản lượng vào tuần trước. Trong khi đó Conoco Phillips và Continental Resources Inc cũng tuyên bố kế hoạch cắt giảm sản lượng. Bang Oklahoma và New Mexico đều đang có kế hoạch đóng cửa một số mỏ dầu để cắt giảm chi phí trữ dầu.

Tại Bắc Dakota, vốn là tâm điểm khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng đang chứng kiến làn sóng đóng cửa hàng loạt. Các hãng khai thác tại đây đã đóng hơn 6.000 mỏ dầu, cắt giảm khoảng 405.000 thùng/ngày, tương đương 30% sản lượng vì giá dầu giảm sâu.

Không riêng gì Mỹ, giá dầu ở mức quá thấp do ảnh hưởng kinh tế đã khiến hàng loạt các doanh nghiệp từ Châu Phi cho đến Châu Á, từ Việt Nam cho đến Brazil phải cân nhắc giảm sản lượng hoặc có kế hoạch đối phó.

"Tôi không muốn bi quan thái quá nhưng rõ ràng rủi ro đóng cửa hàng loạt trong ngành dầu mỏ đang hiện hữu. Tại một số nơi trên thé giới, rủi ro này thậm chí đã trở thành sự thực", Giám đốc Mitch Flegg của hãng dầu mỏ Serica Energy thừa nhận.

Trong tuần vừa qua, phần lớn hội đồng quản trị của các hãng dầu bất kể lớn bé đều họp để bàn phương án đối phó khi thị trường dầu ảm đạm sau dịch Covid-19. Kinh tế trì trệ, nhu cầu thấp khiến giá dầu khó lòng tăng được trở lại trong thời gian ngắn.

Đối với những hãng dầu nhỏ, việc đầu tiên họ cần làm trong những tuần tới là cố gắng sống sót. Tuy nhiên ngay cả những công ty lớn như Exxon Mobile hay BP cũng gặp phải thách thức sống còn.

 

Theo hiệp định đã ký kết, các quốc gia như Ả Rập Xê Út, Nga hay OPEC cùng đồng minh sẽ bắt đầu cắt giảm hơn 20% sản lượng, tương đương 9,7 triệu thùng dầu/ngày từ 1/5. Trớ trêu thay, tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco của Ả rập Xê Út đã giảm sản lượng xuống mức theo như kế hoạch từ trước đó, trong khi các hãng dầu mỏ của Nga cho biết xuất khẩu dầu thô Ural tháng 5 có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Ngay cả như vậy, tình hình vẫn chưa thể khả quan hơn. Hàng tuần, khoảng 50 triệu thùng dầu vẫn được khai thác. Con số này đủ để cung cấp cho cả Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh cộng lại. Với đà khai thác như hiện nay, các kho trữ dầu trên thế giới sẽ đầy vào tháng 6/2020.

Khi các kho trữ dầu đã đầy, nhà đầu tư sẽ buộc phải trữ dầu trên các tàu chở hàng. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (UCG) cho biết số lượng tàu chở dầu neo đậu ngoài khơi California hiện đã nhiều đến nỗi họ phải luôn theo dõi sát tình hình vì lo lắng sẽ có rủi ro diễn ra.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu/ngày nhưng con số hiện nay chỉ còn khoảng 65-70 triệu thùng/ngày. Bởi vậy trong kịch bản tệ nhất, khoảng 1/3 nguồn cung toàn cầu hiện nay sẽ bị buộc phải đóng cửa.

Tất nhiên, một số chuyên gia cho rằng tình hình thực tế có thể không nghiêm trọng đến mức đó bởi khả năng tồn trữ dầu sẽ giúp thu hẹp khoảng cách cung cầu. Thêm nữa, nhiều người cho rằng sức cầu hiện nay đã chạm đáy và nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ phục hồi trở lại khi nhiều nền kinh tế nới lỏng lệnh cách ly.

Lọc dầu bị ảnh hưởng

Không riêng gì ngành khai thác dầu mỏ, mảng lọc dầu hiện nay cũng khốn đốn vì giá dầu. Trong tuần qua, một trong những hãng lọc dầu lớn nhất Mỹ là Marathon Petroleum đã phải tuyên bố đóng cửa nhà máy gần San Francisco. Hãng lọc dầu lớn khác là Royal Dutch Shell cũng đã phải tạm đóng cửa 3 nhà máy ở Mỹ.

Trên khắp Châu Âu và Châu Á, nhiều nhà máy lọc dầu đang phải chạy với 50% công suất do không có lợi nhuận. Giá dầu thô dù giảm nhưng nhu cầu thấp khiến đầu ra cũng bị ảnh hưởng.

Trong tuần 13- 17/4, sản lượng lọc dầu tại Mỹ chỉ vào khoảng 12,45 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong ít nhất 30 năm qua nếu không tính những vụ gián đoạn do thiên tai.

Theo các chuyên gia và nhà đầu tư, nhiều nhà máy lọc dầu sẽ còn đóng cửa, nhất là tại Mỹ, sau đó là Châu Âu. Nhu cầu dầu mỏ trên thế giới cũng sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian ngắn.

Giám đốc bộ phận lọc dầu Steve Sawyer của Facts Global Energy nhận định ngành lọc dầu thế giới có thể sẽ phải giảm đến 25% sản lượng trong tháng 5/2020.

"Chẳng ai có thể chống lại xu thế này", Giám đốc Sawyer ngậm ngùi nói.

Nguồn https://cafebiz.vn


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​