Giàn BK-21 - Sức mạnh nội lực của Người Dầu khí
Năm 2020, một trong những thành công đáng tự hào của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là giàn đầu giếng BK-21 mỏ Bạch Hổ, do Vietsovpetro chế tạo, đã khai thác dòng dầu đầu tiên (First Oil) ngày 2-10-2020, vượt tiến độ 28 ngày.


Lễ gắn biển công trình Giàn đầu giếng BK-21, công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Dầu khí, việc Vietsovpetro nói chung, Xí nghiệp Xây lắp, khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu khí (Xí nghiệp Xây lắp) nói riêng, tự thi công giàn BK-21 đã góp phần quan trọng duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm việc làm cho CBCNV, góp phần tăng thêm năng lực, kinh nghiệm trong việc chế tạo giàn khoan.

Không chỉ vậy, khi sản lượng khai thác ở các mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng đã qua điểm đỉnh, việc chế tạo, lắp đặt, hiệu chỉnh, chạy thử và đưa vào khai thác giàn BK-21 là vô cùng quan trọng trong việc gia tăng sản lượng dầu khí, hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác dầu của Vietsovpetro năm 2020.

Và quan trọng hơn hết, thành công của BK-21 là một thành công “biết nói”, khẳng định rõ ràng nhất hai yếu tố: Sức mạnh nội lực và lao động sáng tạo của người dầu khí Việt Nam, cụ thể ở đây là người lao động Vietsovpetro.

Thông thường, với các dự án giàn BK trước đây, Vietsovpetro chủ yếu quản lý và thực hiện các công việc cốt lõi, công nghệ cao, một số hạng mục gia công chế tạo tại bãi lắp ráp Vietsovpetro được thực hiện bởi nhà thầu. Nhưng giàn BK-21 lại khác, đây là lần đầu tiên Xí nghiệp Xây lắp đã thực hiện trọn gói thiết kế, thi công chế tạo cho đến lắp đặt biển. Đặc biệt, giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nguy hiểm nhất lại rơi đúng vào giai đoạn cao điểm thi công, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai chế tạo, xây dựng công trình.


Công trình Giàn đầu giếng BK-21, mỏ Bạch Hổ

Đứng trước nguy cơ đó, Vietsovpetro đã triển khai hàng loạt các giải pháp ứng phó như tăng tiến độ thiết kế, thực hiện khẩn các đơn hàng, rà soát sử dụng vật tư thiết bị tồn kho hoặc tạm sử dụng vật tư thiết bị của công trình có độ ưu tiên thấp cho công trình giàn BK-21; tăng cường phối hợp, đôn đốc các nhà thầu về thời hạn cung cấp hàng đúng theo hợp đồng hoặc giảm tối đa thời hạn bị trễ do ảnh hưởng của dịch bệnh; rà soát tổng thể các công đoạn xây dựng cho toàn bộ công trình để trong trường hợp nhà thầu không thể cung cấp vật tư thiết bị đúng thời hạn do dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng, có giải pháp thi công phù hợp hay biện pháp kỹ thuật thay thế.

Đặc biệt, để chủ động về tiến độ thi công tổng thể của toàn bộ dự án trong điều kiện vật tư thiết bị thiếu, chậm bàn giao từ các nhà thầu, các đơn vị nội bộ trong Vietsovpetro đã tự thực hiện nhiều hạng mục thay vì mua sắm bên ngoài, tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực sẵn có. Và, để có thể sớm nhận được dòng dầu đầu tiên của giàn BK-21, ngoài các giải pháp về xây dựng, Vietsovpetro còn triển khai đồng bộ các hoạt động khác.

Ngoài vận dụng sức mạnh nội lực, lao động sáng tạo, thi đua phát huy sáng kiến, sáng chế đã góp phần quan trọng vào thành công của BK-21 hôm nay. Đặc biệt, trong giai đoạn thi công chân đế giàn BK-21, có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến đã ra đời, không những giúp tiết kiệm chi phí rất lớn mà còn bảo đảm công việc không bị gián đoạn hay chậm trễ một ngày thi công nào.


Chế tạo chân đế giàn BK-21

Điển hình như các sáng kiến “Sử dụng bộ giá đỡ cắt vát mép (cắt platend) cho dây chuyền cuốn ống”, “Sử dụng bộ gom khí trong quá trình cắt kim loại”, “Sử dụng ray dẫn hướng kết hợp máy hàn DC1000 hàn Longseam, Cirseam và hàn nối tôn trong dây truyền cuốn ống và các công việc khác” đã giúp cho công tác cuốn ống được đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm nhân lực, vật lực; giảm thiểu rủi ro hỏng hóc trang thiết bị máy móc trong quá trình thi công; đồng thời bảo đảm chất lượng sản phẩm. Xí nghiệp xây lắp đã tự chủ hoàn toàn trong công tác cuốn ống cho chân đế và cọc của giàn BK-21 theo tiêu chuẩn quốc tế API-2B với tổng trọng lượng lên đến 1.040 tấn, chủ động trong việc cung cấp vật tư, giảm giá thành, rút ngắn được thời gian chế tạo chân đế từ 4 tháng xuống còn 3,2 tháng.

Một sáng kiến quan trọng khác, thể hiện sức mạnh nội lực của Ban Quản lý thi công BK-21 là bộ điều khiển điện tử đắt tiền để đồng bộ 2 đoàn xe khi vận chuyển những mảng kết cấu siêu trường, siêu trọng, giúp tiết kiệm hàng chục nghìn USD và không làm chậm một ngày thi công nào của dự án...

Có thể, thành công của giàn đầu giếng BK-21 là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, dấu ấn đậm nét chính là sức mạnh nội lực được phát huy dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao và tinh thần lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, sáng chế. Thành công của giàn BK-21 đã khẳng định một điều: Khi sức mạnh nội lực được phát huy, khi ý chí và quyết tâm đủ lớn, người lao động dầu khí có thể tự chủ hoàn toàn trong thi công, chế tạo các công trình siêu trường, siêu trọng đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao mà không phải phụ thuộc vào bên ngoài.

 BK-21 là loại giàn mini BK không người ở với 9 lỗ khoan, được điều khiển từ xa từ giàn mẹ là giàn MSP6. Giàn BK-21 cùng các hạng mục công trình kết nối nội mỏ được xây dựng tại mỏ Bạch Hổ, Lô 09-1, thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 125km về phía Đông Nam.

Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​